
Điểm Bưu điện văn hóa xã Ảnh: Internet
BÁO CHÍ
+ Giải Báo chí quốc gia lần VII: Nhiều tác phẩm hấp dẫn
Kết quả chung khảo Giải Báo chí quốc gia lần thứ VII năm 2012 được Hội đồng chấm giải công bố vào cuối giờ chiều qua (2/6) với 117 tác phẩm được chọn để trao giải, trong đó có 5 giải A (năm 2011 chỉ có 2 giải A), 28 giải B, 45 giải C và 39 giải khuyến khích. Về chất lượng giải, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng chung khảo Giải Báo chí quốc gia lần thứ VII Thuận Hữu, đánh giá các tác phẩm dự thi nhìn chung đồng đều, không có tác phẩm quá yếu kém nhưng cũng chưa nhiều tác phẩm thật xuất sắc, nổi trội. Tuy nhiên, tại giải lần này, nhiều tác phẩm có tính phát hiện vấn đề, có sức ảnh hưởng xã hội và thể hiện một cách quyết liệt, hấp dẫn. Đặc biệt, nhiều loạt bài về khắc phục hậu quả thiên tai lũ lụt, đấu tranh chống tham nhũng tiêu cực, đấu tranh chống các thế lực thù địch, các hoạt động sai trái chống phá nhà nước, vấn đề phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, bảo vệ nông nghiệp, nông dân, nông thôn, bảo vệ biển đảo của Tổ quốc cũng góp phần thêm chất lượng cho giải năm nay. Được biết, hội đồng chấm giải Báo chí quốc gia lần thứ VII năm 2012 đã lựa chọn được 160 tác phẩm vào vòng chung khảo trên tinh thần nghiêm túc, công tâm và có trách nhiệm. Hội đồng đã thảo luận kỹ các tiêu chí chấm giải, cho điểm và xếp loại các tác phẩm theo A, B, C. Lễ tổng kết và trao giải sẽ được tổ chức vào dịp kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6./.
Tin bài liên quan:
- 171 tác phẩm vào chung khảo giải báo chí quốc gia
- 117 tác phẩm đoạt Giải Báo chí quốc gia lần thứ 7
- Chung khảo Giải Báo chí Quốc gia lần thứ VII
+ Bộ TT&TT “tuýt còi” các Trang tin điện tử
Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã có thông báo đến các cơ quan của Nhà nước, các Bộ, ngành… liên quan đến việc các trang thông tin, mạng xã hội tự ý liên hệ công tác với các đơn vị, tổ chức đưa tin như các cơ quan báo chí. Thông báo số 1432 của Bộ TT&TT ra ngày 17 tháng 5 năm 2013 gửi đến các cơ quan Bộ, ngành... về việc liên quan đến hoạt động của các trang thông tin điện tử tổng hợp và mạng xã hội đang có những dấu hiệu vi phạm luật pháp hiện hành về báo chí. Trong thông báo này, Bộ TT&TT cũng chỉ rõ một số trang tin tổng hợp không phải là các cơ quan báo chí, không được tự đưa thu thập, cung cấp thông tin như các cơ quan báo chí. Do đó, việc nhân viên của những trang tin tổng hợp, mạng xã hội này tự ý đến các cuộc họp báo, hội thảo của các cơ quan Bộ, ngành… tự động thu thập thông tin, đưa tin như các cơ quan báo chí là không tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành về báo chí. Chính vì vậy, Bộ TT&TT gửi thông báo này đến các cơ quan Nhà nước, Bộ, ngành… để nhằm hạn chế việc các trang thông tin tổng hợp, mạng xã hội hoạt động tự ý đến liên hệ công tác, tổ chức đưa tin không đúng pháp luật.
