Về loại hình phát thanh truyền hình: cả nước hiện có 67 đài phát thanh truyền hình (Trung ương: 02; địa phương: 65); một đài truyền hình kỷ thuật số mặt đất. Sóng truyền hình đã tới được nhiều vùng sâu, vùng miền núi và đồng bào dân tộc thiểu số. Đài tiếng nói Việt Nam đã có 6 hệ phát thanh gồm 4 hệ đối nội, 2 hệ đối ngoại. Hiện nay sóng phát thanh đã phủ kín 97,5% diện tích lãnh thổ. Báo chí điện tử là loại hình báo chí mới ra đời ở nước ta từ năm 1997, nhưng tốc độ phát triển nhanh. Cả nước có khoảng 10 báo điện tử, 130 trang tin điện tử của các cơ quan báo chí và hàng ngàn trang web có nội dung cung cấp thông tin. Cả nước có gần 15.000 nhà báo được cấp thẻ, khoảng 55 nhà xuất bản, 1.200 cơ sở in, 129 công ty phát hành sách quốc doanh và khoảng 12.000 cửa hàng, nhà sách tư nhân và sự xuất hiện của nhiều nhà sách và công ty cổ phần văn hoá, truyền thông. Chính sự phát triển năng động này đã đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu thông tin đa dạng của người dân, góp phần vào vịêc tuyên truyền, phổ biến chính sách của Đảng, Nhà nước, nâng cao dân trí, phát triển kinh tế văn hoá. Tuy nhiên, công tác thanh tra trong lĩnh vực báo chí xuất bản cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt trong thời kỳ bùng nổ văn hoá, thông tin với sự giúp sức của Công nghệ thông tin, Internet. Làm thế nào vừa phát triển thị trường báo chí, xuất bản vận hành theo đúng định hướng, phục vụ phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội … của đất nước, vừa kịp thời phát hiện, uốn nắn, khắc phục những lệch lạc, sai phạm. Trọng trách này đặt nặng lên vai Thanh tra Bộ Thông tin Truyền thông, Bộ có chức năng quản lý nhà nước trên nhiều lĩnh vực, trong đó có báo chí, xuất bản.
Khó khăn, thách thức
Căn cứ pháp lý để thực hiện chức năng thanh tra về báo chí, xuất bản chưa được ban hành đầy đủ. Ngày 25/12/2007 Chính phủ ban hành Nghị định số 187/2007/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu, tổ chức của Bộ Thông tin và Truyền thông; ngày 4/2/2008 Chính phủ ban hành Nghị định 13/2008/NĐ-CP quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, là căn cứ để thành lập các Sở Thông tin và Truyền thông. Nghị định quy định về cơ cấu, tổ chức, chức năng nhiệm vụ của Thanh tra Thông tin và Truyền thông hiện chưa được ban hành.
Công tác thanh tra báo chí, xuất bản là hai lĩnh vực mới của Thanh tra Bộ Thông tin Truyền thông sau khi Bộ Thông tin Truyền thông được thành lập, tiếp nhận công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực báo chí, xuất bản từ Bộ Văn hóa Thông tin nay là Bộ Văn hoá Thể thao Du lịch chuyển sang.
