Tổng hợp báo chí viết về ngành Thông tin và Truyền thông tuần 32 (từ ngày 03/8 đến ngày 09/8/2013)

(Mic.gov.vn) - Trong tuần qua thông tin Triển khai Quyết định về Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông thay Tổng Giám đốc, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo đẩy mạnh tái cơ cấu Tập đoàn VNPT, Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý Internet… tiếp tục được các báo điện tử tập trung đưa tin khá chi tiết.


Các Doanh nghiệp kinh doanh game cần lựa chọn cho mình sản phẩm không vi phạm quy định góp phần tạo môi trường lành mạnh cho cộng đồng chơi game. Ảnh minh họa: Internet

  BÁO CHÍ

+ Sẽ báo cáo Thủ tướng giải pháp "xử" hoạt động báo chí trái phép

Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ TT&TT báo cáo về thực trạng hoạt động của các trang tin điện tử và mạng xã hội, đồng thời đề xuất giải pháp ngăn chặn và chế tài xử lý những hoạt động báo chí trái phép. Tại hội nghị giao ban quản lý nhà nước Bộ TT&TT tháng 7 tổ chức tại Hà Nội sáng 5/8/2013, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ TT&TT báo cáo thực trạng hoạt động của trang thông tin điện tử và mạng xã hội, đồng thời đề xuất giải pháp ngăn chặn và chế tài xử lý những hoạt động báo chí trái phép. Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, hiện nay có nhiều trang thông tin tổng hợp đã tham gia hoạt động báo chí, "xào xáo" lại thông tin của các cơ quan báo chí và đăng lại như các tờ báo, vi phạm bản quyền nội dung gây bức xúc cho các cơ quan báo chí. Thậm chí một số trang tin đặt máy chủ ở nước ngoài, đưa tin có nội dung sai trái về hoạt động của nhà nước. Chính vì vậy, sắp tới Bộ TT&TT sẽ rà soát và xem xét lại việc cấp phép trang tin tổng hợp và mạng xã hội theo quy định trong Nghị định 72/2013/NĐ-CP của Chính phủ.

+ Triển khai Quyết định về Quy chế phát ngôn

Ngày 7/8, Bộ TTTT tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện Quyết định số 25/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí kèm theo Quyết định này. Quy chế phát ngôn và cấp thông tin cho báo chí ban hành theo Quyết định số 25/2013/QĐ-TTg ngày 4/5/2013 (QĐ25) có nhiều điểm mới so với Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí ban hành năm 2007 theo Quyết định 77/2007/QĐ-TTg ngày 28/5/2007 (QĐ77). Theo QĐ25, người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính Nhà nước gồm 3 người có thể phát ngôn.
Thứ nhất: Người đứng đầu cơ quan hành chính Nhà nước là người phát ngôn (ở cấp Bộ là Bộ trưởng; ở địa phương là Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố).
Thứ hai: Người phát ngôn là người được người đứng đầu cơ quan hành chính Nhà nước giao nhiệm vụ phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí thường xuyên.
Thứ ba: Trong trường hợp cần thiết, người đứng đầu cơ quan hành chính Nhà nước có thể uỷ quyền cho người có trách nhiệm thuộc cơ quan mình phát ngôn (gọi là người được ủy quyền phát ngôn), hoặc phối hợp cùng người phát ngôn để phát ngôn hoặc cung cấp thông tin cho báo chí về những vấn đề cụ thể được giao.

 Tin bài liên quan:

- Tại Hội nghị tập huấn, triển khai thực hiên Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí: Nhiều điểm mới thuận lợi cho nhà báo tác nghiệp

+ 10.000 nhà báo được đào tạo kỹ năng làm báo hiện đại

Thông tin trên được Thứ trưởng Bộ TT-TT Đỗ Quý Doãn đưa ra trong buổi tập huấn lớp “Bồi dưỡng chức danh viên chức biên tập viên (BTV), phóng viên (PV)” năm 2013, khai giảng hôm qua tại TP.HCM. Theo Thứ trưởng, lực lượng này sẽ góp phần nâng cao chất lượng báo chí, xuất bản, đồng thời đáp ứng xu hướng báo chí đa phương tiện theo quy hoạch đang được xây dựng. Lớp “Bồi dưỡng chức danh viên chức BTV, PV” năm 2013 do Trường Đào tạo, Bồi dưỡng cán bộ quản lý TT-TT (Bộ TT-TT) tổ chức, có 115 học viên là BTV và PV của các tỉnh, thành khu vực miền Trung, Tây nguyên và phía nam tham dự. Lớp học kéo dài trong 2 tháng, từ 5.8 đến 5.10.2013, nhằm củng cố, bổ sung cho học viên những kiến thức đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng, kỹ năng nghiệp vụ; đồng thời phục vụ cho công tác thi nâng ngạch PV lên PV chính, BTV lên BTV chính. Sau lớp tại TP.HCM, trong năm 2013 trường sẽ tổ chức 2 lớp tại Hà Nội.

