Tổng hợp trả lời kiến nghị của Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Thứ sáu, 08/07/2016 16:07

(Kèm theo Công văn số 544/VP-TKTH ngày 08/7/2016 của Văn phòng Bộ Thông tin và Truyền thông)

I. Báo chí, phát thanh truyền hình và thông tin điện tử
 
Câu hỏi 1: Đề nghị Bộ TTTT có hướng dẫn cụ thể về công tác tổ chức giao ban báo chí định kỳ để thống nhất phương thức giữa các địa phương (thời gian, đơn vị chủ trì, thành phần tham dự, nội dung giao ban) (Sở TTTT Đăk Nông, Đại diện Văn phòng Bộ tại miền Trung - Tây Nguyên).
Trả lời
Theo quy định của Luật Báo chí hiện hành, nội dung quản lý nhà nước về báo chí đã được quy định rất cụ thể tại Ðiều 17 của Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Báo chí; Điều 10 Nghị định số 51/2002/NĐ-CP ngày 26/4/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Báo chí cũng xác định:
Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện quản lý Nhà nước về báo chí trong phạm vi địa phương theo sự phân cấp của Chính phủ. Sở Văn hóa - Thông tin (nay là Sở Thông tin và Truyền thông) giúp UBND tỉnh, thành phố thực hiện chức năng quản lý nhà nước về báo chí. Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý nhà nước về báo chí ở địa phương cũng được pháp luật về báo chí hiện hành quy định rất cụ thể.
Như vậy, để bảo đảm thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về báo chí ở địa phương, UBND tỉnh, thành phố (cơ quan quản lý nhà nước về báo chí ở địa phương) chủ trì tổ chức giao ban báo chí định kỳ; Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh, thành phố căn cứ đặc điểm, tình hình cụ thể về hoạt động báo chí của địa phương mình để giúp UBND tổ chức giao ban báo chí.
Thành phần dự giao ban báo chí gồm:
- Đại diện lãnh đạo cơ quan chỉ đạo báo chí của địa phương (Tỉnh ủy, Thành ủy, Ban Tuyên giáo).
- Đại diện lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nước về báo chí (lãnh đạo UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông).
- Đại diện Hội Nhà báo tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
- Đại diện lãnh đạo các cơ quan báo chí của địa phương
- Ngoài ra, căn cứ nội dung, tính chất của buổi giao ban, có thể mời thêm Trưởng Văn phòng đại diện hoặc phóng viên thường trú của các cơ quan báo chí trung ương và địa phương khác đóng trên địa bàn; đại diện lãnh đạo các cơ quan khác liên quan đến hoạt động thông tin báo chí ở địa phương.
 
Câu hỏi 2: Đề nghị Bộ có văn bản hướng dẫn về phí và lệ phí cấp phép, cấp giấy phép cho các điểm kinh doanh trò chơi điện tử theo quy định tại Nghị định số 72/2013/NĐ-CP để đơn vị có cơ sở triển khai tại địa phương (Sở TTTT Đăk Nông).
Trả lời
Triển khai thực hiện Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Bộ TTTT, Bộ đang chỉ đạo xây dựng dự thảo Thông tư quy định phí, lệ phí trong lĩnh vực thông tin điện tử trong đó có lệ phí cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện của điểm cung cấp trò chơi điện tử công cộng. Tuy nhiên, theo chức năng, nhiệm vụ thì Bộ Tài chính là cơ quan sẽ ban hành Thông tư trên, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính để xem xét ban hành từ tháng 10/2014. Bộ TTTT sẽ có văn bản đề nghị Bộ Tài chính hướng dẫn vấn đề này theo tinh thần của Luật phí, lệ phí số 97/2015/QH13 đã được Quốc hội khóa 13 thông qua ngày 25/11/2015.
 
II. Lĩnh vực bưu chính
 
Câu hỏi 3: Đề nghị Bộ làm việc với Bộ Giao thông Vận tải xem xét làm rõ các quy định về vận chuyển và phát các gói, kiện hàng hoá giữa doanh nghiệp bưu chính với doanh nghiệp vận tải (Sở TTTT TP. HCM).
Trả lời
Trước đây, trong quá trình xây dựng quy định về chuyển phát, Bộ Thông tin và Truyền thông đã làm việc với Bộ Giao thông vận tải về vấn đề này. Tuy nhiên, do dịch vụ bưu chính và dịch vụ vận tải hàng hoá thông thường có nhiều điểm chung và tương đồng nên việc phân định rạch ròi giữa 2 loại dịch vụ này là rất khó khăn.
Theo các quy định của pháp luật, đây là 2 ngành nghề kinh doanh có điều kiện và được quản lý, điều chỉnh bởi hệ thống pháp luật khác nhau và do các cơ quan quản lý nhà nước khác nhau thực hiện. Do vậy, các doanh nghiệp tự chủ động xác định lĩnh vực kinh doanh của mình và tuân thủ thực hiện đúng theo các quy định của pháp luật trong lĩnh vực đó. Theo đó, khi doanh nghiệp vận tải có nhu cầu tham gia cung ứng dịch vụ bưu chính (chuyển phát trước đây) thì phải thực hiện thủ tục đề nghị cấp giấy phép bưu chính (nếu cung ứng dịch vụ thư quy định tại khoản 1 Điều 21 Luật bưu chính) và thủ tục thông báo hoạt động bưu chính (nếu tiến hành các hoạt động bưu chính quy định tại các điểm a, b, c khoản 1 Điều 25 Luật Bưu chính) với cơ quan quản lý nhà nước về bưu chính.
Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp vận tải lớn như Mai Linh, Hoàng Long, Hải Phòng Bus, Vận tải Sài Gòn...bên cạnh việc kinh doanh vận tải hàng hoá thông thường, cũng xác định kinh doanh thêm ngành nghề cung ứng dịch vụ bưu chính nên đã làm các thủ tục cần thiết để được cấp Giấy phép bưu chính, Văn bản xác nhận thông báo hoạt động bưu chính.
 
