Bảo mật và an toàn thông tin trong triển khai Chính phủ điện tử tại Việt Nam

Thứ tư, 28/09/2016 14:36

Sáng ngày 28/9, tại Hà Nội, Ban Cơ yếu Chính phủ đã tổ chức Hội thảo “Bảo mật và an toàn thông tin trong triển khai Chính phủ điện tử tại Việt Nam”. Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo các bộ ngành, cán bộ lãnh đạo và phụ trách CNTT các cơ quan, đơn vị ở Trung ương; lãnh đạo UBND, Sở TT&TT các tỉnh/thành phía Bắc, Đà Nẵng, TP.HCM, đại diện một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNTT, an toàn thông tin.

20160928-pg2.jpg

Toàn cảnh Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thiếu tướng Đặng Vũ Sơn, Trưởng ban Cơ yếu Chính phủ nhận định: Trong giai đoạn hiện nay, yêu cầu bảo đảm an toàn thông tin phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước trong lĩnh vực kinh tế - xã hội đặt ra cho Ban Cơ yếu Chính phủ những nhiệm vụ mới hết sức nặng nề. Với chức năng là cơ quan mật mã quốc gia, Ban Cơ yếu Chính phủ đã và đang tập trung củng cố, xây dựng, phát triển hệ thống thông tin mật mã để bảo vệ thông tin bí mật nhà nước, hệ thống chứng thực điện tử chuyên dùng phục vụ các cơ quan thuộc hệ thống chính trị, hệ thống giám sát an toàn thông tin trên mạng CNTT trọng yếu và đẩy mạnh công tác quản lý mật mã dân sự.

CNTT và viễn thông trên thế giới sẽ có những bước phát triển đột phá với nhiều loại hình mới, đa dạng. Mạng Internet sẽ được ứng dụng sâu rộng trong tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, đồng thời sẽ là công cụ đắc lực và hữu hiệu trong việc trao đổi và lưu giữ thông tin của các quốc gia. Chiến tranh mạng sẽ mở rộng cả về quy mô và cường độ với nhiều loại hình tấn công mới. Các quốc gia sẽ phải đối đầu với nguy cơ xảy ra các cuộc chiến tranh phi truyền thống kết hợp với chiến tranh sử dụng vũ khí công nghệ cao...
 
Tại Việt Nam, trong khi Chính phủ đang thúc đẩy phát triển và ứng dụng CNTT, sẽ xuất hiện những nguy cơ mới về mất an toàn thông tin và tiềm ẩn những mối đe dọa nghiêm trọng đến chủ quyền không gian mạng quốc gia, sẽ gia tăng các cuộc tấn công có chủ ý sử dụng công cụ tin học, kỹ thuật thu tin mã thám vào các hệ thống mạng CNTT và viễn thông trọng yếu của các cơ quan Đảng, Nhà nước, mạng liên lạc cơ yếu để thu thập, đánh cắp thông tin bí mật  nhà nước, giả mạo thông tin lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy.
 
Trong bối cảnh đó, Ban Cơ yếu Chính phủ đã chú trọng và đẩy mạnh công tác nghiên cứu, phát triển khoa học công nghệ mật mã; nghiên cứu, thiết kế, chế tạo các chủng loại sản phẩm mật mã đáp ứng yêu cầu bảo mật, an toàn thông tin trong triển khai Chính phủ điện tử, kết hợp triển khai hệ thống chứng thực chữ ký số và giám sát an toàn thông tin và các giải pháp chống mã độc (thiết bị lưu trữ chuyên dụng, máy tính chuyên dụng…).
 
Mục tiêu quan trọng của việc triển khai Chính phủ điện tử là góp phần xây dựng một Chính phủ kiến tạo, phục vụ nhân dân; trong đó yêu cầu bảo mật và an toàn  thông tin là yếu tố rất quan trọng, ông Đặng Vũ Sơn nhấn mạnh.
 
Chia sẻ quan điểm với ông Đặng Vũ Sơn, ông Nguyễn Thanh Hải, Cục trưởng Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT cho hay, Chính phủ hiện đang chủ trương đẩy mạnh Chính phủ điện tử, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.
 
Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực BCVT và CNTT, Bộ TT&TT đã tham mưu cho Đảng và Nhà nước ban hành nhiều văn bản quan trọng về triển khai Chính phủ điện tử và bảo đảm an toàn thông tin. Bộ đã triển khai đồng bộ công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực CNTT, an toàn thông tin.
 
20160928-pg1.jpg
 Ông Nguyễn Thanh Hải, Cục trưởng Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT phát biểu tại Hội thảo
 
Tuy nhiên, Cục trưởng Cục An toàn thông tin cũng cảnh báo, cùng với sự phát  triển của ứng dụng CNTT, triển khai Chính phủ điện tử, các nguy cơ về an toàn thông tin đang là những thách thức lớn. Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, Việt Nam luôn nằm trong top các nước bị lây nhiễm mã độc rất cao và là mục tiêu của nhiều cuộc tấn công mạng có chủ đích. Điều đó gây ra nhiều rủi ro rất lớn cho hoạt động của các cơ quan, tổ chức. Trong khi đó, lực lượng cán bộ an toàn thông tin trong nước còn ít và bị động khi đối phó với các sự cố an toàn thông tin, sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức còn chưa đồng bộ.
 
Ông Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện các quy định của Nhà nước về bảo đảm an toàn thông tin như Luật An toàn thông tin mạng, các Nghị định hướng dẫn cùng các văn bản luật khác như Luật cơ yếu, Pháp lệnh bảo vệ bí mật nhà nước... là hết sức cần thiết và là cơ sở để thực hiện thành công Chính phủ điện tử. Vai trò của các cơ quan chuyên trách bảo đảm bảo mật và an toàn thông tin cũng rất quan trọng và cần sự phối hợp của các cơ quan chủ quản các hệ thống thông tin, ông Nguyễn Thanh Hải cho biết thêm.
 
Tại Hội thảo, ông Nguyễn Lê Phúc, đại diện Cổng TTĐT Chính phủ cho biết, về triển khai Nghị quyết 36a về Chính phủ điện tử, đến nay đã có 24/30 Bộ, ngành và 63/63 tỉnh, thành đã hoàn thành kết nối liên thông phần mềm quản lý văn bản tới Văn phòng Chính phủ, hình thành hệ thống quản lý văn bản điện tử thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Đây là tiền đề quan trọng để giảm tỷ lệ sử dụng giấy tờ, giảm thời gian xử lý công việc, góp phần cải cách thủ tục hành chính.
 
Về công khai tiến độ giải quyết hồ sơ của các Bộ, ngành, địa phương trên Cổng TTĐT Chính phủ, đã có 19/22 Bộ, ngành và 63/63 địa phương công khai tiến độ giải quyết công việc. Cụ thể, tại TP.HCM, người dân, doanh nghiệp có thể tra cứu thông tin về tình hình, kết quả xử lý hồ sơ tại từng cơ quan, cấp chính quyền trực thuộc.
 
Ông Nguyễn Lê Phúc cũng nhấn mạnh, Văn phòng Chính phủ bên cạnh việc phát triển Chính phủ điện tử đặc biệt quan tâm đến công tác an toàn thông tin. Theo đó, Văn phòng Chính phủ đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng của Bộ TT&TT, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an nhằm tăng cường bảo đảm an toàn thông tin. Bên cạnh đó, còn có sự tham gia tích cực của các tập đoàn kinh tế lớn về CNTT như Viettel, VNPT.
 
Cũng tại Hội thảo, đại diện đến từ Bộ Tài chính, Sở TT&TT Đà Nẵng, Tập đoàn Viettel đã chia sẻ kinh nghiệm triển khai chính quyền điện tử, việc bảo đảm an toàn thông tin cho các dịch vụ công và hệ thống thông tin...; đại diện đến từ các Bộ ngành, doanh nghiệp cũng đã trao đổi những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ, những kỹ thuật về bảo mật, an toàn thông tin, cơ chế phối hợp giữa các Bộ, ngành phục vụ cho việc triển khai Chính phủ điện tử và đảm bảo an toàn thông tin./.
Giang Phạm
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top