Ngày 02/02/2008 Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ký Quyết định số 14/2008/QĐ-BTTTT qui định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thanh Tra Bộ Thông tin và Truyền thông. Ngày 24/07/2008 Chánh thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Quyết định số 581/QĐ-TTra về việc Quy định chế độ làm việc, phân công công việc của lãnh đạo, nhiệm vụ quyền hạn và mối quan hệ công tác của các phòng thuộc thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông, Quyết định này có nêu rõ chức năng nhiệm vụ của Phòng thanh tra báo chí xuất bản có 8 nhiệm vụ cơ bản đó là: Tham gia xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực Báo chí, Xuất bản; Xây dựng chương trình kế họach công tác thanh tra kiểm tra hàng năm; chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan để thanh tra kiểm tra việc chấp hành pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân họat động trong lĩnh vực báo chí xuất bản; Phát hiện, áp dụng các biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời hoặc kiến nghị Chánh thanh tra xử lý đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực báo chí xuất bản; Chủ trì phân tích đánh giá đúc rút kinh nghiệm về nghiệp vụ thanh tra trong lĩnh vực báo chí xuất bản, biên soạn tài liệu phục vụ công tác tập huấn nghiệp vụ phổ biến tuyên truyền giáo dục pháp luật chủ trì nghiên cứu xây dựng các đề tài khoa học khi được lãnh đạo đơn vị giao; Chủ trì xử lý các khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực báo chí xuất bản; Sơ kết, tổng kết và báo cáo các nội dung liên quan đến lĩnh vực báo chí xuất bản….do vậy đòi hỏi thanh tra báo chí xuất bản phải có con người có trình độ tư tưởng chính trị và chuyên môn vững vàng, mặt khác lĩnh vực này là lĩnh vực văn hóa tư tưởng, vì vậy những người làm công tác này đòi hỏi có sự nhạy bén, tinh thông các hoạt động văn hóa xã hội đặc biệt là phải có bản lĩnh chính trị. Đến nay phòng đã có 5 đồng chí cán bộ khá vững về chuyên môn, nghiệp vụ nhưng vẫn chưa thể xử lý hết mọi công việc theo yêu cầu quản lý. Đối với Sở Thông tin và Truyền thông, lực lượng cán bộ chuyên môn làm công tác báo chí, xuất bản được bổ sung từ Sở Văn hóa Thông tin nay là Sở Văn hoá - Thể thao - Du lịch chuyển sang nhưng số lượng ít và chủ yếu làm tại các phòng quản lý báo chí, xuất bản, còn lực lượng thanh tra thì hầu như không được bổ sung thêm.
Mặc dù phải thực hiện chức năng quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản trong điều kiện hành lang pháp lý chưa đầy đủ, lực lượng còn mỏng, Thanh tra Bộ Thông tin Truyền thông đã xây dựng kế hoạch hành động phù hợp để thực hiện nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu công tác thanh tra trong giai đoạn mới và đã đạt được những thành quả đáng khích lệ.
Thanh tra trong lĩnh vực báo chí
Đối với lĩnh vực báo chí bao gồm: Báo in, Báo điện tử, Báo nói, Báo hình, đặc biệt trong kỷ nguyên Internet, hoạt động báo điện tử, thông tin điện tử phát triển mạnh mẽ. Bên cạnh ưu thế nổi trội là đưa thông tin nhanh, cập nhật thường xuyên, liên tục, có lượng độc giả truy cập rất lớn, mức độ phổ biến rộng khắp, thông tin điện tử cũng giống như “con dao hai lưỡi”, một mặt có tác dụng rất lớn đố́i với đời sống xã hội nhưng mặt khác cũng dễ gây phương hại đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, bản sắc văn hoá, đạo đức lối sống, thuần phong mỹ tục,…đặc biệt là đối với thế hệ trẻ.
Các sai phạm gần đây trong lĩnh vực thông tin điện tử chủ yếu là việc các trang thông tin điện tử hoạt động không có giấy phép, cung cấp nội dung thông tin không đúng theo quy định của giấy phép, có một số nội dung, hình ảnh phản cảm, dung tục, mê tín dị đoan, thông tin sai sự thật... Đặc biệt một số trang web còn đưa bài, ảnh có nội dung thiếu lành mạnh, những vi phạm này đều được phòng Thanh tra Báo chí, Xuất bản xử phạt nghiêm minh, những vi phạm nghiêm trọng ngoài phạt tiền còn áp dụng phạt bổ sung, thu hồi tên miền (Vi phạm của trang www.vietbao.vn; www.thoibao.vn; www.buonchuyen.vn; www. doimoi.vn; www.baovietnam.vn; www.tin247.com; www.camnanggiadinh.vn...).
