Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2012, Sở Thông tin và Truyền thông (TTTT) một số tỉnh, thành phố đã nêu kiến nghị, sau khi xem xét, Bộ TTTT trả lời như sau:
Kiến nghị 1 (Hà Nội): Đề nghị Bộ hướng dẫn cơ chế sử dụng hạ tầng dùng chung (cáp ngầm và trạm BTS) để các sở có căn cứ hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện.
Trả lời:
Hạ tầng dùng chung (cáp ngầm và trạm BTS) là các bộ phận của hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động thuộc cơ sở hạ tầng kỹ thuật; việc sử dụng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật nhằm phát triển bền vững, hiệu quả và đảm bảo cảnh quan, môi trường. Trong những năm qua Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành đã tăng cường ban hành các cơ chế, chính sách, chỉ đạo và hướng dẫn để thúc đẩy việc sử dụng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật, cụ thể:
1. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 422/CT-TTg ngày 02/4/2010 về việc tăng cường quản lý và phát triển bền vững cơ sở hạ tầng viễn thông. Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định về sử dụng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật liên ngành (xây dựng, giao thông, điện lực, cấp nước, thoát nước, viễn thông, phát thanh, truyền hình ...).
2. Nghị định số 25/NĐ-CP ngày 06/4/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông, trong đó giao:
- Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan ban hành cơ chế, nguyên tắc kiểm soát và quản lý giá thuê công trình hạ tầng kỹ thuật công cộng.
- Bộ TTTT xây dựng Thông tư hướng dẫn quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động tại địa phương; Thông tư quy định về việc sử dụng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động giữa các doanh nghiệp viễn thông, trên các nguyên tắc:
+ Về cơ bản dựa trên nguyên tắc đàm phán kinh tế, kỹ thuật, đảm bảo lợi ích thương mại của các bên.
+ Cơ quan quản lý Nhà nước sẽ can thiệp và bắt buộc sử dụng chung trong trường hợp: Đối với phương tiện viễn thông thiết yếu; khi yêu cầu đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; trong một số trường hợp phục vụ các nhiệm vụ công ích của Nhà nước.
+ Cơ quan quản lý Nhà nước sẽ tham gia quá trình đàm phán giữa các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và yêu cầu doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân giải trình, đáp ứng sử dụng chung cơ sở hạ tầng khi cần thiết trên cơ sở việc sử dụng chung đảm bảo đủ bù đắp chi phí và có tỷ lệ lợi nhuận hợp lý.
Hiện nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đang chỉ đạo các đơn vị tích cực phối hợp với Bộ Xây dựng và các bộ, ngành liên quan xây dựng dự thảo Thông tư hướng dẫn quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động tại địa phương; Thông tư quy định về việc sử dụng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động giữa các doanh nghiệp viễn thông.
Kiến nghị 2 (Hà Nội): Hà Nội là một thành phố lớn, các vi phạm trong lĩnh vực thông tin và truyền thông diễn ra nhiều, tuy nhiên, pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính chưa dành cho Hà Nội một cơ chế đặc thù. Ví dụ: Thanh tra chỉ được xử phạt vi phạm đến 30 triệu đồng nên việc xử phạt vi phạm không mang tính thời sự, không có tính răn đe tức thời. Vì vậy đề nghị đối với các thành phố lớn như Hà Nội và một số thành phố khác cần có cơ chế đặc thù.
Trả lời:
Luật Xử lý vi phạm hành chính vừa được Quốc hội thông qua cho phép Thanh tra Sở được xử phạt vi phạm với mức cao nhất là 100 triệu. Trong thời gian tới, khi được giao chủ trì xây dựng các Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thông tin và truyền thông, Bộ sẽ nghiên cứu, điều chỉnh nâng cao mức xử phạt để đảm bảo tính răn đe và phù hợp theo quy định của pháp luật.
Kiến nghị 3 (Hà Nội): Hiện nay Sở TTTT Hà Nội đang gặp khó khăn trong việc xử lý các đối tượng cơ hội chính trị phản động, lợi dụng mạng internet để tuyên truyền, chống phá Đảng, Nhà nước. Phần lớn các đối tượng hoạt động rất tinh vi, nhiều đối tượng là cán bộ lão thành, văn nghệ sĩ, trí thức, sinh viên... Một số đối tượng không nắm được các quy định của pháp luật, nhất là các quy định về việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet; các đối tượng này khi bị xử lý vi phạm hành chính thường không có tiền, rất khó cho các cơ quan chức năng. Vì vậy, cần có sự chỉ đạo thống nhất của các cơ quan cấp trên để việc xử lý vi phạm được thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả.
