Đổi mới quy hoạch - bước đột phá trong quản lý báo chí

Thứ ba, 19/07/2016 08:09

Đại hội lần thứ XII của Đảng đã đề ra nhiều chủ trương, giải pháp lãnh đạo công tác quản lý báo chí, xây dựng “binh chủng” mũi nhọn của công tác tư tưởng-văn hóa thật sự vững mạnh, tinh nhuệ, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN. Thời gian qua, những chủ trương, biện pháp ấy đã được triển khai nhanh chóng và hiệu quả, tạo ra nhiều bước đột phá mới trong công tác quản lý báo chí nhưng cũng còn nhiều khó khăn cần sớm khắc phục...

Quy hoạch và quản lý: Những việc cần làm ngay
 
Báo cáo chính trị tại Đại hội XII của Đảng đã chỉ rõ những hạn chế, bất cập của báo chí, truyền thông hiện nay: “Hệ thống thông tin đại chúng phát triển thiếu quy hoạch khoa học, gây lãng phí nguồn lực và quản lý không theo kịp sự phát triển. Một số cơ quan truyền thông có biểu hiện thương mại hóa, xa rời tôn chỉ, mục đích, chưa làm tốt chức năng định hướng dư luận và xây dựng con người...”.
 
 2016719-m1.jpg
 Quán triệt, thực hiện Luật Báo chí năm 2016
 
Trên cơ sở đó, Đảng ta xác định phương hướng: “Làm tốt công tác lãnh đạo, quản lý báo chí, xuất bản. Các cơ quan truyền thông phải thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, đối tượng phục vụ, nâng cao tính tư tưởng, nhân văn và khoa học, đề cao trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, góp phần xây dựng văn hóa và con người Việt Nam. Quy hoạch, sắp xếp lại hệ thống báo chí đáp ứng yêu cầu phát triển, bảo đảm thiết thực, hiệu quả. Chú trọng công tác quản lý các loại hình thông tin trên internet để định hướng tư tưởng và thẩm mỹ cho nhân dân, nhất là cho thanh niên, thiếu niên”.
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn về vai trò của báo chí: “Ngòi bút là vũ khí chiến đấu, bài báo là tờ hịch của cách mạng”. Luật Báo chí 2016 một lần nữa khẳng định: “Báo chí ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội; là cơ quan ngôn luận của cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức chính trị xã hội-nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội-nghề nghiệp; là diễn đàn của Nhân dân”. Văn kiện Đại hội XII của Đảng khi đề cập về báo chí đã nhấn mạnh công tác quy hoạch và quản lý báo chí. Đó cũng là những khâu yếu, hạn chế nổi cộm, là “những việc cần làm ngay” trong đời sống báo chí hiện nay cần khắc phục để báo chí xứng đáng với sứ mệnh to lớn của nó.
 
Phát biểu tại Đại hội lần thứ X Hội Nhà báo Việt Nam cách đây ít lâu, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra 5 nhiệm vụ lớn báo chí cần thực hiện. Trong đó, đầu tiên, cần xác định báo chí là công cụ đắc lực của Đảng trên mặt trận tư tưởng, mỗi người làm báo là một chiến sĩ cách mạng. Đảng lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện hoạt động báo chí. Nhà nước quản lý báo chí bằng pháp luật. Tổng Bí thư cũng yêu cầu phải đổi mới sự lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý báo chí; bảo đảm nguyên tắc phát triển phải đi đôi với quản lý và quản lý phải theo kịp sự phát triển. Tạo điều kiện thuận lợi cho báo chí  hoạt động có chất lượng và hiệu quả.
 
Gặp mặt lãnh đạo các cơ quan báo chí vào ngày 21-6-2016 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu sớm triển khai đưa Luật Báo chí 2016 vào cuộc sống, đồng thời nghiêm túc thực hiện chủ trương của Đảng về Quy hoạch báo chí.
 
Những chỉ đạo, quan điểm nêu trên một lần  nữa cho thấy báo chí luôn được lãnh đạo Đảng, Nhà nước quan tâm, tích cực cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Trong đó, tăng cường công tác quy hoạch báo chí là một trong những nhiệm vụ hàng đầu hiện nay.
 
Tinh gọn và tinh nhuệ
 
Đột phá nổi bật thời gian qua phải kể đến việc Quốc hội đã thông qua Luật Báo chí 2016. Sau 30 năm đổi mới, đây là lần thứ hai Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí mà văn bản luật đầu tiên ra đời từ năm 1989. Lần sửa đổi, bổ sung này mang tính toàn diện, cập nhật hàng loạt vấn đề mới đáp ứng yêu cầu quản lý và phát triển của báo chí, không dừng ở những sửa đổi cục bộ. Điều đó cũng thể hiện bước tiến mới về quản lý báo chí của Nhà nước pháp quyền XHCN. Nhà nước quản lý xã hội, quản lý báo chí bằng pháp luật và muốn quản lý tốt trước hết phải hoàn thiện hành lang pháp luật thật tốt.
 
