
Ký ức của khó khăn
Sau 30/4/1975, Bưu điện TP tiếp quản và khai thác hệ thống tổng đài lạc hậu của chế độ cũ chỉ phục vụ được khoảng 25.000 thuê bao, các dịch vụ tiện ích gần như không có. Mạng cáp xuống cấp trầm trọng, không có vật tư thay thế. Cùng lúc đó, chính sách cấm vận của Mỹ đã làm cho mạng viễn thông thật khó tiếp cận được với kỹ thuật hiện đại của thế giới.
 |
Máy liên lạc vô tuyến 1975
|
Không thể kéo dài khó khăn này, với tinh thần dám nghĩ dám làm, lãnh đạo Bưu điện TP lúc đó đã linh họat vận dụng các hình thức giao dịch, mua được tổng đài Starex của Hàn Quốc để tăng dung lượng và tự động hóa mạng điện thoại của thành phố.
Đêm 29/12/1991 đã trở thành một dấu mốc đáng ghi nhớ: Bưu điện TP.HCM là đơn vị đầu tiên của ngành Bưu điện đã thực hiện thành công chuyển mạng từ analog sang digital, đưa tổng đài Alcatel và Siemens 45.000 số vào hoạt động, mở đầu thời kỳ số hoá mạng viễn thông Việt Nam.
Cái nôi của công nghệ và dịch vụ mới
Có thể nói Bưu điện TP.HCM là đơn vị luôn đi đầu trong phát triển công nghệ và dịch vụ mới và nhanh chóng được nhân rộng ra toàn Ngành.
Năm 1992, Bưu điện TP đã mạnh dạn hợp tác với Singapore Telecom đưa mạng điện thoại di động đầu tiên của Việt Nam vào hoạt động với tên gọi Callink, sử dụng công nghệ tương tự AMPS. Đây là bước đột phá về phương tiện thông tin liên lạc, mở ra phương thức liên lạc mới cho người dân Tp.HCM và các vùng lân cận như Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu.
 |
Sở chỉ huy chuyển mạng
|
Tiếp sau đó là việc triển khai 2 mạng điện thoại di động MobiFone và VinaPhone sử dụng công nghệ số GSM; hộp thư điện thoại ảo (Voicelink); hộp thư thông tin tự động (Audiotext), 5 hệ thống nhắn tin, truyền số liệu, điện thoại thẻ, Mobile Net, Calling Services, ISDN, Video Conference, hộp thư thông tin giáo dục (108600, 108601)... lần lượt được cung cấp.
Một dịch vụ không thể không nhắc đến được xuất phát từ Bưu điện TP.HCM vào 1992 là Giải đáp thông tin 108. Dịch vụ này sau đó đã được triển khai trong toàn quốc và đã trở thành dịch vụ rất quen thuộc của người dân cả nước và khách hàng quốc tế.
Không chỉ có vậy, Bưu điện TP.HCM đã đi đầu nghiên cứu, đề xuất để hình thành nên các dịch vụ bưu chính đầy tiện ích như điện hoa, chuyển tiền nhanh, chuyển phát nhanh EMS, bưu phẩm không địa chỉ, phát trong ngày ...
 |
Đồng chí Đặng Văn Thân, nguyên Uỷ viên Trung Ương Đảng, Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu Điện thực hiện cuộc gọi đầu tiên trên tổng đài E 10 năm 1991
|
Các dịch vụ này ngày một tăng về sản lượng và chất lượng, thu hút được số đông khách hàng; Bưu điện TP cũng là đơn vị tiên phong hợp tác phát triển dịch vụ Bưu chính với nhiều công ty chuyển phát nhanh quốc tế có uy tín như: DHL, Fedex, UPS... Đây là phương thức hợp tác mới có hiệu quả, đại lý phí tăng theo hàng năm và góp phần tăng doanh thu cho đơn vị. Đặc biệt, mô hình Đại lý Bưu điện hiện đang khai thác và mở rộng trên cả nước cũng được ra đời từ cái nôi này.
Liên tục tăng trưởng hàng năm
Danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ Đổi mới được Đảng, Nhà nước trao tặng vào năm 2002 là niềm tự hào của toàn thể CBCNV Bưu điện Tp.HCM. Vinh dự ấy đã luôn được đơn vị phát huy, thể hiện bằng sự tăng trưởng hàng năm về các chỉ tiêu doanh thu và sản lượng dịch vụ.
Đến nay, mạng lưới dịch vụ BCVT&CNTT của VNPT trên địa bàn Thành phố đã đáp ứng tốt nhu cầu thông tin liên lạc của thị trường luôn sôi động, cạnh canh quyết liệt và năng động nhất cả nước với hơn 20 triệu thuê bao di động, hơn 1,2 triệu điện thoại cố định, 300.000 thuê bao internet băng rộng, 3.200 Bưu cục và Đại lý Bưu điện.
Để tiếp tục giữ vị trí chủ lực trên thị trường, bên cạnh việc tích cực đẩy mạnh kinh doanh, nâng cao chất lượng dịch vụ và chăm sóc khách hàng; đạt tỷ lệ tăng trưởng năm sau luôn cao hơn năm trước, Bưu điện TP đã đưa ra nhiều giải pháp về tiếp thị đầu tư, chủ động hợp tác với nhiều đối tác lớn như Khu công nghệ cao, Công viên phần mềm Quang Trung, các khu chế xuất, khu công nghiệp và các khu đô thị, dân cư mới...