Trả lời:
Đối tượng vi phạm hành chính trong lĩnh vực thông tin và truyền thông thường rất đa dạng, thuộc nhiều tầng lớp khác nhau và hành vi vi phạm cũng khác nhau. Đặc biệt, một số ít trong số đối tượng trên dễ bị các thế lực thù địch lợi dụng, lôi kéo nhằm chống lại chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, mọi công dân Việt Nam đều phải có trách nhiệm và nghĩa vụ thực hiện quy định của pháp luật. Vì vậy, khi các đối tượng trên vi phạm hành chính trong lĩnh vực thông tin và truyền thông đều phải xử lý vi phạm hành chính một cách nghiêm minh, đúng quy định của pháp luật. Mọi hành vi trì hoãn, trốn tránh, không thi hành quyết định của người có thẩm quyền cần xử lý theo quy định. Các địa phương cần quan tâm hơn đến công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật để các đối tượng trên hiểu và nắm được các quy định của Nhà nước trong lĩnh vực thông tin và truyền thông, nhất là những văn bản mới ban hành.
Kiến nghị 4 (TP. Hồ Chí Minh): Đề nghị Bộ có hướng dẫn danh mục các sản phẩm dịch vụ và nội dung số để các doanh nghiệp hiểu rõ về dịch vụ số hoá và thực hiện đúng quy định của Thông tư 06 ngày 01/01/2012 của Bộ Tài chính.
Trả lời:
Hiện nay, Bộ TTTT đang chủ trì xây dựng Thông tư ban hành danh mục các loại sản phẩm và dịch vụ CNTT, trong đó đã có các nội dung quy định Danh mục phân loại chi tiết các sản phẩm và dịch vụ CNTT (bao gồm cả sản phẩm và dịch vụ nội dung số). Dự thảo Thông tư đang trong quá trình tiếp thu, hoàn thiện trên cơ sở các ý kiến góp ý của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân, (bao gồm các ý kiến liên quan đến dịch vụ nội dung số). Sau khi Thông tư được ban hành sẽ có danh mục cụ thể về sản phẩm và dịch vụ nội dung số, trong đó bao gồm cả dịch vụ số hóa và thực hiện quy định tại Thông tư số 06/2012/TT-BTC ngày 11/01/2012 của Bộ Tài chính.
Kiến nghị 5 (TP. Hồ Chí Minh): Đề nghị Bộ có hướng dẫn chi tiết cho các Sở TTTT về việc xây dựng khung hạ tầng thông tin và coi hạ tầng thông tin cũng là hạ tầng của hạ tầng để có định hướng phát triển đúng đắn.
Trả lời:
Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16/01/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 đã khẳng định: Hạ tầng thông tin là một trong những hạ tầng thiết yếu, là nền tảng để thực hiện công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cần được ưu tiên trong tổng thể xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ.
Ngày 19/7/2012, Bộ TTTT đã ban hành Quyết định số 1293/QĐ-BTTTT về việc phê duyệt chương trình hành động của Bộ TTTT thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, Hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI và Nghị quyết số 16/NQ-CP của Chính phủ về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 (Phần hạ tầng thông tin), trong đó yêu cầu Sở TTTT tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố xây dựng chương trình, đề án, dự án để thực hiện Chương trình này tại địa phương. Cụ thể, các Sở TTTT cần tổ chức thực hiện một số nội dung chính sau:
1. Về cơ chế, chính sách:
- Tăng cường rà soát, điều chỉnh, bổ sung chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển hạ tầng thông tin của địa phương, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đảm bảo tính đồng bộ, kết nối liên ngành, liên vùng.
- Xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển và ứng dụng CNTT trong quản lý, khai thác, vận hành hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; các chính sách hỗ trợ, khuyến khích và ưu đãi đầu tư phát triển hạ tầng thông tin để phát huy nội lực, thúc đẩy cạnh tranh, tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế cùng tham gia đầu tư phát triển hạ tầng thông tin.
- Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, nâng cao vị trí, vai trò của hạ tầng thông tin, ứng dụng CNTT trong quản lý, khai thác, vận hành hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội.
2. Phát triển hạ tầng bưu chính viễn thông:
- Phát triển các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng cho cộng đồng tại các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn trên cơ sở tận dụng năng lực của các điểm Bưu điện – Văn hóa xã.