+ FPT Telecom chính thức “nhảy” vào truyền hình trả tiền

Ngày 6/8/2013, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cấp giấy phép cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền cho Công ty Cổ phần Viễn thông FPT (FPT Telecom). Theo đó, FPT Telecom được phép cung cấp dịch vụ truyền hình cáp số trên phạm vi toàn quốc; được cung cấp dịch vụ truyền hình tương tự trên phạm vi toàn quốc, trừ các tỉnh, thành phố Hà Nội, Tp.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Khánh Hòa, Lâm Đồng và Đắk Lăk. Như vậy, đến thời điểm hiện tại đã có hai doanh nghiệp viễn thông chính thức "tham chiến" trên thị trường truyền hình trả tiền là Viettel và FPT Telecom. Cách đây chưa lâu, Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam đã liên tục gửi văn bản kiến nghị “chặn” Viettel, FPT tham gia lĩnh vực truyền hình trả tiền. Cụ thể, lý do mà hiệp hội này đưa ra là thị trường truyền hình trả tiền đang có dấu hiệu bão hòa, kinh tế Việt Nam gặp nhiều khó khăn, Nhà nước đang có chủ trương thoái vốn đầu tư ngoài ngành, lãng phí nguồn lực nhà nước…Trong quy hoạch phát triển dịch vụ phát thanh, truyền hình Việt Nam đến 2020 mà Bộ Thông tin và Truyền thông đang xây dựng, thì mục tiêu đến năm 2015, sẽ phát triển khoảng 30-40% số hộ gia đình xem dịch vụ truyền hình trả tiền (khoảng hơn 6,4 triệu thuê bao). Đến năm 2020 là 60-70% số hộ gia đình, tương đương khoảng 14,2 triệu thuê bao.

 Tin bài liên quan:

- FPT Telecom được làm dịch vụ truyền hình trả tiền

- FPT bắt đầu nhập cuộc thị trường truyền hình trả tiền


  XUẤT BẢN

+ Xuất bản sách về chủ quyền Việt Nam với Hoàng Sa, Trường Sa

Nhà xuất bản Giáo dục vừa phát hành sách “Những bằng chứng về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa”. Đọc “Những bằng chứng về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa,Trường Sa” bạn đọc có thể hiểu rõ: chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa đã được xác lập từ lâu, đó là sự thật lịch sử và điều này hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế. Đáng chú ý, qua nghiên cứu một cách hệ thống các nguồn tài liệu trên, nhất là các tư liệu trước năm 1909 (năm bắt đầu nảy sinh vấn đề tranh chấp chủ quyền Hoàng Sa), tác giả đã giúp bạn đọc nắm được quá trình phát hiện, chiếm hữu thật sự, thực thi chủ quyền ngay từ thế kỷ 17 của Nhà nước phong kiến Việt Nam qua sự quản lý, điều hành, hàng năm tổ chức các đội thuyền Hoàng Sa và Bắc Hải khảo sát đo đạc thủy trình, vẽ bản đồ, khai thác tài nguyên, xây dựng chùa miếu, dựng bia, trồng cây, kiến tạo cơ sở hạ tầng,… xem đó là biểu tượng chủ quyền của Việt Nam ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Sách “Những bằng chứng về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa” nhằm thực hiện việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về biển, đảo trong các tầng lớp nhân dân nói chung và trong giáo viên, sinh viên, học sinh nói riêng. Cuốn sách nằm trong chương trình biên soạn Tủ sách chuyên đề: Biển - đảo Việt Nam của nhà xuất bản Giáo dục.

+ Tràn lan tình trạng in, bán sách lậu

Từ ngày 1-7 vừa qua, Luật Xuất bản mới đã chính thức đi vào cuộc sống. Luật mới có nhiều điều được chỉnh sửa để giảm bớt tình trạng sách lậu (sách giả, sách nhái các sách bán chạy, có bản quyền của các nhà xuất bản), thế nhưng những người làm ở lĩnh vực này vẫn chưa yên tâm khi tình trạng in, bán sách lậu vẫn diễn ra tràn lan. Một trong những nguyên nhân dẫn đến việc sách in lậu đang trở thành vấn nạn khó dẹp là do chế tài, mức xử phạt hành vi vi phạm chưa đủ sức răn đe. Nếu chiếu theo khung xử hành chính đối với việc in sách lậu quy định tại Nghị định 02 (Quy định xử phạt hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản) và Nghị định 47 (Quy định về xử phạt hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan) thì mức xử phạt cao nhất chỉ là hơn 500 triệu đồng/vụ. Trong khi đó, với những cuốn sách bán chạy thì lợi nhuận từ việc in lậu có thể lên tới cả hàng tỷ đồng. Chính vì lợi nhuận quá cao, cho nên những đơn vị in lậu vẫn bất chấp, thậm chí chấp nhận xử phạt khi bị cơ quan chức năng phát hiện.


