Trả lời kiến nghị của địa phương trong lĩnh vực Lĩnh vực Viễn thông và Tần số VTĐ


Câu hỏi 1: Theo quy định khi xây dựng các trạm BTS, đất sử dụng để xây dựng trạm phải chuyển đổi mục đích sử dụng. Với quy định như vậy, các trạm BTS đã được xây dựng trước đây cũng như việc xây dựng trạm BTS mới đang gặp nhiều khó khăn. Đề nghị Bộ nghiên cứu, sớm ban hành các hướng dẫn việc quản lý phát triển hạ tầng viễn thông thụ động (Điện Biên, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, TP. Hồ Chí Minh, An Giang, Khánh Hòa, Quảng Trị).
Trả lời:
Việc xây dựng, lắp đặt các trạm BTS phải thực hiện theo các quy định pháp luật về Xây dựng và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Bộ TTTT và Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư liên tịch 12/2007/TTLT/BXD-BTTTT ngày 11/12/2007 về việc hướng dẫn cấp giấy phép xây dựng đối với các công trình trạm thu, phát sóng thông tin di động ở các đô thị. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp khi xin cấp phép và triển khai xây dựng các trạm BTS, Bộ đang xây dựng Thông tư về quy hoạch hạ tầng viễn thông thụ động, trong đó có hướng dẫn địa phương quy hoạch hạ tầng cột ăng ten của trạm BTS, cột ăng ten phát sóng phát thanh, truyền hình, cột ăng ten dùng cho viễn thông, thông tin duyên hải, điều hành taxi và các lĩnh vực khác. Bộ TTTT sẽ phối hợp với Bộ Xây dựng, xây dựng và ban hành Thông tư về cấp phép hạ tầng viễn thông thụ động (trong đó có cấp phép xây dựng cột ăng ten của trạm BTS).

Câu hỏi 2: Yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông chấm dứt việc khuyến mại vào Sim mới kích hoạt (Vĩnh Phúc).
Trả lời:
Theo quy định của Luật Viễn thông và Nghị định 25/2011/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông thì không có quy định cấm các doanh nghiệp viễn thông khuyến mại với Sim mới kích hoạt. Điểm a khoản 6 Điều 37 Nghị định 25/2011/NĐ-CP có quy định Bộ TTTT có trách nhiệm: Quy định danh mục, đơn vị, hình thức khuyến mại, mức giá trị vật chất tối đa khuyến mại áp dụng cho từng đơn vị dịch vụ viễn thông, hàng hóa viễn thông chuyên dùng, mức tổng giá trị của dịch vụ, hàng hóa để khuyến mại trong một chương trình khuyến mại.
Ngày 24/5/2012, tại cuộc họp với các doanh nghiệp viễn thông di động về phát triển thuê bao di động, Lãnh đạo Bộ đã có ý kiến chỉ đạo về mục tiêu, chính sách phát triển thuê bao di động trong thời gian tới nhằm phát triển thuê bao di động một cách bền vững theo hướng chất lượng, hiệu quả trên cơ sở tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh, phù hợp với Quy hoạch viễn thông đến năm 2020. Cung cấp dịch vụ viễn thông di động với chất lượng tốt, giá cước hợp lý trên cơ sở giá thành nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của người sử dụng. Bảo đảm cân bằng lợi ích của các nhóm người sử dụng (giữa thuê bao trả trước với thuê bao trả sau, giữa thuê bao phát triển mới và thuê bao đã sử dụng lâu dài), đảm bảo hài hòa lợi ích giữa khách hàng, doanh nghiệp và Nhà nước, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên kho số viễn thông. Bộ sẽ kết hợp các biện pháp quản lý về kỹ thuật, kinh tế với hành chính, khuyến khích phát triển thuê bao trả sau, ưu tiên các thuê bao đã sử dụng lâu dài, ổn định.

Câu hỏi 3: Đề nghị Bộ hướng dẫn các Sở giải quyết về tình hình các doanh nghiệp viễn thông cạnh tranh khi khuyến mại các dịch vụ: gói cước di động và Internet (phân biệt cụ thể là có vượt ngưỡng quy định hay chưa theo Nghị định 25/2011/NĐ-CP) (Bình Thuận).
Trả lời:
Tiếp thu ý kiến của Sở, trong thời gian tới Bộ sẽ chỉ đạo Cục Viễn thông tổ chức hướng dẫn thực hiện quản lý hoạt động khuyến mại trong lĩnh vực Viễn thông. Hiện tại, các Sở TTTT căn cứ vào quy định tại Khoản 3; 5; 6; 8 và 9 Điều 36, Nghị định 25/2011/NĐ-CP để xác định các khuyến mại có vi phạm quy định về khuyến mại hay không.
Hiện tại, Bộ đang giao Cục Viễn thông nghiên cứu, dự thảo Thông tư về xác định giá thành dịch vụ nội mạng viễn thông di động. Thông tư được ban hành sẽ là sở cứ để xem xét việc khuyến mại dịch vụ có vượt ngưỡng quy định hay không.

