Những nhà báo “xông pha” kể chuyện nghề

Thứ sáu, 29/04/2016 08:23

So với các đồng nghiệp làm truyền hình và phát thanh, cánh phóng viên báo in có phần cơ động hơn trong tác nghiệp. Với cây bút, quyển sổ, máy ảnh cùng máy ghi âm (đôi khi chỉ cần một cái điện thoại thông minh), họ “cày” khắp nơi và mang về tòa soạn những tin tức, bài viết nóng hổi. Các tác phẩm báo chí thu hút sự quan tâm của bạn đọc thường thấm đẫm mồ hôi và nhiều khi, người viết còn đối mặt với hiểm nguy.

20160429-m1.jpg
 
Phóng viên báo in, báo nói và báo hình tác nghiệp tại buổi họp mặt cựu chiến binh Trường Sa kỷ niệm 28 năm trận chiến Gạc Ma - Ảnh: Y.LAN
 
Khởi nghiệp báo chí từ năm 2000 ở huyện Sơn Hòa, đến năm 2010 thì “đầu quân” về Báo Phú Yên, nhà báo Nguyễn Phương Nam nói rằng mình chưa có nhiều trải nghiệm như các đồng nghiệp khác. Tuy nhiên, dân trong nghề đều biết anh là một cây bút năng động, không ngại khó. Anh thường có mặt ở những “điểm nóng” và thực hiện nhiều tác phẩm báo chí được bạn đọc quan tâm.
 
Trong rất nhiều chuyến tác nghiệp gian nan, kỷ niệm mà nhà báo Phương Nam nhớ nhất là chuyến đi đến Hòn Mò O ở xã Đức Bình Tây (huyện Sông Hinh) cách đây 2 năm. Thoạt nhìn, không ai biết rằng tại Hòn Mò O đang diễn ra tình trạng khai thác vàng trái phép, bởi “vàng tặc” đã đào đường hầm dài hàng trăm mét “luồn” sâu vào bên trong núi để khai thác. “Tôi cùng các nhà báo Thế Lập, Đức Thông và Ngô Xuân lom khom chui vào đường hầm. Nó có đường kính chừng 1m, tối bưng; chúng tôi dùng đèn từ điện thoại di động để soi đường. Mấy anh em luồn lách trong lòng núi, không thể xác định được phương hướng và nơm nớp lo hầm sập. Chúng tôi chui vào khoảng 50m, chụp được ảnh rồi trở ra, ai nấy đều thở phào”, nhà báo Phương Nam kể. Kết quả của chuyến tác nghiệp căng thẳng đó là bài viết “Nguy cơ sập Hòn Mò O”.
 
Với nhà báo Trịnh Hoài Trung, chuyến tác nghiệp tại Hòn Hàn (xã Sơn Thành Đông, huyện Tây Hòa) vào năm 2011 là kỷ niệm khó quên trong quãng thời gian 26 năm làm báo. “Qua một nguồn tin ở xã Sơn Thành Đông, biết rằng ở Hòn Hàn đang có tình trạng khai thác vàng trái phép, tôi và phóng viên trẻ Tuyết Hương lên đường. Đến chân núi, để tránh sự phát hiện của “vàng tặc”, hai anh em đi đường vòng. Đường rất dốc, mắt tôi lúc đó đã rất yếu. Hai anh em đi té lên té xuống, sau đó phải nhờ sự hỗ trợ của một người làm công việc bảo vệ rừng. Khi băng qua rừng keo lá tràm để đến khu vực đào đãi vàng trái phép, chúng tôi thấy mấy chục chiếc xe máy dựng ở đó, thì biết rằng rất đông người đang khai thác vàng trái phép”, nhà báo Hoài Trung nhớ lại.
 
Biết là nguy hiểm nhưng khi đến hiện trường, Hoài Trung và Tuyết Hương vẫn chui vào hầm đào vàng để tác nghiệp. Trở về, họ có loạt tin bài về tình trạng đào đãi vàng trái phép tại Hòn Hàn trên Báo Phú Yên.
 