Bên cạnh đó, hoạt động kinh doanh truyền hình trả tiền đang phát triển với tốc độ chưa từng có. Truyền hình trả tiền gồm có truyền hình cáp (tương tự, số, IPTV), truyền hình mặt đất kỹ thuật số, DTH và truyền hình di động. Cả nước hiện có 47 đơn vị được cấp phép hoạt động truyền hình cáp, 9 đơn vị được cung cấp dịch vụ truyền dẫn tín hiệu truyền hình cáp. VCTV hiện là nhà cung cấp dịch vụ truyền hình cáp lớn nhất trong cả nước, phủ sóng tới 18 tỉnh thành với hơn 600.000 thuê bao. Hiện nay, tổng số thuê bao truyên hình cáp trên cả nước đạt trên 2 triệu thuê bao. Song song với truyền hình quảng bá, truyền hình trả tiền đã góp phần tạo thêm kênh thông tin tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Việc phát triển hệ thống truyền hình trả tiền đã tạo động lực cho việc nâng cao chất lượng các chương trình phát thanh, truyền hình, tạo sự cạnh tranh lành mạnh trong việc sản xuất nội dung chương trình giữa các đài phát thanh truyền hình. Sự phát triển của hoạt động kinh doanh truyền hình trả tiền đã vượt quá chiếc áo khuôn khổ pháp lý ngày càng trở nên chật hẹp, có nhiều bất cập nảy sinh trong việc điều chỉnh hoạt động thiết lập hạ tầng cung cấp dịch vụ phát thanh truyền hình, nhất là các vấn đề liên quan đến tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và chất lượng dịch vụ. Chính sách quản lý hạ tầng, dịch vụ kỹ thuật chưa đồng bộ với chính sách quản lý về nội dung thông tin. Một số đài truyền hình có giấy phép cung cấp dịch vụ truyền hình cáp đã ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với các đối tác bên ngoài, giao cho các doanh nghiệp này thiết lập mạng truyền dẫn cung cấp dịch vụ cho khách hàng, ký hợp đồng trực tiếp với thuê bao sử dụng dịch vụ truyền hình cáp, trong khi đó phần quan trọng nhất của các kênh truyền hình là kiểm duyệt nội dung thông tin. Một số Trung tâm truyền hình cáp ở các địa phương vẫn chưa thực hiện đúng quy trình, một số nơi giao cho đối tác thực hiện luôn cả việc kiểm duyệt nội dung thông tin. mặt khác một số doanh nghiệp họat động trong lĩnh vực này chưa có giấy phép thiết lập mạng viễn thông nhưng vẫn cung cấp dịch vụ Viễn thông chủ yếu là dịch vụ Internet trên hệ thống truyền dẫn này. Từ đầu năm đến nay một số Sở Thông tin truyền thông đã tiến hành thanh tra và xử lý một số tổ chức cá nhân hoạt động trong lĩnh vực này, điển hình là Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh, Sở Thông tin và Truyền thông Huế, Sở Thông tin Truyền thông Đà Lạt, Sở Thông tin và Truyền thông Ninh Thuận…. Hầu hết các Sở kiến nghị Chính phủ cần ban hành một Nghị định mới để thay thế Nghị Định số 79/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ ban hành vào ngày 18/6/2002 về việc quản lý việc thu các chương trình truyền hình của nước ngoài với lý do một số nơi như vùng sâu, vùng xa, vùng giáp ranh biên giới, hải đảo…bà con ở đây đều có nhu cầu sử dụng thiết bị thu tín hiệu truyền hình từ vệ tinh hay còn gọi là VTRO, tuy nhiên trong Nghị định này chỉ quy định cho các đối tượng cơ quan Đảng, Nhà nước và các tổ chức cá nhân có chức năng liên quan mới được phép sử dụng và một số nội dung khác.
