Chủ quyền biển, đảo quê hương là bất khả xâm phạm

Thứ năm, 13/10/2016 16:23

Đó là nguyên tắc "bất di bất dịch" mà PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Bộ Tài nguyên & Môi trường, Giảng viên cao cấp Đại học Quốc gia Hà Nội trao đổi với các học viên tại Hội nghị tập huấn tuyên truyền về biển, đảo, bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa ngày 13/10, tại TP Hồ Chí Minh.

 Biển, đảo – không gian sinh tồn của dân tộc Việt

Theo PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên & Môi trường), Giảng viên cao cấp Đại học Quốc gia Hà Nội trong buổi thuyết trình về tổng quan về vị thế, tiềm năng của biển, đảo Việt Nam trong phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
 
20161013-l6.jpg
Các đại biểu tham dự Hội nghị tập huấn
 
Tại Hội nghị, PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi đã phân tích và làm sáng tỏ về vị trí, tiềm năng của biển, đảo Việt Nam. Theo PGS Nguyễn Chu Hồi, phần lục địa nước ta không có nơi nào cách xa biển trên 500 km (chiều ngang tỉnh Quảng Bình có nơi chưa đầy 50 km), nên yếu tố biển có thể phát huy ảnh hưởng đến mọi miền đất nước. Dải ven biển nước ta không chỉ tạo ra lợi thế “mặt tiền hướng biển” để mở cửa thông thương với thế giới bên ngoài, mà còn có ảnh hưởng rất lớn đối với các vùng lãnh thổ sâu trong đất liền, có thể kết nối biển với vùng lãnh thổ tây nam Trung Quốc, Lào, đông bắc Thái Lan và Cam-pu-chia thông qua hệ thống cảng biển, đường sắt và đường bộ.
 
Ông phân tích cụ thể, năng lực nội sinh và nhu cầu nội vùng của dải ven biển nước ta cũng rất đáng kể: tập trung các nguồn tài nguyên thiên nhiên, các hệ sinh thái quan trọng bậc nhất; tập trung khoảng trên 50% dân số cả nước (tính cho các tỉnh ven biển) và khoảng 30% dân số cả nước (tính cho các huyện ven biển); khoảng 50% các đô thị lớn và trên 200 khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế ven biển lớn đã, đang và sẽ được đầu tư phát triển mạnh. Một dải đất hẹp và bờ biển dài như vậy vừa có lợi thế trong phát triển vừa có giá trị chiến lược về mặt phòng thủ đất nước khi xảy ra chiến tranh.
 
Cũng theo ông, để phát huy thế mạnh và hạn chế điểm yếu, việc tổ chức lại lãnh thổ ven biển, tập trung vào đa dạng hóa và kết nối các loại hình phát triển theo vùng tự nhiên - sinh thái ven biển khác nhau là một nhiệm vụ mang tầm chiến lược. Đặc biệt, trong phát triển kinh tế - xã hội biển, cần chú trọng cả yếu tố truyền thống và hiện đại, chú trọng phát triển các nghề biển xa và chuẩn bị từng bước điều kiện để vươn khơi, vươn ra đại dương và làm chủ đại dương.
 
Tuy nhiên, trong bối cảnh thế giới tiến ra biển và đại dương ở Thế kỷ 21 với các chiến lược biển quốc gia đầy kỳ vọng, và trong xu thế thế giới đang “lấy đại dương nuôi đất liền” như đã phân tích, thì việc nhận diện một “Việt Nam biển” và vị trí quan trọng của nó đối với chiến lược phát triển đất nước như vậy chính là một cách nhìn mới và đầy đủ về “chân dung kinh tế” đất nước. Biển là không gian sinh tồn của dân tộc Việt Nam và phải trở thành yếu tố trọng yếu, không thể thiếu trong chiến lược phát triển kinh tế quốc dân và trong việc lựa chọn con đường đi tới của dân tộc ta. Bởi vậy, chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc là bất khả xâm phạm, nhất là thế hệ trẻ cần phải ý thức được điều đó - PGS.TS Nguyễn Chu Hồi nêu rõ tính cấp bách.
 
Nhận thức về khái niệm chủ quyền biển, đảo còn chưa thỏa đáng
 
Trên thực tế, nhiều chuyên gia hàng đầu Việt Nam về chủ quyền biển, đảo đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hiểu đúng về những khái niệm liên quan tới biển, đảo và chủ quyền. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều người hiểu nhầm các khái niệm cơ bản. Các cán bộ, nhà quản lý, nhất là những cán bộ truyền thông cơ sở cần nắm chắc các khái niệm và thông tin những thông điệp chính xác cho nhân dân và các nhà lãnh đạo để có cách ứng xử phù hợp, hiệu quả trên tiến trình đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
 
Xin dẫn chứng cụ thể, trong số 7 thực thể thuộc quần đảo Trường Sa, mới đây, Tòa trọng tài thường trực PCA khẳng định Châu Viên, Chữ Thập và Gạc Ma là đá (có lãnh hải 12 hải lý), còn Xu Bi, Vành Khăn chỉ là bãi cạn, bãi ngầm lúc chìm lúc nổi nên hoàn toàn không có lãnh hải.
 
20161013-l5.jpg
 PGS.TS Nguyễn Bá Diến trao đổi tại Hội nghị tập huấn
 
Thực tế minh chứng, từ khi Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) ra đời đến nay, đã có hàng nghìn bài báo được nhiều chuyên gia dày công nghiên cứu, phân tích về các khái niệm như đá, cát, bãi ngầm, có nền kinh tế riêng... (theo quy định ở Điều 121 Công ước Luật Biển) nhưng đến gần đây vẫn chưa có sự thống nhất.
 
Theo PGS.TS. Nguyễn Bá Diến, Giám đốc Trung tâm Luật Biển và Hàng hải quốc tế cho rằng, phán quyết vừa rồi của PCA đã làm sáng tỏ thêm các khái niệm liên quan tới chủ quyền biển, đảo, có ý nghĩa về mặt lý luận rất lớn, có thêm sở cứ cho việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam, phản bác các yêu sách phi lý của Trung Quốc. Ông cũng khuyến nghị các cơ quan hữu quan của Việt Nam đầu tư đúng mức hơn cho việc khảo sát, thống kê số liệu chính xác về các thực thể thuộc hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa.
 
Theo chuyên gia Luật biển và hàng hải quốc tế Nguyễn Bá Diến thì, hiện đã có một số tài liệu liệt kê nhưng chưa chính xác về mặt khoa học và pháp lý về chủ quyền biển, đảo của Việt Nam. Ông lý giải,  có tài liệu bảo rằng hiện có 38 thực thể thuộc quần đảo Hoàng Sa, trải dài trong diện tích 16.000km2; và có khoảng 150 hoặc 180 thực thể thuộc khu vực quần đảo Trường Sa. Việc khảo sát thống kê chính xác số liệu các thực thể đòi hỏi phải đầu tư nghiêm túc vì không hề dễ dàng triển khai trong bối cảnh các thực thể có thể liên quan tới nhiều quốc gia khác nhau trong khu vực.
Ngô Xuân Lộc
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top