(Mic.gov.vn) - - ""Đối với các nước đang phát triển, Công nghệ thông tin (CNTT) không phải là liều thuốc tiên chữa được bách bệnh nhưng cần phải khẳng định là không thể lưỡng lự hay chờ đợi, vì như vậy sẽ bỏ lỡ cơ hội, làm cho sự tụt hậu càng xa hơn nữa"", ông Đặng Hữu, Trưởng ban Chỉ đạo Công nghệ thông tin các cơ quan Đảng, Văn phòng Trung ương Đảng, khẳng định trong Hội thảo Nâng cao nhận thức về CNTT và Truyền thông cho các nghị sĩ châu Á (e-ASSAP) diễn ra ngày 14-15/7 tại Hà Nội.
e-ASSAP được tổ chức với mục đích nâng cao nhận thức về CNTT&TT cho các nghị sĩ châu Á và những người ra quyết định cấp cao phụ trách các vấn đề Quốc hội. Tham dự e-ASSAP có các nghị sĩ từ nhiều nước châu Á như: Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Philippines, Singapore, Hàn Quốc, Đông Ti-mo và Việt Nam.
Hội thảo do Chương trình thông tin phát triển châu Á - Thái Bình Dương (APDIP) thuộc Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), phối hợp với Quốc hội Việt Nam, Dự án Đối tác tri thức toàn cầu GKP) và Cơ quan Hợp tác và Phát triển Thụy Sỹ phối hợp tổ chức.
Mặc dù được đánh giá là nước có tốc độ phát triển CNTT nhanh thứ 2 trên thế giới (30-40%), nền tảng CNTT của Việt Nam vẫn còn tụt hậu so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới với số máy tính cá nhân là 11/1.000 người trong khi con số của khu vực Đông Á - Thái Bình Dương là 21,7 và toàn thế giới là 68,4.
Ngày 17/10/2000, Bộ Chính trị ĐCSVN ra chỉ thị số 58 về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT với nội dung: CNTT không chỉ là ngành kinh tế kỹ thuật mà là động lực quan trọng đối với sự phát triển,""tạo khả năng đi tắt, đón đầu"" để thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
Hiện nay, các cơ quan nhà nước từ TƯ đến địa phương đang khẩn trương thực hiện Đề án tin học hoá hành chính nhà nước nhằm đổi mới cách làm việc, đổi mới tổ chức, nâng cao hiệu lực điều hành, quản lý, đáp ứng nhu cầu về dịch vụ hành chính công cho người dân. Hơn nữa, Nhà nước đi đầu trong sử dụng CNTT sẽ thúc đẩy mạnh sự phát triển CNTT trong cả nước.
Mục tiêu của đề án này là đến năm 2010, CNTT của Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực và đến năm 2005, về cơ bản xây dựng và đưa vào hoạt động hệ thống thông tin điện tử quốc gia, thực hiện chính phủ điện tử, phát triển các dịch vụ điện tử trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, thuế, kho bạc, kiểm toán, hải quan, hàng không, thương mại điện tử, giáo dục, đào tạo từ xa, chữa bệnh từ xa, thư viện điện tử...
Cùng với e-ASSAP, Diễn đàn các nghị sĩ châu Á với địa chỉ www.eAPF.net cũng được khởi động nhằm tạo điều kiện cho việc trao đổi thông tin trên mạng trong quá trình diễn ra hội thảo. Đây cũng là cơ hội cho các nghị sĩ châu Á gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, qua đó tăng cường hợp tác và chia sẻ thông tin giữa các nước đang phát triển.