Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng: Các chính sách pháp luật về thông tin và truyền thông phải được cung cấp kịp thời, chính xác

Thứ sáu, 08/11/2013 07:39

Nhân Ngày Pháp luật Việt Nam 9/11 lần đầu tiên được tổ chức, phóng viên Tạp chí CNTT-TT và Vụ Pháp chế đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng về ý nghĩa của Ngày Pháp luật Việt Nam và chủ trương, giải pháp phổ biến pháp luật của Bộ Thông tin và Truyền thông.

img

Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng phát biểu tại Hội nghị Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng với các Sở TT&TT khu vực phía Nam

PV. Xin Thứ trưởng cho biết ý nghĩa của Ngày Pháp luật nước CHXHCN Việt Nam 9/11?

Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng: Theo quy định tại Điều 8 Luật phổ biến, giáo dục pháp luật có hiệu lực từ ngày 01/01/2013, ngày 09/11 hằng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Năm 2013 là năm đầu tiên tổ chức thực hiện Ngày Pháp luật trong phạm vi toàn quốc và cũng là năm ghi nhận một sự kiện rất quan trọng trong đời sống chính trị - pháp lý của đất nước, đó là việc toàn dân tích cực tham gia đóng góp ý kiến xây dựng Hiến pháp (sửa đổi) của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế. Do đó, việc tổ chức Ngày Pháp luật năm 2013 cần thực sự trở thành sự tiếp nối đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý sâu rộng nêu trên, nhằm phát huy ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trong thực hành "Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật". Chủ đề chung của Ngày Pháp luật của năm 2013 là “Toàn dân xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
 
PV. Với tư cách là Lãnh đạo phụ trách công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong lĩnh vực thông tin và truyền thông, Thứ trưởng đánh giá như thế nào về những thành công và tồn tại trong công tác phổ biến pháp luật của ngành TT&TT hiện nay?

Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng: Cùng với những thành công của công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung thì ngành thông tin và truyền thông cũng đã đạt được những thành công đáng kể:

Thứ nhất là, Việc triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của Bộ đã đem lại sự thống nhất cao về nhận thức tư tưởng, đề cao trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức trong ngành Thông tin và Truyền thông. Các cơ quan báo chí, xuất bản, của Bộ Thông tin và Truyền thông không chỉ tích cực giới thiệu nội dung Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật của Chính phủ mà còn đóng  vai trò chủ chốt là lực lượng xung kích trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc lựa chọn và tập trung tuyên truyền phổ biến pháp luật về bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin, điện tử, Internet, truyền dẫn phát sóng, tần số vô tuyến điện, báo chí, xuất bản, nhất là những thủ tục đã được cải cách thuận lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Thứ hai là, Nội dung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật ngày càng thiết thực và đi vào chiều sâu, hình thức biện pháp ngày một đa dạng, dễ hiểu, dễ nhớ. Hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật không ngừng được đổi mới, nội dung đã bám sát và phục vụ kịp thời việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ cụ thể của ngành thông tin và truyền thông. Trình độ, nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức làm công tác quản lý, doanh nghiệp và nhân dân được nâng cao trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin, báo chí, xuất bản,…các hành vi vi phạm giảm dần, tự bảo vệ được quyền lợi hợp pháp, tránh được những thiệt hại do thiếu hiểu biết pháp luật trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Về những tồn tại hiện nay, phải kể đến đội ngũ báo cáo viên pháp luật của Bộ Thông tin và Truyền thông tuy đã được củng cố nhưng số lượng còn thiếu so với yêu cầu đặt ra. Phạm vi phổ biến, giáo dục pháp luật tương đối rộng và dàn trải trên nhiều lĩnh vực thuộc chức năng quản lý của Bộ, nên có lúc có nơi hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật chưa phát huy hết hiệu quả mà chỉ tập trung vào một số lĩnh vực chính như viễn thông, công nghệ thông tin, tần số…

Tiếp đến là chất lượng hiệu quả phổ biến giáo dục pháp luật chưa đồng đều, thời lượng phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng còn ít, chưa đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới; việc kết hợp giữa giáo dục pháp luật với việc tổ chức thi hành kiểm tra, giám sát việc thi hành pháp luật, gắn giáo dục pháp luật với thực tiễn đời sống xã hội chưa thường xuyên, chặt chẽ.

Bên cạnh đó, ngân sách giành cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật còn nhiều khó khăn, hạn hẹp, việc huy động các nguồn kinh phí khác còn hạn chế.
 
PV. Xin Thứ trưởng cho biết các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung và  triển khai Ngày Pháp luật nói riêng tại Bộ Thông tin và Truyền thông?

Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng: Hàng năm, Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) tiến hành các hoạt động cụ thể sau:

Tổ chức cho toàn thể cán bộ nhân viên Bộ TT&TT nghiên cứu quán triệt ý nghĩa Ngày Pháp luật để thực hiện hiệu quả Ngày Pháp luật thông qua các hoạt động cụ thể như hội nghị giới thiệu chính sách, pháp luật mới liên quan đến lĩnh vực thông tin và truyền thông … các hoạt động được thực hiện trên tinh thần tiết kiệm, không hình thức.

Song song với các hoạt động trên, các cơ quan báo chí phải chủ động tổ chức nghiên cứu, xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, tọa đàm, phóng sự chuyên sâu, phim tài liệu, tin, bài và các hình thức phù hợp khác về Ngày Pháp luật trên các phương tiện thông tin phù hợp.

Tập trung phổ biến, giáo dục và triển khai thi hành các văn bản pháp luật mới thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông, chú trọng các văn bản liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích và nghĩa vụ của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, trong đó có các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính vừa được Chính phủ ban hành, nhằm thi hành nghiêm chỉnh Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012, tăng cường trật tự, kỷ cương pháp luật;
 
Tiếp tục phổ biến, giáo dục sâu rộng về vị trí, vai trò của Hiến pháp và những đạo luật có liên quan đến mọi cá nhân, tổ chức, đời sống xã hội.

Đồng thời có những hoạt động nhằm tôn vinh ý thức tôn trọng, thực hiện pháp luật của các tổ chức, cá nhân hoạt động trong các lĩnh vực về TT&TT cũng như các cá nhân, cơ quan, đơn vị, tổ chức triển khai thực hiện tốt công tác phổ biến và giáo dục pháp luật về TT&TT;

Về triển khai ngày Pháp luật Việt Nam năm 2013, đây là năm đầu tiên tổ chức sự kiện này và thời gian còn lại trong năm cũng không còn nhiều, do đó Bộ TT&TT đã chỉ đạo Vụ Pháp chế chủ trì, phối hợp các đơn vị xây dựng kế hoạch và triển khai các hoạt động cụ thể như: Tổ chức hội nghị tập huấn công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho các Báo cáo viên pháp luật thộc Bộ; Tăng thời lượng, tin, bài, ảnh, phỏng vấn và các hình thức phù hợp về Ngày Pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng; Lồng ghép nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật với các hoạt động kiểm tra, đánh giá, sơ kết tình hình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật và thi hành pháp luật năm 2013; Thực hiện các hoạt động tuyên truyền cổ động trực quan về Ngày Pháp luật, chủ đề, khẩu hiệu Ngày Pháp luật năm 2013 qua hệ thống áp phích, panô, băng rôn, cờ tại trụ sở làm việc với khẩu hiệu “Chào mừng Ngày pháp luật Việt Nam 09/11/2013 - Nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp và pháp luật nước CHXHCN Việt Nam”;
 
PV. Trước những khó khăn và tồn tại trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục trong lĩnh vực thông tin và truyền thông kể trên, để thực hiện tốt việc này, xin Thứ trưởng cho biết những biên pháp nào cần thực hiện và triển khai tới các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ TT&TT?

Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng: Theo tôi, trong thời gian tới các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ TT&TT cần tiếp tục:

Chủ động, phối hợp chặt chẽ từ các cấp Ủy, lãnh đạo đơn vị và các tổ chức đoàn thể, tổ chức kinh tế thực hiên công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Phát huy vai trò chủ động sáng tạo trong việc tham mưu và tổ chức thực hiện kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật ở từng cơ quan, đơn vị, địa phương;

Tích cực đổi mới, đa dạng hóa các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với đặc điểm, nhu cầu của từng nhóm đối tượng và các điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của từng cơ quan, tổ chức và các địa phương; lồng ghép công tác phổ biến với hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, người dân; thường xuyên có đánh giá rút kinh ngiệm để công tác này mang lại hiệu quả thiết thực;

Kết hợp chặt chẽ giữa công tác tuyên truyên, phổ biến, giáo dục pháp luật với việc tổ chức, thi hành pháp luật; kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật của các cơ quan, tổ chức và cá nhân nhằm nâng cao ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân.

Quan tâm, kịp thời xây dựng và củng cố đội ngũ báo cáo viên pháp luật; chú trọng tổ chức tập huấn, đào tạo, nâng cao chất lượng chuyên môn, kỹ năng truyền đạt kinh nghiệm thực tiễn của đội ngũ này;

Cùng với đó là việc quan tâm, đầu tư hợp lý kinh phí cho hoạt động phổ biến và giáo dục pháp luật nhưng phải bảo đảm tiết kiệm, tránh hình thức lãng phí.

PV. Xin cảm ơn Thứ trưởng đã dành thời gian trao đổi.
PV
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top