Luật ATTT mạng đảm bảo tính bí mật, nguyên vẹn và khả dụng của thông tin

Thứ sáu, 15/04/2016 16:48

Ngày 15/4/2016, tại TP.HCM, Bộ TT&TT đã tổ chức Hội nghị phổ biến Luật An toàn thông tin (ATTT) mạng cho đại diện Sở TT&TT các tỉnh, thành phía Nam; đại diện các doanh nghiệp viễn thông, CNTT; cùng đông đảo phóng viên các báo, đài.

20160415-m4.jpg
 
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng phát biểu khai mạc hội nghị.
 
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng nhấn mạnh, Luật ATTT mạng ra đời trong bối cảnh hết sức bức thiết về nhu cầu ATTT, đặc biệt là thông tin trên mạng. Thứ trưởng nhấn mạnh nhiệm vụ trọng tâm hiện nay của các cơ quan quản lý là phải nghiên cứu, bàn bạc kỹ để kịp thời ban hành các văn bản dưới luật nhằm đáp ứng hiệu quả nhu cầu về  ATTT, cũng như phù hợp với thực tiễn phát triển. Song song đó là trách nhiệm phổ biến các quy định của Luật tới các cơ quan, tổ chức, cá nhân - là đối tượng thực thi và áp dụng Luật trên toàn quốc để hiểu đúng và áp dụng đúng văn bản quy phạm.
 
Theo lãnh đạo Cục ATTT - Bộ TT&TT, sự phát triển nhanh của công nghệ và sự tăng trưởng đáng kể trong việc sử dụng các ứng dụng điện thoại thông minh và thiết bị điện tử đang tạo ra các lỗ hổng gây mất ATTT. Luật ATTT mạng đã đưa ra quy định về việc bảo vệ mạng và hệ thống thông tin khỏi những nguy cơ bị tấn công, đồng thời đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội. Luật đã hoàn thiện và luật hóa các quy định về ATTT, đưa ra những biện pháp chế tài mạnh hơn để hạn chế các hành vi gây mất ATTT. Luật nhằm tập trung đảm bảo 03 thuộc tính của thông tin là tính bí mật, nguyên vẹn và khả dụng; ngăn chặn việc giả mạo, lợi dụng điểm yếu, lỗ hổng nhằm phát tán phần mềm độc hại, tấn công mạng làm ảnh hưởng đến thông tin và hệ thống thông tin.
 
Đáng chú ý, Luật ATTT mạng cũng đưa ra quy định về kinh doanh trong lĩnh  vực ATTT mạng, gồm các dịch vụ được cho phép kinh doanh (như dịch vụ kiểm tra, đánh giá ATTT mạng; dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử; dịch vụ giám sát ATTT mạng; dịch vụ phòng ngừa, chống tấn công mạng; dịch vụ khôi phục dữ liệu…) và các sản phẩm ATTT mạng (như sản phẩm kiểm tra, đánh giá an toàn thông tin mạng; sản phẩm giám sát an toàn thông tin mạng; sản phẩm chống tấn công xâm nhập; sản phẩm mật mã dân sự…).
 
Theo Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam VNCERT - Bộ TT&TT, năm 2015, cả nước có 16.837 website bị nhiễm mã độc và lây lan mã độc đến các máy tính, trong đó có 87 website của các cơ quan Nhà nước; 8.898 website bị tấn công và cài mã phishing; 8.850 website bị tấn công thay đổi giao diện (deface), trong đó có 252 website của cơ quan Nhà nước; hơn 1,4 triệu lượt địa chỉ IP tham gia các mạng botnet (mạng máy tính được tạo lập từ các máy tính mà hacker có thể điều khiển từ xa), trong đó có 3.779 IP từ cơ quan Nhà nước. VNCERT đã điều phối và ngăn chặn 7.540 máy chủ điều khiển mã độc; đồng thời phối hợp với quốc tế để ngăn chặn hơn 200 website giả mạo. Chỉ trong 3 tháng đầu năm 2016, VNCERT ghi nhận và cảnh báo 5.355 sự cố mã độc, 2.384 sự cố deface, 885 sự cố phishing.
 
Trong bối cảnh đó, Luật ATTT mạng được Quốc hội thông qua vào ngày 19/11/2015 (có hiệu lực từ 1/7 tới) có ý nghĩa hết sức quan trọng. Luật ATTT mạng gồm 08 chương, 54 điều, quy định những nguyên tắc chung về bảo đảm ATTT mạng, kinh phí cũng như hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này, các hành vi bị nghiêm cấm, xử lý vi phạm trong lĩnh vực ATTT, nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực ATTT mạng. Luật quy định rõ trách nhiệm của Bộ TT&TT, Bộ Quốc phòng, Ban cơ yếu Chính phủ, Bộ Công an và các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong việc thực hiện quản lý nhà nước về ATTT mạng.
 
Dự kiến trong thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ xây dựng các văn bản triển khai Luật như Nghị định quy định bảo vệ hệ thống thông tin theo cấp độ ATTT; Nghị định quy định về Điều kiện cấp giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ ATTT mạng; Nghị định quy định chi tiết về ngăn chặn xung đột thông tin trên mạng; Nghị định quy định danh mục sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự và quy định chi tiết về kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự; Nghị định quy định danh mục sản phẩm mật mã dân sự xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép... Sắp tới, Bộ TT&TT phối hợp các đơn vị liên quan triển khai một số định hướng thúc đẩy phát triển ATTT như: Quy hoạch về phát triển ATTT số quốc gia đến năm 2020; Đề án đào tạo và phát triển nguồn nhân lực an toàn, an ninh thông tin đến năm 2020; Đề án Tuyên truyền nâng cao nhận thức và trách nhiệm về ATTT; hoạt động đẩy mạnh phối hợp giữa Bộ TT&TT, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng trong hoạt động đảm bảo an toàn, an ninh thông tin trên mạng.
Phương Thanh – Cục Công tác phía Nam
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top