Sửa đổi quy định xử phạt vi phạm trong lĩnh vực bưu chính: Góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý

(Mic.gov.vn) - Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 142/2004/NĐ-CP (NĐ 142) quy định xử phạt vi phạm hành chính về bưu chính (BC) dự kiến sẽ được hoàn thành và trình Chính phủ trong quý I/2010. Nghị định mới ra đời sẽ góp phần quan trọng vào việc hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động BC, chuyển phát.

Sáng ngày 5/3/2010, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Thành Hưng đã có buổi làm việc với Ban soạn thảo và tổ biên tập sửa đổi bổ sung Nghị định 142/2004/NĐ-CP của Chính phủ về lĩnh vực Bưu chính. Sau khi nghe báo cáo của Ban soạn thảo và tổ biên tập, Thứ trưởng đã chỉ đạo Thanh tra Bộ cần xem xét lại nội dung Nghị định phải đảm bảo phù hợp với chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, phù hợp với pháp luật hành chính, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của văn bản với hệ thống pháp luật hiện hành, đồng thời phải có tính khả thi cao, phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội và tăng hiệu quả trong đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực Bưu chính.

Nghị định 142: “Vừa thừa, vừa thiếu”

Trong 2 năm 2008 - 2009, thanh tra chuyên ngành TT&TT đã thanh tra, kiểm tra và phát hiện 1.105 lượt vi phạm về BC, chuyển phát nhưng chỉ ban hành tổng cộng 155 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, trong đó, 86 quyết định xử phạt bằng hình thức cảnh cáo và 69 quyết định xử phạt bằng hình thức phạt tiền với số tiền phạt là 355.100.000 đồng. Qua quá trình thanh tra, kiểm tra, thanh tra chuyên ngành cũng đã phát hiện rất nhiều DN chưa tuân thủ đúng các quy định của pháp luật hiện hành nhưng do thiếu chế tài xử lý nên các Đoàn thanh tra cũng mới chỉ dừng ở mức độ nhắc nhở. Bên cạnh đó một số chế tài hiện nay còn thấp, tính răn đe chưa cao.

Nguyên nhân cơ bản nhất của thực trạng nêu trên là do NĐ 142 chưa quy định cụ thể, đầy đủ các hành vi vi phạm và chế tài xử phạt. Do vậy, mặc dù cơ quan thanh tra phát hiện ra vi phạm quy định của pháp luật nhưng không xử phạt được vì không có chế tài xử phạt, chỉ yêu cầu đối tượng chấp hành đúng các quy định của Nhà nước dẫn đến tình trạng DN không nghiêm túc chấp hành quy định pháp luật. Mặt khác, thực tế những năm gần đây nhiều quy định về BC, chuyển phát đã được sửa đổi, bổ sung, thay thế nhưng NĐ 142 chưa bổ sung kịp thời các hành vi vi phạm nên đã gây khó khăn cho công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm của thanh tra chuyên ngành và làm giảm hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước. Không những thế, mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm trong NĐ 142 hiện không còn phù hợp với điều kiện KT-XH, hầu hết các mức phạt còn thấp, dẫn đến yếu tố răn đe, ngăn chặn hành vi vi phạm không cao. Đây cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến việc chấp hành pháp luật về BC, chuyển phát của các DN và người sử dụng dịch vụ chưa cao; mặt khác cùng một hành vi vi phạm, qua đối chiếu với các văn bản quy định xử lý vi phạm hành chính liên quan cho thấy mức phạt còn khác nhau, chưa thống nhất.

Qua 5 năm triển khai thực hiện, đến nay quy định trong NĐ 142 về lĩnh vực bưu chính, chuyển phát có nhiều điểm không còn phù hợp với tình hình mới. NĐ 142 đang tồn tại một thực trạng vừa thừa vừa thiếu, đó là một số quy định không còn phù hợp phải sửa đổi, mặt khác một số hành vi vi phạm chưa được quy định trong NĐ 142. Điều này dẫn đến việc thanh tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực BC, chuyển phát chưa thực sự phát huy hiệu quả, ảnh hưởng không tốt đến hoạt động quản lý nhà nước về BC, chuyển phát. “Việc sửa đổi NĐ 142 là rất cần thiết. NĐ 142 là cơ sở pháp lý quan trọng cho công tác thanh, kiểm tra và xử lý vi phạm về BC, chuyển phát. Sửa đổi, bổ sung NĐ 142 là để các quy định xử lý vi phạm hành chính về BC, chuyển phát được đầy đủ, rõ ràng, thống nhất với các văn bản liên quan, là cơ sở pháp lý cho hoạt động kinh doanh dịch vụ BC, chuyển phát thực sự bình đẳng, lành mạnh”, bà Đỗ Thị Tình – Phó Chánh Thanh tra Bộ TT&TT khẳng định.

