(Mic.gov.vn) - Ngay sau khi Bộ Bưu chính Viễn thông (BCVT) cho phép các nhà cung cấp dịch vụ ứng dụng Internet (OSP) triển khai dịch vụ điện thoại Internet với mức giá sàn 1.400 đồng/phút, hàng loạt ISP như Saigon Postel, Vietel, FPT, VDC, Hanoi Telecom, EIS... tích cực chuẩn bị cho cuộc đua mới giành khách hàng.
Ông Nguyễn Tiến Tuấn, Phó phòng kinh doanh Công ty điện toán và truyền số liệu (VDC), cho biết họ dự kiến cung cấp dịch vụ Fone-VNN chiều đi quốc tế trên 61 tỉnh thành trong tuần này và triển khai tại các điểm Internet công cộng.
Khách hàng có thể đăng ký sử dụng Fone-VNN theo hình thức trả sau, trả trước, thẻ tín dụng hoặc gói dịch vụ tại các đại lý và điểm giao dịch trên toàn quốc. Thẻ Fone-VNN trả trước có các loại mệnh giá: 50.000, 100.000, 200.000, 300.000 và 500.000 đồng.
Theo ông Tuấn, sử dụng dịch vụ điện thoại qua Internet tương tự như việc dùng điện thoại thông thường nhưng giá rẻ hơn nhiều (hiện cước gọi đi quốc tế bằng VoIP là 15.000 đồng/phút). Người sử dụng có thể đăng ký tài khoản tại http:// fone.vnn.vn, cài phần mềm (có trên mạng hoặc CD trong bộ Fone-VNN Kit) trên máy tính cá nhân, trang bị tai nghe gắn microphone là có thể gọi tới bất kỳ số điện thoại nào trên thế giới. Tuy nhiên chất lượng thoại không tốt bằng cách gọi theo phương thức truyền thống.
Cùng với VDC, Công ty Điện tử viễn thông Quân đội (Vietel) sẽ cung cấp dịch vụ Internet phone vào cuối tháng 7. Khách hàng có thể đăng ký theo hình thức thanh toán trả trước, trả sau và kiểm tra tài khoản online. Mục tiêu của Vietel là nhắm tới khách hàng có thu nhập thấp, như các doanh nghiệp tư nhân. Công ty sẽ triển khai cung cấp tại thị trường Hà Nội trước, sau đó là TP HCM và một số tỉnh thành khác.
Theo ông Nguyễn Đình Chiến, Trưởng phòng kỹ thuật Vietel, do tận dụng được cơ sở hạ tầng viễn thông sẵn có, Vietel chỉ cần trang bị thêm một hệ thống máy chủ riêng dành cho Internet phone. Hiện công ty chỉ mới cung cấp dịch vụ thử nghiệm nội bộ và cho một số khách hàng nhỏ, chủ yếu là các công ty trực thuộc.
Tuần tới, Công ty truyền thông FPT cũng nhập cuộc. Điểm khác biệt là họ sẽ cung cấp một loại điện thoại chuyên dụng cài sẵn modem kết nối Internet bên trong, cho phép gọi cả điện thoại Internet và gọi thông thường. Thiết bị này có giá khoảng 200 USD. Khách hàng của FPT có thể đăng ký sử dụng dịch vụ theo hình thức trả trước, trả sau hoặc trọn gói.
Ông Vũ Tấn Cương - Giám đốc Công ty cổ phần viễn thông Hà Nội (Hanoi Telecom) - cho VnExpress biết: "Trong tháng 7, công ty sẽ triển khai dịch vụ Hinet-fone ở Hà Nội và TP HCM. Với tốc độ đường truyền tối đa là 57 Kb, hãng hy vọng sẽ thu hút 20.000-30.000 khách hàng (trong đó bao gồm cả thuê bao Internet và Internet phone) trong năm nay".
Gọi điện thoại qua Internet cần những gì?
Nếu đã có máy tính và nối mạng Internet, người sử dụng chỉ cần sắm thêm một tai nghe có gắn microphone (nếu có loa rồi thỉ chỉ cần microphone) và cài phần mềm của nhà cung cấp dịch vụ vào máy. Khi cần gọi đi, từ giao diện phần mềm, người sử dụng nhập số tài khoản và mật khẩu để kết nối với máy chủ. Sau khi kết nối thành công, nhập tiếp số điện thoại cần gọi (gồm mã nước, mã vùng và số cá nhân) và nhắp chuột vào phím gọi đi.
Các chuyên gia máy tính khuyến cáo rằng để không ảnh hưởng đến chất lượng cuộc gọi, bạn nên ngưng hoạt động các phần mềm khác trong khi đang gọi, bởi chất lượng sẽ phụ thuộc vào đường truyền Internet. Lưu ý: nếu sử dụng dịch vụ tại các máy công cộng, bạn cần xóa mã số tài khoản sau khi chấm dứt cuộc gọi để không bị đánh cắp mã số và tài khoản của bạn.