+ Tập huấn về thông tin đối ngoại
Hội nghị tập huấn về thông tin đối ngoại nhằm giúp đội ngũ cán bộ làm công tác thông tin đối ngoại có căn cứ vận dụng để thực hiện hiệu quả hơn nhiệm vụ của mình; đồng thời tăng cường sự kết nối giữa các cơ quan làm công tác thông tin đối ngoại cũng như chia sẻ kinh nghiệm, các mô hình hay. Ngày 4/6 tại TP. Đà Nẵng, Ban Chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại, Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Hội nghị tập huấn về Chiến lược phát triển thông tin đối ngoại giai đoạn 2011-2020 và Chương trình hành động của Chính phủ về thông tin đối ngoại giai đoạn 2013-2020 cho cán bộ làm công tác thông tin đối ngoại của địa phương các tỉnh thành phố miền Trung, Tây Nguyên. Trong thời gian tới, công tác thông tin đối ngoại sẽ tập trung chủ yếu vào 4 nội dung: quảng bá hình ảnh, tiềm năng của đất nước, thông tin để bạn bè quốc tế hiểu chủ trương, chính sách, quan điểm của Đảng và Nhà nước; giới thiệu thành tựu của Việt Nam; thông tin, tuyên truyền hướng tới cộng đồng người Việt ở nước ngoài; đấu tranh, phản bác các quan điểm chống phá, sai trái của các thế lực thù địch.
CÔNG NGHỆ THÔNG TIN
+ Các CIO là trụ cột trong phát triển chính phủ điện tử
Ngày 4/6, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức hội thảo Việt Nam-Hàn Quốc về lãnh đạo công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước. Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Minh Hồng cho biết trong những năm qua, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước, từng bước xây dựng Chính phủ điện tử ở Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tốt, góp phần nâng cao tính minh bạch trong các hoạt động của cơ quan nhà nước, tiết kiệm thời gian, kinh phí cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân. Tại hội thảo, các chuyên gia Hàn Quốc và Việt Nam đã chia sẻ kinh nghiệm về phát triển chính phủ điện tử và kinh nghiệm phát triển đội ngũ giám đốc công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước. Theo đó, giám đốc công nghệ thông tin có vai trò xác định tầm nhìn chiến lược, đổi mới, nâng cao chính sách chiến lược ứng dụng công nghệ thông tin. Đồng thời là đầu mối tổ chức giám sát việc thực hiện, đảm bảo áp dụng các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin vào cơ quan đạt hiệu quả tối ưu.
+ Quý I/2013: Nông dân có 330.000 giờ truy cập Internet miễn phí
Mới chính thức triển khai từ năm 2012, đến nay Dự án “Nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy nhập Internet công cộng tại Việt Nam” (Dự án BMGF-VN) đã hoàn thành việc lắp đặt trang thiết bị và đưa vào hoạt động tại khoảng 700 điểm thư viện công cộng/điểm bưu điện văn hóa xã (TVCC/ĐBĐVHX) ở 12 tỉnh tham gia Dự án giai đoạn 2, bước 1. Dự án BMGF-VN do Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì với tổng kinh phí hơn 50 triệu USD. Dự án được triển khai trên phạm vi 40 tỉnh, phần lớn là địa phương còn khó khăn, trong thời gian 5 năm (2011-2016). Dự án kỳ vọng sẽ giúp người dân nông thôn có cơ hội tiếp cận kiến thức có ý nghĩa thiết thực từ Internet, vận dụng vào đời sống thực tế để góp phần từng bước thay đổi cuộc sống.
+ Đà Nẵng: Ứng dụng GIS hướng đến phục vụ chính quyền điện tử
Ngày 6/6/2013, Sở TT&TT Đà Nẵng (DNDIC) phối hợp với các công ty Hitachi Solutions (HISOL), Zenrin (ZRN) - Nhật Bản, Công ty TNHH Hệ thống Thông tin FPT (FIS) tổ chức hội thảo tổng kết thí điểm xây dựng bản đồ và ứng dụng GIS tại quận Hải Châu, TP Đà Nẵng. Ông Phạm Kim Sơn, Giám đốc Sở TT&TT Đà Nẵng phát biểu: “Thông tin địa lý (GIS) là 1 ứng dụng quan trọng để quản lý kinh tế - xã hội và là nhu cầu ứng dụng không thể thiếu được trong tất cả các hệ thống thông tin phục vụ chính quyền điện tử. Việc ứng dụng GIS vào quản lý kinh tế - xã hội nói chung và quản lý hoạt động của các cơ quan nhà nước nói riêng là nhu cầu bức thiết, là mong muốn của tất cả các sở ban ngành trên địa bàn”.