Câu hỏi 4: Đề nghị Bộ TTTT làm việc với các bộ, ban ngành và các đơn vị có liên quan để tìm ra giải pháp quản lý các ứng dụng GrabExpress/ UberExpress/…, tránh tình trạng người dân sử dụng ứng dụng để chuyển phát thư từ, tài liệu, hàng hoá sai quy định pháp luật Bưu chính và các quy định pháp luật khác có liên quan (Sở TTTT TP. HCM).
Trả lời
Theo quy định của Luật Bưu chính, kinh doanh dịch vụ bưu chính là ngành nghề kinh doanh có điều kiện và được quản lý thông qua hình thức cấp giấy phép bưu chính và văn bản xác nhận thông báo hoạt động bưu chính. Theo đó, doanh nghiệp phải có hồ sơ thông báo hoạt động bưu chính đáp ứng quy định hoặc được cấp giấy phép bưu chính khi có đủ các điều kiện sau đây:
(1) Có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoạt động bưu chính hoặc giấy chứng nhận đầu tư trong lĩnh vực bưu chính;
(2) Có khả năng tài chính (phải có mức vốn tối thiểu là 02 tỷ đồng Việt Nam nếu cung ứng dịch vụ bưu chính trong phạm vi nội tỉnh, liên tỉnh; phải có mức vốn tối thiểu là 05 tỷ đồng Việt Nam nếu cung ứng dịch vụ bưu chính quốc tế);
(3) Có phương án kinh doanh khả thi phù hợp với quy định về giá cước, chất lượng dịch vụ bưu chính;
(4) Có biện pháp đảm bảo an ninh thông tin và an toàn đối với con người, bưu gửi, mạng bưu chính.
Do vậy, các doanh nghiệp muốn tham gia hoạt động trong lĩnh vực bưu chính cần phải tuân thủ các quy định của pháp luật. Đối với trường hợp GrabExpress/ UberExpress/... (là các doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh chính là cung ứng các dịch vụ vận tải), khi muốn tham gia hoạt động bưu chính thì phải làm các thủ tục xin cấp GPBC, văn bản xác nhận thông báo hoạt động bưu chính.
- Trên địa bàn thành phố, đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông chủ động công tác thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp này để kịp thời chấn chỉnh, hướng dẫn các doanh nghiệp khắc phục sai phạm, tuân thủ pháp luật; đồng thời báo cáo cụ thể về Bộ Thông tin và Truyền thông để có cơ sở làm việc với các cơ quan chức năng liên quan xem xét để có biện pháp xử lý và quản lý phù hợp.
 
Câu hỏi 5: Đề nghị Bộ sớm ban hành kế hoạch phối hợp với các Sở Thông tin và Truyền thông rà soát, nghiên cứu để có các quy định phù hợp hơn về quản lý chất lượng dịch vụ bưu chính, cũng như về cạnh tranh, kết nối doanh nghiệp (Sở TTTT TP. HCM).
Trả lời
Hiện tại, Bộ Thông tin và Truyền thông đang lấy ý kiến của các Sở Thông tin và Truyền thông về việc rà soát và đánh giá 5 năm thực hiện Luật Bưu chính, trong đó có việc đánh giá về quản lý chất lượng dịch vụ, cũng như về cạnh tranh và kết nối cung cấp dịch vụ giữa doanh nghiệp. Do vậy, trong thời gian tới, sau khi có kết quả rà soát, đánh giá, Bộ sẽ có kế hoạch triển khai xây dựng phương án quản lý các vấn đề này phù hợp và phối hợp với các Sở Thông tin và Truyền thông theo quy định. 
 
