Chỉ còn vài tháng nữa, những dịch vụ IPTV đầu tiên do VNPT cung cấp sẽ chính thức có mặt trên cả nước. Được khởi động từ năm 2006 với những bước chuẩn bị kỹ lưỡng về hạ tầng, nghiên cứu thị trường, phát triển các dịch vụ nội dung, cùng với ưu thế của nhà cung cấp dịch vụ băng rộng lớn nhất trên thị trường, dịch vụ IPTV của VNPT được kỳ vọng sẽ mang lại cho khách hàng cơ hội hưởng thụ những dịch vụ giải trí hiện đại và tiện ích.
Một công nghệ - đa dịch vụ
Nếu như vào cuối những năm 90, sự phát triển của các dịch vụ truyền hình vệ tinh, truyền hình cáp, truyền hình kỹ thuật số, và đặc biệt là sự ra đời của HDTV (Truyền hình độ nét cao) đã để lại dấu ấn trong lịch sử phát triển của lĩnh vực truyền hình thì sự ra đời của IPTV dựa trên sự “hậu thuẫn” của mạng băng rộng được dự báo trở thành cuộc “cách mạng” trong ngành viễn thông với sự hội tụ giữa viễn thông, truyền hình và các dịch vụ giải trí tương tác.
Về mặt kỹ thuật, IPTV (Internet Protocol Television) là dịch vụ truyền tải hình ảnh kỹ thuật số tới người sử dụng giao thức IP trên mạng Internet kết nối băng thông rộng. Vì vậy, khác với công nghệ của truyền hình truyền thống chỉ có khả năng cung cấp thông tin định tuyến một chiều thì IPTV có khả năng tạo ra tính tương tác hai chiều giữa khách hàng với dịch vụ, tạo nên sự hấp dẫn và ưu thế vượt trội.
Với vật dụng phổ biến trong gia đình là chiếc TV, khách hàng chỉ cần đầu tư thêm 1 thiết bị đầu cuối cho phép thu, giải mã và hiển thị nội dung (Set Top Box - STB) là có thể tận hưởng những dịch vụ đặc trưng của IPTV. Được coi là một công nghệ mang tính hội tụ bao gồm việc truyền tải đồng thời hình ảnh, âm thanh và dữ liệu qua Internet, IPTV có khả năng cung cấp đa dịch vụ, trong đó tập trung vào các nhóm dịch vụ chủ yếu như: dịch vụ quảng bá, bao gồm Broadcast TV, âm thanh Audio Channel, truyền hình xem lại (Time-Shift TV)…; các dịch vụ theo yêu cầu gồm Video theo yêu cầu (VoD), âm nhạc theo yêu cầu (MoD), TV theo yêu cầu (TVoD)…; và đặc biệt là các dịch vụ tương tác như thông tin tương tác (Interactive Information); truyền hình tương tác (Interactive TV), trò chơi trực tuyến (Games Online), Web, Email, TV thương mại (TV-Commerce), Hội nghị truyền hình, Đàm thoại Video (Video Phone)… cũng như vô số các dịch vụ giá trị gia tăng khác. Có thể nói, với công nghệ IP, mọi dịch vụ đều được tích hợp trên cùng 1 kết nối, từ truy cập Internet, gọi điện thoại, gửi nhận email cho đến đọc tin trực tuyến, xem truyền hình, giải trí.
Thị trường tiềm năng
Từ năm 2006, nhìn thấy được xu hướng phát triển mạnh mẽ của IPTV, VNPT đã giao cho Công ty Phần mềm và Truyền thông VASC nghiên cứu thị trường, xây dựng kế hoạch phát triển và triển khai dịch vụ. Tại thời điểm đó, dù IPTV vẫn còn là một khái niệm khá mới mẻ, nhưng những kết quả nghiên cứu thị trường của VASC đã cho thấy tiềm năng của việc triển khai IPTV tại Việt Nam.