Câu hỏi 4: Đề nghị Bộ cho phép Công ty Cổ phần Viễn thông di động toàn được tiếp cận với những dải số đầu 099 còn lại trong khi mạng MVNO của Indochina đến thời điểm này chưa triển khai cung cấp dịch vụ hoặc tạo điều kiện cho phép Công ty được tiếp cận với những đầu số 10 số khác khi các doanh nghiệp viễn thông nhà nước khác thực hiện việc hợp nhất (Công ty Cổ phần Viễn thông di động toàn cầu).
Trả lời:
Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phân bổ số thuê bao mạng thông tin di động mặt đất cho Công ty Cổ phần Viễn thông di động toàn cầu (Mật) thì 50 % số thuê bao thuộc đầu số 099 (sau khi trừ số thuê bao đã phân bổ cho mạng VSAT của VNPT) sẽ được phân bổ cho Công ty Cổ phần Viễn thông di động toàn cầu. Hiện nay, Bộ TTTTT đã phân bổ 4 triệu số thuê bao mạng thông tin di động đầu số 099 cho Công ty Cổ phần Viễn thông di động toàn cầu, như vậy là đúng theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Về việc tạo điều kiện cho Công ty tiếp cận với những đầu số 10 số khác khi các doanh nghiệp viễn thông nhà nước khác thực hiện việc hợp nhất: Căn cứ theo Quyết định số 2151/QĐ-TTg ngày 05/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chuyển Công ty Thông tin viễn thông điện lực (EVN Telecom) từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam sang Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) thì toàn bộ tài nguyên viễn thông sẽ được điều chuyển và bàn giao nguyên trạng từ EVN Telecom sang Viettel. Vì vậy, đề nghị này của Công ty là không thực hiện được do các mã số di động 10 số đã được phân bổ hết cho các doanh nghiệp.

Câu hỏi 5: Đề nghị Bộ ban hành các quy định, hướng dẫn liên quan đến việc cung cấp, sử dụng dịch vụ viễn thông qua biên giới và bán lại dịch vụ viễn thông (Công ty thông tin điện tử hàng hải Việt Nam).
Trả lời:
Hiện nay Bộ TTTT đang nghiên cứu, từng bước ban hành các quy định nhằm cụ thể hóa Luật Viễn thông và Nghị định 25/2011/NĐ-CP trong đó có nội dung về cung cấp, sử dụng dịch vụ viễn thông qua biên giới và bán lại dịch vụ viễn thông. Trong quá trình đó, Bộ TTTT rất mong nhận được ý kiến, đề xuất cụ thể của các doanh nghiệp về những nội dung trên để xác định đúng những nội dung cụ thể cần ban hành quy định hướng dẫn.

Câu hỏi 6: Các văn bản hướng dẫn của Bộ TTTT về dịch vụ Internet Phone được ban hành tạm thời từ năm 2003, đến nay công nghệ, thị trường đã có nhiều thay đổi. Để các doanh nghiệp chủ động trong việc hoạch định kế hoạch đầu tư, kinh doanh dịch vụ và tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đề nghị sớm có văn bản thông báo định hướng về lộ trình, phạm vi (trong nước, quốc tế) cho phép cung cấp dịch vụ điện thoại Internet (Phone-to-Phone), chính sách quản lý giá cước của dịch vụ này. Chính sách quản lý Nhà nước đối với dịch vụ mới, các dịch vụ băng rộng không dây Wimax: VNPT đề nghị sớm có định hướng về lộ trình cấp phép, cơ chế quản lý dịch vụ, cơ chế quản lý giá cước để các doanh nghiệp chuẩn bị các phương án triển khai (VNPT).
Trả lời:
Bộ đã ban hành Thông tư số 05/2012/TT-BTTTT ngày 18/5/2012, Thông tư sẽ có hiệu lực từ ngày 15/7/2012 về phân loại dịch vụ viễn thông. Chính sách quản lý cấp phép, quản lý giá cước đối với các dịch vụ viễn thông đều đã được quy định rõ trong Luật Viễn thông và Nghị định 25/2011/NĐ-CP. Riêng đối với dịch vụ Internet Phone: Bộ sẽ sớm có văn bản thông báo định hướng quản lý đối với dịch vụ này.

