Xây dựng đô thị thông minh góp phần giải quyết hiệu quả các vấn đề nảy sinh trong quá trình đô thị hóa

Thứ tư, 14/09/2016 23:28

Chiều ngày 14/9/2016, tại Hà Nội, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đến thăm và làm việc với Bộ TT&TT. Tham dự buổi làm việc có Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, các Thứ trưởng : Nguyễn Minh Hồng, Phạm Hồng Hải, Hoàng Vĩnh Bảo và đại diện lãnh đạo các đơn vị, doanh nghiệp trực thuộc Bộ.

20160914-pg3.jpg
 
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Thảo Anh
 
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nhận định: Hiện nay, các đô thị lớn là các đầu tàu kinh tế, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của cả đất nước. Cụ thể, theo báo cáo của Tổng cục thống kê năm 2015, 5 thành phố trực thuộc Trung ương (Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ) và 2 tỉnh Bình Dương, Đồng Nai tuy chỉ chiếm 5,5% diện tích cả nước, 26,7% dân số, 24,9% lao động nhưng đóng góp 52,6% GDP, 71,4% thu ngân sách và 48,8% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Năng suất lao động bình quân đầu người của 7 tỉnh thành này gấp 3,3 lần năng suất lao động bình quân của 56 tỉnh còn lại. Cường độ hoạt động kinh tế (GDP/diện tích) gấp 19 lần; Cường độ hoạt động ngân sách (thu ngân sách/diện tích) gấp 42,7 lần. Từ những con số trên, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: Quản lý đô thị phải khác với quản lý nông thôn, cần phải quản lý nhanh, kịp thời, với cường độ cao.  
 
Theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, nhìn ra khu vực và thế giới đã xuất hiện xu hướng phát triển đô thị thông minh. Theo đó, năm 2003, Chính phủ Hàn Quốc đề ra chiến lược phát triển U-Korea, tháng 6/2011, Seoul công bố kế hoạch “Seoul thông minh  2015”. Năm 2007, EU bắt đầu triển khai một loạt mục tiêu xây dựng thành phố thông minh, kinh tế thông minh, môi trường thông minh, giao thông thông minh, cuộc sống thông minh, con người thông minh. Tiêu biểu là các thành phố Stockhom, Copenhagen, Barcelona, Helsinki, Vienna. Trong khu vực ASEAN, tháng 11/2014, Singapore là quốc gia đầu tiên công bố kế hoạch xây dựng Quốc gia thông minh. Còn tại Ấn Độ, năm 2014, Thủ tướng Ấn Độ tuyên bố xây dựng đề án 100 thành phố thông minh ở Ấn Độ.
 
Theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, đô thị thông minh ở đây cần được hiểu là sử dụng CNTT để giải quyết bốn vấn đề phát sinh trong quá trình đô thị hóa một cách hiệu quả hơn. Đó là: Dân số đô thị tăng, số đô thị tăng…từ đó gây áp lực lên môi trường, giao thông, dịch vụ y tế, nhà ở…; Hạ tầng  (điện, nước, giao thông) lạc hậu, quá tải; Cạnh tranh kinh tế giữa các đô thị, giữa các vùng tăng; Đòi hỏi của người dân về chất lượng cuộc sống tăng (môi trường, giáo dục, y tế, chính quyền…).
 
Tuy nhiên, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân lưu ý đô thị thông minh không phải đơn thuần là đầu tư cho CNTT. Bản thân CNTT không thể giải quyết các vấn đề bức xúc trong quá trình đô thị hóa. Đô thị thông minh phải xuất phát từ nhu cầu của người lãnh đạo, là bài toán của các nhà quản lý. Người lãnh đạo ở đây chính là Chủ tịch, Bí thư tỉnh ủy, không phải là Giám đốc Sở TT&TT.
 
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nêu rõ năm mục tiêu cần đạt được khi triển khai đô thị thông minh. Hiệu quả kinh tế ở các đô thị phải cao hơn. Đến năm 2025, diện tích đô thị khoảng 10% diện tích cả nước, tỷ lệ đô thị hóa khoảng 50% dân số, tạo ra khoảng 75% GDP. Môi trường sống phải tốt hơn; Người dân được chính quyền và doanh nghiệp phục vụ tốt hơn; Người dân tham gia quản lý đô thị và giám sát chính quyền; Thành phố phát triển bền vững. Ông đặc biệt nhấn mạnh vai trò của giám sát của người dân và coi đây là động lực thúc đẩy chính quyền trở nên năng động, hiệu quả hơn.
 