Việc khảo sát được VASC thực hiện tại 4 thành phố lớn là Hà Nội, Tp.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng và tập trung vào các đối tượng là cá nhân trong độ tuổi 18-50, có quan tâm đến các dịch vụ giải trí truyền hình và biết sử dụng Internet. Mục tiêu của cuộc khảo sát nhằm tìm hiểu thói quen giải trí của công chúng, tìm hiểu mức độ chấp nhận của công chúng đối với dịch vụ truyền hình trực tuyến, video theo yêu cầu và các các dịch vụ giá trị gia tăng của IPTV, dự báo nhu cầu sử dụng dịch vụ IPTV và phân tích dữ liệu thu được nhằm đề xuất các định hướng kinh doanh dịch vụ.
Kết quả cho thấy, với sự phát triển không ngừng của kinh tế - xã hội, nhu cầu giải trí của người dân ngày càng cao. Gần 1/3 đối tượng được khảo sát có nhu cầu truy cập Internet, 1/8 có thói quen xem phim tại rạp và chơi video game. Đặc biệt, 1/2 đối tượng được khảo sát có đăng ký sử dụng truyền hình cáp/kỹ thuật số, cho thấy sự quan tâm của họ đối với các loại hình dịch vụ giải trí truyền hình, đặc biệt là hình thức dịch vụ TV có trả tiền. Với dịch vụ IPTV, đông đảo khách hàng được hỏi quan tâm đến dịch vụ này, trong đó trung bình có trên 50% đối tượng cho biết sẽ đăng ký sử dụng dịch vụ. Đây là những dự báo lạc quan cho thấy IPTV sẽ được đón nhận như một luồng gió mới về công nghệ giải trí tiện ích.
Bên cạnh đó, Việt Nam đang có nhiều yếu tố thuận lợi để phát triển IPTV, trong đó phải kể đến tỷ lệ dân số trẻ chiếm hơn 70%, tốc độ tăng trưởng thuê bao Internet băng rộng ngày càng cao, hạ tầng truyền dẫn mạng không ngừng được nâng cấp… Chính vì vậy, không chỉ xét trên góc độ đáp ứng nhu cầu thị trường, việc triển khai cung cấp dịch vụ IPTV sẽ tạo cơ hội kinh doanh mới cho các nhà cung cấp dịch vụ, đặc biệt là tạo nên sự tăng trưởng thuê bao băng, góp phần tăng doanh thu và khai thác tối đa mạng băng rộng hiện có.
Hứa hẹn sự bùng nổ
Sự hấp dẫn về mặt công nghệ và tiềm năng kinh doanh khiến IPTV trở thành “điểm nóng” đối với nhiều doanh nghiệp viễn thông Việt Nam. Thời gian qua FPT cũng đã cung cấp thử nghiệm dịch vụ IPTV, tuy nhiên, mới chỉ ở phạm vi một vài thành phố lớn và chỉ dừng lại ở những dịch vụ cơ bản như Broadcast TV, các dịch vụ thông tin (thời sự, thể thao, thời tiết…). Trong khi đó, những dịch vụ mang tính nổi trội và là thế mạnh của IPTV như các dịch vụ theo yêu cầu, các dịch vụ mang tính tương tác… vẫn chưa được cung cấp.
Với VNPT, không phải ngẫu nhiên mà năm 2009 được lựa chọn làm thời điểm để cung cấp dịch vụ. Bởi theo Giám đốc VASC Nguyễn Văn Hải, việc triển khai thành công dịch vụ IPTV phụ thuộc vào 3 yếu tố mấu chốt nhất là: nội dung, chất lượng đường truyền và thị trường. Với các yếu tố này, đến nay VNPT đã có hệ thống mạng băng rộng rộng khắp và chiếm tới hơn 75% thị phần băng rộng cả nước (1.5 triệu thuê bao). Cùng với đó, vừa qua, VNPT đã hoàn thành việc triển khai mạng thế hệ mới NGN, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai dịch vụ IPTV và các dịch vụ giá trị gia tăng khác trên mạng băng rộng. Không chỉ chuẩn bị tốt các yếu tố về mặt hạ tầng, thời gian qua VNPT cũng đã không ngừng thúc đẩy việc hợp tác phát triển các dịch vụ nội dung với các đối tác trong và ngoài nước. Chính vì thế, mục tiêu của VNPT là hướng tới việc triển khai các dịch vụ IPTV đầy đủ (full-service), có chất lượng cao dựa trên một hạ tầng mạng lưới và các ứng dụng nội dung đủ năng lực phục vụ.