Câu hỏi 7: Đề nghị cho phép doanh nghiệp áp dụng các hình thức đăng ký, báo giá với một khung giá (VNPT).
Trả lời:
- Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu vấn đề này nhưng nguyên tắc chung trong thời kỳ này là đảm bảo thị trường viễn thông cạnh tranh lành mạnh, phát triển bền vững. Vì vậy, thời gian tới Bộ sẽ quy định dịch vụ quản lý tất cả doanh nghiệp không chỉ doanh nghiệp SMP như trước đây: tất cả các doanh nghiệp không được cung cấp giá cước cho khách hàng với giá quá thấp so với giá trung bình của thị trường, nhưng cũng có dịch vụ quản lý doanh nghiệp SMP không được bán dưới giá thành dịch vụ.
Giá cước thuê kênh cũng sẽ tuân thủ nguyên tắc quản lý giá cước dịch vụ viễn thông. Ví dụ VNPT là SMP về dịch vụ thuê kênh thì không được bán dưới giá thành…Dịch vụ thuê kênh trong thời gian qua có hiện tượng không minh bạch giá với khách hàng tạo điều kiện cho cạnh tranh không lành mạnh cần phải có điều chỉnh. Việc cho doanh nghiệp tự quyết định giá đối với từng khách hàng không thể hiện tính minh bạch cũng như công bằng cho khách hàng…  

Câu hỏi 8: Đề nghị Bộ sớm có văn bản thông báo định hướng quản lý giá cước các dịch vụ viễn thông hàng năm từ cuối năm trước liền kề hoặc trong quý I của năm sau nhằm phục vụ cho công tác xây dựng kế hoạch kinh doanh của các doanh nghiệp (VNPT).
Trả lời:
Bộ đang chỉ đạo Cục Viễn thông xây dựng Thông tư quản lý giá cước dịch vụ viễn thông và sẽ tham khảo ý kiến của doanh nghiệp trong thời gian tới.

Câu hỏi 9: Quy chế tạm thời về kết nối mạng viễn thông được ban hành theo Quyết định số 547/1998/QĐ-TCBĐ ngày 03/09/1998 có một số điểm không còn phù hợp cần chỉnh sửa như căn cứ tính cước kết nối, vị trí điểm kết nối, giá cước thuê kênh riêng… đồng thời hiệu lực pháp lý của văn bản (văn bản được xây dựng trên nghị định 109/1997/NĐ-CP ngày 12/11/1997 của Chính phủ) đã hết hiệu lực…(VNPT).
Trả lời:
Bộ đang chỉ đạo Cục Viễn thông xây dựng Thông tư quy định về kết nối các mạng viễn thông công cộng để thay thế Quyết định số 547/1998/QĐ-TCBĐ. Dự kiến sẽ ban hành trong năm 2012.

Câu hỏi 10: Cước kết nối mạng liên tỉnh phụ thuộc rất nhiều vào khả năng đáp ứng dung lượng kết nối trực tiếp và khả năng chi trả thanh toán của các doanh nghiệp. Đề nghị Bộ cho phép các doanh nghiệp tự đàm phán cước kết nối liên tỉnh trên cơ sở mức trần là cước kết nối liên tỉnh Bộ đã quy định (VNPT).
Trả lời:
Theo quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 38 Nghị định 25/2011/NĐ-CP thì Bộ TTTT ban hành giá cước, khung giá cước dịch vụ viễn thông công ích, giá cước kết nối. Như vậy, giá cước kết nối do Bộ TTTT quyết định và doanh nghiệp không có quyền tự quyết định. Doanh nghiệp có thể tự đàm phán và trình Bộ ban hành mức cước theo doanh nghiệp đàm phán.

