1. Đơn vị kiến nghị: Yên Bái
Nội dung: Sửa đổi Luật Xuất bản
Ý kiến trả lời:
Bộ Thông tin và Truyền thông đã đăng ký sửa đổi Luật Xuất bản vào năm 2012
2. Đơn vị kiến nghị: Gia Lai
Nội dung: Ban hành quy định cụ thể quản lý các hoạt động phát hành
Ý kiến trả lời:
Hiện nay các văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động xuất bản nói chung, trong đó có lĩnh vực phát hành đã được ban hành và đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước về xuất bản, những nội dung cụ thể đó được quy định tại các văn bản sau:
- Luật Xuất bản năm 2004 (Chương IV: Lĩnh vực Phát hành Xuất bản phẩm đã quy định cụ thể từ Điều 37 đến Điều 44 về việc quản lý các hoạt động phát hành xuất bản phẩm).
- Nghị định số 111/2005/NĐ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Xuất bản (Điều 18 đến Điều 21).
- Thông tư số 30/2006/TT-BVHTT ngày 22 tháng 02 năm 2006 của Bộ Văn hóa-Thông tin Hướng dẫn thi hành Nghị định số 111/2005/NĐ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Xuất bản (Mục IV); Quyết định số 31/2006/QĐ-BVHTT ngày 01/3/2006 của Bộ Văn hóa -Thông tin về việc ban hành mẫu giấy phép, đơn xin phép, giấy xác nhận đăng ký, tờ khai nộp lưu chiểu sử dụng trong hoạt động xuất bản.
- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất bản ngày 03 tháng 6 năm 2008.
- Nghị định số 11/2009/NĐ-CP ngày 10 tháng 02 năm 2009 của Chính phủ Sửa đổi, bổ sung Nghị định số 111/2005/NĐ-CP ngày 26 tháng 5 năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Xuất bản.
- Thông tư số 02/2010/TT-BTTTT ngày 11 tháng 01 năm 2010 của Bộ Thông tin và Truyền thông Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật Xuất bản ngày 03 tháng 12 năm 2004.
Hiện nay, thực hiện chủ trương của Chính phủ về cải cách, giảm bớt các thủ tục hành chính, cùng với nguyên tắc hoạt động phát hành xuất bản phẩm có thể kinh doanh những gì mà pháp luật không cấm. Vì vậy, Cục Xuất bản thấy không nên ban hành thêm những văn bản quản lý mới về hoạt động này, tuy nhiên trong quá trình thực hiện, có những quy định chưa phù hợp sẽ được tổng hợp, nghiên cứu trình Lãnh đạo Bộ để xem xét, sửa đổi, bổ sung trong thời gian tới.
3. Đơn vị kiến nghị: Hà Nội
Nội dung: Công tác cấp phép hoạt động in
Ý kiến trả lời:
- Theo quy định của pháp luật về xuất bản, hiện nay chỉ còn 4 đối tượng phải cấp phép hoạt động in, đó là: in báo, tạp chí, xuất bản phẩm và tem chống giả. Các sản phẩm in khác không phải cấp giấy phép hoạt động in nhưng phải đăng ký kinh doanh về in.
- Cục Xuất bản cấp giấy phép hoạt động in cho cơ sở in thuộc Bộ, ngành trung ương và tương đương. Sở Thông tin và Truyền thông cấp giấy phép hoạt động in cho cơ sở in địa phương.
- Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoạt động in đã được quy định cụ thể tại Luật Xuất bản năm 2004 (đối với hoạt động in xuất bản phẩm) và Nghị định số 105/2007/NĐ-CP ngày 21/6/2007 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn thi hành (đối với hoạt động in báo, tạp chí, tem chống giả).
4. Đơn vị kiến nghị: Hà Nội
Nội dung: Phân cấp nhận và kiểm tra lưu chiểu xuất bản phẩm
Ý kiến trả lời:
Việc nhận và kiểm tra lưu chiểu xuất bản phẩm đã được quy định cụ thể tại Luật Xuất bản và các văn bản hướng dẫn thi hành, và đang được các Sở Thông tin và Truyền thông triển khai thực hiện đồng bộ trong toàn quốc.
Tuy nhiên, tại một số tỉnh, thành phố có nhà xuất bản thuộc địa phương quản lý như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh thì kiến nghị của Sở Thông tin và Truyền thông là một trong những biện pháp nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước tại đại bàn, nhưng nếu phân cấp việc này cho Sở thực hiện thì lại trái với các quy định pháp luật về xuất bản.
Cục Xuất bản sẽ tổng hợp, nghiên cứu trình lãnh đạo Bộ xem xét để có sự điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp trong lần sửa đổi, bổ sung Luật Xuất bản vào năm 2012.
5. Đơn vị kiến nghị: Yên Bái
Nội dung: Thống nhất hình thức quản lý đối với hoạt động phát hành ở địa phương
Ý kiến trả lời:
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 37 Luật Xuất bản năm 2004: “Phát hành xuất bản phẩm bao gồm các hình thức mua, bán, phân phát, cho thuê, triển lãm, hội chợ, xuất khẩu, nhập khẩu xuất bản phẩm và đưa xuất bản phẩm lên mạng thông tin máy tính (Internet) để phổ biến đến nhiều người”.
