Nghiên cứu, biên soạn lịch sử ngành TT&TT: nhu cầu tất yếu, bắt buộc và trách nhiệm

Thứ sáu, 05/08/2016 19:46

Đó là khẳng định của đa số các đại biểu tham dự Hội thảo “Nghiên cứu, biên soạn lịch sử ngành TT&TT giai đoạn 1945 - 2015” do Bộ TT&TT tổ chức ngày 5/8/2016, tại TP Đà Nẵng.

Hội thảo có sự tham dự của TS. Trần Đức Lai – Nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT; PGS,TS Nguyễn Văn Vĩnh – Phó Viện trưởng Viện Chính trị, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; đại diện lãnh đạo Cơ quan thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương tại Đà Nẵng; đại diện lãnh đạo các Sở TT&TT, Bưu điện, Viễn thông, một số cơ quan báo chí, xuất bản, phát thanh, truyền hình đóng trên địa bàn TP. Đà Nẵng, các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên và một số cơ quan, đơn vị thuộc Bộ.

20160805-L00.jpg

Ảnh tư liệu - Nguồn Internet

TT&TT là ngành chính trị, kinh tế và kỹ thuật tổng hợp, làm nền tảng cho sự phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh, quốc phòng của đất nước. Thời gian qua, ngành TT&TT đã có sự phát triển vượt bậc, luôn giữ vững được tốc độ tăng trưởng cao, phục vụ đắc lực cho công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
 
Từ khi thành lập đến nay, ngành TT&TT dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước đã cùng nhân dân cả nước giành được những thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, góp phần viết nên những trang sử vẻ vang của Đảng, của dân tộc. Đến nay, đã có hàng nghìn công trình nghiên cứu về cuộc đấu tranh, bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước được biên soạn, xuất bản, trong đó ngành TT&TT đã có đóng góp gần 80 công trình. Đây là những trang sử vàng sáng chói, ghi lại những đóng góp, hy sinh của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của ngành qua các thế hệ.
 
Tuy vậy, do những nguyên nhân khách quan và chủ quan, đến nay vẫn chưa có công trình lịch sử nào nghiên cứu, biên soạn một cách có hệ thống và khoa học về ngành TT&TT với đầy đủ 5 lĩnh vực: báo chí; xuất bản; bưu chính; viễn thông; công nghệ thông tin, mà chỉ có công trình nghiên cứu, biên soạn riêng cho từng lĩnh vực. Ý thức được điều này, lãnh đạo Bộ TT&TT đã thống nhất chủ trương giao cho Ban Lịch sử - Truyền thống (Bộ TT&TT) tổ chức hội thảo để xin ý kiến các đồng chí lão thành cách mạng của ngành, các đồng chí lãnh đạo, các nhà khoa học, chuyên gia lịch sử về việc nghiên cứu, biên soạn lịch sử ngành TT&TT, từ đó làm cơ sở, tiền đề cho những công việc tiếp theo trong công tác nghiên cứu, biên soạn, xây dựng lịch sử ngành TT&TT.
 
Với 16 ý kiến phát biểu và tham luận tại Hội thảo, đa số các đại biểu đều khẳng định sự cần thiết phải nghiên cứu, biên soạn lịch sử ngành TT&TT, đó là một nhu cầu tất yếu, bắt buộc và trách nhiệm. Nhiều ý kiến rất đáng trân trọng đã trao đổi về kinh nghiệm viết lịch sử, về phương pháp luận nghiên cứu, biên soạn lịch sử ngành; tư vấn về cách thức thực hiện như lập đề án/dự án, đề cương khung, sườn hay sự cần thiết của việc mở một diễn đàn trên Cổng thông tin điện tử của Bộ; việc đẩy mạnh, tăng cường công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử ngành, v.v…
 
Đây là năm đầu tiên ngành TT&TT được Thủ tướng Chính phủ quyết định lấy ngày 28/8 hàng năm là Ngày truyền thống ngành TT&TT. Với quyết tâm và nhiệt huyết, sự tâm huyết của các cán bộ, công chức, viên chức và người lao động toàn ngành qua các thế hệ, dưới sự lãnh đạo và chỉ đạo trực tiếp của Ban Cán sự Đảng Bộ TT&TT, cùng với sự cố gắng của các đơn vị chức năng của Bộ, chắc chắn dự án nghiên cứu, biên soạn lịch sử ngành TT&TT sẽ thành công và đạt chất lượng, hiệu quả như mong muốn./.
Hoàng Giang (Đại diện Văn phòng Bộ tại Miền Trung - Tây Nguyên)
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top