Xây trạm BTS: Khó từ nhiều phía

(Mic.gov.vn) - Để đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ thông tin di động của khách hàng ngày càng cao, các doanh nghiệp nỗ lực phát triển cơ sở hạ tầng thông tin di động, bao gồm cả việc xây trạm BTS nhằm mở rộng vùng phủ sóng, nâng cao chất lượng dịch vụ…. Tuy nhiên, doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc từ thủ tục xin phép xây dựng cho đến vấn đề kiểm định và khiếu kiện của dân.

Nhiều năm trước đây, việc xây dựng trạm thu phát sóng thông tin di động (BTS) thật dễ dàng. Các doanh nghiệp chỉ việc chọn địa điểm xây trạm BTS nằm trong quy hoạch mạng lưới của mình là có thể mua đất hoặc thuê đất, nhà trạm sẵn có để xây dựng, lắp đặt BTS. Hầu hết chính quyền địa phương từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã và người dân đều ủng hộ doanh nghiệp xây dựng trạm BTS tại địa bàn của mình. Thậm chí, trong báo cáo tổng kết về phát triển tình hình kinh tế, xã hội hàng năm của nhiều địa phương có tổng họp cả số liệu phát triển trạm BTS như là một thành tích của địa phương mình.

Trong vài năm gần đây, các doanh nghiệp không thể hoàn thành việc xây dựng trạm BTS theo đúng tiến độ và quy hoạch mạng lưới đã được duyệt. Do đó có phần nào ảnh hưởng đến việc mở rộng vùng phủ sóng và chất lượng dịch vụ thông tin di động. Khách hàng là người chịu thiệt thòi đầu tiên khi chất lượng dịch vụ kém, mạng lưới bị nghẽn và tình trạng rớt cuộc gọi xảy ra. Tiếp đó là doanh nghiệp cũng chịu thiệt do tốc độ xây trạm BTS không đáp ứng tiến độ đề ra. Cuối cùng là nhà nước cũng bị ảnh hưởng do vốn đầu tư rót vào doanh nghiệp được dùng để mua thiết bị BTS nhưng không được đưa ra lắp đặt nhằm đảm bảo phát triển hạ tầng thông tin di động bền vững, phục vụ cho phát triển kinh tế, xã hội và đời sống của người dân. Việc doanh nghiệp không theo kịp tiến độ xây dựng trạm BTS đã đề ra do có khó khăn, vướng mắc từ nhiều phía.

Khó từ thủ tục xin giấy phép…

Để hướng dẫn về cấp giấy phép xây dựng đối với các công trình trạm thu, phát sóng thông tin di động ở các đô thị, liên bộ Xây dựng, Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư liên tịch số 12/2007/TTLT/BXD-BTTTT ngày 11/12/2007. Thông tư này chỉ điều chỉnh đối với BTS được xây dựng, lắp đặt tại khu vực đô thị (nội thành thành phố, thị xã, thị trấn). Đối với các trạm BTS được xây ngoài khu vực đô thị không chịu sự điều chỉnh của Thông tư 12 mà chỉ chịu sự điều chỉnh của pháp luật về xây dựng. Theo Thông tư  này, chỉ những trạm BTS xây dựng, lắp đặt tại khu vực sân bay, an ninh quốc phòng, khu trung tâm văn hóa, chính trị và các khu vực cần quản lý về kiến trúc, cảnh quan đô thị mới phải xin phép xây dựng. Riêng BTS loại 2 lắp đặt ngoài phạm vi các khu vực phải xin phép nêu trên thì được miễn giấy phép. Việc quy hoạch khu vực phải xin phép xây dựng BTS do UBND cấp tỉnh quy định. Tuy nhiên, một số địa phương khi quy hoạch khu vực phải xin phép xây dựng BTS đã áp dụng Thông tư 12 cho toàn tỉnh, kể cả những địa điểm xây BTS ngoài khu vực đô thị. Thậm chí, nhiều khu vực không nằm trong những tiêu chí như quy định ở trên vẫn buộc phải xin phép lắp đặt BTS loại 2.

Theo quy định, BTS loại 2 khi lắp đặt ngoài khu vực phải xin phép xây dựng thì được miễn giấy phép xây dựng nhưng phải đáp ứng các điều kiện theo quy định như giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất, có thiết kế đảm bảo theo yêu cầu, đảm bảo độ tĩnh không, các yêu cầu về tiếp đất, chống sét và thông báo cho UBND cấp xã nơi lắp đặt trạm 7 ngày trước khi lắp đặt. Thực tế, nhiều địa phương còn quy định thêm muốn lắp đặt BTS ở đâu thì phải được tổ dân phố ở đó họp thỏa thuận đồng ý bằng văn bản cho phép lắp đặt trạm, mà nhiều nơi thường gọi là hội nghị quân - dân - chính. Đây là một nhiệm vụ bất khả thi đối với phần lớn các doanh nghiệp vì: thứ nhất, doanh nghiệp không thể đứng ra tổ chức họp tổ dân phố; thứ hai, phần lớn người dân ở đâu cũng không đồng ý cho doanh nghiệp xây dựng trạm BTS do lo sợ ảnh hưởng sức khỏe và vấn đề đảm bảo an toàn cho các hộ dân sống xung quanh….

