Bộ trưởng Trương Minh Tuấn làm việc với Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam

Thứ sáu, 27/05/2016 13:50

Sáng ngày 27/5/2016, tại Hà Nội, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn đã chủ trì buổi làm việc với Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam. Dự buổi làm việc có đại diện lãnh đạo một số đơn vị chức năng thuộc Bộ TT&TT; đại diện các doanh nghiệp thuộc Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam.

20160527-m21.JPG 
 
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn phát biểu kết luận buổi làm việc
 
Tại buổi làm việc, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam cho biết vào ngày 3/6/2016, Hội sẽ tổ chức “Diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam 2016 – Tiếng nói của Doanh nghiệp tư nhân Việt Nam”. Diễn đàn sẽ là cơ hội để doanh nghiệp tư nhân Việt Nam chia sẻ những khó khăn, thách thức, cũng như cơ hội mà giới doanh nghiệp tư nhân đã và đang phải đối mặt. Đây cũng là nơi kết nối giữa các doanh nghiệp và các bên liên quan, nhằm hướng tới sự phát triển chung cho khu vực kinh tế tư nhân của Việt Nam trong những năm sắp tới. Sự kiện này được tổ chức với phiên đầu tiên tập trung nội dung về “Kinh tế số”.
 
Ông Bùi Quang Ngọc, Phó Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tập đoàn FPT thay mặt Hội cho biết, nền kinh tế số đang gợi mở cả thách thức và cơ hội mới như: Vận dụng sức vươn của Internet vào phục vụ cộng đồng và chiếm lĩnh thị trường quốc tế qua công cụ ảo; Đưa những định hướng phát triển và cơ chế quản lý dịch vụ CNTT ngày càng thông thoáng vào cuộc sống và kinh doanh; Chủ động và sáng tạo nâng cấp nguồn lực trong nắm bắt cơ hội kinh doanh có được từ chính sách vĩ mô cởi mở, nền tảng công nghệ không ngừng nâng cấp, sự bùng nổ các giải pháp kỹ thuật và dịch chuyển đầu tư quốc tế đang làm thay đổi cơ cấu thị trường thế giới và khu vực; Thị trường mở rộng, nhu cầu đa dạng trong điều kiện cạnh tranh ngày càng gay gắt, nhất là khi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định thương mại tự do Châu Âu và Việt Nam  (EVFTA)  có hiệu lực.
 
Sự chuyển dịch sang nền kinh tế số đòi hỏi cả sự lớn mạnh của một hệ sinh thái có tác dụng hỗ trợ và thúc đẩy doanh nghiệp mới tham gia vào nền kinh tế Internet cũng như những tương tác - gắn kết giữa nền kinh tế Internet với nền kinh tế truyền thống. Một nền kinh tế kỹ thuật số là một nền kinh tế ‘kết nối’ phổ biến và toàn diện mà hệ quả là sự tiếp cận Internet giá rẻ ở khắp mọi nơi, ông Ngọc đã nêu.
 
Theo đó, ông Ngọc đề nghị Bộ TT&TT tham gia đối thoại chính sách CNTT tại Diễn đàn. Hội cũng mong muốn có những chính sách khuyến khích, hỗ trợ thông qua những chính sách và biện pháp cụ thể dành cho ngành dịch vụ CNTT, các dịch vụ liên quan, ứng dụng công nghệ số vào giáo dục, sản xuất, kinh doanh và đời sống.
 
Tại buổi làm việc, các đơn vị thuộc Bộ TT&TT đã chia sẻ nhiều thông tin giá trị về xu hướng phát triển CNTT cho các doanh nghiệp thuộc Hội.
 
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn hoan nghênh và ủng hộ sáng kiến tổ chức Diễn đàn Kinh tế Tư nhân Việt Nam 2016 của Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam. Diễn đàn sẽ là cơ hội để các nhà xây dựng chính sách, lãnh đạo các doanh nghiệp, các chuyên gia trong nước và quốc tế trao đổi, thảo luận tìm kiếm các giải pháp thiết thực nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế Việt Nam với động lực là doanh nghiệp tư nhân.
 
Bộ trưởng lưu ý, bên cạnh việc tham vấn cho Bộ TT&TT và các Bộ, ngành liên quan để có các chính sách, giải pháp hỗ trợ phát triển phù hợp, các doanh nghiệp cũng cần ý thức được trách nhiệm của mình, tham gia một cách chủ động, tích cực vào nền kinh tế số để nâng cao năng lực cạnh tranh, tránh bị đào thải.
 
