(Mic.gov.vn) - Trải qua chặng đường 10 năm phát triển, Internet Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng và trở thành công cụ hiệu quả để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trung tâm Thông tin Bưu điện thuộc VNPT đã có cuộc trao đổi với GS. TSKH Đỗ Trung Tá, Nguyên Bộ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông Việt Nam - một trong những người đã tham gia hoạch định việc chính thức đưa Internet vào Việt Nam - về sự phát triển của Internet tại Việt Nam trong 10 năm qua.
Trải qua chặng đường 10 năm phát triển, Internet Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng và trở thành công cụ hiệu quả để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trung tâm Thông tin Bưu điện thuộc VNPT đã có cuộc trao đổi với GS. TSKH Đỗ Trung Tá, Nguyên Bộ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông Việt Nam - một trong những người đã tham gia hoạch định việc chính thức đưa Internet vào Việt Nam - về sự phát triển của Internet tại Việt Nam trong 10 năm qua.
PV: Thưa Giáo sư, nhìn lại 10 năm Internet Việt Nam, Giáo sư có đánh giá như thế nào về Internet Việt Nam ngày ấy và bây giờ?
GS. TSKH Đỗ Trung Tá: Có thể nói trong 10 năm qua, Internet Việt Nam đã có sự phát triển đáng kinh ngạc. Trước hết về số lượng, thời điểm năm 1997 chúng ta mới chỉ có vài chục thuê bao Internet và chủ yếu thuộc các đơn vị khoa học, nghiên cứu. Một số doanh nghiệp như VNPT và các Bưu điện Tỉnh, thành lúc đó cũng mới bắt đầu tiếp cận với Internet. Nhưng đến nay cả nước đã có trên 5 triệu thuê bao Internet với 18,180 triệu người sử dụng (chiếm tỉ lệ 21,51% dân số) và Việt Nam được xếp vào top 17 nước có số người sử dụng Internet nhiều nhất trên thế giới. Chất lượng Internet cũng đã có sự thay đổi đáng kể, bên cạnh những dịch vụ trao đổi thông tin đơn thuần như email đã có đa dạng các dịch vụ, cụ thể nhất là sự hội tụ của các dịch vụ viễn thông, phát thanh và truyền hình trên Internet. Ngoài ra, nếu như trước đây chúng ta chỉ có một vài đường vài trăm Kbps kết nối ra quốc tế thì đến nay chúng ta đã có hơn 8Gbps kết nối ra Internet toàn cầu. Đây chính là sự phát triển về hạ tầng cơ sở rất đáng ghi nhận.
Như vậy tôi nghĩ rằng, khó có thể đánh giá hết sự thay đổi về định lượng của Internet Việt Nam trong 10 năm qua, nhưng có thể nói từ nhận thức đến nhân lực, nội dung trên mạng và hạ tầng cơ sở, cũng như khung pháp lý của chúng ta đều có bước tiến rất ngoạn mục.
PV: Thưa GS, Internet Việt Nam đi sau so với nhiều nước trên thế giới, vậy Việt Nam có những điều kiện, yếu tố nào để Internet có thể thâm nhập và phát triển với tốc độ như vậy?
GS. TSKH Đỗ Trung Tá: Tôi nghĩ một trong những yếu tố quan trọng nhất là sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với lĩnh vực CNTT nói chung và Internet nói riêng. Các Nghị quyết của Đảng đều xem CNTT là một ngành kinh tế mũi nhọn. Vì vậy khi Trung ương đồng ý đưa Internet vào Việt Nam năm 1996 thì chỉ 1 năm sau Chính phủ đã cho tiến hành triển khai đưa Internet vào rộng rãi và chúng ta đã kết nối toàn cầu rất nhanh chóng. Bên cạnh đó, nhận thức của lãnh đạo các cấp, các doanh nghiệp, các trường học, bệnh viện, các trung tâm nghiên cứu... và sự tiếp thu công nghệ một cách nhanh nhạy của các em sinh viên học sinh, của lớp trẻ Việt Nam cũng là
những yếu tố thuận lợi cho sự phát triển Internet.