Tác động tích cực tới hoạt động BC

Theo Ban soạn thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung NĐ 142 về lĩnh vực BC, NĐ 142 sẽ được sửa đổi, bổ sung các điều  6, 7, 9, 10 của Mục I, chương II: Quy định các hành vi vi phạm và chế tài xử phạt hành chính liên quan đến hoạt động của mạng BC công cộng, mạng chuyển phát; Các quy định hành vi vi phạm và chế tài xử phạt hành chính về bảo đảm an toàn mạng BC, mạng chuyển phát thư; Các quy định hành vi vi phạm và chế tài xử phạt hành chính về cung ứng, sử dụng dịch vụ BC, dịch vụ chuyển phát; Các quy định hành vi vi phạm và chế tài xử phạt hành chính về quản lý, sử dụng Tem BC.

Quá trình tiến hành sửa đổi, bổ sung các điều của Nghị định, Ban soạn thảo đặc biệt chú trọng việc đánh giá, cân nhắc những tác động của các quy định được sửa đổi, bổ sung; lý giải rõ sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung đối với từng điều khoản, quy định cụ thể. Đơn cử như, Ban soạn thảo đã điều chỉnh một số hành vi, nâng mức phạt tiền đối với một số hành vi vi phạm đã được quy định tại Điều 6 của NĐ 142; Bổ sung hành vi vi phạm và chế tài xử phạt đối với BC Việt Nam, DN kinh doanh dịch vụ chuyển phát đã được quy định trong Nghị định 157 về hoạt động của mạng bưu chính công cộng, mạng chuyển phát, bao gồm: không treo biển hiệu tại các bưu cục giao dịch, điểm phục vụ, trụ sở chính của DN, trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện; không niêm yết, niêm yết thiếu thông tin trên thùng thư công cộng; kinh doanh dịch vụ chuyển phát không làm thủ tục thông báo với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền… Việc nâng mức phạt đối với các hành vi vi phạm quy định tại Điều 6 NĐ 142 rất cần thiết. Đây là nhóm hành vi vi phạm đã bị cơ quan thanh tra chuyên ngành TT&TT phát hiện, xử phạt nhiều lượt nhưng DN vẫn tiếp tục vi phạm, nguyên nhân cơ bản là do khung phạt chưa tương xứng với hành vi vi phạm.

Còn đối với những chế tài bổ sung, thực tế qua hoạt động thanh tra đã phát hiện nhiều vi phạm, lực lượng thanh tra TT&TT không có chế tài xử phạt mà chỉ nhắc nhở, hướng dẫn DN làm đúng các quy định của Nhà nước nên hiệu quả thực hiện pháp luật không cao, các hành vi này đã và đang trực tiếp ảnh hưởng đến hoạt động bưu chính, chuyển phát. Vì vậy, việc bổ sung những hành vi và chế tài xử phạt vào Điều này là cần thiết để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các DN bưu chính, chuyển phát.

Hay với Điều 7, Ban soạn thảo đã sửa đổi, nâng mức phạt tiền đối với một số hành vi vi phạm đã được quy định tại Điều 7 NĐ 142; đồng thời, bổ sung hành vi và một số chế tài xử phạt các hành vi vi phạm đã được quy định, đó là nội dung về bảo đảm an toàn mạng BC, mạng chuyển phát thư, bao gồm: chậm phát thư, bưu phẩm, bưu kiện, kiện, gói hàng hoá đến người sử dụng dịch vụ; thực hiện không đúng các biện pháp bảo đảm an toàn, an ninh mạng BC, mạng chuyển phát; không phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền tiến hành các biện pháp nghiệp vụ theo quy định. “Các hành vi vi phạm và chế tài được bổ sung vào Điều này đều dựa trên cơ sở những quy định hiện hành về nội dung và bắt buộc phải tuân thủ, việc quy định những hành vi này sẽ là cơ sở để cơ quan quản lý nhà nước tiến hành thanh tra và xử lý vi phạm. Thực tế công tác thanh tra và xử lý vi phạm cho thấy những hành vi này trực tiếp ảnh hưởng đến việc bảo đảm an toàn, an ninh mạng BC, mạng chuyển phát, ảnh hưởng đến quyền lợi của người sử dụng dịch vụ, những vi phạm nghiêm trọng có thể ảnh hưởng đến an toàn, an ninh quốc gia.

Là đơn vị chủ trì soạn thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung NĐ 142 về lĩnh vực BC, Bộ TT&TT đã có văn bản gửi các Bộ, ngành liên quan để xin ý kiến đóng góp vào dự thảo NĐ, nhìn chung đa số các Bộ, ngành đều thống nhất cao về nội dung sửa đổi, bổ sung cũng như sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Nghị định 142 nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về BC, chuyển phát trong tình hình hiện nay. Dự thảo Nghị định sẽ được gấp rút hoàn thành để trình Chính phủ theo đúng kế hoạch. Nghị định được ban hành sẽ góp phần hoàn thiện một một bước hành lang pháp lý để phù hợp với điều kiện KT-XH hiện tại và tình hình thực tế công tác quản lý nhà nước; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm mới phát sinh, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, xã hội, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, nâng cao hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước của Bộ TT&TT.
 

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT( 0)