Câu hỏi 5: Đề nghị Bộ xem xét và trao đổi với Bộ Nội vụ về cách thức, trình tự, thủ tục cũng như các vấn đề có liên quan về việc thành lập Hiệp hội doanh nghiệp bưu chính nhằm tăng cường trao đổi nghiệp vụ giữa các doanh nghiệp bưu chính, giúp cơ quan quản lý nhà nước nắm bắt những khó khăn, thuận lợi của doanh nghiệp trong quá trình kinh doanh dịch vụ bưu chính (Sở TTTT TP. HCM).
Trả lời
Trong lĩnh vực chuyển phát quốc tế, các công ty chuyển phát hàng đầu thế giới như TNT, Fedex, DHL, UPS thành lập hiệp hội CAPEC. Việc thành lập Hiệp hội giữa các nhà khai thác chính là một biểu hiện cao hơn của sự hợp tác, sẽ có lợi cho các doanh nghiệp trong việc cạnh tranh, phân mảng thị trường và nâng cao vị thế trên thị trường.
Hiệp hội là tổ chức tự nguyện của công dân, tổ chức Việt Nam cùng ngành nghề, có chung mục đích, hoạt động nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội, hội viên và hỗ trợ nhau hoạt động có hiệu quả. Do vậy, các doanh nghiệp – những thành viên của một Hiệp hội trong tương lai, cần chủ động bàn bạc, trao đổi với nhau để tìm ra tiếng nói chung và cùng đứng ra thành lập Hội. Việc thành lập mới chỉ là công việc ban đầu, quan trọng là việc duy trì và phát triển Hiệp hội sau khi thành lập. Chính các doanh nghiệp mới là người quyết định tính khả thi trong việc duy trì hoạt động cũng như sự phát triển của Hiệp hội sau này.
Bộ Thông tin và Truyền thông hoàn toàn ủng hộ việc các doanh nghiệp thành lập Hiệp hội và sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp nếu các doanh nghiệp có đề nghị.
 
III. Lĩnh vực viễn thông, công nghệ thông tin
 
Câu số 6: Đề nghị Bộ TT&TT hướng dẫn quy trình tiếp nhận thông tin, xử lý thông tin, kết quả xử lý đối với các tin nhắn quảng cáo vi phạm quy định theo thông tin cung cấp của người dân và tổ chức (Sở TTTT TP. HCM).
Trả lời
Tin nhắn quảng cáo vi phạm quy định chính là tin nhắn rác. Theo quy định tại Nghị định 90/2008/NĐ-CP về chống thư rác (khoản 2 Điều 24) thì các doanh nghiệp di động phải có trách nhiệm tiếp nhận và xử lý các thông báo tin nhắn rác từ thuê bao di động.
Hiện nay, tổng đài chăm sóc khách hàng của các doanh nghiệp di động đều đã thiết lập, hướng dẫn thông tin liên quan tới thư rác. Ngoài ra, một số doanh nghiệp di động đã thiết lập đầu số tin nhắn để tiếp nhận phản ánh như đầu số 9198 của Viettel, 9241 của Mobifone.
Tuy nhiên, để chủ động theo dõi tình hình tin nhắn rác cũng như tiếp nhận phản ánh từ người dân, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã thiết lập riêng đầu số 456 được kết nối với tất cả các mạng di động Việt Nam và giao cho Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) quản lý, vận hành. Vì vậy, mọi người dân khi nhận được tin nhắn rác đều có thể phản ánh tới Bộ Thông tin và Truyền thông bằng cách rất đơn giản là chuyển tiếp (forward) tin nhắn đó tới đầu số 456.
 
Hình: Hướng dẫn chuyển tiếp tin nhắn rác tới đầu số 456
 
Hình: Hoạt động xử lý thông báo tin nhắn rác
 
Hàng ngày, trung bình đầu số 456 tiếp nhận 2-3 nghìn phản ánh, trong đó cũng có nhiều phản ánh không phải là tin nhắn rác mà là các tin nhắn quảng cáo hợp pháp, do người dùng nhầm lẫn gửi về. Sau khi nhận được phản ánh của người dân, VNCERT sẽ phân loại, đánh giá, thống kê các phản ánh và điều phối các doanh nghiệp di động để ngăn chặn, xử lý. Các doanh nghiệp di động sẽ căn cứ vào thông tin tiếp nhận được để cập nhật các từ khóa nhận diện trong tin nhắn rác vào các hệ thống kỹ thuật ngăn chặn tin nhắn rác. Các phản ánh của người dùng cũng là cơ sở để doanh nghiệp di động xác minh và dừng hợp tác với các đối tác (như các doanh nghiệp dịch vụ nội dung) phát tán tin nhắn rác.
Đối với các tin nhắn rác bị phản ánh có tính nghiêm trọng, VNCERT sẽ phối hợp với các cơ quan khác của Bộ (Thanh tra, Cục ATTT) để xác minh, kiểm tra, xử lý. Trong thời gian qua, hàng trăm trường hợp được phát hiện, xử lý là nhờ kịp thời phát hiện thông qua phản ánh của người dùng trên đầu số 456. Cá biệt, có những tin nhắn rác lừa đảo người dùng hoặc có nội dung độc hại đã được chuyển sang cho cơ quan chức năng để xử lý. Đầu số 456 cũng giúp cho việc sớm phát hiện các loại hình tin nhắn rác mới, phức tạp để có biện pháp xử lý kịp thời.
 