 CÔNG NGHỆ THÔNG TIN

+ Thủ tướng sẽ là Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Ứng dụng CNTT

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vừa đồng ý làm Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Ứng dụng CNTT thay vì Ủy ban Quốc gia về CNTT-TT như dự kiến trước đây. Tại cuộc họp Giao ban Quản lý Nhà nước tháng 7/2013 của Bộ TT&TT vừa diễn ra sáng 5/8/2013, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng cho biết, Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý kiện toàn nâng cấp Ban Chỉ đạo Quốc gia về CNTT thành Ủy ban Quốc gia về Ứng dụng CNTT, giao Bộ TT&TT phối hợp Văn phòng Chính phủ và Bộ Nội vụ dự thảo tờ trình Thủ tướng phê duyệt thành lập Ủy ban này. Dự kiến bộ phận giúp việc của Ủy ban Quốc gia về Ứng dụng CNTT sẽ đặt ở Văn phòng Chính phủ. Rất nhiều ý kiến từ các chuyên gia và cộng đồng CNTT-TT cũng cho rằng, cần nâng tầm Ban Chỉ đạo lên Ủy ban Quốc gia về CNTT-TT và phải có sự tham gia trực tiếp của người lãnh đạo cao nhất của Chính phủ thì mới đạt được những mục tiêu đề ra trong việc hình thành Chính phủ điện tử giữa bối cảnh việc ứng dụng và phát triển CNTT-TT còn gặp nhiều khó khăn. Đã có đề xuất đặt tên là Ủy ban Quốc gia về CNTT-TT và Đổi mới đất nước. 

+ Cần giải pháp mạnh để ngăn những “cơn gió độc”

Ngày 15-7-2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng (có hiệu lực từ ngày 1-9). Nghị định 72 nhằm tiếp tục thúc đẩy sự phát triển internet tại Việt Nam và bổ sung, hoàn thiện các quy định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ và thông tin trên internet. Ngay sau khi Nghị định số 72/2013/NĐ-CP được ban hành, trên nhiều diễn đàn đã xuất hiện những ý kiến khác nhau về các quy định của nghị định này: Có người đặt câu hỏi về tính khả thi của nghị định; có người đưa ra những giải pháp kỹ thuật để ngăn chặn sự lây lan của những loài "nấm độc" trong đời sống xã hội; cũng có người bức xúc đòi "đóng cửa" mạng xã hội… Cần hiểu rằng, những quy định thể hiện thẩm quyền điều hành của Chính phủ, có tác động và tầm ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống, đương nhiên sẽ thu hút sự quan tâm của nhiều người và luôn có ý kiến khác nhau xuất phát từ những "hệ quy chiếu" khác nhau trong xã hội. Thế nhưng, có thể khẳng định rằng việc Chính phủ ban hành Nghị định số 72/2013/NĐ-CP là hết sức cần thiết và phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Việc Chính phủ đã ban hành Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng là phù hợp với bối cảnh thực tế. Đã đến lúc Nhà nước cần có giải pháp mạnh để ngăn chặn những "cơn gió độc".

 Tin bài liên quan:

- Thông tin phải có trách nhiệm với sự phát triển của xã hội

- Bảo vệ bản quyền trên mạng

- Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý internet: “Cấm cửa” game kích động bạo lực

+ Chống tấn công mạng: Trong nhà khó bảo nhau

Trong vụ tấn công từ chối dịch vụ (DDoS) các báo điện tử vừa qua, các các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) đã không thực hiện đồng loạt chặn IP theo đề nghị của cơ quan quản lý. Thông tin đáng chú ý trên được ông Vũ Quốc Khánh, Giám đốc Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) cho biết tại cuộc họp giao ban quản lý nhà nước tháng 7/2013 của Bộ Thông tin và Truyền thông, ngày 5/8. Theo ông Khánh, khi phát hiện một số cuộc tấn công DDoS vào các báo điện tử như Tuổi Trẻ, Dân Trí, Vietnamnet,… kéo dài từ cuối tháng 6 đến gần hết tháng 7/2013, VNCERT đã gửi công văn đề nghị các ISP cùng đồng loạt chặn IP của các mạng lưới phát tán mã độc để chống tái tấn công, thế nhưng các ISP Việt Nam không thực hiện đồng loạt. Tuy nhiên, khi VNCERT phối hợp với một số CERT (trung tâm ứng cứu máy tính - PV) nước ngoài như Đức, Hà Lan để bóc gỡ máy chủ thực hiện tấn công thì khá thuận lợi. Còn phối hợp với các đơn vị trong nước để ngăn chặn thì lại gặp những bất cập như trên.