Công việc chính là trực biên tập tại tòa soạn, ít có thời gian tác nghiệp như cánh phóng viên, nhưng sở thích của nhà báo Nguyễn Quang Thuần là đi về cơ sở để thỏa niềm đam mê viết lách và trau dồi vốn sống. Những đề tài nóng hổi tính thời sự luôn có sức hút lớn đối với Quang Thuần nên dù bận rộn, biên tập viên sinh năm 1978 này vẫn cố gắng thu xếp để đi tác nghiệp. Năm 2014, từ nguồn tin của bạn đọc về việc một cán bộ xã ở huyện Tuy An sử dụng bằng tốt nghiệp THPT giả, nhà báo Quang Thuần phối hợp với nhà báo Thúy Hằng thực hiện đề tài này. Anh kể: “Sau khi chị Thúy Hằng nắm thông tin từ Sở GD-ĐT và Sở Nội vụ, tôi gặp một cán bộ xã ở huyện Phú Hòa. Ban đầu, người này chối, nhưng khi tôi đưa ra chứng cứ: bằng của anh không có trong hồ sơ lưu tại Sở GD-ĐT, sắc mặt của người này lập tức thay đổi. Cán bộ xã thú thật với tôi rằng đã mua bằng giả với giá 3 triệu đồng từ một người quen giới thiệu, rồi xin số điện thoại của tôi. Mấy ngày sau, người này gọi điện, năn nỉ tôi “làm lơ” cho ông ấy. Nhưng là người cầm bút, tôi không thể làm ngơ trước sự việc này, bởi nó ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng công việc tại cơ sở”.
 
Sau khi biết rằng việc mình sử dụng bằng giả đã bị bại lộ, một trong những người sử dụng bằng giả hẹn gặp Quang Thuần tại một quán cà phê, đặt vấn đề “bỏ qua” cho ông ta. “Tôi từ chối và cùng nhà báo Thúy Hằng thực hiện đề tài này”, Quang Thuần cho biết. Sau khi bài viết “Bóc mẽ” nhiều cán bộ xã sử dụng bằng giả” được đăng trên Báo Phú Yên, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nội vụ phối hợp với Sở GD-ĐT kiểm tra, phát hiện 12 bằng không có tên trong hồ sơ lưu tại sở, trong đó có 10 bằng của cán bộ đang công tác tại các xã trong tỉnh…
 
Tháng 3 vừa qua, khi dư luận xôn xao về loạt ảnh nhuộm ruốc bằng phẩm màu ở Gành Đỏ (phường Xuân Đài, TX Sông Cầu), Quang Thuần tức tốc lên đường với phương tiện tác nghiệp duy nhất là cái điện thoại thông minh. Đến nơi, vào vai một người buôn ruốc, anh lân la hỏi thăm và mua được chất bột màu đỏ mà một số người dân ở Gành Đỏ vẫn dùng để nhuộm ruốc. Dự định nắm thông tin xong thì trở về Tuy Hòa ngay trong buổi trưa để viết tin/bài, nhưng khi biết chiều hôm đó có cuộc họp liên quan đến sự việc này tại UBND phường Xuân Đài, anh nán lại để nắm thêm thông tin từ cuộc họp. Không mang theo máy vi tính, cũng không kịp nếu trở về Tuy Hòa, Quang Thuần viết tin và gửi về tòa soạn trên chiếc điện thoại của mình. Sáng hôm sau, thông tin xuất hiện trên Báo Phú Yên, kịp thời với những tờ báo in khác.
 
Là người đam mê nghề cầm bút, luôn muốn đưa thông tin đến với bạn đọc một cách nhanh nhạy, nhà báo Nguyễn Quang Thuần chia sẻ: “Phương châm của tôi là làm báo vì bạn đọc, phục vụ bạn đọc, viết những gì mà bạn đọc cần và quan tâm”. Nhà báo Nguyễn Phương Nam thì cho rằng: “Nghề báo là phải đi, phải đến. Khi đã phát hiện đề tài hay thì dù khó khăn như thế nào cũng kiên trì thực hiện cho bằng được”. Còn với cây bút có nhiều kinh nghiệm Trịnh Hoài Trung: Nhà báo phải phản ánh trung thực, vì người dân và “cháy” hết mình với công việc.
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top