Ban hành Nghị định 75/2003 NĐ-CP - Công cụ quản lý quan trọng về Bưu chính, Viễn thông và Công nghệ thông tin

(Mic.gov.vn) - Lần đầu tiên, Thanh tra chuyên ngành Bưu chính, Viễn thông và Công nghệ thông tin được mở rộng chức năng, quyền hạn và cơ cấu tổ chức đáp ứng với yêu cầu đòi hỏi của thực tế.

Ngày 26/6/2003, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 75/2003 NĐ - CP về tổ chức và hoạt động của Thanh tra Bưu chính, Viễn thông và Công nghệ thông tin. Theo đó, Thanh tra Bưu chính, Viễn thông và Công nghệ thông tin là cơ quan trực thuộc Bộ Bưu chính, Viễn thông có chức năng thanh tra nhà nước và thanh tra chuyên ngành bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin, điện tử, Internet, truyền dẫn phát sóng, tần số vô tuyến điện, cơ sở hạ tầng thông tin quốc gia và các lĩnh vực khác trong phạm vi quản lý nhà nước thuộc thẩm quyền của Bộ Bưu chính, Viễn thông. Đối tượng thanh tra là các cơ quan, đơn vị, cá nhân thuộc quyền quản lý của Bộ Bưu chính, Viễn thông; tổ chức cá nhân Việt Nam, tổ chức cá nhân nước ngoài tại Việt Nam tham gia các hoạt động trong lĩnh vực Bưu chính, Viễn thông và Công nghệ thông tin. Nghị định 75 quy định hệ thống tổ chức Thanh tra chuyên ngành Bưu chính, Viễn thông bao gồm: - Thanh tra Bộ Bưu chính, Viễn thông là cơ quan trực thuộc Bộ Bưu chính, Viễn thông giúp Bộ trưởng Bộ Bưu chính, Viễn thông thực hiện chức năng thanh tra nhà nước và thanh tra chuyên ngành về lĩnh vực Bưu chính, Viễn thông và Công nghệ thông tin trên phạm vi cả nước. Thanh tra Bộ Bưu chính, Viễn thông chỉ đạo toàn bộ công tác thanh tra trong hệ thống Thanh tra Bưu chính, Viễn thông và Công nghệ thông tin. - Thanh tra các Cục Bưu chính, Viễn thông và Công nghệ thông tin khu vực, trực thuộc các Cục Bưu chính, Viễn thông và Công nghệ thông tin khu vực, với chức năng giúp Cục trưởng thanh tra nhà nước và thanh tra chuyên ngành trong phạm vi các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trên địa bàn quản lý được phân công. -Thanh tra Cục Tần số vô tuyến điện là cơ quan trực thuộc Cục Tần số vô tuyến điện, giúp Cục trưởng thực hiện chức năng thanh tra nhà nước và thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực tần số, thiết bị phát sóng vô tuyến điện và tương thích điện từ trường trong phạm vi quản lý của cục. - Thanh tra Cục Quản lý chất lượng Bưu chính, Viễn thông và Công nghệ thông tin trực thuộc Cục Quản lý chất lượng bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin, giúp Cục trưởng thực hiện chức năng thanh tra nhà nước và thanh tra chuyên ngành về tiêu chuẩn chất lượng: sản phẩm, công trình, mạng, dịch vụ bưu chính, dịch vụ viễn thông và công nghệ thông tin trong phạm vi quản lý của Cục. Các tổ chức thanh tra thuộc hệ thống Thanh tra Bưu chính Viễn thông và Công nghệ thông tin có con dấu và tài khoản riêng để hoạt động độc lập trong quá trình thanh tra. Sau Pháp lệnh Bưu chính, Viễn thông và Nghị định 90 quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Bưu chính, Viễn thông, việc ban hành Nghị định 75 đánh dấu một bước tiến quan trọng trong quá trình hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bưu chính viễn thông và công nghệ thông tin. Với sự ra đời của Nghị định 75, điểm mới đầu tiên là sự mở rộng chức năng nhiệm vụ của Thanh tra theo đúng chức năng quản lý nhà nước của Bộ Bưu chính, Viễn thông. Về hệ thống thanh tra, Nghị định cho phép thành lập thanh tra thuộc các Cục Bưu chính, Viễn thông và Công nghệ thông tin khu vực với chức năng nhiệm vụ tương đương thanh tra các Sở địa phương của các Bộ khác. Điểm mới nhất ở đây là sự ra đời của thanh tra các Cục quản lý chuyên ngành như Cục Tần số vô tuyến điện, Cục Quản lý chất lượng. Đây là mô hình mà một số Bộ khác đang phấn đấu xây dựng. Việc quy định về cơ quan thanh tra thuộc các Cục quản lý chuyên ngành cũng rất phù hợp với dự thảo Luật Thanh tra mà Chính phủ đang khẩn trương hoàn chỉnh để trình Quốc hội xem xét trong kỳ họp tới. Như vậy, với sự ra đời của Nghị định 75, hệ thống thanh tra về bưu chính viễn thông và công nghệ thông tin đã được xây dựng hoàn chỉnh từ trung ương đến địa phương, gồm cả chức năng thanh tra nhà nước và thanh tra chuyên ngành. Chúng ta đã có đầy đủ công cụ để tiến hành thanh tra và xử phạt mọi hành vi vi phạm hành chính trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Bưu chính, Viễn thông. Trước đây vẫn có tình trạng là các văn bản, quyết định quản lý nhà nước được ban hành rất nhiều nhưng do thiếu công cụ thanh tra nên việc xử lý vi phạm chỉ dừng ở mức nhắc nhở. Vì vậy, hiệu quả của công tác thanh tra nói riêng và quản lý nhà nước nói chung chưa cao. Hiện nay, tình trạng vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông và công nghệ thông tin diễn ra khá tràn lan. Chẳng hạn, tình trạng thu cước điện thoại và Internet quá cao so với quy định tại các khách sạn, tình trạng các công ty kinh doanh taxi và cả một số đài phát thanh truyền hình địa phương trốn nộp phí sử dụng tần số hoặc việc một số công ty taxi dùng thủ đoạn phá sóng để triệt hạ đối thủ cạnh tranh, những vi phạm về chất lượng, nhãn mác hàng hoá, dịch vụ... Những hành vi đó trước đây thanh tra không thể xử phạt được thì nay đã có thể xử phạt nghiêm. Và như vậy việc chấp hành pháp luật trong kinh doanh, khai thác các dịch vụ bưu chính viễn thông và công nghệ thông tin sẽ dần đi vào nề nếp. Hiện nay, Thanh tra Bộ đang gấp rút hoàn chỉnh văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định 75 để trình Bộ trưởng ký ban hành, trong đó phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của thanh tra các Cục quản lý khu vực và thanh tra các Cục quản lý chuyên ngành.

Lê Mạnh - Minh Quyên

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT( 0)