+ Internet: Ngành kinh tế mới đầy tiềm năng?

Internet đã và đang trở nên rất quan trọng trong đời sống xã hội nói chung và kinh doanh nói riêng. Các hoạt động kinh tế trên Internet có rất nhiều, từ các hoạt động giao dịch và truyền thông trực tuyến hằng ngày tới việc tải các ứng dụng xuống smartphones. Tại Việt Nam, Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông trong năm 2011 chỉ ra rằng, với tỷ lệ 42%, Internet đã trở thành phương tiện thông tin được sử dụng phổ biến nhất tại Việt Nam, vượt qua radio với 23% và báo giấy 40%. Đọc tin tức trên mạng là hoạt động trực tuyến phổ biến nhất chiếm 97%, tiếp sau là truy cập vào các cổng thông tin điện tử với tỷ lệ gần 96% người tham gia. Bên cạnh đó, chúng ta cũng rất cần những thống kê và những đánh giá cụ thể về những lợi ích kinh tế đo lường được cũng như các rủi ro tiềm tàng mà Internet có thể mang lại cho doanh nghiệp trong các báo cáo tới đây của Bộ Thông tin và Truyền thông cũng như các tổ chức tư vấn trong và ngoài nước nhằm cung cấp thông tin thiết thực dành cho doanh nghiệp.

+ Triển khai phần mềm giám sát trực tuyến đại lý Internet

Ngày 5-8, Sở Thông tin và truyền thông TP Đà Nẵng cùng Công ty cổ phần VNG đã ký kết hợp tác chính thức triển khai phần mềm giám sát trực tuyến hoạt động của các đại lý Internet mang tên InfoSoft. Phần mềm cung cấp những tính năng quản lý phòng máy: khống chế việc truy cập web “đen” trên mọi trình duyệt, bảo vệ ổ cứng từ xa, phòng chống hacker, virút, lưu trữ thông tin người dùng (họ, tên, địa chỉ, chứng minh nhân dân), lưu trữ nhật ký duyệt web... Phần mềm InfoSoft có sự kết hợp với phần mềm quản lý đại lý CSM của VNG hiện đã được cài đặt trên hơn 615.000 máy tính tại khoảng 30.000 phòng máy trên toàn quốc. Việc triển khai phần mềm InfoSoft giúp cơ quan quản lý tại Đà Nẵng kiểm tra, giám sát các đại lý kinh doanh Internet dễ dàng hơn, cũng như giúp các đại lý Internet thuận lợi trong việc kiểm soát được hoạt động kinh doanh, ngăn ngừa các vi phạm từ người dùng. Đây được xem là nỗ lực có ý nghĩa quan trọng của Sở Thông tin và truyền thông TP Đà Nẵng nhằm bảo đảm công tác quản lý Internet đúng theo nghị định 72 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet, thông tin trên mạng và các quy định pháp luật trong quản lý dịch vụ Internet, thông tin điện tử trên Internet và trò chơi trực tuyến bắt đầu có hiệu lực từ 1-9-2013.

 Tin bài liên quan:

- Sở Thông tin và Truyền thông TP. Đà Nẵng và Công ty Cổ phần VNG Ký kết hợp tác giám sát trực tuyến các đại lý internet

+ “Ngày Internet dành cho phụ nữ” ở hơn 700 điểm bưu điện, thư viện

Hàng chục ngàn phụ nữ nông thôn vùng sâu, vùng xa tại 12 tỉnh, gồm Hà Giang, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Đăk Nông, Bình Phước, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng và Tây Ninh đã được trải nghiệm sự kiện “Ngày Internet dành cho phụ nữ” tại hơn 700 điểm Thư viện công cộng và điểm Bưu điện văn hóa xã, từ cuối tháng 5 đến tháng 7 vừa qua. Tham dự sự kiện, phụ nữ các địa phương được làm quen với kiến thức cơ bản về máy tính và kỹ năng sử dụng, tìm kiếm thông tin trên Internet phục vụ đời sống sinh hoạt và sản xuất cũng như được trải nghiệm thực tế. Đây là một trong những lợi ích mà người dân được tiếp nhận từ Dự án “Nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy nhập Internet công cộng tại Việt Nam” (Dự án BMGF-VN) do Quỹ Bill & Melinda Gates tài trợ, Chính phủ Việt Nam tiếp nhận thông qua Bộ Thông tin và Truyền thông với tổng chi phí là 50 triệu USD, triển khai từ 2011 - 2016 tại 40 tỉnh, thành phố trong cả nước.

