VNPT mong muốn tham gia các dự án của Chính phủ

Thứ sáu, 17/02/2017 16:03

Ngày 16/2/2017, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có chuyến thăm và làm việc tại Khu Công nghệ cao (CNC) Hòa Lạc, tham quan một số đơn vị đầu tư tại đây như Nhà máy sản xuất thiết bị đầu cuối của VNPT Technology, Làng phần mềm F-Ville 2 của FPT Software.

20170217-m1.JPG
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Nhà máy của VNPT-Technology
 
Cùng dự buổi làm việc còn có UVTW Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; UVTW Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng; UVTW Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng; UVTW Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn; UVTW Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh; UVTW Đảng, Chủ tịch Viện KH&CN Việt Nam Châu Văn Minh cùng lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành trung ương và lãnh đạo UBND Tp.Hà Nội.
 
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Bộ KH&CN và Ban quản lý Khu CNC Hòa Lạc đã báo cáo với Thủ tướng về những điểm đã làm được cũng như những khó khăn cần tháo gỡ để Khu CNC Hòa Lạc đẩy mạnh thu hút đầu tư trong thời gian tới. Theo đó, đến thời điểm này, đơn vị đã nhận được 1.530 ha đất trên tổng số 1.586 ha theo quy hoạch, hiện còn 56 ha đang thực hiện các thủ tục thu hồi đất. Khu CNC Hòa Lạc hiện có 78 dự án đầu tư còn hiệu lực (trong đó có 9 dự án đầu tư nước ngoài, 10 viện nghiên cứu và 3 trường đại học) với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 60.019 tỉ đồng trên tổng diện tích 346,5 ha thuộc các lĩnh vực CNC, đào tạo, thương mại dịch vụ và hạ tầng xã hội. Hiện nay đã có 36 dự án đi vào hoạt động với khoảng trên 10.000 người đang làm việc, học tập. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Khu CNC Hòa Lạc năm 2016 đạt hơn 2,4 tỉ USD với mức xuất khẩu là gần 1,3 tỉ USD, nhập khẩu là gần 1,2 tỉ USD. Trong đó, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã đầu tư xây dựng nhà máy điện tử số 2 tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc với tổng diện tích 3,7 héc ta, gồm 2 khối nhà máy; 1 tòa nhà nghiên cứu và phát triển (R&D); Tòa điều hành và trung tâm đào tạo và Tòa nhà công nghệ cao tầng. Khu Công nghệ cao Hòa Lạc được phát triển để trở thành một thành phố khoa học, nơi thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực nghiên cứu phát triển; đào tạo và ươm tạo; sản xuất sản phẩm công nghệ cao thuộc lĩnh vực: Công nghệ sinh học, CNTT - truyền thông, Công nghệ vật liệu mới và Công nghệ tự động hóa.
 
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn VNPT Trần Mạnh Hùng đề nghị Ban quản lý cần sớm hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, sớm triển khai tuyến xe buýt nhanh hoặc kết nối giao thông từ trung tâm thành phố lên đây để các doanh nghiệp thuận tiện trong việc đi lại. Chủ tịch HĐTV mong muốn Thủ tướng cho phép VNPT tham gia các chương trình dự án của Chính phủ, tham gia sản xuất các thiết bị đầu cuối ngoài viễn thông phục vụ cho các lĩnh vực ngân hàng, thuế, điện lực… Những công nghệ đó, VNPT hoàn toàn có thể sản xuất được.
 
Sau khi thăm một số cơ sở hạ tầng, dự án đầu tư tại Khu CNC Hòa Lạc, kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Chính phủ sẽ ban hành một Nghị định mới về cơ chế chính sách đối với Khu CNC Hòa Lạc, đây sẽ là một nền tảng quan trọng để tạo điều kiện cho hoạt động của Khu CNC Hòa Lạc. Thủ tướng cho rằng, trong thời điểm còn nhiều khó khăn nhưng việc hình thành Khu CNC Hòa Lạc với hiện trạng Khu CNC như hiện nay là điều rất đáng mừng, thu hút được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước.
 
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế của BQL Khu CNC Hòa Lạc như: Số lượng dự án CNC còn quá ít so với các khu công nghiệp điện tử ở nước ta. Công tác giải phóng mặt bằng nhiều năm chưa dứt điểm, chưa có quyết tâm chính trị cao của các cấp, các ngành liên quan. Cùng với đó, Thủ tướng đánh giá sự thu hút, đóng góp cho phát triển của Khu CNC Hòa Lạc chưa đáp ứng kỳ vọng của Đảng, Nhà nước cả về xuất khẩu, giải quyết việc làm, đóng góp cho việc phát triển nền khoa học công nghệ, đóng góp cho chuỗi giá trị công nghệ cao.
 
Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đến tham quan nhà máy sản xuất số 2 của VNPT Technology. Tại đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá cao các thiết bị đầu cuối được VNPT tự thiết kế và sản xuất. Chính thức đi vào hoạt động từ 9/2016, nhà máy của VNPT Technology có 3 dây chuyền SMT với công suất 900.000 linh kiện/giờ (gấp 3 lần công suất nhà máy điện tử số 1; đến giai đoạn 2 nhà máy sẽ có công suất lên gấp 5); 2 dây chuyền DIP, 4 dây chuyền ASM. Các dây chuyền đều có khả năng sản xuất đa dạng tất cả các sản phẩm điện tử VT-CNTT. Tổng công suất 2 nhà máy hiện đạt 1 triệu sản phẩm/tháng, tương đương 12 triệu sản phẩm/năm.
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top