Như vậy, các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương đã vô tình tạo thêm “rào cản” về cơ chế và đẩy cái khó cho doanh nghiệp trong việc xây dựng trạm BTS.

… đến kiểm định BTS…

Trước đây, trạm BTS sau khi xây dựng, lắp đặt xong phải được kiểm định rồi mới được đưa vào phát sóng nếu đảm bảo các tiêu chí theo quy định về mức phơi nhiễm, an toàn tiếp đất, chống sét.

Từ ngày 01/6/2009, theo quy định tại Thông tư số 09/2009/TT-BTTTT ngày 24/3/2009 của Bộ Thông tin và Truyền thông thì việc kiểm định trạm BTS thực hiện theo hình thức “hậu kiểm”. Theo đó, doanh nghiệp phải hoàn thiện hồ sơ kiểm định hợp lệ theo quy định và gửi đến Cục Quản lý chất lượng CNTT&TT trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày đưa trạm BTS vào khai thác sử dụng. Trong vòng 30 ngày sau đó, Cục QLCL CNTT&TT có trách nhiệm thẩm định và cấp giấy chứng nhận kiểm định. Đối với những trạm BTS không đáp ứng yêu cầu thì doanh nghiệp phải ngừng sử dụng công trình.

Quy định là vậy song một số Sở Thông tin và Truyền thông chưa cập nhật kịp thời quy định mới này nên vẫn yêu cầu các doanh nghiệp, chủ công trình trạm BTS phải tiến hành kiểm định trước khi đưa trạm BTS vào sử dụng, phát sóng theo quy định cũ. Thậm chí, có một số Sở yêu cầu doanh nghiệp ngừng phát sóng đối với các trạm BTS chưa tiến hành kiểm định. Như vậy, bên cạnh những khó khăn mang tính khách quan khi phát triển trạm BTS, doanh nghiệp còn phải chịu tác động chủ quan từ một số cán bộ thực thi pháp luật do chưa cập nhật kịp thời những quy định mới.

Bên cạnh những khó khăn khách quan nêu trên, phải thẳng thắn thừa nhận trong nhiều trường hợp, các doanh nghiệp viễn thông lại tự “gây khó” cho mình. Khó từ việc đua nhau dựng trạm BTS mà không theo kiến trúc, quy hoạch nào; khó từ việc “phá giá” khi thuê địa điểm dựng cột; khó từ việc “phớt lờ” các cơ quan chức năng (như Sở TT&TT) ở địa phương; khó từ việc không tìm điểm chung trong tiếng nói cũng như sử dụng chung cơ sở hạ tầng; đặc biệt khó từ việc chính các doanh nghiệp không chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật trong việc kiểm định.... Đây là vấn đề cốt lõi mà người dân thường vin vào lý do này để cho rằng trạm BTS gây ảnh hưởng sức khỏe nhằm phản đối không cho xây dựng trạm BTS. Việc xây dựng các trạm BTS của các doanh nghiệp viễn thông hiện nay đang gây nhiều bức xúc cho xã hội về gây mất mỹ quan đô thị và lãng phí nguồn vốn đầu tư. Thậm chí, tại cùng một địa điểm có tới 3-4 cột anten BTS của 3-4 nhà mạng viễn thông di động mọc lên, chẳng ai chịu dùng chung cái gì của ai. Ở nhiều địa phương, các doanh nghiệp viễn thông vẫn duy tri lề lối làm việc tự phát, ngắm chỗ nào đẹp và còn trống là trực tiếp đến đặt vấn đề thuê chỗ với hộ gia đình, mà “phớt lờ” các cơ quan quản lý chức năng. Hiện tại, tổng số trạm BTS trên toàn mạng viễn thông khoảng hơn 32.000 trạm. Số trạm BTS đã được kiểm định chỉ chiếm khoảng 60%, có nhiều doanh nghiệp tỉ lệ kiểm định tương đối cao chiếm khoảng trên 90% nhưng có những doanh nghiệp mới chưa có trạm BTS nào được kiểm định. Trong số đó có nhiều trạm BTS được các doanh nghiệp lắp đặt từ trước năm 2009 vẫn chưa được kiểm định, thậm chí có nhiều trạm BTS được đưa vào sử dụng từ cách đây vài năm nhưng đến nay vẫn chưa kiểm định.

… và khiếu kiện của dân

Trước đây, người dân thường dựa vào lý do ảnh hưởng của sóng điện từ trường từ trạm BTS gây ra cho con người để khiếu kiện, thậm chí là tụ tập đông người để ngăn cản việc xây dựng trạm BTS. Sau quá trình tích cực tuyên truyền về các kết quả nghiên cứu của các tổ chức quốc tế (WHO, ICNIRP, ITU) khẳng định chưa có bằng chứng khoa học thuyết phục nào cho thấy các tín hiệu tần số vô tuyến yếu từ các trạm thu phát vô tuyến và các mạng vô tuyến gây ra những ảnh hưởng có hại cho sức khỏe, đến nay người dân đã ít dựa vào lý do ảnh hưởng của trường điện từ nhưng lại thường lấy lý do mức độ an toàn cơ học của trạm BTS để khiếu kiện, “làm khó” doanh nghiệp và ép doanh nghiệp tháo dỡ trạm.