Theo lộ trình triển khai dịch vụ của VASC, dự kiến trong giai đoạn 1 sẽ có khoảng 14 dịch vụ IPTV được cung cấp, trong đó có các dịch vụ cơ bản như Live TV, VoD, TVoD, Mod, Information, dịch vụ quảng cáo… Giai đoạn 2 của dự án, các dịch vụ IPTV tiện ích khác như Media sharing & Photo album, Usage data, E-education… sẽ được triển khai đầy đủ đến khách hàng, nâng tổng số các dịch vụ IPTV của VNPT lên hơn 30 dịch vụ. Đối với các kênh truyền hình, bước đầu, VNPT sẽ cung cấp khoảng 32 kênh truyền hình (trong đó có 13 kênh có bản quyền nước ngoài, 4 kênh HD, có hỗ trợ các tính năng xem lại, tạm dừng) và sau đó dự kiến sẽ nâng lên 60-100 kênh truyền hình. Đặc biệt, thế mạnh vượt trội của VNPT là cung cấp nhiều dịch vụ giá trị gia tăng mà hiện các doanh nghiệp khác chưa có, đó là các dịch vụ TVoD, Music, Karaoke, Game, quảng cáo,…
VASC đã có kế hoạch đưa dịch vụ vào kinh doanh thương mại trên toàn quốc (63 tỉnh thành) vào đầu tháng 10/2009. Để thực hiện được mục tiêu, vừa qua, VASC đã trình lãnh đạo Tập đoàn duyệt các phương án về đầu tư, các giải pháp kinh doanh đồng bộ. Theo đó, hình thức tính cước cho khách hàng sẽ được áp dụng linh hoạt, từ tính cước trọn gói, tính cước theo lưu lượng sử dụng dịch vụ, thậm chí, cho phép khách hàng tự tạo gói cước cho mình. Bên cạnh đó, để kích cầu sử dụng dịch vụ và phát triển thuê bao, VASC cũng đề xuất với lãnh đạo Tập đoàn một mô hình kinh doanh chuyên nghiệp, các chính sách táo bạo, đột phá để nhanh chóng chiếm lĩnh thị phần khi dịch vụ được cung cấp. Trong phương án kinh doanh của mình, VASC cũng nhấn mạnh đến vai trò của các VNPT tỉnh/thành phố là đơn vị chủ trì thực hiện đấu nối, ký hợp đồng lắp đặt thiết bị đầu cuối và hòa mạng dịch vụ, theo dõi và quản lý hợp đồng cung cấp dịch vụ với khách hàng, tổ chức kênh phân phối dịch vụ IPTV trên địa bàn tỉnh, phối hợp thực hiện các hoạt động chăm sóc khách hàng… VASC sẽ tổ chức tập huấn cho VNPT các tỉnh/thành phố vào đầu tháng 7/2009 cũng như dự kiến sẽ thành lập các chi nhánh VASC theo mô hình cụm để hỗ trợ kỹ thuật cho các khách hàng trên địa bàn một số tỉnh lân cận.
Lựa chọn thời điểm chín muồi, với những bước chuẩn bị bài bản, VASC kỳ vọng tạo nên sự vượt trội về chất lượng dịch vụ và đặt mục tiêu sẽ phát triển khoảng 100.000 thuê bao trong năm đầu cung cấp dịch vụ.