Điểm nhấn thứ hai trong việc cụ thể quan điểm, chủ trương của Đảng về quản lý báo chí phải kể đến việc hoàn thiện và triển khai “Đề án Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025”.
 
Những định hướng lớn trong Đề án được Bộ Thông tin và Truyền thông công bố thời gian qua được dư luận đồng tình, cho thấy nhiều giải pháp mạnh mẽ. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử 91 năm của nền báo chí cách mạng Việt Nam, nước ta có một quy hoạch báo chí bài bản, đáp ứng được yêu cầu sôi động của đời sống báo chí. Tinh thần chung của đề án đã định hướng quy hoạch cả báo và tạp chí in, phát thanh và truyền hình, báo điện tử theo hướng phát triển nhưng phải tinh gọn, hiệu quả. Theo nội dung Đề án, có nhiều biện pháp khá “mạnh tay” như sắp xếp hệ thống các cơ quan báo in gắn với các giải pháp đổi mới mô hình tổ chức, quản lý theo hướng giảm số lượng cơ quan báo in. Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 1 cơ quan báo in thuộc Đảng bộ cấp tỉnh, 1 cơ quan tạp chí in thuộc hội văn học - nghệ thuật tỉnh. Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 1 đài phát thanh, truyền hình. Mỗi đài chỉ có 1 kênh phát thanh, 1 kênh truyền hình quảng bá phục vụ nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền. Các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, doanh nghiệp nhà nước chỉ có tạp chí điện tử, không có báo điện tử...
 
Đề án quy hoạch đã giúp khắc phục tình trạng “trăm hoa đua nở” đến mức có lúc có nơi “lạm phát” báo chí, chồng chéo, trùng lặp về thông tin, tạo gánh nặng ngân sách, gây lãng phí. Tại hội thảo khoa học quốc gia “Đào tạo, bồi dưỡng báo chí-truyền thông ở Việt Nam hiện nay”, PGS, TS Tạ Ngọc Tấn  (Hội đồng Lý luận Trung ương) đã phân tích kinh nghiệm của thời kỳ chống Mỹ, cả miền Bắc chỉ có 134 tờ báo và tạp chí các loại, trong đó có 5 tờ báo hằng ngày nhưng tác động của báo chí đối với xã hội vô cùng mạnh mẽ, thật sự là vũ khí sắc bén góp phần to lớn vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc. Ngày nay, tính đến cuối năm 2015, cả nước có 857 cơ quan báo chí với gần 1.120 ấn phẩm; 67 đài phát thanh-truyền hình, 105 kênh truyền hình quảng bá, có tới 1.500 trang thông tin điện tử và 420 mạng xã hội được cấp phép hoạt động... PGS, TS Tạ Ngọc Tấn đã chỉ ra nhiều hạn chế của báo chí, truyền thông hiện nay và cho rằng: “Có thực mới vực được đạo”, phải có sức mạnh thực tế mới tạo dựng được niềm tin.
 
Theo Đề án quy hoạch, với báo in, trước năm 2017 tiến hành sắp xếp thí điểm tại một số cơ quan, địa bàn để rút kinh nghiệm trước khi triển khai trong cả hệ thống. Đến năm 2020, cơ bản hoàn thành việc sắp xếp. Các cơ quan chỉ có báo điện tử sắp xếp trước năm 2017. Đến năm 2020, các đài phát thanh truyền hình hoàn thành việc sắp xếp.
 
Thời gian qua, nhiều bộ, ngành, địa phương trong cả nước đã tích cực, chủ động xây dựng, triển khai Đề án quy hoạch báo chí. Một trong những đơn vị tiên phong đi đầu là Bộ Giao thông vận tải, từ chỗ có 7 cơ quan báo chí nay chỉ còn 1 báo, 1 tạp chí. Nhà báo Nguyễn Bá Kiên, Tổng biên tập Báo Giao thông vận tải, cho biết: “Việc quy hoạch lại các cơ quan báo chí là cần thiết, vì hiện nay rất nhiều cơ quan báo chí ra đời nhưng không phát triển được, tồn tại cũng khó khăn. Nhìn cả ở khía cạnh kinh tế và hiệu quả truyền thông phần lớn là thấp, gây lãng phí cho xã hội.  Trước đây, các tạp chí phần lớn chỉ in trên dưới 1.000 bản, chủ yếu phát trong nội bộ nên hiệu quả truyền thông thấp. Nay truyền thông trên Báo Giao thông vận tải, một bài viết về các hoạt động của đơn vị cả nước đọc, độ lan tỏa thông tin tốt hơn, nhanh hơn. Đồng thời, nếu như trước đây để duy trì một tạp chí hoạt động, mỗi năm mất từ 1,5- 3 tỷ đồng, thì nay các cơ quan này cũng giảm được hàng tỷ đồng mỗi năm”.
 
Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn, Bộ Công Thương, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an... cũng là những đơn vị sớm triển khai đề án quy hoạch mới, có tính khả thi. 
 
Những vấn đề đặt ra
 
Mặc dù đổi mới quy hoạch báo chí đang được triển khai tích cực nhưng cũng đặt ra không ít khó khăn cần giải quyết. Theo tính toán của các chuyên gia, việc sắp xếp lại hơn 800 cơ quan báo chí sẽ liên quan đến việc làm của hàng vạn người. Cùng với đó, còn nhiều vấn đề đặc thù như những địa phương là trung tâm kinh tế, chính trị của đất nước thì cần có số lượng cơ quan báo chí nhiều hơn các địa phương khác; nhiều tờ báo cơ quan chủ quản chỉ là các đoàn thể, hội nghề nghiệp, theo quy hoạch phải sắp xếp nhưng lại đang có ảnh hưởng xã hội, số lượng phát hành và bạn đọc lớn... Có một số địa phương vẫn chưa bám sát định hướng của Đề án toàn quốc. Chẳng hạn ở Thanh Hóa, hiện có 5 cơ quan báo chí gồm: Báo Thanh Hóa, Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa, Báo Văn hóa và Đời sống, Tạp chí xứ Thanh và Tạp chí Khoa học của Trường Đại học Hồng Đức. Trong đó, Báo Văn hóa và Đời sống chỉ là tờ báo nhỏ trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhưng trong Đề án quy hoạch của UBND tỉnh Thanh Hóa mới đây, tỉnh này vẫn đề xuất giữ nguyên cả 5 tờ báo và tăng thêm kỳ cùng số lượng phát hành... Điều này có thể dẫn đến phá vỡ quy hoạch chung của toàn quốc và tiếp tục gây lãng phí, kém hiệu quả
 
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cho biết, có tờ báo chỉ là cơ quan của một Thành Đoàn, nhưng không chỉ có ảnh hưởng trong tuổi trẻ, thành đoàn mà còn là tờ báo về kinh tế chính trị của cả nước, theo Đề án Quy hoạch sẽ không được tồn tại báo in. Hoặc có tờ báo điện tử với lượng độc giả lớn, thuộc tốp 5 trong làng báo điện tử, nhưng lại là báo của một hội nghề nghiệp; trong khi theo Đề án Quy hoạch thì hội nghề nghiệp không có báo điện tử, chỉ có tạp chí... Đây thực sự là bài toán khó đòi hỏi tất cả các cấp phải cùng chung sức giải quyết.
 
Để triển khai công tác quy hoạch hiệu quả, theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, phải thực hiện tốt giai đoạn thí điểm từ nay đến năm 2017. Trên cơ sở kết quả thí điểm, các cơ quan chủ quản cần rà soát, đánh giá, sắp xếp lại các cơ quan báo chí thuộc quyền để triển khai nhân rộng mô hình, trong đó chú ý tính đặc thù của một số cơ quan báo chí có lượng phát hành lớn, có ảnh hưởng xã hội rộng, có lộ trình và bước đi cụ thể, chắc chắn theo tinh thần “việc dễ làm trước, việc khó làm sau”.
 
Từ kinh nghiệm sắp xếp báo chí của Bộ Giao thông vận tải, nhà báo Nguyễn Bá Kiên đề xuất, nên sắp xếp quy hoạch những tờ yếu trước, những tờ mà thu không đủ chi, quy mô nhỏ, truyền thông không hiệu quả. Quá trình thực hiện không nên cứng nhắc theo kiểu mỗi tỉnh, thành phố hay mỗi bộ, ngành chỉ có một tờ báo và một tạp chí. Muốn thực hiện thành công, trước hết để các cơ quan chủ quản tự sắp xếp trước.
 
Để sớm cụ thể hóa quan điểm đúng đắn của Nghị quyết Đại hội XII của Đảng về quy hoạch và quản lý báo chí, các cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí cần nghiên cứu, bám sát quy hoạch chung của quốc gia, nắm vững thực tế báo chí của mình, kiên quyết bỏ hoặc rút gọn ở những nơi kém hiệu quả. Quy hoạch báo chí phải khắc phục tình trạng chồng chéo, dàn trải, buông lỏng quản lý, xa rời tôn chỉ, mục đích. Đồng thời, phải chú trọng phát triển nguồn lực cả về cơ sở vật chất và nhân lực gắn với triển khai các quy định mới về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam đang được triển khai xây dựng hiện nay.
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top