- Đẩy mạnh việc xây dựng hạ tầng bưu chính công cộng đồng bộ, hiệu quả, an toàn, tiện lợi cho người dân và cộng đồng.
- Tăng cường chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông giữa các doanh nghiệp viễn thông và dùng chung hạ tầng kỹ thuật liên ngành.
- Phát triển mạng viễn thông dùng riêng phục vụ các cơ quan, tổ chức tại địa phương đảm bảo an toàn an ninh thông tin.
- Nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý hệ thống hạ tầng thông tin, nội dung thông tin phục vụ lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của Đảng, Nhà nước.
3. Ứng dụng công nghệ thông tin:
- Tăng cường ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong các cơ quan Nhà nước, các ngành kinh tế và xã hội, phát triển Chính phủ điện tử.
- Tập trung cung cấp thông tin, dịch vụ công trực tuyến mức độ cao, trên diện rộng cho người dân và doanh nghiệp, làm cho hoạt động của cơ quan Nhà nước minh bạch hơn, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn.
- Phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin truyền thông có chất lượng cao.
4. Công nghiệp công nghệ thông tin:
- Ưu tiên nguồn lực để triển khai các chương trình phát triển công nghiệp phần mềm, nội dung số, phần cứng – điện tử và dịch vụ công nghệ thông tin.
- Đẩy mạnh đầu tư phát triển mạng lưới các khu công nghệ thông tin tập trung.
Kiến nghị 6 (Long An, Bình Thuận, Bình Định): Đề nghị Bộ sớm thành lập các nhóm ứng cứu khẩn cấp sự cố máy tính tại các tỉnh để tăng cường công tác ứng cứu khẩn cấp máy tính khi có sự cố; tổ chức hướng dẫn, đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ làm công tác an toàn thông tin ở cơ sở.
Trả lời:
Khoản 2, Điều 3, Thông tư số 27/2011/TT-BTTTT ngày 04/10/2011 của Bộ TTTT quy định về các thành viên của mạng lưới ứng cứu sự cố, trong đó Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính (VNCERT) đóng vai trò là cơ quan điều phối, Sở TTTT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là thành viên có nghĩa vụ tham gia mạng lưới này và một số thành viên khác. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại vẫn có rất ít các Sở TTTT các tỉnh, thành phố gửi đăng ký tham gia mạng lưới về VNCERT. Nhằm nhanh chóng thúc đẩy triển khai mạng lưới ứng cứu sự cố, ngày 16/7/2012, VNCERT đã gửi công văn số 145/VNCERT-NV yêu cầu các đơn vị có nghĩa vụ tham gia mạng lưới gửi đăng ký về cơ quan điều phối.
VNCERT đã có kế hoạch tổ chức một hội thảo về Điều phối ứng cứu sự cố máy tính vào Quý IV năm 2012 với nội dung chính là hướng dẫn các thành viên mạng lưới về tổ chức hoạt động của nhóm ứng cứu sự cố, hướng dẫn về các nghiệp vụ ứng cứu sự cố máy tính cũng như mô hình hợp tác trong mạng lưới. Theo kế hoạch, hàng năm, VNCERT sẽ tổ chức các đợt diễn tập về phản ứng với sự cố nhằm kiểm tra các kênh liên lạc, hợp tác xử lý sự cố nhằm nâng cao năng lực ứng cứu sự cố của các đơn vị thành viên.
Trong khuôn khổ nội dung triển khai Quy hoạch phát triển an toàn thông tin số quốc gia từ nay đến năm 2020, Bộ TTTT đang xây dựng kế hoạch triển khai một số dự án đào tạo chuyên gia về an toàn thông tin cho các cơ quan Nhà nước.
Như vậy, căn cứ pháp lý để thành lập các nhóm ứng cứu khẩn cấp sự cố máy tính đã có, đề nghị các Sở chủ động thành lập các nhóm ứng cứu và gửi danh sách về VNCERT để tạo điều kiện triển khai các hoạt động của mạng lưới ứng cứu trên toàn quốc.
Trên đây là nội dung trả lời kiến nghị của các Sở TTTT. Nếu còn những vấn đề gì chưa rõ hoặc vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ QLNN tại địa phương, đề nghị các Sở TTTT tiếp tục gửi về Văn phòng Bộ để phối hợp với các đơn vị chức năng nghiên cứu, trả lời.