Câu hỏi 7: Đề nghị Bộ TTTT hướng dẫn cụ thể về giới hạn tần suất nhắn tin từ mỗi nguồn gửi để nhà cung cấp dịch vụ tin nhắn (doanh nghiệp viễn thông di động) thực hiện (Sở TTTT TP. HCM).
Trả lời
Trong thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức đánh giá, nghiên cứu về các tiêu chí ngăn chặn tin nhắn rác và áp dụng thử nghiệm tại một số doanh nghiệp, trong đó có cả việc giới hạn tần suất nhắn tin từ mỗi nguồn gửi. Cụ thể, áp dụng việc ngăn chặn đối với các thuê bao thực hiện việc gửi >50 tin nhắn trong 01 phút và đánh giá để tối ưu tần suất.
Qua quá trình đánh giá, việc ngăn chặn tin nhắn rác theo tần suất cũng có hiệu quả nhất định (đặc biệt trong thời gian đầu áp dụng), tuy nhiên, cũng bộc lộ một số hạn chế như: chặn nhầm tin nhắn không phải tin nhắn rác của người sử dụng bình thường khi họ có nhu cầu gửi nhiều tin nhắn cùng lúc; bị lỗi thời nhanh do các đối tượng gửi tin nhắn rác điều chỉnh, thay đổi tần suất gửi để tránh được cách ngăn chặn này. Do vậy, Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trương doanh nghiệp viễn thông phải chủ động lựa chọn tần suất phù hợp thời điểm, đối tượng để bảo đảm tính hiệu quả của hoạt động ngăn chặn tin nhắn rác.
Nhằm có cơ sở đề đưa ra các tiêu chí ngăn chặn tin nhắn rác phù hợp, Bộ TT&TT cũng đã yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông có báo cáo về tính năng và tự đánh giá mức độ hiệu quả của giải pháp kỹ thuật ngăn chặn tin nhắn rác của mình. Theo đó, tất cả các doanh nghiệp viễn thông đều có triển khai giải pháp ngăn chặn tin nhắn rác và một số doanh nghiệp đánh giá mức độ hiệu quả của giải pháp là khá cao (trên 99%).
Qua quá trình đánh giá, áp dụng thử nghiệm, để có thể ngăn chặn tin nhắn rác hiệu quả, về phương diện giải pháp kỹ thuật, cần áp dụng tổ hợp, đa dạng các biện pháp ngăn chặn khác nhau: từ khóa, tần suất, danh sách trắng/đen (blacklist/whitelist). Trong trường hợp chỉ áp dụng độc lập một biện pháp ngăn chặn theo tần suất sẽ không đảm bảo ngăn chặn hiệu quả, các đối tượng gửi tin nhắn rác sẽ tùy biến thay đổi và "lách" được. Do vậy, để ngăn chặn tin nhắn rác hiệu quả, doanh nghiệp viễn thông cần bảo đảm áp dụng đa dạng các biện pháp và phải chịu trách nhiệm đối với tính hiệu quả của giải pháp mình triển khai.
Để tăng cường ngăn chặn tin nhắn rác, ngày 24/12/2014, Bộ Thông tin và Truyền thông đã kịp thời ban hành Chỉ thị số 82/CT-BTTTT về ngăn chặn tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo và tăng cường quản lý thông tin trên mạng. Theo đó, các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, các doanh nghiệp viễn thông di động và các doanh nghiệp viễn thông khác có liên quan đã đẩy mạnh áp dụng nhiều biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả phòng, chống tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo và tăng cường quản lý thông tin trên mạng. Các cơ quan, đơn vị của Bộ TT&TT đã khẩn trương, tích cực triển khai các nội dung của Chỉ thị. Hiện tại, các nội dung này vẫn đang được Bộ tiếp tục triển khai mạnh mẽ, nhất là việc hướng dẫn và chỉ đạo các doanh nghiệp áp dụng các biện pháp kỹ thuật nhằm ngăn chặn việc phát tán tin nhắn rác khi hành vi này đang xảy ra.
Trong thời gian tới, để tăng cường ngăn chặn tin nhắn rác hiệu quả, Bộ TT&TT sẽ tiếp tục các giải pháp sau đây:
+ Thực hiện mạnh mẽ công tác hậu kiểm, chế độ báo cáo. Doanh nghiệp viễn thông cần thống kê và báo cáo về số lượng tin nhắn rác đã chặn được trên hệ thống của mình (chi tiết số thuê bao và tin nhắn của cả 05 doanh nghiệp viễn thông). Trên cơ sở số liệu báo cáo, Bộ TT&TT sẽ tổ chức đánh giá tính hiệu quả của giải pháp ngăn chặn tin nhắn rác do doanh nghiệp triển khai trên cơ sở "kiểm tra chéo" số liệu báo cáo của doanh nghiệp (ví dụ: Mobile báo cáo ngăn chặn được x tin nhắn rác gửi từ Viettel và y tin nhắn rác gửi từ Vinaphone, qua đó có thể nhận định Viettel đã để tối thiểu x tin nhắn rác và Vinaphone là y tin nhắn rác phát tán từ thuê bao của mình).
+ Bộ sẽ xem xét để lựa chọn sử dụng một số thông tin thống kê của bên thứ ba độc lập và áp dụng để đánh giá tính hiệu quả của giải pháp ngăn chặn tin nhắn rác.
+ Tiếp tục chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông di động có cơ chế chia sẻ lẫn nhau thông tin về danh sách từ khóa, kỹ thuật ngăn chặn, ... trong đó vẫn tính tới cả giải pháp giới hạn tần suất nhắn tin cho mỗi nguồn gửi để nâng cao tính hiệu quả ngăn chặn tin nhắn rác.
 