Câu hỏi 11: Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động thuận lợi và hiệu quả hơn nữa trong thời gian sắp tới, đề nghị Bộ TTTT xem xét các đề án xin cấp phép cho Công ty cổ phần viễn thông Đông Dương triển khai cung cấp các dịch vụ như: Dịch vụ đầu số 1800-1900, dịch vụ điện thoại cố định, dịch vụ băng rộng di động (Công ty cổ phần viễn thông Đông Dương).
Trả lời:
Thời gian qua, Bộ đã có các quyết định phân bổ kho số cho Công ty cổ phần viễn thông Đông Dương để cung cấp các dịch vụ như:
- Quyết định số 09/QĐ-CVT ngày 13/01/2012 về việc phân bổ dải số số thuê bao cố định nội hạt cho Công ty Cổ phần Viễn thông Đông Dương;
- Quyết định số 10/QĐ-CVT ngày 13/01/2012 về việc phân bổ số dịch vụ gọi giá cao cho Công ty Cổ phần Viễn thông Đông Dương (phân bổ dải số dịch vụ gọi giá cao đầu số 1900);
- Quyết định số 11/QĐ-CVT ngày 13/01/2012 về việc phân bổ số dịch vụ gọi tự do cho Công ty Cổ phần Viễn thông Đông Dương. (phân bổ dải số dịch vụ gọi tự do đầu số 1800).

Câu hỏi 12: Đề nghị Bộ TTTT thường xuyên có những hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, cung cấp cập nhật thông tin, ban hành những cơ chế chính sách phù hợp, tạo sân chơi bình đẳng lành mạnh giữa các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ (Công ty cổ phần Viễn thông Đông Dương)
Trả lời:
Hiện nay, Cục Viễn thông có tổ chức các hoạt động trao đổi, cung cấp thông tin cho doanh nghiệp thông qua các hình thức: Hội nghị giao ban định kỳ với doanh nghiệp, chương trình phổ biến văn bản quy phạm pháp luật. Các hoạt động này sẽ tạo kênh thông tin trực tiếp giữa cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp viễn thông, giúp cơ quan quản lý kịp thời nắm bắt tình hình hoạt động cũng như các đề xuất cụ thể của doanh nghiệp để kịp thời ban hành, điều chỉnh chính sách cho phù hợp.

Câu hỏi 13: Đề nghị Bộ phối hợp với Bộ Công an có cơ chế xây dựng và sử dụng cơ sở dữ liệu chứng minh nhân dân để quản lý việc đăng ký thông tin thuê bao điện thoại nói chung và các biện pháp quản lý thuê bao di động sử dụng kho số viễn thông hiệu quả hơn (An Giang).
Trả lời:
Bộ đã ban hành Thông tư 04/2012/TT-BTTTT ngày 13/04/2012 thay thế Thông tư 22/2009/TT-BTTTT ngày 24/6/2009 về quy định quản lý thuê bao di động trả trước nhằm phát triển lành mạnh, bền vững thị trường viễn thông di động Việt Nam. Theo điều 14 của Thông tư 04/2012/TT-BTTTT, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ di động đầu tư xây dựng hệ thống kỹ thuật, cơ sở dữ liệu để thu thập, lưu giữ, quản lý thông tin thuê bao; tổ chức và phối hợp triển khai việc kết nối cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao với cơ sở dữ liệu của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành về viễn thông và an ninh quốc gia. Hiện nay, Cục Viễn thông đang đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án Hệ thống thu thập và quản lý số liệu viễn thông của cơ quan quản lý viễn thông nhằm kiểm tra, giám sát các số liệu báo cáo của doanh nghiệp liên quan đến công tác quản lý nghiệp vụ viễn thông trong đó có các thông tin liên quan đến thuê bao trả trước, khuyến mại, tài nguyên viễn thông... Ngoài ra, Bộ TTTT đã đề nghị Bộ Công an nhanh chóng xây dựng cơ sở dữ liệu điện tử về chứng minh nhân dân để phục vụ việc đối soát số liệu thông tin thuê bao di động trả trước nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao di động trả trước được chính xác.

Câu hỏi 14. Hiện nay, chưa có Danh mục Công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia được Chính phủ quy định theo Nghị định 126/2008/NĐ-CP ngày 11/12/2008 Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia (Quảng Trị).
Trả lời:
Căn cứ qui định của pháp luật về bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia và qui định cụ thể tại Luật Viễn thông, Nghị định hướng dẫn Luật Viễn thông, Bộ TTTT đã dự thảo và lấy ý kiến của các bộ, ngành liên quan, các doanh nghiệp Viễn thông có hạ tầng mạng để xem xét, tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về tiêu chí xác định các công trình viễn thông quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia. Bộ TTTT đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ký ban hành.