Bộ trưởng khẳng định, Bộ TT&TT sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan, rà soát cơ chế, chính sách nhằm tạo hành lang pháp lý thông thoáng, thuận lợi nhất cho doanh nghiệp tham gia vào thị trường CNTT, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tư nhân tham gia vào các chương trình ứng dụng CNTT của nhà nước, có những ưu đãi phù hợp nhằm thu hút đầu tư vào lĩnh vực này, đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực CNTT - viễn thông, cũng như chỉ đạo các doanh nghiệp thuộc Bộ có các giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng cường năng lực cạnh tranh nhằm tạo nền tảng vững chắc cho Việt Nam tham gia vào ngành kinh tế số.
 
Việc ứng dụng CNTT trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn yếu. Mỗi loại hình doanh nghiệp có đặc thù riêng, có mô hình ứng dụng CNTT khác nhau. Do đó, Bộ trưởng yêu cầu các hiệp hội ngành nghề nên có những trao đổi với các doanh nghiệp CNTT để xây dựng các mô hình ứng dụng CNTT phù hợp đối với ngành nghề của mình, hướng dẫn các doanh nghiệp trong lĩnh vực áp dụng. Bộ trưởng nhấn mạnh, Bộ TT&TT luôn sẵn sàng đồng hành và phối hợp cùng các hiệp hội ngành nghề để tuyên truyền, phổ biến về các điển hình doanh nghiệp tiên tiến, các mô hình ứng dụng CNTT thành công để chia sẻ kinh nghiệm và nhân rộng cho tất cả các doanh nghiệp trên cả nước.
 
Bộ trưởng cho biết, Bộ TT&TT đã có kiến nghị với Chính phủ về giải pháp xây dựng các kênh thông tin, tuyên truyền, ví dụ như một cổng thông tin chuyên về khởi nghiệp, nhằm tăng cường phổ biến thông tin về quy định pháp luật đến với các doanh nghiệp khởi nghiệp. Giúp các doanh nghiệp có thể dễ dàng nhận biết được các quy định pháp lý liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của mình, các thủ tục hành chính cần phải thực hiện, cũng như các thông tin về ưu đãi đầu tư liên quan.
 
Về việc hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp tiếp cận vốn đầu tư. Nhiều ý kiến cho rằng Chính phủ nên hình thành các quỹ hỗ trợ khởi nghiệp. Bộ trưởng cho rằng, theo thông lệ thì việc đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp thường do các doanh nghiệp, các quỹ đầu tư thực hiện và họ mới có thể xác định được chính xác nhất cơ hội khi tham gia đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp. Vai trò của Chính phủ là tạo ra cơ chế pháp lý thông thoáng, môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các doanh nghiệp; đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho các quỹ đầu tư tham gia hỗ trợ doanh nghiệp.
 
Bên cạnh đó, cần có các giải pháp để cung cấp thông tin về các ý tưởng khởi nghiệp đến được với các nhà đầu tư, các Quỹ đầu tư mạo hiểm để họ có thể xem xét hỗ trợ đầu tư cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. Để thực hiện được giải pháp này cần sự chủ động của các doanh nghiệp, sự phối hợp hỗ trợ kết nối của các hiệp hội.
 
Bộ trưởng ủng hộ sáng kiến xây dựng tuyên bố chung của diễn đàn đối với mỗi chủ đề. Tuy nhiên, nên cân nhắc lại tên gọi cho phù hợp. Tuyên bố chung nên có những nội dung cụ thể, thiết thực và khả thi, không chỉ dừng lại ở việc phân tích vĩ mô và mang tính chiến lược. Đặc biệt cần phải nêu cao vai trò của Hội Doanh nhân trẻ trong việc kết nối các doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các nhà đầu tư, các quỹ đầu tư mạo hiểm,..
 
“Bộ TT&TT với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về CNTT, viễn thông, đồng thời còn là cơ quan quản lý nhà nước về báo chí và truyền thông. Do đó, Bộ TT&TT hoan nghênh và ủng hộ đề nghị thiết lập một cơ chế tham vấn, đối thoại về hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp và phát triển kinh tế số”, Bộ trưởng nhấn mạnh. Bộ trưởng cũng giao Vụ Quản lý doanh nghiệp là đầu mối, cùng với Vụ Công nghệ thông tin phối hợp với Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam nghiên cứu, đề xuất cơ chế tham vấn, đối thoại phù hợp, hiệu quả./.
 
Doãn Mạnh
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top