Câu hỏi 8: Đề nghị Bộ có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp tăng cường bảo mật thông tin cá nhân của người sử dụng dịch vụ viễn thông để tránh tình trạng dữ liệu này bị khai thác trái quy định pháp luật và nghiên cứu ban hành quy định để quản lý hình thức quảng cáo bằng cách gọi điện thoại trực tiếp đến người sử dụng dịch vụ viễn thông (Sở TTTT TP. HCM).  
Trả lời
a) Đối với việc tăng cường bảo mật thông tin cá nhân
Luật Viễn thông (Điều 6) và Luật An toàn thông tin mạng (Điều 7) đã quy định rõ trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân trong việc bảo đảm an toàn thông tin cá nhân của người sử dụng dịch vụ viễn thông.
Nhằm tăng cường các biện pháp bảo vệ bí mật thông tin cá nhân của người sử dụng dịch vụ, ngày 18/3/2016, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-BTTTT về tăng cường bảo vệ bí mật thông tin cá nhân của người sử dụng dịch vụ và ngăn chặn việc mua bán, lưu thông SIM sai quy định (sau đây xin gọi tắt là Chỉ thị 11/CT-BTTTT), trong đó đã chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông di động và các đơn vị có liên quan triển khai các biện pháp và hoạt động cần thiết:
+ Đối với doanh nghiệp viễn thông, phải tổ chức triển khai các biện pháp để kiểm tra, giám sát và quản lý chặt chẽ việc tuân thủ các quy định về bảo vệ bí mật thông tin cá nhân của người sử dụng dịch vụ viễn thông tại doanh nghiệp; gắn trách nhiệm đến từng cá nhân; phân công lãnh đạo của doanh nghiệp chịu trách nhiệm và có hình thức xử lý khi tình trạng vi phạm không được cải thiện.
+ Tại địa phương, thanh tra các Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Công an, các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương có liên quan triển khai hoạt động thanh tra, kiểm tra, xác minh và xử lý các sai phạm.
Hiện nay, các doanh nghiệp viễn thông di động đã và đang chủ động triển khai các nhiệm vụ:
+ Phân công cụ thể Lãnh đạo doanh nghiệp chịu trách nhiệm triển khai các quy định về bảo mật thông tin cá nhân và quản lý thuê bao di động trả trước;
+ Rà soát, ban hành các quy định, quy trình nội bộ bảo đảm bí mật thông tin và quản lý thuê bao trả trước theo đúng quy định:
+ Các doanh nghiệp như: Viettel, Mobifone, VNPT-Vinaphone, HTC đều đã ban hành Quy trình quản lý thuê bao di động trả trước theo đó tất cả việc kích hoạt, hòa mạng SIM di động trả trước cũng như thay đổi thông tin thuê bao đều phải thông qua cơ sở dữ liệu tập trung để thu thập, lưu giữ, quản lý thông tin thuê bao của Tổng Công ty/Công ty do cấp phòng/ban (được Lãnh đạo ủy quyền) quản lý, giám sát, phê duyệt thực hiện theo đúng quy định tại Thông tư 04/2012/TT-BTTTT về quản lý thuê bao di động trả trước;
+ Viettel đã ban hành quy trình cung cấp số liệu nội bộ trong đó, đối với việc cung cấp dữ liệu chi tiết thông tin thuê bao phải được sự phê duyệt, đồng ý của Ban Tổng Giám đốc Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel thì mới được phép khai thác dữ liệu theo yêu cầu.
+ Chủ động triển khai nhiều giải pháp để tăng cường tính chính xác của việc đăng ký thông tin thuê bao như triển khai các giải pháp phần mềm kiểm soát việc đăng ký bảo đảm đúng quy định (chỉ cho phép chủ thuê bao trên 14 tuổi được phép đăng ký, giảm tần suất đăng ký để cảnh báo, kiểm tra; chặn đăng ký thông tin từ 22h đêm hôm trước đến 06h sáng hôm sau, …);
+ Kiểm tra, rà soát tất cả các đại lý, điểm đăng ký thông tin thuê bao trong việc thực hiện các quy định của pháp luật có liên quan (tháng 4/2016, Mobifone đã kiểm tra và chấm dứt hợp đồng với 609 điểm ủy quyền, …).
Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức hai Hội nghị phổ biến Luật An toàn thông tin mạng trong đó có hướng dẫn, phổ biến về các quy định liên quan tới bảo vệ thông tin cá nhân tới các Bộ, Ngành, địa phương, doanh nghiệp tại Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Thanh tra Bộ đã nghiên cứu, xây dựng kế hoạch sửa đổi, bổ sung Nghị định 174/2013/NĐ-CP. Đồng thời chuẩn bị thanh tra đột xuất, kiểm tra, xác minh và xử lý điểm các sai phạm trong công tác quản lý thuê bao trả trước của các doanh nghiệp viễn thông và công khai kết quả trên các phương tiện thông tin đại chúng.
b) Đối với việc ban hành quy định quản lý việc gọi điện thoại quảng cáo
Bộ Thông tin và Truyền thông thống nhất với quan điểm của thành phố Hồ Chí Minh cho rằng đây là một vấn đề đang rất bức xúc hiện nay và cần có các biện pháp xử lý một cách tổng thể. Bộ sẽ sớm nghiên cứu, phối hợp với các đơn vị có liên quan để điều chỉnh vấn đề này. 
 
