Hội thảo quốc gia về dự thảo Nghị định của Chính phủ về chữ ký số và dịch vụ chứng thực điện tử

(Mic.gov.vn) - Sáng 7/12/2004 tại Hà Nội, Bộ Bưu chính, Viễn thông đã tổ chức Hội thảo quốc gia về dự thảo Nghị định của Chính phủ về Chữ ký số và dịch vụ chứng thực điện tử. Đến dự có Thứ trưởng Bộ Bưu chính, Viễn thông Lê Nam Thắng và đại diện các Bộ, ban ngành, các tổ chức, hiệp hội và các doanh nghiệp liên quan.

Phát biểu tại buổi Hội thảo, Thứ trưởng Lê Nam Thắng đánh giá của sự cần thiết việc xây dựng Nghị Định của Chính phủ về Chữ ký số và dịch vụ chứng thực điện tử: vai trò của chữ ký số và dịch vụ chứng thực điện tử đối với sự phát triển Thương mại điện tử và Chính phủ điện tử, kinh nghiệm quốc tế, các định hướng chính sách của Đảng và Nhà nước ta về phát triển Thương mại điện tử và Chính phủ điện tử, và nhu cầu cung cấp và sử dụng dịch vụ tại Việt Nam, ngày 07/10/2004 Chính phủ có công văn số 38/CP-CN về việc triển khai dịch vụ chứng thực điện tử tại Việt Nam và chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Trung ương khoá IX tại QĐ 51/2004/QĐ-TTg ngày 31/03/2004 giao Bộ Bưu chính, Viễn thông chủ trì, phối hợp với các bộ ngành có liên quan xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ về Chữ ký số và dịch vụ chứng thực điện tử. Bộ BCVT đã khẩn trương triển khai các hoạt động xây dựng dự thảo, phối hợp với các Bộ Khoa học và Công nghệ, Nội Vụ, Công An, Tư pháp, Ban cơ yếu Chính phủ và Văn phòng Chính phủ soạn thảo và đã tổ chức giới thiệu của các chuyên gia nước ngoài về công nghệ, ứng dụng và hạ tầng pháp lý cho chữ ký số và dịch vụ chứng thực điện tử. Do Chữ ký số và dịch vụ chứng thực điện tử đảm bảo an toàn cho việc truyền gửi thông tin trên mạng. Bằng việc sử dụng Chữ ký số và dịch vụ chứng thực điện tử mà những giao dịch liên quan đến lĩnh vực kinh tế tài chính (như Ngân hàng, Thuế, Bảo hiểm, ...) và những giao dịch yêu cầu tính pháp lý cao (các dịch vụ hành chính công, chữa bệnh từ xa, đào tạo từ xa...) có thể được thực hiện qua mạng. Đồng thời, chữ ký số và dịch vụ chứng thực điện tử là vấn đề rất mới chưa được triển khai trong thực tế ở Việt Nam. Do vậy trong quá trình xây dựng Nghị định Ban soạn thảo đã tuân theo các nguyên tắc cơ bản sau: 1. Tham khảo luật và kinh nghiệm triển khai của các nước, các khuyến nghị của các tổ chức quốc tế có liên quan đồng thời phải tính đến đặc thù kinh tế xã hội, trình độ hiểu biết và sẵn sàng của các tổ chức, doanh nghiệp và người dân, các qui định hiện hành của pháp luật Việt Nam. 2. Vừa đảm bảo an ninh chủ quyền của đất nước, vừa tuân thủ các hiệp ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia để đảm bảo hội nhập quốc tế. 3. Thận trọng trong việc đưa ra các qui định quản lý; bước đầu nên quản lý chặt để tránh xảy ra sự cố không lường trước được và tránh các tổn thất cho nền kinh tế xã hội; sau một quá trình triển khai sẽ xem xét rút kinh nghiệm và điều chỉnh các qui định. 4. Đảm bảo phân công trách nhiệm giữa các bộ ngành rõ ràng, không chồng chéo; một vấn đề được điều chỉnh trọng một văn bản pháp luật (Nghị định); đơn giản thủ tục cho các tổ chức, doanh nghiệp và người sử dụng, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của dịch vụ. Trong buổi Hội thảo Bộ BCVT đã trình bày toàn bộ nội dung cơ bản của dự thảo Nghị định; các vấn đề cơ bản nhất của Nghị định đó là: - Giá trị của chữ ký số và bản tin điện tử được ký số. - Quản lý CA trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cạnh tranh. - Quản lý việc cung cấp và sử dụng dịch vụ chứng thực điện tử trong điều kiện gia tăng các hình thức tội phạm mạng. Đối tượng áp dụng của Nghị định: - Các tổ chức, cá nhân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia cung cấp và sử dụng dịch vụ chứng thực điện tử tại Việt Nam. - Các tổ chức chứng thực điện tử nước ngoài được công nhận tại Việt Nam. Hội thảo cũng đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự, góp phần vào việc xây dựng Nghị định về Chữ ký số và dịch vụ chứng thực điện tử trình Chính phủ sớm được ban hành.

PTH

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT( 0)