+ Việt Nam phát tán thư rác nhiều thứ 6 thế giới

Hãng bảo mật Kaspersky Lab vừa công bố tình hình hoạt động thư rác toàn cầu trong tháng 6-2013, trong đó đáng chú ý là việc Việt Nam được xếp vị trí thứ sáu trong số những quốc gia phát tán thư rác nhiều nhất. Cụ thể theo Kaspersky Lab trong tháng 6-2013, tỉ lệ thư rác tiếp tục tăng chiếm trung bình đến 71,1% lượng thư điện tử toàn cầu. Trong đó hơn một nửa số thư rác có nguồn gốc từ Trung Quốc (23,9%) và Mỹ (17,2%) - hai quốc gia hàng đầu về phát tán thư rác. Việt Nam xếp vị trí thứ sáu với tỉ lệ phần trăm thư rác chiếm khoảng 3,3%.

+ Hanoi Telecom ra mắt giải pháp chống tấn công mạng

Ngày 6/8, Công ty Cổ phần công nghệ an ninh không gian mạng Việt Nam VNCS (thuộc Hanoi Telecom) đã giới thiệu giải pháp giám sát tập trung (VNCS Web Monitoring) nhằm phát hiện các cuộc tấn công mạng kịp thời và đưa ra cảnh báo theo thời gian thực. Giải pháp này cũng có khả năng giám sát web log tập trung (nhật ký truy cập web), phân tích tự động,  sử dụng giải thuật sáng tạo và các công nghệ tiên tiến như công nghệ nhận dạng IP, nhận dạng thay đổi cấu trúc website...  nhằm phát hiện tấn công và đưa ra cảnh báo qua SMS và email. Với việc giám sát cùng lúc nhiều website, VNCS Web Monitoring sẽ là một trong những giải pháp an ninh hỗ trợ đắc lực cho các tổ chức phải quản lý và đảm bảo bảo mật cho nhiều website cùng một lúc (như trung tâm công nghệ thông tin, dữ liệu, nhà cung cấp dịch vụ máy chủ, tổ chức tài chính…). Giải pháp này được triển khai dưới cả 2 dạng dịch vụ và tích hợp vào thiết bị phần cứng. Giá thành của sản phẩm được tính tùy thuộc vào số lượng và băng thông các website cần giám sát./.

+ Việt Nam đoạt Huy chương Đồng Cuộc thi Tin học Văn phòng thế giới 2013

Cuộc thi Vô địch Tin học Văn phòng Thế giới (MOSWC) với 12 năm được tổ chức trên thế giới thật sự đã trở thành một sân chơi quốc tế lớn, và được chờ đợi nhất bởi các em học sinh sinh viên đam mê tin học trên toàn thế giới. Con số hơn 87 quốc gia tham dự MOSWC 2013 (tăng 39% so với năm 2012) đã cho thấy sức hút ngày càng lớn cũng như sự cạnh tranh gay cấn trong Vòng thi quyết định - Vòng Chung kết (VCK) Thế giới diễn ra từ 31/7 - 3/8/2013 tại Washington D.C, Hoa Kỳ. Kết quả chung cuộc, vượt qua hàng trăm thí sinh đến từ 87 quốc gia trên thế giới, Việt Nam đã một lần nữa gặt hái vinh quang với chiếc Huy Chương Đồng duy nhất nội dung Microsoft Word 2010 thuộc về thí sinh Phan Tiến Dũng. Trước đó, tại vòng thi quốc gia, Phan Tiến Dũng đã xuất sắc giành giải Nhất nội dung Microsoft Word 2010 một cách đầy thuyết phục với số điểm tuyệt đối 1000/1000 điểm trong thời gian 12 phút 48 giây (thắng cách biệt về thời gian 6 phút 47 giây so với thí sinh đạt giải Nhì). Cuộc thi Vô địch Tin học Văn phòng Thế giới (MOSWC) 2014 sẽ tiếp tục được khởi tranh và mở ra những cơ hội tranh tài mới cho các thí sinh tham dự VCK thế giới tại Disneyland, Hoa Kỳ vào tháng 8 năm 2014.


