
Tại buổi hội thảo, đại diện cho VNISA, ông Nguyễn Văn Thư, Giám đốc Trung tâm kiểm soát tần số vô tuyến điện khu vực 2 cho biết: 3G ra mắt đã được xã hội đón nhận và khác với ADSL, 2G, mạng 3G có một số dịch vụ đặc biệt, nên vấn đề an ninh bảo mật cũng rất phức tạp. Cuối năm 2008, VNISA phía Nam đã nghiên cứu và khuyến khích các hội viên nghiên cứu về vấn đề an ninh bảo mật về mạng 3G. Tính đến nay, theo số liệu thu thập được thì dịch vụ 3G chưa có ứng dụng nào mang tính đột phá, các nhà mạng chưa tận dụng được tối đa hạ tầng 3G vẫn chủ yếu phát triển các dịch vụ cơ bản, cho nên những vấn đề về an ninh chưa bộc lộ nhiều. Nhưng trong tương lai khi 3G phát triển nhanh thì sẽ nảy sinh rất nhiều vấn đề về an ninh bảo mật cho 3G.
Cũng tại buổi hội thảo, ông Bùi Quang Minh, trưởng phòng nghiên cứu lỗ hổng Bkis đã trình bày thực trạng và nguy cơ an ninh từ mạng 3G. Theo đó, với việc người dùng mạng 3G có thể kết nối hai máy tính thông suốt với nhau, cho nên nguy cơ an ninh mạng 3G giống như các nguy cơ của mạng LAN. Nghĩa là người dùng sẽ phải đối diện với những nguy cơ an ninh cơ bản như tấn công thăm dò, tấn công thâm nhập và các hình thức tấn công khác từ hacker.
Vì thế, để tránh được các nguy cơ trên người dùng cần phải thiết lập filewall cho các thiết bị của mình khi kết nối với 3G, phân quyền các thư mục chia sẻ, đặt mật khẩu mạnh. Sử dụng các phần mềm antivirus, cập nhật các phiên bản vá lỗi phần mềm, ngắt dịch vụ 3G khi không cần thiết… Còn nhà mạng cũng phải thiết lập các filewall, IDS, IPS, antivirus mới có hiệu quả, bên cạnh đó cần cài đặt lại cấu hình các thiết bị, phân quyền hợp lý, bởi theo thử nghiệm của Bkis thì tất cả các kết nối 3G hiện nay của các nhà mạng đều chưa có biện pháp an ninh bảo mật nào.