Trong trường hợp phát sinh những vấn đề mới ngoài quy định trên, đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Yên Bái có ý kiến đề xuất cụ thể để Cục Xuất bản tổng hợp, nghiên cứu trình Lãnh đạo Bộ xem xét, quyết định điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp trong lần sửa đổi, bổ sung Luật Xuất bản vào năm 2012.
6. Đơn vị kiến nghị: Ninh Bình
Nội dung: Quản lý cấp phép hoạt động in phun tại địa phương
Ý kiến trả lời:
In phun là nói đến công nghệ in, như in offset, in flexo, in lưới… theo quy định của pháp luật thì không cấp phép cho hoạt động in theo công nghệ mà chỉ cấp phép hoạt động in theo sản phẩm.
Hiện nay chỉ còn có 4 loại hình sản phẩm in phải cấp giấy phép hoạt động in, cụ thể như: in báo, tạp chí, xuất bản phẩm và tem chống giả, còn lại in các sản phẩm khác thì chỉ cần đăng ký kinh doanh trong đó có chức năng in. Tuy nhiên, việc quản lý nhà nước về hoạt động in vẫn bao gồm tất cả các hoạt động về in (có cấp phép và không cấp phép hoạt động in).
7. Đơn vị kiến nghị: Hà Nội
Nội dung: Mức thu phí thẩm định nội dung và lệ phí cấp phép xuất khẩu, nhập khẩu ấn bản phẩm
Ý kiến trả lời:
Về chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định nội dung và lệ phí cấp phép xuất khẩu, nhập khẩu văn hóa phẩm quy định tại Quyết định số 68/2006/QĐ-BTC ngày 06/12/2006 của Bộ Tài chính với mức 20.000 đồng/giấy phép, phí thẩm định 10.000 đồng/tên sách.
Tuy nhiên, với mức thu như hiện nay là quá thấp, không phù hợp với tình hình thực tế. Vì vậy, Cục Xuất bản sẽ tổng hợp và tham mưu trình Bộ Thông tin và Truyền thông có văn bản đề nghị sửa đổi Quyết định trên theo mức chi phí thực tế, đồng thời phù hợp với các quy định pháp luật khác có liên quan.
8. Đơn vị kiến nghị: Hà Nội
Nội dung: Hướng dẫn triển khai Thông tư liên tịch số 04/2011/TTLT-BTTTT-BTC
Ý kiến trả lời:
Ngày 10 tháng 01 năm 2011, liên bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính đã ký ban hành Thông tư liên tịch số 04/2011/TTLT-BTTTT-BTC hướng dẫn thực hiện đặt hàng xuất bản phẩm sử dụng ngân sách nhà nước.
Sau khi Thông tư liên tịch trên được ban hành, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện tại 02 khu vực: thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Tại 02 Hội nghị triển khai, một số vấn đề vướng mắc do cách hiểu chưa thống nhất đã được Bộ Thông tin và Truyền thông giải đáp trực tiếp, do vậy các cơ quan, đơn vị đã triển khai thực hiện đồng bộ ngay trong kế hoạch nhà nước đặt hàng năm 2011.
Về thuật ngữ “Sở quản lý ngành” tại khoản 2 Điều 5; khoản 2 Điều 8; khoản 3 Điều 11; khoản 2 Điều 13 quy định tại Thông tư là nhằm thống nhất cách gọi chung đối với các cơ quan chức năng của địa phương, vì vậy “Sở quản lý ngành” được hiểu là cơ quan chức năng được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với hoạt động đó tại địa bàn cơ sở.
9. Đơn vị kiến nghị: Quảng Ngãi
Nội dung: Bổ sung, sửa đổi Thông tư số 29/2010/TT-BTTTT
Ý kiến trả lời:
Cục Xuất bản sẽ tổng hợp, nghiên cứu các ý kiến của Sở Thông tin và Truyền thông để trình lãnh đạo Bộ xem xét, quyết định về việc sửa đổi, bổ sung một số quy định tại Thông tư số 02/2010/BTTTT và Thông tư số 29/2010/TT-BTTTT.
10. Đơn vị kiến nghị: Hải Phòng
Nội dung: Hướng dẫn triển khai Thông tư số 02/2010/TT-BTTTT
Ý kiến trả lời:
Ý kiến của Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hải Phòng phản ánh: quy định tại Mục a Khoản 2 Điều 12 của Thông tư số 02/2010/TT-BTTTT ngày 11 tháng 01 năm 2010 của Bộ Thông tin và Truyền thông Quy định chi tiết thi hành một số quy định của Luật Xuất bản ngày 03 tháng 12 năm 2004, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất bản ngày 03 tháng 6 năm 2008, Nghị định số 111/2005/NĐ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2005 và Nghị định số 11/2009/NĐ-CP ngày 10 tháng 02 năm 2009, có sự bất cập khó thực hiện như: khi xuất bản phẩm “đang lưu giữ tại hải quan, bưu điện, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ chuyển phát để hoàn tất thủ tục nhập khẩu” thì cơ quan chức năng (chỉ qua hồ sơ và bản danh mục mà tổ chức, cá nhân cung cấp) rất khó có thể biết số hàng đó có “vi phạm Luật Xuất bản và các quy định khác của pháp luật có liên quan” hay không?