Câu hỏi 15: Đề nghị Bộ tổ chức tập huấn hoặc có văn bản hướng dẫn các Sở TTTT thực hiện thẩm định các dự án Bưu chính, Viễn thông, CNTT trên địa bàn và giúp các Sở có hệ thống các văn bản liên quan phục vụ cho công tác thẩm định (Hưng Yên).
Trả lời:
Trong một số văn bản quy phạm pháp luật do Bộ TTTT chủ trì xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành có quy định về phân cấp cho địa phương thuộc lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin, trong đó có Sở TTTT tham gia thẩm định đề án, dự án. Tại các văn bản này (ví dụ: Nghị định 102/2009/NĐ-CP ngày 06/11/2009 về quản lý đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước; Nghị định 25/2011/NĐ-CP ngày 06/4/2011 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông v.v..) đều có các hướng dẫn cụ thể việc thẩm định đề án hoặc dự án theo thẩm quyền của địa phương. Trong Chương trình triển khai các văn bản QPPL, Bộ TTTT thường tổ chức các Hội nghị nhằm giới thiệu, giải thích, trong đó có tập huấn, hướng dẫn các quy trình, thủ tục có liên quan thuộc các văn bản đó hoặc ban hành các công văn hướng dẫn, giải thích các văn bản QPPL. Do đó, đối với kiến nghị của Sở, Bộ TTTT sẽ tiếp tục xem xét, rà soát, tổ chức tập huấn hướng dẫn các quy trình thủ tục trong các văn bản QPPL, trong đó có sự tham gia thẩm định của Sở TTTT đối với các đề án, dự án trên địa bàn, hoặc tổ chức hướng dẫn, tập huấn theo các đề xuất của Sở TTTT.

Câu hỏi 16: Đề nghị cơ cấu lại việc phân bổ băng tần, tạo điều kiện cho Công ty Cổ phần Viễn thông di động toàn cầu được tiếp cận với băng tần 900 MHz khi một số doanh nghiệp viễn thông nhà nước thực hiện việc hợp nhất (Công ty cổ phần Viễn thông di động toàn cầu).
Trả lời:
Theo Quyết định số 25/2008/QĐ-BTTTT ngày 16/4/2008 của Bộ trưởng Bộ TTTT, đoạn băng tần 900 MHz (880-915MHz/ 925-960MHz) được Quy hoạch và cấp phép cho các nhà cung cấp dịch vụ thông tin di động (Công ty Viễn thông Hà nội-Vietnam Mobile, Công ty Vinaphone-Tập đoàn VNPT, Tổng công ty Viễn thông Quân đội-Viettel, Công ty thông tin di động-VMS), các mạng này đang hoạt động ổn định. Do đó việc quy hoạch lại băng tần này phải dựa trên cơ sở áp dụng các công nghệ mới, đảm bảo quyền lợi khách hàng và phải tiến hành từng bước tại thời điểm thích hợp.