Phát huy tinh thần của danh hiệu Anh hùng Lao động
Một điều đáng trân trọng nữa là Bưu điện TP đã luôn phát huy truyền thống đi đầu trong phát triển dịch vụ các BC-VT và CNTT. Các dịch vụ mới như: mạng đô thị băng thông rộng MetroNET; hệ thống giám sát từ xa qua Ineternet – MegaEYES; quà tặng Giáng sinh và nhiều dịch vụ mới khác đã được Bưu điện TP khai sinh, góp phần đa dạng hoá các loại hình dịch vụ và đáp ứng nhu cầu ngày cao của khách hàng.
Bên cạnh đó nhiều công trình, sáng kiến như giải pháp và lộ trình phát triển mở rộng mạng xDSL trên nền NGN, giám sát lưu lượng, đưa cảnh báo bằng âm thanh cho các DSLam, hệ thống phân tích báo hư điện thoại dựa trên công nghệ SGIS... đã góp phần thúc đẩy phát triển dịch vụ viễn thông trên địa bàn Tp.Hồ Chí Minh và các tỉnh thành lân cận.
Sau khi chia tách Bưu chính - Viễn thông vào năm 2008, cả 2 đơn vị VNPT Tp.HCM và Bưu điện Tp.HCM đều phấn đấu nỗ lực để tăng hiệu quả kinh doanh, phát triển mạnh thị trường và nâng cao thu nhập cho người lao động.
Để tiếp tục giữ vững danh hiệu đơn vị dẫn đầu trong VNPost, Bưu điện TP đã không ngừng đổi mới tổ chức quản lý SXKD: xây dựng các mô hình quản lý tập trung; tinh giản cấp trung gian để phát huy hiệu quả nguồn lực; quản lý tập trung trên các lĩnh vực chuyên môn nghiệp vụ; đổi mới phương thức kinh doanh, kinh doanh đa dịch vụ tại bưu cục; phát triển dịch vụ mới trên cơ sở tận dụng năng lực sẵn có... sẵn sàng đáp ứng nhu cầu thị trường và sự phát triển của Thành phố. Trong 2 năm gần đây, Bưu điện và VNPT Tp.HCM đều được tặng cờ Thi đua của Chính phủ.
Nghĩa tình với đồng đội
Kỷ niệm 35 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam thời gian này là dịp để chúng ta có nhiều hoạt động ý nghĩa, thêm một lần tri ân các liệt sỹ trong Ngành đã anh dũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ.
Trong những năm qua, Bưu điện Tp.HCM đã tích cực truy tìm và quy tập hài cốt liệt sỹ ngành trên khắp chiến trường miền Nam và Campuchia. Vất vả, khó khăn đã không làm nản lòng những người thực hiện công tác này bởi tinh thần trách nhiệm với đồng đội đã ngã xuống vì công cuộc giải phóng dân tộc.
Bưu điện TP đã đưa hơn hài cốt của 200 liệt sỹ về an táng tại các nghĩa trang Giao bưu - Thông tin Trung ương Cục miền Nam, Vĩnh Long, Bến Tre, Tiền Giang, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hải Phòng... Tấm lòng của người Bưu điện đã làm ấm lòng hương hồn liệt sỹ và các gia đình những người đã hy sinh cho Tổ quốc.
BƯU ĐIỆN TP.HCM NHỮNG NGÀY ĐẦU THÀNH LẬP
• Sau ngày giải phóng 30/4/1975, các cơ sở bưu chính, viễn thông tại khu vực Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn đều được quản lý theo chế độ quân quản của Tp.HCM. Ngày 01/10/1975, Tổng cục Bưu điện miền Nam được thành lập, trực thuộc Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Lãnh đạo Tổng cục gồm các đồng chí: Nguyễn Văn Đạt - Tổng cục trưởng; và các Tổng cục phó Hoàng Bạn, Trần Văn Thâm, Nguyễn Thành Danh và Trần Thắng Minh.
• Đến tháng 8/1976, Bưu điện Tp.HCM chính thức được tổ chức theo hệ thống của cả nước, được thành lập từ 07 lực lượng nòng cốt: Ban thông tin liên lạc TWC miền Nam; Ban Giao bưu TWC miền Nam; Ban Thông tin vô tuyến điện khu Sài Gòn - Gia Định; Ban giao liên công khai khu Sài Gòn - Gia Định; Ban giao liên du kích khu Sài Gòn - Gia Định; lực lượng tăng cường từ Tổng cục Bưu điện; công nhân viên chức Bưu điện của chế độ cũ.
• Thời gian đầu, Bưu điện Tp.HCM có 22 đơn vị trực thuộc với 1.273 công nhân viên chức, trong đó có 169 đảng viên sinh hoạt tại 23 chi bộ, 51 đoàn viên thanh niên.
• Ngày 7/8/1976, Chủ tịch HĐBT Phạm Văn Đồng ký quyết định 138/CP bổ nhiệm đồng chí Nguyễn Thành Danh làm Giám đốc đầu tiên của Bưu điện TP. Trong giai đoạn đầu, Bưu điện TP gặp khó khăn về mọi mặt: cơ sở vật chất lạc hậu cũ kỹ, có những thiết bị được xây dựng từ năm 1936; mạng cáp phần lớn là cáp chì; hệ thống bưu điện được tập trung tại các quận 1, 3, 4, 5 và một phần Gia Định với 23 bưu cục và 43 điểm bưu điện nằm rải rác trong khu vực nội thành, chủ yếu là khai thác và phục vụ các dịch vụ đơn giản.
|