Câu hỏi 9: Đề nghị Bộ TTTT xây dựng hành lang pháp lý tăng cường công tác quản lý, kinh doanh kho số, đặc biệt là các dãy số đẹp của các doanh nghiệp viễn thông; tăng cường giám sát việc phân phối SIM từ các “đầu nậu” nhằm khắc phục tình trạng “nuôi SIM”, kích hoạt SIM hàng loạt hiện nay trên thị trường (Sở TTTT TP. HCM).
Trả lời
a) Đối với việc xây dựng hành lang pháp lý tăng cường công tác quản lý, kinh doanh kho số, đặc biệt là các dãy số đẹp của các doanh nghiệp viễn thông: 
- Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 38/QĐ-TTg ngày 01/7/2014 quy định về đấu giá, chuyển nhượng quyền sử dụng kho số viễn thông, tên miền Internet;
- Bộ đã ban hành Thông tư số 22/2014/TT-BTTTT ngày 22/12/2014 ban hành Quy hoạch kho số viễn thông quốc gia; Thông tư số 25/2015/TT-BTTTT ngày 09/9/2015 quy định về quản lý và sử dụng kho số viễn thông.
- Về kinh doanh kho số viễn thông: Thông tư số 25/2015/TT-BTTTT ngày 09/9/2015 quy định về quản lý và sử dụng kho số viễn thông dành một Chương (Chương 3) quy định việc thuê và cho thuê số thuê bao viễn thông áp dụng giữa các doanh nghiệp viễn thông.
- Đối với việc kinh doanh các dãy số đẹp: thực tế quan niệm và cách hiểu của mỗi người về số đẹp là rất khác nhau, trên thế giới cũng chưa có quốc gia nào quy định số đẹp (định nghĩa, tiêu chí xác định như thế nào là số đẹp) để quản lý. Khái niệm số đẹp đa phần là do người sử dụng tự định nghĩa (ví dụ số tứ quý …). Do vậy các nước trên thế giới và Việt Nam cũng chưa đặt ra vấn đề quản lý các Sim số đẹp mà hoàn toàn dựa theo quan niệm tự phát của người sử dụng, đặc biệt là các nước châu á. Đối với Cơ quan quản lý thì việc quản lý số thuê bao di động là không phân biệt giữa số đẹp và các số thuê bao khác.
b) Đối với việc tăng cường giám sát việc phân phối SIM từ các “đầu nậu” nhằm khắc phục tình trạng “nuôi SIM”, kích hoạt SIM hàng loạt hiện nay trên thị trường.
- Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư số 14/2012/TT-BTTTT quy định giá cước dịch vụ thông tin di động mặt đất, trong đó quy định doanh nghiệp thông tin di động không được nạp sẵn tiền vào tài khoản đối với tất cả SIM thuê bao đang lưu thông trên thị trường hoặc chưa hòa mạng.
- Bộ đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-BTTTT về tăng cường bảo vệ bí mật thông tin cá nhân của người sử dụng dịch vụ và ngăn chặn việc mua bán, lưu thông SIM sai quy định yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông nghiêm túc thực hiện các quy định về mua bán, lưu thông SIM.
Hiện nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đang tiếp tục nghiên cứu các biện pháp cần thiết khác đề thắt chặt việc bán và kích hoạt sẵn SIM di động, cũng như để khuyến khích các thuê bao trả trước chuyển sang trả sau. Bộ đang phối hợp với Bộ Công an tiến hành việc thanh tra đột xuất các tổng đại lý, đại lý bán SIM, điểm đăng ký thông tin thuê bao để xử lý theo quy định của pháp luật và công khai kết quả trên các phương tiện thông tin đại chúng.
 
Câu hỏi 10: Đề nghị Bộ TT&TT nhanh chóng ban hành văn bản quy định các nội dung cần thiết phải có trong hợp đồng mẫu cung cấp dịch vụ di động trả trước để các doanh nghiệp kịp thời thực hiện, góp phần tăng cường quản lý thông tin thuê bao di động trả trước, đảm bảo an toàn an ninh thông tin (Sở TTTT TP. HCM).
Trả lời
- Bộ Thông tin và Truyền thông hoan nghênh và ủng hộ thành phố Hồ Chí Minh trong việc tìm kiếm, đề xuất các giải pháp nhằm tăng cường quản lý thông tin thuê bao di động trả trước, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin.
- Khoản 2 Điều 10 Thông tư số 12/2013/TT-BTTTT ngày 13/5/2013 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về việc hướng dẫn cấp phép kinh doanh dịch vụ viễn thông quy định: “Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ điện thoại cố định mặt đất, dịch vụ thông tin di động mặt đất, dịch vụ truy nhập Internet theo hình thức thanh toán giá cước trả trước phải đăng ký bản thông tin điều kiện sử dụng dịch vụ viễn thông mẫu”. Theo đó, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ di động trả trước phải đăng ký “Bản thông tin điều kiện sử dụng dịch vụ theo mẫu” và phải đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước trước khi cung cấp dịch vụ.
- Điều 7 Thông tư số 04/2012/TT-BTTTT ngày 13/4/2012 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định về quản lý thuê bao di động trả trước đã quy định về thủ tục đăng ký thông tin thuê bao. Theo đó, người sử dụng dịch vụ di động trả trước phải đăng ký trực tiếp tại điểm đăng ký thông tin thuê bao và điền thông tin đăng ký vào “Bản khai thông tin thuê bao di động trả trước” theo mẫu của doanh nghiệp.
- Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện đã có chế tài xử phạt doanh nghiệp trong trường hợp doanh nghiệp vi phạm các quy định về đăng ký, lưu giữ và sử dụng thông tin thuê bao
- Căn cứ vào các quy định nêu trên, Bộ Thông tin và Truyền thông nhận thấy quy định đăng ký thông tin thuê bao là bắt buộc và đã có đủ chính sách, chế tài có liên quan. Hiện nay, Bộ đã và đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Công thương để nghiên cứu, đề xuất các nội dung tối thiểu trong hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung đối với các dịch vụ viễn thông nói chung và dịch vụ di động trả trước nói riêng nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng dịch vụ và tăng cường trách nhiệm của các bên.
- Bộ sẽ nghiên cứu tiếp thu ý kiến của thành phố Hồ Chí Minh để bổ sung việc đăng ký thông tin thuê bao di động trả trước vào một trong các nội dung tối thiểu trong hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung đối với dịch vụ di động trả trước khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký của doanh nghiệp.
 
