1. Đơn vị kiến nghị: Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước
Nội dung: Quản lý dịch vụ truyền hình trả tiền
Ý kiến trả lời:
Ngày 24 tháng 3 năm 2011, Thủ tướng chính phủ đã ban hành Quy chế quản lý hoạt động truyền hình trả tiền (Quy chế) kèm theo Quyết định số 20/2011/QĐ-TTg; Quy chế có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 5 năm 2011. Theo quy định tại Quy chế phạm vi cấp phép dịch vụ truyền hình trả tiền sẽ không theo địa giới hành chính tỉnh, thành phố như trước đây mà căn cứ theo Giấy phép thiết lập hạ tầng mạng của doanh nghiệp.
Quy chế cũng quy định rõ trách nhiệm của các bên (cung cấp nội dung, cung cấp dịch vụ, cung cấp hạ tầng mạng) trong việc cung cấp dịch vụ truyền hình tar tiền trong đó có dịch vụ truyền hình cáp tới người sử dụng.
Bộ Thông tin và Truyền thông đang khẩn trương xây dựng các Thông tư hướng dẫn, triển khai thực hiện Quy chế quản lý hoạt động truyền hình trả tiền như: Thông tư ban hành các mẫu tờ khai đăng ký, mẫu đơn đề nghị cấp phép, mẫu chứng nhận đăng ký và mẫu Giấy phép quy định tại Quy chế quản lý hoạt động truyền hình trả tiền; Thông tư quy định kênh chương trình trong nước phục vụ nhiệm vụ chính trị thông tin, tuyên truyền thiết yếu; Thông tư hướng dẫn công bố chất lượng dịch vụ truyền hình trả tiền.
Phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng
Thông tư quy định phí và lệ phí trong lĩnh vực truyền hình trả tiền.
2. Đơn vị kiến nghị: Bình Định, Bà Rịa - Vũng Tàu, Lạng Sơn
Nội dung: Chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực quảng cáo bảng điện tử
Ý kiến trả lời:
Hiện nay, việc quản lý quảng cáo trên bảng, biển, màn hình đặt tại nơi công cộng thuộc thẩm quyền của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Tuy nhiên, chức năng quản lý quảng cáo bảng điện tử chưa được phân định rõ thuộc thẩm quyền của Bộ nào. Vì vậy, trong thời gian qua Bộ Thông tin và Truyền thông đã và đang kiến nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét, phân định rõ thẩm quyền quản lý giữa các Bộ đối với lĩnh vực này trong dự thảo Luật Quảng cáo
3. Đơn vị kiến nghị: Gia Lai, Hà Nội, Long An
Nội dung: Sửa đổi, bổ sung Thông tư Số 14/2010/TT-BTTTT
Ban hành văn bản bổ sung, sửa đổi Nghị định 97/2008/NĐ-CP
Ý kiến trả lời:
Thông tư số 14/2010/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông được ban hành nhằm hướng dẫn một số nội dung của Nghị định số 97/2008/NĐ-CP ngày 28/08/2008 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên Internet. Hiện nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đang triển khai xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 97/2008/NĐ-CP. Dự kiến Bộ sẽ trình Thủ tướng Chính phủ vào Quý IV năm 2011. Vì vậy, Thông tư số 14/2010/TT-BTTTT sẽ được xem xét sửa đổi, bổ sung sau khi Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 97/2008/NĐ-CP được ban hành.
4. Đơn vị kiến nghị: Hà Nội
Nội dung: Phân cấp cấp phép quảng cáo đối với các trang thông tin điện tử
Ý kiến trả lời:
Việc quảng cáo trên mạng thông tin máy tính được thực hiện theo quy định của Thông tư liên tịch số 85/2008/TTLT-BVHTTDL-BTTTT ngày 18 tháng 12 năm 2008. Theo đó thì các tổ chức, cá nhân muốn quảng cáo trên mạng thông tin máy tính chỉ phải đăng ký với Bộ Thông tin và Truyền thông.
Hiện nay, Bộ đang xây dựng phương án phân cấp cho Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố thực hiện thủ tục cấp đăng ký này theo tinh thần Nghị quyết 71/NQ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2010 của Chính phủ về đơn giải hóa thủ tục hành chính.
5. Đơn vị kiến nghị: Đăk Lăk
Nội dung: Hướng dẫn về cấp giấy phép hoạt động Đài Truyền thanh - Truyền hình cấp huyện
Ý kiến trả lời:
Đài Truyền thanh – Truyền hình cấp huyện không phải là cơ quan báo chí, vì vậy, không phải thực hiện việc cấp phép hoạt động theo các quy định của pháp luật về báo chí. Các đài cấp huyện là công cụ chỉ đạo, điều hành của chính quyền cấp huyện và thực hiện nhiệm vụ phát lại các chương trình của đài Trung ương, đài cấp tỉnh trong giai đoạn quá độ khi mà phạm vi phủ sóng của đài Trung ương và đài cấp tỉnh chưa vươn tới một số địa bàn nhất định và chức năng này sẽ mất khi hạ tầng truyền dẫn phát sóng các chương trình của đài Trung ương và đài tỉnh được xây dựng hoàn thiện rộng khắp trong thời gian tới.
6. Đơn vị kiến nghị: TP. Hồ Chí Minh
Nội dung: Giảm bớt các loại giấy phép, đặc biệt trong lĩnh vực truyền hình
Ý kiến trả lời:
Thông tư số 07/2011/TT-BTTT ngày 01 tháng 3 năm 2011 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định chi tiết và hướng dẫn việc cấp Giấy phép hoạt động báo chí trong lĩnh vực phát thanh, truyền hình được xây dựng căn cứ các quy định của Luật Báo chí, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí và Nghị định số 51/2002/NĐ-CP ngày 26 tháng 4 năm 2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Báo chí, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí. Các loại Giấy phép thuộc lĩnh vực báo chí nói chung và truyền hình nói riêng do các văn bản Luật và Nghị định của Chính phủ quy định, Bộ Thông tin và Truyền thông không tự đặt ra bất kỳ loại Giấy phép mới nào trong Thông tư số 07 nêu trên. Việc loại bỏ bất kỳ một loại Giấy phép nào đã được quy định tại Luật Báo chí, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí và Nghị định số 51/2002/NĐ-CP phải được xử lý theo trình tự sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật.
7. Đơn vị kiến nghị: Yên Bái
Nội dung: Hướng dẫn về các quy định đối với việc mở mới chương trình, tăng thời lượng phát sóng chương trình phát thanh, truyền hình của Đài Phát thanh - Truyền hình cấp tỉnh
Ý kiến trả lời:
Theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 51/2002/NĐ-CP ngày 26 tháng 4 năm 2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Báo chí, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí thì khi thay đổi cách trình bày tên báo, khuôn khổ, số trang, nơi in, thay đổi thời gian phát hành, thời gian, thời lượng phát sóng, nơi phát sóng, trụ sở chính, phải báo cáo bằng văn bản và phải được Bộ Văn hóa – Thông tin (trước đây) và nay là Bộ Thông tin và Truyền thông đồng ý bằng văn bản.
Thông tư số 07/2011/TT-BTTT ngày 01 tháng 3 năm 2011 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định chi tiết và hướng dẫn việc cấp Giấy phép hoạt động báo chí trong lĩnh vực phát thanh, truyền hình đã quy định cụ thể thủ tục mở mới chương trình, tăng thời lượng phát sóng chương trình phát thanh, truyền hình tại Điều 11 và Điều 13.