Thanh tra hoạt động xuất bản
Hoạt động thanh tra trong lĩnh vực xuất bản, in và phát hành của Thanh tra Bộ Thông tin Truyền thông đã góp phần xây dựng một thị trường cạnh tranh lành mạnh, khuyến khích các nhà xuất bản năng động trong kinh doanh, cung cấp cho bạn đọc những bộ sách có giá trị trên nhiều lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội… Điểm nổi bật trong hoạt động của Thanh tra Bộ trong năm 2008 và 2009 là Thanh tra Bộ đã chỉ đạo các Sở TT&TT triển khai những đợt thanh tra diện rộng và thanh tra đột xuất về xuất bản, in và phát hành. Thông qua các đợt thanh tra, đã phát hiện và xử phạt các nhà xuất bản và đối tác liên kết đối với những hành vi như: Xuất bản không có Quyết định xuất bản; Quảng cáo casino trên xuất bản phẩm là loại hình cấm quảng cáo; không nộp lưu chiểu xuất bản phẩm trước khi phát hành; Xuất bản truyện tranh không phù hợp với thuần phong mỹ tục; Xuất bản các xuất bản phẩm không đúng nội dung đã được xác nhận trong đăng ký kế họach; Dịch, biên soạn tác phẩm không được sự đồng ý của chủ sở hữu…. Một số Nhà xuất bản sai phạm các nội dung trên gồm Nhà xuất bản Thanh Hóa, Nhà xuất bản Văn Hóa Thông tin, Nhà xuất bản Đồng Nai….
Hoạt động thanh tra diện rộng về xuất bản là hoạt động phục vụ kịp thời công tác đấu tranh, phòng ngừa, xử lý vi phạm trong lĩnh vực xuất bản. Thanh tra diện rộng, tuy được thực hiện trong một thời gian ngắn nhưng đã kịp thời ngăn chặn và xử lý hành vi vi phạm trong hoạt động xuất bản. Đây chính là công tác tuyên truyền pháp luật về xuất bản hiệu quả nhất đối với các Nhà xuất bản, các thành phần tham gia hoạt động xuất bản và đối với người đọc. Qua các đợt thanh tra, hệ thống thanh tra Thông tin và Truyền thông thể hiện được khả năng, năng lực thực hiện chức năng thanh tra báo chí, xuất bản là lĩnh vực mới, vừa tiếp nhận. Các bài học về công tác chỉ đạo, điều hành, công tác phối hợp, phương pháp tiến hành cuộc thanh tra, kiểm tra là những kinh nghiệm quý báu đối với hoạt động thanh tra báo chí, xuất bản trong thời gian tới. Qua hoạt động thanh tra diện rộng, hệ thống thanh tra Thông tin và Truyền thông đã kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn nhằm thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực xuất bản theo đúng quy định của pháp luật, ngày càng đáp ứng được nhu cầu về tinh thần của xã hội.
Năm 2008, 2009, Thanh tra Bộ đã tổ chức một số cuộc thanh tra trực tiếp đến một số nhà xuất bản và cơ sở phát hành, cơ sở in với mục đích phát huy những mặt mạnh, ưu điểm của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trong lĩnh vực này, kịp thời ngăn chặn, xử lý những sai sót, khuyết điểm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị, sản xuất kinh doanh tuân thủ đúng các quy định của pháp luật, đưa ra được các giải pháp về cơ chế, chính sách để đề xuất với cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung những quy định có liên quan đến hoạt động của tổ chức, cá nhân sao cho phù hợp với thực tiễn, tạo điều kiện để các tổ chức thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. Ngoài ra Thanh tra Bộ cũng đã xử lý nghiêm một số nhà xuất bản và doanh nghiệp sai phạm như: Nhà xuất bản Thanh niên, Nhà xuất bản Tri Thức, Nhà xuất bản Thanh Hóa, Nhà xuất bản Lao động, Công ty thương mại Đông Nam…nội dung sai phạm chủ yếu là vi phạm bản quyền, không đăng ký kế họach xuất bản, xuất bản xuất bản phẩm có nội dung sai sự thật, phát hành xuất bản phẩm trước khi nộp lưu chiểu, quảng cáo sòng bạc …
Trên cơ sở thực tiễn, hiện nay Thanh tra Bộ đang chủ trì tham mưu cho Bộ trưởng để xây dựng Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí xuất bản để thay thế một số điều trong Nghị định 56/2006/NĐ-CP ngày 06/6/2006 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động Văn hoá - Thông tin không còn phù hợp để tạo điều kiện cho các tổ chức và cá nhân hoạt động trong lĩnh vực này ngày càng phát triển.