  VIỄN THÔNG

+ Thu hồi sim điện thoại chưa phát sinh cước: Tránh lãng phí tài nguyên số

Theo Cục Viễn thông (thuộc Bộ TT-TT), hiện còn khoảng 12 triệu bộ sim, kít đã được kích hoạt trước ngày 1-1-2013 nhưng chưa phát sinh cước. Sở dĩ các sim này được kích hoạt trước là do các chủ đại lý kinh doanh sim, kít đã "lách" các văn bản quy định có hiệu lực từ ngày 1-1-2013. Để giải quyết lượng sim, kít lớn đã kích hoạt, nhưng chưa phát sinh cước kể trên đang là vấn đề đặt ra với cả cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp (DN), nhằm tránh tình trạng lãng phí kho số và ngăn chặn hệ lụy các đối tượng cá nhân, DN sử dụng sim này phát tán tin rác, lừa đảo. Thực tế thì không ít khách hàng đã, đang dùng sim điện thoại sử dụng nhiều hơn 1 sim nếu không nạp tiền thuê bao, không thực hiện cuộc gọi, hoặc truy cập internet 3G như quy định đã bị mất luôn thuê bao. Tất nhiên, khi khách hàng thắc mắc, khiếu nại, sẽ nhận được câu trả lời là nhà mạng làm theo quy định. Song, với những thông tin được công bố rộng rãi tại các cuộc họp mà dư luận phản ánh thì nhà mạng chỉ mạnh tay với khách hàng còn với đại lý thì buông lỏng và điển hình là việc đến nay vẫn còn 12 triệu sim, kít chưa phát sinh cước. Tuy nhiên, với hầu hết khách hàng, việc Bộ TT-TT yêu cầu các DN phải xử lý triệt để tình trạng lãng phí tài nguyên kho số này là cần thiết.

+ Dư luận về việc nhà mạng đòi tăng cước 3G: Tăng giá, chất lượng có tăng?

Dịch vụ OTT (Over the top)- ứng dụng, dịch vụ miễn phí trên Internet đang tăng mạnh khiến các nhà mạng lớn được cho là bị thiệt hại hàng chục nghìn tỉ đồng/năm. Để giảm bớt thiệt hại này, đầu tháng 7, nhà mạng lại đề nghị cơ quan chủ quản cho tăng cước sau khi đã tăng cước từ tháng 4 khiến người tiêu dùng ngao ngán. “Thời buổi cạnh tranh, các nhà mạng phải giảm giá chứ không thể lại tăng giá. Họ không thể lấy lý do dịch vụ OTT gây thất thu để bắt người tiêu dùng phải chịu. Chưa kể, chất lượng dịch vụ 3G vẫn không ổn định, kết nối chập chờn, nhiều khi không vào được Internet. Việc đề nghị tăng cước thêm có phải nhà mạng “trả đũa” với hoạt động “chùa”?, một khách hàng phân tích. Vị đại diện Viettel còn cho rằng, vấn đề quan trọng hơn không phải là tiền, mà là những nguy cơ về an ninh, an toàn cho cá nhân người sử dụng nói riêng và với xã hội nói chung. Một số ứng dụng OTT cho thấy, khi đăng nhập, toàn bộ thông tin trong danh bạ điện thoại của người dùng sẽ được tải lên máy chủ của nhà cung cấp dịch vụ. Thậm chí, họ còn có điều khoản cung cấp những thông tin của người dùng cho bên thứ 3 khi có yêu cầu. Hiện nay cũng đã xuất hiện tin nhắn rác qua các dịch vụ OTT làm phiền lòng khách hàng.

+ Tập đoàn Bưu chính Viễn thông thay Tổng Giám đốc

Ngày 6/8, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son đã trao Quyết định số 964/QĐ-BTTTT về việc giao nhiệm vụ cho cán bộ, theo đó giao nhiệm vụ ông Trần Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) lên làm Tổng Giám đốc tập đoàn này, thay cho ông Vũ Tuấn Hùng. Việc ông Trần Mạnh Hùng lên đảm đương “ghế nóng” đòi hỏi nhà lãnh đạo doanh nghiệp này phải đưa ra nhiều quyết sách hợp lý để đưa VNPT bứt phá trong thời gian tới, nhất là khi VNPT đang “đi chậm” hơn khá nhiều so với "kẻ sinh sau" là Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel. Cụ thể năm 2012 tổng doanh thu toàn Tập đoàn VNPT là 130.390 tỷ đồng, đạt 100,3% kế hoạch, bằng 107,94% so với năm 2011; nộp ngân sách nhà nước 7.561 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch, bằng 101% so với năm 2011. Trong khi đó, doanh thu năm 2012 của Tập đoàn Viettel là 140.058 tỷ đồng, đạt 100,04% kế hoạch, tăng 22.720 tỷ đồng; nộp ngân sách Nhà nước ước thực hiện 10.394 tỷ đồng, tăng 1.103 tỷ đồng. Người tiền nhiệm của ông Trần Mạnh Hùng là ông Vũ Tuấn Hùng được điều động về Vụ Tổ chức Cán bộ, Bộ Thông tin và Truyền thông./.