Câu hỏi 17: Đề nghị Bộ phân cấp cho các Sở TTTT quản lý và cấp phép đối với thiết bị phát thanh, truyền hình cự ly ngắn như thiết bị truyền thanh không dây, bộ đàm... ( Lào Cai).
Trả lời:
Do sóng vô tuyến điện truyền lan không phụ thuộc địa giới hành chính nên tại mỗi địa điểm trên trái đất luôn luôn có vô số sóng vô tuyến điện từ các nguồn khác nhau truyền đến. Điều đó làm cho hoạt động quản lý chuyên ngành về tần số vô tuyến điện có những đặc điểm sau đây:
- Đòi hỏi phải thực hiện nhiều công việc kỹ thuật, bằng các phương tiện hiện đại để tính toán ấn định tần số, kiểm soát, định vị chính xác các phát xạ vô tuyến điện, đồng thời, yêu cầu các hoạt động đó luôn sẵn sàng bất kể thời gian và điều kiện địa hình, thời tiết, giải quyết dứt điểm can nhiễu để đảm bảo cho các hệ thống thông tin vô tuyến cả dân sự và an ninh quốc phòng hoạt động bình thường mọi lúc, mọi nơi.
- Đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ với thủ tục chi tiết, phức tạp trong việc quản lý, sử dụng phổ tần số vô tuyến điện để tránh can nhiễu lẫn nhau. Trên thế giới, yêu cầu phải có hoạt động hợp tác quốc tế trực tiếp và thường xuyên để bảo vệ chủ quyền về tần số VTĐ và quỹ đạo vệ tinh. Tại mỗi quốc gia, yêu cầu phải quản lý tập trung, thống nhất để giảm thiểu các thủ tục phối hợp tần số vốn rất chi tiết, phức tạp, đồng thời hạn chế đầu tư phương tiện kỹ thuật hiện đại rất tốn kém. Vì những lí do trên, quản lý chuyên ngành về tần số VTĐ cần tập trung, thống nhất tại một đầu mối (Cục Tần số vô tuyến điện) mang tính quốc gia và không thể phân cấp. Bộ giao cho các Sở phối hợp trong một số hoạt động như hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính như quy định tại Thông tư liên tịch số 03/2008/TTLT-BTTTT-BNV, ngày 30/6/2008. 
Đối với trường hợp cụ thể về việc cấp phép đối với thiết bị phát thanh, truyền hình, thiết bị cự ly ngắn (thiết bị truyền thanh không dây, bộ đàm...), hiện tại Bộ TTTT đã có các quy định như sau:
- Đối với các thiết bị vô tuyến có công suất thấp, cự ly ngắn đáp ứng được yêu cầu tại Thông tư 03/2012/TT-BTTT ngày 20/3/2012 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông sẽ được miễn cấp giấy phép.
- Đối với các thiết bị vô tuyến không đáp ứng được các yêu cầu trên thì phải làm thủ tục cấp phép theo hướng dẫn tại Thông tư 24/2010/TT-BTTT.  Các thiết bị phát thanh, truyền hình thông thường đều có mức công suất lớn hơn so với các nghiệp vụ khác. Tùy vào vị trí lắp đặt, các đài này có thể có vùng phủ và khả năng gây can nhiễu vượt quá phạm vi hành chính một tỉnh. Do vậy, việc phân cấp cho Sở quản lý và cấp phép đối với thiết bị phát thanh, truyền hình cự ly ngắn là không khả thi. Như vậy, điều kiện kỹ thuật và sở cứ pháp lý không cho phép phân cấp cho các Sở TTTT quản lý và cấp phép đối với thiết bị phát thanh, truyền hình cự ly ngắn.

Câu hỏi 18: Đề nghị Bộ sớm triển khai và có hướng dẫn kịp thời kế hoạch cung ứng dịch vụ Viễn thông công ích giai đoạn 2011-2015 (Lào Cai, Bình Thuận).
Trả lời:
Bộ Thông tin và Truyền thông đang hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện Quyết định 1643/QĐ-TTg ngày 21/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích giai đoạn 2011-2015, ngay sau khi các văn bản hướng dẫn được ban hành, Bộ sẽ tổ chức các hội nghị hướng dẫn triển khai Chương trình này.

Câu hỏi 19: Đề nghị Bộ có các biện pháp phối hợp với các bộ, ngành khác sớm ban hành cơ chế, nguyên tắc kiểm soát và quản lý giá thuê công trình hạ tầng kỹ thuật, hỗ trợ các chủ đầu tư có cơ sở thu hồi chi phí đầu tư để khuyến khích, tạo điều kiện cho các đơn vị tập trung đầu tư hạ ngầm cáp viễn thông (TP. Hồ Chí Minh).
Trả lời:
Căn cứ Khoản 6, Điều 43, Nghị định 25/2011/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông: Giá thuê công trình hạ tầng kỹ thuật công để lắp đặt cáp và thiết bị viễn thông được xác định trên cơ sở giá thành nhằm thúc đẩy dùng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật giao thông, cung cấp năng lượng, chiếu sáng công cộng, cấp nước, thoát nước, viễn thông và các cơ sở hạ tầng kỹ thuật khác.
Hiện nay, Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định việc quản lý và sử dụng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật. Trong đó, Điều 18 về Giá thuê cơ sở hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung có nêu: Nguyên tắc xác định giá thuê được xác định trên cơ sở các chi phí theo quy định và lợi nhuận hợp lý; Thẩm quyền định giá do Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp các Bộ, ngành liên quan hướng dẫn cơ chế, nguyên tắc kiểm soát và phương pháp xác định giá thuê; Quy định khung giá thuê cơ sở hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung; Quy định việc miễn, giảm giá phục vụ hoạt động công ích, quốc phòng, an ninh và giao cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định giá thuê cơ sở hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung do nhà nước đầu tư trên địa bàn theo khung giá thuê do Bộ Tài chính ban hành.
Về hạ tầng cáp treo, Bộ TTTT cũng đang phối hợp với Bộ Công thương xây dựng Thông tư liên tịch quy định việc treo cáp trên cột điện. Bộ TTTT cũng đề nghị đưa vào thông tư liên tịch này quy định nguyên tắc và cơ chế kiểm soát giá trên cơ sở giá thành.
Với các nghị định và thông tư trên được ban hành thì sẽ có khung giá cho thuê hạ tầng viễn thông thụ động, khuyến khích các doanh nghiệp viễn thông sử dụng chung hạ tầng viễn thông thụ động.