Câu hỏi 11: Đề nghị Bộ TTTT bổ sung thêm quy định về kích thước tối thiểu cho dấu hợp quy, xem xét xây dựng hệ thống phần mềm chia sẻ cơ sở dữ liệu liên quan đến các thông tin về công bố hợp quy của doanh nghiệp (Sở TTTT TP. HCM).
Trả lời
Điều 18 của Thông tư số 30/2011/TT-BTTTT về chứng nhận hợp quy đối với sản phẩm, hàng hóa chuyên ngành công nghệ thông tin và truyền thông đã quy định: Dấu hợp quy phải được thể hiện theo mẫu quy định tại Phụ lục V hoặc Phụ lục VI của Thông tư.
Điều 19 của Thông tư số 30/2011/TT-BTTTT đã quy định: Dấu hợp quy có thể được phóng to hoặc thu nhỏ nhưng phải đảm bảo đúng tỷ lệ và nhận biết được bằng mắt thường. Nội dung quy định này là phù hợp với quy định tại Điều 4 Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn chung cho các Bộ, Ngành về hình dạng và kích thước cơ bản của dấu hợp quy.
Về đề nghị xây dựng phần mềm chia sẻ cơ sở dữ liệu liên quan đến các thông tin về công bố hợp quy của các doanh nghiệp: Tiếp thu đề xuất của Tp.HCM, thời gian tới Bộ sẽ xem xét, nghiên cứu, xây dựng phần mềm chia sẻ cơ sở dữ liệu liên quan đến công tác công bố hợp quy của doanh nghiệp. Bộ sẽ cung cấp kịp thời các thông tin cụ thể về dữ liệu khi có yêu cầu của thành phố Hồ Chí Minh.
 
IV. Công tác thanh tra, tổ chức.
 
Câu hỏi 12:Đề nghị Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông thường xuyên mở các lớp tập huấn nghiệp vụ cho các đối tượng là cán bộ làm công tác thanh tra để được nâng cao trình độ chuyên môn (Sở TTTT Quảng Nam).
Trả lời
Hàng năm, Thanh tra Bộ đều tổ chức tập huấn nghiệp vụ thanh tra cho lực lượng thanh tra của các đơn vị được giao chức năng thanh tra chuyên ngành; Thanh tra các Sở Thông tin và Truyền thông trên cả nước và các lực lượng thanh tra, kiểm tra của một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Thông tin và Truyền thông. Nội dung, chuyên đề tập huấn trên cơ sở các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành; các hành vi vi phạm mới được phát hiện qua quá trình thanh tra và lấy ý kiến các Sở Thông tin và Truyền thông cả nước. Hội nghị tập huấn hàng năm tập trung được lực lượng thanh tra Ngành Thông tin và Truyền thông trên cả nước tại một địa điểm, tạo sự gắn kết trao đổi, học tập kinh nghiệm giữa Thanh tra Bộ, các đơn vị được giao chức năng thanh tra và Thanh tra các Sở Thông tin và Truyền thông. Kết quả, hoạt động thanh tra ngành thông tin và truyền thông đồng đều, hiệu quả, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thông tin và truyền thông cạnh tranh lành mạnh, đúng pháp luật, ngăn chặn nhiều hành vi vi phạm trong lĩnh vực thông tin và truyền thông, đặc biệt hiệu quả trong các đợt triển khai thanh tra diện rộng trên phạm vi cả nước một số sai phạm phổ biến như: Quản lý thuê bao di động trả trước năm 2013; lĩnh vực phát thanh truyền hình năm 2012; đại lý Internet công cộng; xuất bản….
Năm 2016, Thanh tra Bộ dự kiến tập huấn vào cuối quý III, đầu quý IV, hiện đơn vị đang lên kế hoạch trình Bộ trưởng phê duyệt Chương trình kế hoạch tập huấn, chuẩn bị tài liệu, nhân lực phục vụ Hội nghị tập huấn sắp tới.
 