Trên cơ sở các mục tiêu trên, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đề xuất Chiến lược 2 cánh và 10 nhiệm vụ ưu tiên trong giai đoạn 2016-2020. Cánh 1 là Quy hoạch thông minh thành phố phát triển bền vững, bao gồm hai nhiệm vụ là xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung và quy hoạch thông minh, giám sát các tiêu chí phát triển bền vững. Cánh 2 là Quản lý ngành thông minh – Công dân thông minh – Doanh nghiệp thông minh. Ông nhấn mạnh, phải triển khai đồng thời các nhiệm vụ thuộc cả hai cánh. Với cánh 1, triển khai nhiệm vụ 1 rồi đến nhiệm vụ 2. Với cánh 2, tùy điều kiện và tình hình của thành phố, có thể chọn bất cứ nhiệm vụ nào trong số các nhiệm vụ để ưu tiên triển khai trước.
 
Trao đổi với Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn khẳng định, việc xây dựng đô thị thông minh hiện nay đang là xu hướng nổi bật trên thế giới, góp phần giải quyết các vấn đề cấp bách trong quá trình đô thị hóa, cải thiện hiệu quả cơ sở hạ tầng. Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm các nước đi trước trong xây dựng đô thị thông minh, chính quyền điện tử, quản lý môi trường thông minh, năng lượng thông minh, y tế thông minh, giáo dục thông minh, cho đến phòng chống thảm họa nhờ ứng dụng CNTT...
 
Xu thế phát triển đô thị thông minh cũng đã được thể hiện trong Quyết định số 1819/QĐ-TTg ngày 26/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2016 – 2020, đã đặt mục tiêu phát triển 3 đô thị thông minh tại Việt Nam. Hiện nay, Cần Thơ, Huế, Bình Dương, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh đang chuẩn bị triển khai đô thị thông minh, Bộ trưởng cho biết.
 
Bộ trưởng khẳng định 4 giải pháp, 5 mục tiêu và 10 nhiệm vụ Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đã nêu là những tiền đề, gợi ý rất quan trọng, giúp Bộ TT&TT và chính quyền đô thị trong cả nước có nền tảng cơ sở để tiếp tục phát triển đô thị thông minh tại từng địa phương.
 
Bộ trưởng cũng chỉ rõ vai trò, trách nhiệm của ngành TT&TT đối với yêu cầu phát triển, xây dựng thành phố thông minh.  Đó là đánh giá đầy đủ, toàn diện tình hình ứng dụng CNTT tại các thành phố lớn; Xây dựng các tiêu chí, tiêu chuẩn Thành phố thông minh (có mấy loại Thành phố thông minh, thông minh đến đâu, cấp độ nào…); Tình hình ứng dụng CNTT ở Việt Nam nói chung và các thành phố đáp ứng đến đâu cho việc xây dựng thành phố thông minh? Trong thời gian ngắn sắp tới, hiện trạng này cần phải được cải thiện như thế nào?
 
20160914-pg1.jpg
 
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn khẳng định vai trò, trách nhiệm của ngành TT&TT đối với yêu cầu phát triển, xây dựng thành phố thông minh. Ảnh: Thảo Anh
 
Bộ trưởng cho rằng, Chính phủ cần đặt hàng các doanh nghiệp CNTT lớn của ngành TT&TT như VNPT, Viettel, FPT, MobiFone... có những đầu tư sớm cho công nghệ thành phố thông minh, để khi cần có thể đáp ứng được ngay những tiêu chí cũng như yêu cầu năng lực của chính quyền các thành phố khi lựa chọn đối tác xây dựng thành phố thông minh. Ngoài ra, cần sớm triển khai xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu dùng chung của quốc gia và các tỉnh, thành phố với cơ chế kết nối thuận tiện, rõ ràng. Bên cạnh việc xây dựng các thành phố thông minh cũng cần tính đến xây dựng các Bộ, ngành, chính quyền thông minh để vận hành một cách đồng bộ, hiệu quả, Bộ trưởng nhấn mạnh.../.
Giang Phạm
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top