Câu hỏi 20: Đề nghị Bộ TTTT xem xét và có ý kiến hướng dẫn thống nhất trên toàn quốc về điều kiện tham gia đầu tư, xây dựng hệ thống phủ sóng thông tin di động trong các công trình nhà cao tầng, tầng hầm, đường hầm để hỗ trợ công tác quản lý nhà nước về hạ tầng viễn thông trên địa bàn (TP. Hồ Chí Minh).
Trả lời: 

Việc phủ sóng thông tin di động trong các công trình nhà cao tầng, tầng hầm, đường hầm đã được các doanh nghiệp thông tin di động thực hiện thông qua các hợp đồng kinh tế với các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng In-building. Bộ TTTT không cấp giấy phép đối với các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng In-building và khuyến khích xã hội hóa việc đầu tư lắp đặt và sử dụng chung các hệ thống IBTS (In-Building Telecommunications System) để đẩy nhanh việc phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ thông tin di động.

Câu hỏi 21: Đề nghị Bộ TTTT sớm ban hành các nội dung hướng dẫn việc thực hiện bảo trì công trình viễn thông đối với các công trình viễn thông (Điều 26 Nghị định 114/2010/NĐ-CP), gồm một nội dung dung chính như: Ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật về bảo trì công trình; yêu cầu danh mục công trình, bộ phận công trình buộc phải quan trắc theo quy định…Hướng dẫn việc đóng góp chi phí để bảo trì công trình; tổ chức lập, công bố các định mức xây dựng phục vụ bảo trì công trình,…
Trả lời:
Hiện nay, Bộ đang giao Cục Viễn thông làm việc với Bộ Xây dựng về việc hướng dẫn thực hiện bảo trì đối với công trình tháp ăng ten của Đài tiếng nói nhân dân thành phố Hồ Chí Minh. Bộ sẽ có văn bản trả lời Sở sau khi có kết quả làm việc với Bộ Xây dựng.

Câu hỏi 22: Quản lý trò chơi trực tuyến trên thiết bị di động, đề nghị Bộ có hướng dẫn thống nhất quản lý trên toàn quốc và có các biện pháp xử lý kiên quyết các vi phạm. Đề nghị Bộ yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp trò chơi trực tuyến và các ISP phải thực hiện, triển khai các biện pháp kỹ thuật để ngừng cung cấp dịch vụ trò chơi trực tuyến cho các đại lý Internet từ 22 giờ hôm trước đến 8 giờ sáng ngày hôm sau (TP. Hồ Chí Minh).
Trả lời:
Đối với các đề xuất, kiến nghị liên quan đến việc quản lý, cung cấp, sử dụng trò chơi trực tuyến sẽ được xem xét điều chỉnh cho phù hợp tại dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 97/2008/NĐ-CP và các Thông tư hướng dẫn thi hành.

