(Mic.gov.vn) - Cuộc hội thảo phát triển công nghệ thông tin Việt Nam: Nửa chặng đường thực hiện kế hoạch 2001 – 2005 do Tiến sĩ Nguyễn Trọng, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia về công nghệ thông tin chủ trì ngày 9/7 đã chỉ ra những thành công cũng như tồn tại trong thực hiện Chỉ thị 58 của Bộ Chính trị trong đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin
Công nghệ thông tin ở Việt Nam đã đóng vai trò quan trọng trong xã hội
Có thể nói rằng đến nay công nghệ thông tin đã thâm nhập hầu hết các hoạt động kinh tế – xã hội, cả ở trong khu vực Nhà nước, khu vực tư nhân và cả trong đời sống gia đình. Trong đó, những khu vực kinh tế có yêu cầu hội nhập và cạnh tranh cao như: Ngân hàng, viễn thông, hàng không… đang ứng dụng công nghệ thông tin một cách rộng rãi và có hiệu quả, góp phần quyết định vào sự phát triển và hội nhập kinh tế.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cũng đã mạnh dạn đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý sản xuất kinh doanh và dịch vụ như thiết kế, dự toán công trình, công nghiệp in ấn, tính toán trong dầu khí, khí tượng thuỷ lợi… để phát triển. Cho đến nay, chúng ta đã có khoảng 2500 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh, sản xuất phần mềm, trong đó ước tính có khoảng 400 đơn vị thực sự hoạt động về phần mềm, với nguồn nhân lực khoảng 8000 người. Cùng với sự phát triển đó đã dần hình thành được các khu phần mềm tập trung hoạt động có hiệu quả như khu phần mềm Quang Trung, công viên phần mềm Sài Gòn (SSP) ở thành phố Hồ Chí Minh.
Nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế
Các doanh nghiệp đã bắt đầu cho ra đời các phần mềm của Việt Nam có chất lượng quốc tế và có thể xâm nhập được thị trường quốc tế như TMA, Fsoft, CDIT… song vẫn còn ở qui mô nhỏ với doanh số trên 1 triệu USD/năm. Bên cạnh đó, việc đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin cũng đang ngày được quan tâm. Đến nay ta đã có hàng trăm trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp còn liên kết với nhiều nước và tổ chức Việt kiều để đào tạo công nghệ thông tin.
Nhưng chất lượng vẫn chưa cao, chưa đào tạo ra nhiều kỹ sư hàng đầu. Việc phát triển công nghiệp công nghệ thông tin thành một ngành kinh tế quan trọng, đặc biệt là phần mềm đòi hỏi phải xác định rõ lộ trình cùng với những kế hoạch cụ thể cho việc triển khai chương trình ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin. Hội thảo đã chỉ ra được nguyên nhân cơ bản là do công tác tổ chức thực hiện còn yếu, điều này dẫn đến ý niệm về hạ tầng thông tin còn mờ nhạt, các dự án ứng dụng công nghệ thông tin khác xa so với các dự án xây dựng do những đặc thù về tính hệ thống, về phạm vi tác động, về nguồn vốn…
Song nhiều đại biểu tham dự hội thảo cũng tỏ ra lạc quan rằng nếu như gấp rút, kiên quyết hoàn thiện, tăng cường hệ thống tổ chức, cơ chế chỉ đạo và quản lý từ Trung ương đến địa phương; cũng như xây dựng và hoàn thiện cơ chế, quy trình thủ tục xây dựng, thẩm định, phê duyệt dự án… thì các mục tiêu, chỉ tiêu của Chỉ thị 58 sẽ thực hiện được