Có thể nói, chúng ta có nhiều điều kiện thuận lợi, thuận lợi từ nhận thức của các cấp lãnh đạo đến khả năng của các doanh nghiệp cung cấp Internet cũng như tiềm năng, thế mạnh của lớp trẻ Việt Nam. Ngoài ra một yếu tố khác cũng rất quan trọng là việc mở rộng giao lưu quốc tế và hợp tác mạnh mẽ với các hãng viễn thông lớn trên thế giới. Những điều kiện thuận lợi đó đã tạo nên sự phát triển ngoạn mục của Internet tại Việt Nam.
PV: Thưa GS, ông đánh giá như thế nào về vai trò của VNPT trong sự phát triển của Internet 10 năm vừa qua?
GS. TSKH Đỗ Trung Tá: Tôi cho rằng VNPT đã có nhiều nỗ lực trong việc khẳng định vai trò chủ lực của mình và vai trò đó đã được xã hội đánh giá cao. Với 100% xã có điện thoại, trên 8.000 điểm BĐ - VH xã, trong đó khoảng một nửa số điểm BĐ - VH xã đã kết nối Internet, VNPT đã đóng góp rất lớn trong việc khắc phục khoảng cách chênh lệch về sử dụng Internet giữa nông thôn và thành thị. VNPT đã ứng dụng những trạm vệ tinh nhỏ IP-STAR để có thể kết nối Internet xuống tận các vùng sâu vùng xa và đến tháng 3/2008 này, VNPT là chủ đầu tư sẽ phóng vệ tinh Việt Nam VINASAT với băng tần Ku phục vụ rất tốt cho việc đưa Internet, TV đến tận nhà dân.
Như vậy, VNPT đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của Internet Việt Nam cả về quy mô, tốc độ, cả về mạng lưới xuống tới vùng sâu vùng xa và ra quốc tế; đồng thời đã tạo điều kiện rất lớn cho sự phát triển của Internet trong xã hội bằng các hoạt động như hàng triệu giờ kết nối miễn phí, tổ chức các lớp thanh niên tình nguyện xuống địa phương phổ cập Internet. Tôi cho rằng những đóng góp vừa mang tính kinh doanh nhưng kết hợp rất chặt chẽ với các nội dung xã hội đã tạo nên uy tín lớn cho VNPT trong 10 năm phát triển Internet vừa qua.
PV: Vậy Giáo sư có những nhận định gì về sự phát triển của Internet Việt Nam trong tương lai?
GS. TSKH Đỗ Trung Tá: Với tốc độ phát triển ngoạn mục trong 10 năm qua, tôi rất hy vọng Internet trong thời gian từ nay đến hết 2010 sẽ tạo nên một “Cơn lốc”. Chúng tôi cũng dự báo đến năm 2010, nước ta có khoảng 40% số người sử dụng Internet, và việc ứng dụng CNTT vào các cơ quan Nhà nước, các doanh nghiệp, các trường học, bệnh viện... và xuống nông thôn trở nên phổ biến hơn. Khi điện thoại và Internet về tới vùng nông thôn thì khoảng cách số, sự chênh lệch về dân trí giữa nông thôn và thành thị sẽ được rút ngắn.
Tôi rất hy vọng với sự ủng hộ của xã hội, với sự đóng góp tích cực của các doanh nghiệp và đặc biệt với sự thông minh, nhạy bén của học sinh, sinh viên, trong một thời gian ngắn là đến năm 2010, chúng ta có thể chứng minh được sức vươn lên của dân tộc, thông qua ứng dụng sử dụng Internet phục vụ cho sự phát triển KT - XH.
PV: Sắp tới Hiệp hội Internet Việt Nam sẽ được thành lập. GS đánh giá như thế nào về ý nghĩa của sự kiện này?
GS. TSKH Đỗ Trung Tá: Tôi nghĩ rằng Hiệp hội Internet sẽ có vai trò thúc đẩy, tư vấn, khuyến nghị cho khách hàng và cả những người khai thác; đồng thời cũng sẽ có những đóng góp khách quan cho sự phát triển cũng như sự cạnh tranh trong hoạt động Internet được đi đúng hướng và phát huy được thế mạnh chung của các doanh nghiệp.
Hiệp hội cũng sẽ là địa chỉ gần gũi với khách hàng, phản ánh cho các nhà khai thác tâm tư nguyện vọng của khách hàng, đồng thời giám sát chất lượng Internet, giám sát lời cam kết của các nhà khai thác. Tôi nghĩ một trong những nhiệm vụ quan trọng của Hiệp hội tạo ra không khí phát triển Internet phù hợp với sự phát triển chung của đất nước.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!