Câu hỏi 13: Có văn bản hướng dẫn, phân định rõ ràng nhiệm vụ của Sở Thông tin và Truyền thông được quy định tại Thông tư liên tịch số 06/2016/TTLT-BTTTT-BNV (Sở TTTT Đăk Nông).
Trả lời
1. Về nội dung liên quan đến công nghệ thông tin, điện tử
Tại Khoản 2, Điều 45, Nghị định số 64/2007/NĐ-CP ngày 10/4/2007 của Chính phủ về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước đã quy định: “Cơ quan quản lý nhà nước về công nghệ thông tin ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin trong địa phương mình”.
Tại Khoản 4, 5, Điều 46, Nghị định số 64/2007/NĐ-CP ngày 10/4/2007 của Chính phủ về Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước quy định chức năng, nhiệm vụ chính của đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin là: “Quản lý, vận hành, hướng dẫn sử dụng cơ sở hạ tầng thông tin phục vụ hoạt động chỉ đạo, điều hành, tác nghiệp của ngành hoặc địa phương; đảm bảo kỹ thuật, an toàn thông tin” và “Xây dựng và duy trì hoạt động trang thông tin điện tử của ngành hoặc địa phương; tổ chức triển khai bảo đảm kỹ thuật cho việc cung cấp dịch vụ hành chính công”.
Tại các Điểm h, k, Khoản 12, Điều 2, Thông tư liên tịch số 06/2016/TTLT-BTTTT-BNV ngày 10/3/2016 của Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Thông tin và Truyền thông thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Phòng Văn hóa và Thông tin thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh quy định Sở Thông tin và Truyền thông có nhiệm vụ: “Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan quản lý, duy trì, nâng cấp đảm bảo kỹ thuật, an toàn thông tin cho cho hoạt động Cổng thông tin điện tử/trang thông tin điện tử (website) của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; hướng dẫn các đơn vị trong tỉnh thống nhất kết nối theo sự phân công của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh” và “Thực hiện các nhiệm vụ của đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin và cơ quan thường trực Ban Biên tập Cổng thông tin điện tử của tỉnh”
Như vậy, các quy định về nhiệm vụ của Sở Thông tin và Truyền thông trong việc thực hiện nhiệm vụ của đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin, quản lý vận hành Cổng thông tin điện tử của tỉnh tại Thông tư liên tịch số 06/2016/TTLT-BTTTT-BNV ngày 10/3/2016 của Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Nội vụ là phù hợp với quy định tại các Nghị định của Chính phủ.
Để đảm bảo tính thống nhất trong việc thực hiện nhiệm vụ của cơ quan chuyên trách về công nghệ thông tin của tỉnh và tính hiệu quả trong việc triển khai chính phủ điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông Đăk Nông báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh về việc tổ chức triển khai thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo đúng các quy định tại Thông tư số 06/2016/TTLT-BTTTT-BNV ngày 10/3/2016.
 
2. Về nội dung liên quan tới nhiệm vụ quản lý thông tin cơ sở
Theo Nghị định số 132/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 của Chính phủ quy định Bộ Thông tin và Truyền thông có nhiệm vụ quản lý nhà nước về thông tin cơ sở trong toàn quốc; Thông tư liên tịch số 06/2016/TTLT-BTTTT-BNV ngày 10/3/2016 của Bộ Thông tin và Truyền thông - Bộ Nội vụ quy định Sở Thông tin và Truyền thông, Phòng Văn hóa và Thông tin cấp huyện có nhiệm vụ quản lý nhà nước về thông tin cơ sở trên địa bàn.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay đang có sự chồng chéo về nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với hoạt động thông tin cổ động trực quan giữa Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cả về quy định pháp luật và thực tiễn hoạt động quản lý nhà nước. Do chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy thực hiện quản lý nhà nước về thông tin cơ sở của ngành Thông tin và Truyền thông mới được kiện toàn nên từ trước đến nay, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch vẫn quản lý, chỉ đạo hoạt động thông tin cổ động trực quan trong cả nước.
Để khắc phục sự chồng chéo trong công tác quản lý nhà nước về thông tin cơ sở, trong thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ rà soát, làm việc với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, báo cáo Chính phủ để phân định, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ giữa 2 Bộ về quản lý nhà nước đối với hoạt động thông tin cổ động trực quan.
Trong thời gian chờ ban hành Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhiệm kỳ tới, Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông Đăk Nông tiếp tục thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về thông tin cơ sở theo quy định tại Thông tư liên tịch số 06/2016/TTLT-BTTTT-BNV.
 
3. Về nội dung liên quan đến lĩnh vực pháp chế
Xuất phát từ thực tế quản lý nhà nước về thông tin và truyền thông ở địa phương và chủ trương, yêu cầu tinh gọn bộ máy tổ chức của Chính phủ nên Thông tư liên tịch số 06/2016-TTLT-BTTTT-BNV không quy định cứng việc thành lập tổ chức pháp chế trong Sở Thông tin và Truyền thông. Tổ chức bộ máy của Sở Thông tin và Truyền thông quy định tại Khoản 2, Điều 3, Thông tư liên tịch số 06/2016/TTLT-BTTTT-BNV là điểm mới so với Thông tư liên tịch số 03/2008/TTLT-BTTTT-BNV trước đây, nhằm thống nhất tên gọi các phòng tại Sở Thông tin và Truyền thông. Do vậy, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông khi quy định chức năng, nhiệm vụ của của các phòng, tùy hình hình cụ thể để giao chức năng, nhiệm vụ liên quan đến lĩnh vực pháp chế cho 01 phòng thuộc Sở.
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top