 Tin bài liên quan:

- Ông Trần Mạnh Hùng được giao phụ trách chức vụ Tổng giám đốc VNPT

- Ông Trần Mạnh Hùng nhận chức Tổng Giám đốc VNPT

- VNPT có Tổng Giám đốc mới

- Nốt nhạc mới của VNPT

+ Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh tái cơ cấu VNPT

Ngày 7/8, ngay sau khi Bộ Thông tin & Truyền thông kiện toàn bộ máy lãnh đạo VNPT, giao nhiệm vụ ông Trần Mạnh Hùng làm Tổng Giám đốc tập đoàn này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có buổi làm việc với ban lãnh đạo VNPT và Bộ Thông tin và Truyền thông. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao vai trò của VNPT, là doanh nghiệp chủ lực trong ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh phát triển kinh tế, mang lại nguồn thu lớn cho đất nước trong thế kỷ 20 và 21. Tuy nhiên thời gian gần đây VNPT có sự sa sút nhất định, cần phải tái cơ cấu để phát triển trở lại. Thủ tướng chỉ đạo Bộ Thông tin & Truyền thông cùng VNPT khắc phục những yếu kém và tồn tại, đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh của VNPT ổn định và tiếp tục thực hiện các kế hoạch sản xuất kinh doanh. Thủ tướng yêu cầu Bộ Thông tin & Truyền thông và VNPT đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu, tổ chức xây dựng và thực hiện Đề án tái cơ cấu khi được phê duyệt.

 Tin bài liên quan:

- Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh tái cơ cấu VNPT

- Thủ tướng "giao đề bài" cho tân Tổng giám đốc VNPT

- Thủ tướng chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu VNPT

- OTT đang khiến các “ông lớn” viễn thông Việt không vui

Cung cấp dịch vụ miễn phí cho khách hàng và bị gán cho "nguy cơ gây mất an ninh cho xã hội", làm giảm doanh thu của nhà mạng là thực trạng thời khủng hoảng của ngành di động với ứng dụng OTT. Năm 2013, một câu chuyện mới đang được viết. Những ứng dụng nhắn tin miễn phí (OTT) du nhập vào Việt Nam và phát triển khá mạnh, đem lại lợi ích rất lớn cho hàng chục triệu người tiêu dùng. Thay vì phải nhắn tin text nhàm chán trên di động, họ có thể nhắn thoại, hình ảnh, gửi video… thậm chí vẽ hình, để gửi cho nhau với tốc độ cực nhanh mà không phải trả phí. Thêm vào đó, nhiều hình nền trước đây họ phải mua thì giờ cũng được cung cấp miễn phí bởi các ứng dụng OTT. Chính vì thế, người tiêu dùng yêu thích OTT vì nó miễn phí và có chất lượng tốt. Đối xử với các dịch vụ OTT như thế nào đang là bài toán khó khiến các nhà mạng đau đầu, bởi họ không thể bỏ qua quyền lợi của người tiêu dùng. Công nghệ đang đặt ra thách thức cho các nhà mạng, làm sao để cung cấp dịch vụ chất lượng cao hơn cho người dùng trước sự cạnh tranh quyết liệt từ các nhà cung cấp dịch vụ OTT.

 Tin bài liên quan:

- OTT trở thành “tội đồ” để tăng cước 3G?


  BƯU CHÍNH

+ Thêm 15 tỉnh, thành phố trả lương hưu qua bưu điện

Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (VietnamPost) cho biết, từ ngày 1/8//2013, thêm 15 tỉnh, TP sẽ tham gia chi trả lương hưu qua Bưu điện, nâng số Bưu điện tỉnh, TP sử dụng dịch vụ này lên 43. 15 tỉnh, TP gồm Quảng Ninh, Ninh Thuận, Cà Mau, Đồng Tháp, An Giang, Vũng Tàu, Bến Tre, Điện Biên, Bắc Giang, Đồng Nai, Hậu Giang, Hưng Yên, Trà Vinh, Ninh Bình và Nam Định.