Về việc này, qua hồ sơ và bản danh mục mà tổ chức, cá nhân cung cấp bao gồm mã số sách quốc tế ISBN, tên xuất bản phẩm bằng tiếng nước ngoài, bằng tiếng Việt, nhà xuất bản, nhà cung cấp... Cơ quan quản lý khi thụ lý hồ sơ cần phải kiểm tra các xuất bản phẩm thuộc các thể loại có tính nhạy cảm như sách về lịch sử, quân sự, địa lý, du lịch, các loại bản đồ...thông qua nhiều kênh thông tin, đặc biệt là bằng mã số sách quốc tế ISBN có thể vào các trang Website có liên quan như Amazon.com để biết về các thông tin của cuốn sách, nhiều cuốn có tóm tắt nội dung hoặc xem mục lục, chi tiết từng trang. Trên cơ sở đó cơ quản lý nhà nước yêu cầu thẩm định nội dung của xuất bản phẩm nhập khẩu không kinh doanh, điều đó có nghĩa không nhất thiết phải yêu cầu thẩm định toàn bộ số xuất bản phẩm trong lô hàng.
Để làm tốt việc cấp giấy phép nhập khẩu xuất bản phẩm không kinh doanh cần phải có nhiều yêu cầu, trong đó quan trọng là phải có đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác thụ lý, cấp phép có chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ đáp ứng được yêu cầu của công việc; đồng thời có đội ngũ cộng tác viên chuyên sâu từng lĩnh vực để khi cần thiết có thể tư vấn và tham gia thẩm định nội dung xuất bản phẩm.
11. Đơn vị kiến nghị: Yên Bái
Nội dung: Danh mục các loại xuất bản phẩm bị đình chỉ, cấm lưu hành, vi phạm pháp luật
Ý kiến trả lời:
Trong thời gian qua, việc xử lý xuất bản phẩm vi phạm pháp luật đã được Cục Xuất bản phối hợp với các các cơ quan chức năng xử lý kịp thời, đảm bảo đúng quy định của pháp luật, đồng thời tránh sự ồn ào của dư luận xã hội, vì nếu công khai xử lý các xuất bản phẩm vi phạm sẽ tạo cho bạn đọc sự tò mò và đi tìm mua xuất bản phẩm đó.
Tuy nhiên, để tạo sự phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương, Cục Xuất bản sẽ nghiên cứu và có hình thức thông báo những xuất bản phẩm vi phạm đã bị xử lý đến các Sở để biết và phối hợp kiểm tra việc phát hành trên thị trường.
12. Đơn vị kiến nghị: Bình Phước
Nội dung: Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn chuyên sâu về lĩnh vực quản lý Nhà nước về xuất bản
Ý kiến trả lời:
Về vấn đề này, hàng năm Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức lớp tập huấn chung, trong đó có nội dung về lĩnh vực xuất bản. Tuy nhiên, để có tính chuyên sâu cần có những chương trình bồi dưỡng riêng cho từng đối tượng cụ thể.
Trong thời gian tới, Cục Xuất bản sẽ có kế hoạch báo cáo Bộ để thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn chuyên sâu về quản lý nhà nước trong lĩnh vực xuất bản. Bên cạnh đó, đề nghị các Sở căn cứ yêu cầu thực tế của địa phương có thể phối hợp tổ chức các lớp bồi dưỡng theo khu vực và mời các chuyên gia của Bộ trực tiếp tham gia giảng dạy.
13. Đơn vị kiến nghị: Long An
Nội dung: Hướng dẫn triển khai Thông tư số 04/2008/TT-BTTTT
Ý kiến trả lời:
Về những quy định trong mẫu giấy chứng nhận đăng ký máy Photocopy màu quy định tại Thông tư 04/2008/TT-BTTTT đã được Cục Xuất bản hướng dẫn cụ thể tại công văn số 1622/XB-QLI ngày 7/6/2011 và đã được gửi tới 63 Sở TTTT trong cả nước
14. Đơn vị kiến nghị: Bình Phước
Nội dung: Thường xuyên có các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn trong công tác quản lý xuất bản tại địa phương
Ý kiến trả lời:
- Thời gian quan Cục Xuất bản đã phối hợp với một số Sở TTTT tổ chức các lớp tập huấn về lĩnh vực Xuất bản cho cán bộ của Sở. 6 tháng cuối năm Cục sẽ tiếp tục phối hợp với các Sở TTTT để tổ chức các lớp tập huấn về lĩnh vực quản lý nhà nước về xuất bản cho các địa phương.
- Các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn trong công tác xuất bản được các cấp có thẩm quyền ban hành đã được Cục Xuất bản gửi đến tất cả các Sở thông tin và Truyền thông.