Câu hỏi 23: Về kiến nghị tăng cường công tác quản lý thuê bao di động trả trước, góp phần hạn chế và khắc phục những mặt trái của việc chưa quản lý chặt chẽ được thông tin thuê bao di động trả trước (TP. Hồ Chí Minh).
Trả lời:
- Bộ TTTT đã ban hành Thông tư 04/2012/TT-BTTTT ngày 13/4/2012 thay thế Thông tư 22/2009/TT-BTTTT ngày 24/6/2009 về quy định quản lý thuê bao di động trả trước nhằm phát triển lành mạnh, bền vững thị trường viễn thông di động Việt Nam. Việc tổ chức thực hiện tốt Thông tư 04/2012/TT-BTTTT sẽ hạn chế được việc lợi dụng dịch vụ di động trả trước vào các hoạt động gây mất an ninh và trật tự xã hội; tăng cường hiệu quả việc sử dụng kho số thuê bao di động; tăng cường độ chính xác, tin cậy của thông tin thuê bao; chấm dứt việc mua bán, lưu thông các SIM trả trước đã kích hoạt sẵn khi chưa đăng ký thông tin thuê bao hoặc đăng ký thông tin không theo quy định; chấm dứt việc sử dụng SIM đa năng để đăng ký thông tin thuê bao; các điểm đăng ký thông tin thuê bao phải đáp ứng đủ các điều kiện về pháp lý, địa điểm mặt bằng và trang thiết bị tối thiểu; quy định rõ quyền và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ di động, đại lý phân phối SIM thuê bao, chủ điểm đăng ký thông tin thuê bao, chủ thuê bao di động trả trước trong hoạt động đăng ký, lưu giữ và sử dụng các thông tin thuê bao di động trả trước.
Thủ tục đăng ký thông tin thuê bao di động trả trước tại Thông tư 04/2012/TT-BTTTT ngày 13/4/2012 quy định: Các chủ thuê bao phải đến đăng ký trực tiếp tại điểm đăng ký thông tin thuê bao để cung cấp số thuê bao, xuất trình chứng minh nhân dân (hoặc hộ chiếu) đối với người có quốc tịch Việt Nam, hộ chiếu đang còn thời hạn sử dụng đối với người có quốc tịch nước ngoài, giấy giới thiệu cùng với bản sao Giấy đăng ký kinh doanh hoặc Giấy phép thành lập của cơ quan, tổ chức đối với người đại diện cho cơ quan, tổ chức cho nhân viên hoặc chủ điểm đăng ký thông tin thuê bao; điền thông tin đăng ký vào “Bản khai thông tin thuê bao di động trả trước” theo mẫu thống nhất do doanh nghiệp ban hành. Khi tiếp nhận đăng ký thông tin thuê bao, nhân viên giao dịch phải yêu cầu chủ thuê bao cung cấp bản sao chứng minh nhân dân, hộ chiếu để lưu giữ, bản gốc để đối chiếu; sao (photocopy) hoặc quét (scan) lại chứng minh nhân dân, hộ chiếu (đối với các điểm đăng ký thông tin thuê bao tại các phường thuộc các quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh); kiểm tra và đối chiếu với thông tin trong “Bản khai thông tin thuê bao di động trả trước”. Trong trường hợp phát hiện bản khai thông tin thuê bao không đúng với chứng minh nhân dân, hộ chiếu xuất trình; hoặc chứng minh nhân dân, hộ chiếu không hợp lệ thì nhân viên giao dịch không được chấp nhận thông tin đăng ký và phải thông báo cho chủ thuê bao biết.
Bộ sẽ tổ chức hướng dẫn Thông tư 04/2012/TT-BTTTT cho các Sở TTTT và các doanh nghiệp viễn thông. Cục Viễn thông sẽ tiến hành kiểm tra, thanh tra việc quản lý thuê bao di động trả trước của các doanh nghiệp Viễn thông và các điểm đăng ký thông tin thuê bao tại một số tỉnh thành, sau đó sẽ hướng dẫn các Sở TTTT thực hiện công tác kiểm tra, thanh tra quản lý thuê bao di động trả trước. Trong phạm vi quyền hạn trách nhiệm của mình, việc thanh tra, kiểm tra xử lý các vi phạm quy định thuê bao di động trả trước trên địa bàn TP. HCM do Sở TTTT TP. HCM chủ động tiến hành.
Theo Điều 14 Thông tư 04/2012/TT-BTTTT, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ di động đầu tư xây dựng hệ thống kỹ thuật, cơ sở dữ liệu để thu thập, lưu giữ, quản lý thông tin thuê bao; tổ chức và phối hợp triển khai việc kết nối cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao với cơ sở dữ liệu của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành về viễn thông và an ninh quốc gia. Cục Viễn thông đang triển khai xây dựng trung tâm CSDL. Bộ TTTT đã đề nghị Bộ Công an nhanh chóng xây dựng CSDL điện tử về CMND để phục vụ việc đối soát số liệu thông tin thuê bao di động trả trước nhằm xây dựng CSDL thông tin thuê bao di động trả trước được chính xác. Cục Viễn thông đang xây dựng Đề án và trình Lãnh đạo Bộ xem xét phê duyệt Đề án cho phép các thuê bao chuyển đổi mạng di động mà không cần đổi số thuê bao.

Câu hỏi 24: Về kiến nghị quy hoạch mã số viễn thông dành cho dịch vụ tiếp nhận, thông báo sự cố hạ tầng kỹ thuật đô thị (TP. Hồ Chí Minh).
Trả lời:
Cục Viễn thông đã có công văn số 677/CVT-HTKN  ngày 27/12/2011 trả lời Sở TTTT TP. HCM về vấn đề này.  

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT( 0)