Theo quy định thì khi lắp đặt trạm BTS trên công trình có sẵn, doanh nghiệp phải mời tổ chức có năng lực để thẩm định, đánh giá độ bền, tính chịu lực của công trình dự kiến lắp đặt BTS. Kết quả này được lập thành hồ sơ xin phép xây dựng trạm BTS và nộp cho cơ quan cấp phép xây dựng. Dựa vào hồ sơ xin phép xậy dựng trạm BTS, cơ quan cấp phép xây dựng sẽ xét duyệt và cấp phép xây dựng trạm BTS nếu đáp ứng đầy đủ các quy định. Tuy doanh nghiệp đã hoàn chỉnh đầy đủ các thủ tục theo quy định để xây dựng, lắp đặt và đưa trạm BTS vào khai thác, sử dụng nhưng vẫn bị người dân sống xung quanh trạm BTS phản đối, ngăn cản và cuối cùng là buộc doanh nghiệp phải tháo dỡ trạm BTS đó.

Có rất nhiều lý do để người dân khiếu kiện, ngăn cản việc xây dựng, lắp đặt trạm BTS nhưng lý do do mâu thuẫn cá nhân hoặc do mâu thuẫn về lợi ích kinh tế giữa chủ hộ cho thuê đặt trạm BTS với một số hộ xung quanh là chủ yếu.

Điển hình là mới đây một số người dân tại thôn Xuân Tràng, xã Đồng Than, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên đã kiến nghị yêu cầu Trung tâm Thông tin di động khu vực 5 (VMS5) phải tháo dỡ trạm BTS đặt tại địa điểm này, mặc dù trạm BTS này đã được doanh nghiệp hoàn chỉnh đầy đủ hồ sơ, thủ tục theo quy định như giấy phép xây dựng, giấy chứng nhận kiếm định. Vụ việc không dừng lại ở đó mà người dân còn gửi đơn thư khiếu kiện đến các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương trong khoảng thời gian kéo dài từ năm 2008 đến nay. Thậm chí người dân còn yêu cầu chính quyền phải can thiệp để cắt điện cung cấp cho trạm BTS hoạt động. Do sức ép của dân nên cuối cùng VMS5 đã phải tháo dỡ trạm BTS này. Việc tháo dỡ trạm BTS được lắp đặt đúng quy định không những gây thiệt hại về kinh tế và ảnh hưởng đến quy hoạch hạ tầng thông tin di động của doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ thông tin di động, từ đó gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người sử dụng.

Khi đại diện Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông xuống làm việc với Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Hưng Yên về vụ việc khiếu kiện trên thì được ông Nguyễn Hoàng Hòa - Giám đốc Sở cho biết: do có mẫu thuẫn giữa hộ gia đình cho thuê với một số hộ dân xung quanh nên xảy ra khiếu kiện. Vụ việc đã được các cơ quan chức năng có liên quan của tỉnh Hưng Yên xem xét, giải quyết nhưng một số người dân  không chấp nhận. Không dừng tại đó, khi doanh nghiệp đến tháo dỡ cột ăng ten thì họ không cho với lý do còn phải để làm “tang chứng, vật chứng”. Chưa hết, một số hộ dân tiếp tục yêu cầu doanh nghiệp phải bồi thường nhà bị lún nứt, sét đánh làm hỏng thiết bị điện của họ do cột anten này gây ra.

Rõ ràng, những khó khăn trong chuyện triển khai xây dựng và lắp đặt các trạm BTS là có thật. Khó khăn từ một số bộ phận cán bộ thực thi pháp luật, từ dư luận “ảnh hưởng đến sức khỏe” và khiếu kiện của dân chỉ là một phần. Ngoài ra khó khăn còn xuất phát từ thói quen làm việc manh mún, tự phát, thiếu sự phối hợp và không đề cao lợi ích công cộng của chính các doanh nghiệp. Đã đến lúc các doanh nghiệp cần nhìn nhận lại mình, điều chỉnh những hành vi không phù hợp, đảm bảo hài hòa lợi ích doanh nghiệp, người dân và của địa phương, sử dụng hiệu quả những chi phí đầu tư mà suy cho cùng đều là tiền của nhà nước. Có như vậy mới tạo ra một thị trường viễn thông phát triển bền vững và hài hòa.

Câu chuyện này một lần nữa cho thấy, bên cạnh việc doanh nghiệp phải thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật thì các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần phải thường xuyên cập nhật những quy định mới về quản lý chuyên ngành và tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật tới người dân. Bên cạnh đó, cơ quan bảo vệ pháp luật cũng cần phải xử lý nghiêm những trường hợp lợi dụng dân chủ, lợi dụng việc khiếu kiện để ngăn cản trái pháp luật việc xây dựng, lắp đặt trạm BTS./.
 

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT( 0)