Theo ông Tôn Minh Thông, Phó tổng giám đốc Saigon Postel (SPT), công ty sẽ cung cấp dịch vụ mới với mức cước thấp nhất có thể và giá ở từng khu vực sẽ khác nhau. Khi dùng dịch vụ của SPT, khách hàng có thể thực hiện cuộc gọi trực tiếp trên website (web dialer) hoặc gọi bằng phần mềm (soft dialer) được cài đặt trên máy tính. Nếu gọi từ soft dialer, bạn chỉ cần truy cập địa chỉ www.pc2phone.saigonnet.vn để tải phần mềm và cài đặt theo hướng dẫn (có thể cài đặt từ CD-ROM phát hành theo thẻ). Sau đó chạy phần mềm soft dialer đã cài, bấm vào nút "ACC/Pin" để nhập mã tài khoản, số mã truy cập được in trên thẻ. Nhập số điện thoại cần gọi theo: mã quốc gia + mã vùng + số điện thoại và thực hiện cuộc gọi.
Nếu gọi từ web dialer thì sau khi bạn truy cập website trên, chọn ngôn ngữ và tiến hành những bước tương tự như soft dialer. Các tiện ích bao gồm: danh bạ điện thoại, xem chi tiết cuộc gọi, mức cước gọi đi các vùng. Trong phần Call log, bạn có thể xem chi tiết các cuộc gọi đã thực hiện gồm số điện thoại, quốc gia, thời gian gọi, mức cước, số tiền đã gọi và tài khoản còn lại.
Đối với dịch vụ của One Connection Internet thuộc Công ty cổ phần Công nghệ thông tin (EIS), khách hàng sẽ được cấp một tài khoản truy cập Internet, đồng thời là tài khoản sử dụng các dịch vụ điện thoại, thương mại điện tử. Ngoài ra, người dùng cũng được sử dụng miễn phí các dịch vụ giá trị gia tăng kèm theo như: fax, hộp thư thoại, gửi tin nhắn... Công ty này phấn đấu đạt 10-15.000 khách hàng (bao gồm cả thuê bao Internet và Internet phone).
Vậy là các đại gia của Việt Nam đã sẵn sàng cho cuộc chơi mới. Họ đều hứa hẹn cung cấp dịch vụ với chất lượng cao cùng nhiều chương trình khuyến mại hấp dẫn, và người sử dụng Internet sẽ càng được lợi. Tuy nhiên, đến nay, bảng cước cụ thể cũng như các chương trình thu hút khách hàng vẫn chưa được công bố. Bởi họ còn phải chờ Bộ BCVT cấp giấy phép OSP và đoàn kiểm tra liên ngành đến kiểm nghiệm thực tế việc triển khai trước khi cung cấp dịch vụ. Công ty EIS, cho VnExpress biết: "Chúng tôi đã sẵn sàng mọi thứ để cung cấp Internet phone ngay khi được cấp phép".
Với mức cước tối thiểu 1.400 đồng/phút gọi đi nước ngoài do Bộ BCVT quy định, một số điểm kinh doanh dịch vụ Internet tại TP HCM cho rằng vẫn còn cao so với giá của một số dịch vụ điện thoại Internet "chui" hiện nay, nhưng họ tin rằng khách hàng có thể chấp nhận được. “Tôi biết thẻ điện thoại Internet "chui" có nơi họ rao bán chỉ 500 đồng/phút gọi đi Mỹ, nhưng kinh doanh như vậy hồi hộp lắm. Cả khách hàng lẫn chủ chẳng biết khiếu nại ở đâu nếu chất lượng dịch vụ không đảm bảo”, chị S. - chủ một đại lý Internet trên đường Trần Quang Khải, quận 1, TP HCM - nói. Chị cho biết thêm dù dịch vụ điện thoại Internet chưa chính thức được các nhà cung cấp tung ra, nhưng cũng đã có một số người hỏi thăm. Anh T. - một người thường xuyên liên lạc với người thân ở nước ngoài - thắc mắc: “Dịch vụ này ra đời quá muộn. Đã vậy sao Nhà nước còn quy định giá sàn 1.400 đồng/phút thay vì để các doanh nghiệp tự quyết định?”.
Còn về phía ngành bưu điện, khi được hỏi về ảnh hưởng của việc cung cấp Internet phone tới doanh số cước điện thoại truyền thống, ông Bùi Quốc Việt - Giám đốc Trung tâm thông tin bưu điện thuộc Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam - phát biểu: "Có thể sẽ ảnh hưởng nhưng không nhiều, bởi chất lượng dịch vụ này không cao và các giao dịch thương mại vẫn theo phương thức truyền thống là chính. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ tăng cường nâng cao chất lượng các dịch vụ khác để có thể bù lỗ cho nhau".