Thị trường CNTT Việt Nam sẽ tăng trưởng 25%

(Mic.gov.vn) - Theo báo cáo của TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội Tin học TP HCM, tại Diễn đàn CNTT Việt Nam 2003, năm nay doanh số thị trường CNTT sẽ vượt ngưỡng 500 triệu USD so với con số 400 triệu USD của năm 2002. Trong đó, sôi động nhất có thể là thị trường phần cứng, Internet và các dịch vụ CNTT, viễn thông.

Quý I/2003, kim ngạch nhập khẩu thiết bị tin học đạt 105 triệu USD, tăng 78% so với cùng kỳ năm trước. Đây là lần đầu tiên doanh số nhập khẩu vượt 100 triệu USD/quý. So với các lĩnh vực khác liên quan đến phát triển CNTT như ứng dụng, đào tạo nhân lực, xây dựng công nghiệp CNTT thì Internet và viễn thông là những lĩnh vực tăng trưởng mạnh nhất. Việt Nam được đánh giá có tốc độ phát triển viễn thông nhanh thứ hai thế giới (chỉ sau Trung Quốc). Tính đến tháng 6/2003, nước ta có 210.000 thuê bao Internet, tăng 45.000 so với cùng kỳ năm ngoái. Năm 2002, doanh số phần cứng đạt 325 triệu USD, phần mềm và dịch vụ 75 triệu USD. Việc đẩy mạnh chương trình tin học hoá quản lý hành chính Nhà nước (Đề án 112) đã giúp thị trường này tăng trưởng. Năm qua, ngành công nghệ phần mềm phát triển không như mong muốn nhưng khả quan hơn so với con số 60 triệu USD năm 2001. Hiện nay, cả nước có 2.500 đơn vị đăng ký làm phần mềm, nhưng chỉ có 400 doanh nghiệp thực sự hoạt động. Nhờ có các chính sách ưu đãi cho hoạt động sản xuất, dịch vụ phần mềm (miễn phí thuế thu nhập doanh nghiệp), số đơn vị đăng ký trong lĩnh vực này tăng nhanh. Dự tính cuối năm nay, con số trên sẽ lên tới 350. Đồng thời, số nhân sự cũng tăng từ 6.000 lên 8.000, với năng suất 9.400 USD/người mỗi năm. Cả nước hiện có 8 khu công nghiệp phần mềm tập trung đi vào hoạt động, trong đó TP HCM có 3, còn lại là ở Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng, Huế. Ngoài Công viên phần mềm Quang Trung, Trung tâm công nghệ phần mềm Sài Gòn, hầu hết các khu phần mềm tập trung còn lại hoạt động chưa hiệu quả, do thu hút đầu tư từ bên ngoài còn yếu, các chính sách liên quan đến môi trường hoạt động, thị trường, tài chính, nhân lực, công nghệ triển khai chậm, một số mang tính nửa vời. Hơn nữa, tỷ lệ vi phạm bản quyền cao (95% trong năm 2002) cũng là yếu tố cản trở thị trường trong nước phát triển. Thời gian qua, gia công và xuất khẩu phần mềm có dấu hiệu khởi sắc, nhưng vẫn còn yếu. Hiện chỉ có khoảng 10% đơn vị gia công, xuất khẩu có doanh số trên 1 triệu USD/năm và được đối tác nước ngoài đánh giá cao như là: TMA, FSoft, CDIT… Về phần cứng, năm 2002, số máy tính lắp ráp trong nước chiếm gần 90% lượng máy bán ra thị trường (nhập 50,5 nghìn máy nguyên chiếc và 350 nghìn màn hình). Hiện Việt Nam có 20 doanh nghiệp lắp ráp máy tính có thương hiệu. Những đơn vị này đã tung ra thị trường 40.000 máy tính các loại trong năm qua và đưa vào hoạt động nhiều dây chuyền hiện đại, trong đó có CMS, FPT Elead, Vitek VTB… Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng ngành phần cứng thu hút đầu tư vẫn chậm, phần sản xuất còn hạn chế và hàng nhập lậu vẫn cao.

Minh Nghĩa

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT( 0)