 Tin bài liên quan:

- Tháng 8/2013: Thêm 15 tỉnh, TP trả lương hưu qua Bưu điện

+ TP.HCM không trả lương hưu qua bưu điện

UBND TP.HCM vừa có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam về việc không thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng qua hệ thống bưu điện. Theo đó, Bảo hiểm Xã hội và Bưu điện thành phố đã tổ chức khảo sát việc chi trả để triển khai thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, tại kỳ họp thứ 10 của HĐND thành phố khóa VIII vào tháng 7 vừa qua, nhiều ý kiến cử tri đã không đồng tình và cho rằng việc này sẽ gây ra nhiều xáo trộn, tạo tâm lý không thoải mái cho người hưởng, phần lớn cán bộ hưu trí lớn tuổi, đi lại khó khăn, mất thời gian. Do đó, UBND thành phố thống nhất chủ trương vẫn tiếp tục thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội tại trụ sở UBND phường, xã, thị trấn

+ Học sinh Việt Nam giành giải Khuyến khích quốc tế UPU 42

Bức thư đạt giải Nhất quốc gia cuộc thi viết thư UPU 42-2013 của em Đào Thụy Thùy Dương, học sinh trường THCS Tây Sơn, TP.Đà Nẵng vừa mang về cho Việt Nam thêm 1 giải Khuyến khích quốc tế. Ngày 6/8/2013, trang web của Liên minh Bưu chính Thế giới (UPU) đã công bố kết quả cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 42 năm 2013 (UPU 42-2013) có chủ đề gắn với Thập niên hành động - Nước với cuộc sống (2005 - 2015): “Em hãy viết một bức thư để nói tại sao nước là quý”. Với giải Khuyến khích quốc tế mà Đào Thụy Thùy Dương vừa đạt được, sau 2 năm “lỗi hẹn”, học sinh Việt Nam lại có giải thưởng quốc tế cuộc thi viết thư UPU. Trước đó, liên tiếp trong 3 năm 2008, 2009 và 2010, các em học sinh Hồ Thị Quế Chi (Bắc Ninh), Nguyễn Đắc Xuân Thảo và Hồ Thị Hiếu Hiền (Đà Nẵng) đã lần lượt đóng góp thêm vào chuỗi thành tích thi viết thư UPU của Việt Nam 1 giải Khuyến khích, 1 giải Nhì và 1 giải Nhất quốc tế.

 Tin bài liên quan:

- Học sinh Đà Nẵng lại đoạt giải UPU quốc tế

+ Đà Nẵng: 3 doanh nghiệp bưu chính, chuyển phát bị xử phạt

Thanh tra Sở TT&TT TP Đà Nẵng vừa tiến hành xử phạt 3 doanh nghiệp bưu chính, chuyển phát trên địa bàn  với số tiền 18 triệu đồng. Cụ thể, Chi nhánh Công ty Cổ phần dịch vụ bưu chính viễn thông Sài Gòn bị xử phạt 10 triệu đồng với hành vi Khuyến mại vi phạm quy định về dịch vụ bưu chính dành riêng; Chi nhánh Công ty Cổ phần chuyển phát nhanh Tín Thành tại TP Đà Nẵng bị phạt 4 triệu đồng với hành vi Công bố không đúng chất lượng dịch vụ bưu chính theo quy định của pháp luật; Chi nhánh Công ty TNHH chuyển phát nhanh DHL - VNPT tại TP Đà Nẵng bị phạt 4 triệu đồng với hành vi Chứng từ xác nhận chấp nhận bưu gửi (phiếu gửi) ghi không đúng nội dung theo quy định của pháp luật, Bưu gửi (phiếu gửi) không sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt. Nguyên nhân của những sai phạm trên theo Thanh tra Sở TT&TT Đà Nẵng là do sự chủ quan của doanh nghiệp, cũng như doanh nghiệp chưa cập nhật kịp thời các văn bản mới ban hành của cơ quan Nhà nước trong hoạt động bưu chính, chuyển phát. Trên địa bàn TP Đà Nẵng có khoảng 20 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bưu chính và chuyển phát dưới các hình thức là Công ty, Chi nhánh Công ty, Văn phòng đại diện.

* Chuyên mục này có mục đích tổng hợp các bài báo viết về Ngành Thông tin và Truyền thông trong tuần để giúp cán bộ quản lý, cán bộ công chức, viên chức ngành Thông tin và Truyền thông cũng như bạn đọc có thông tin nhiều chiều, toàn diện. Nội dung các bài báo được tổng hợp không phản ánh quan điểm, chủ trương của Bộ Thông tin và Truyền thông cũng như Ban Biên tập.

Hải Nam

Tổng hợp từ Internet

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT( 0)