+ PTIT đào tạo kỹ thuật ngăn chặn tấn công mạng máy tính
Theo thông tin từ PTIT, trong thời gian từ ngày 27/5 đến ngày 7/6/2013, tại Hà Nội, Trung tâm Đào tạo Bưu chính Viễn thông 1 của PTIT tổ chức khóa học về An ninh an toàn thông tin cho cán bộ ĐH Kỹ thuật hậu cần Công an nhân dân. Tham dự khóa đào tạo nghiệp vụ an ninh an toàn thông tin này, các cán bộ của trường Đại học Kỹ thuật hậu cần Công an nhân dân được cung cấp, trang bị những kiến thức tập trung vào lĩnh vực kỹ thuật tấn công và bảo vệ mạng máy tính như: các phương thức tấn công và công nghệ bảo vệ, chống tấn công; kỹ thuật nhận dạng và ngăn chặn chống tấn công mạng máy tính; Đảm bảo an toàn ứng dụng web…Đại diện lãnh đạo PTIT cũng cho biết, thời gian tới, bên cạnh việc đào tạo ngành An toàn thông tin trình độ đại học, Học viện cũng sẽ tổ chức các khóa bồi dưỡng ngắn hạn và cấp chứng chỉ về An toàn an ninh thông tin cho các học viên hoàn thành khóa bồi dưỡng nghiệp vụ này.
+Tọa đàm tham vấn tham gia Hiệp định CNTT mở rộng
Ngày 3/6, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức tọa đàm tham vấn hiệp hội, doanh nghiệp về việc tham gia Hiệp định công nghệ thông tin mở rộng, với sự tham gia của đại diện một số bộ, ngành liên quan, các doanh nghiệp và hiệp hội công nghệ thông tin tại Việt Nam. Đến nay, Hiệp định công nghệ thông tin -1996 đã có nhiều điểm không còn phù hợp trong giai đoạn mới, các nước đang tiến hành đề xuất mở rộng Hiệp định công nghệ thông tin (ITA-2). Đặc điểm của ngành công nghiệp công nghệ thông tin là toàn cầu hóa và chuyên môn hóa, vì vậy việc tham gia ITA-2 là tham gia vào sân chơi chung của các nước trên thế giới. Tuy nhiên, một số ý kiến khác cho rằng, cần xem xét thận trọng các mặt lợi, hại của Hiệp định công nghệ thông tin mở rộng để cân nhắc, lựa chọn thời điểm Việt Nam tham gia cho hợp lý..
Tin bài liên quan:
- Việt Nam có nên tham gia Hiệp định CNTT mở rộng?
- Kiến nghị tiếp tục tham gia Hiệp định CNTT mở rộng
+ Năm 2012, người Việt Nam mất gần 8.000 tỷ đồng do virus
Theo Bkav, thiệt hại do virus máy tính tại Việt Nam vẫn ở mức cao. Trong 12 tháng qua, người sử dụng đã phải chịu tổn thất lên đến gần 8.000 tỷ đồng (khoảng 400 triệu USD). Kết quả được đưa ra từ chương trình khảo sát do Bkav thực hiện vào tháng 4/2013. Con số này tuy thấp hơn nhiều so với mức thiệt hại do tội phạm mạng tại các nước phát triển nhưng là một thiệt hại rất lớn đối với người sử dụng tại Việt Nam. Số liệu tại Việt Nam được tính dựa trên mức thu nhập của người sử dụng máy tính và thời gian công việc của họ bị gián đoạn do các trục trặc gây ra bởi virus máy tính. Theo đó, bình quân mỗi người sử dụng máy tính tại Việt Nam đã bị thiệt hại 1.354.000 đồng. Với ít nhất 5,9 triệu máy tính (theo Sách Trắng về Công nghệ Thông tin - Truyền thông 2012) đang được sử dụng trên cả nước thì mức thiệt hại do virus gây ra mỗi năm lên tới gần 8.000 tỷ đồng.
+ Hơn 300.000 cuộc tấn công mạng vào TP.HCM trong một tuần
Chỉ trong vòng 1 tuần từ 10/5 - 17/5, TP.HCM đã đón nhận hơn 13.500 cuộc tấn công nguy hiểm, hơn 300 ngàn cuộc tấn công trung bình và thấp vào các website ở TP.HCM và 13.000 lỗ hổng rò rỉ trên mạng. Đó là chia sẻ của ông Lê Mạnh Hà, Phó chủ tịch UBND TP.HCM tại Hội thảo Luật An toàn thông tin (lấy ý kiến góp ý cho dự thảo 2 Luật An toàn thông tin) được tổ chức tại TP.HCM ngày 31/05/2013. Tham dự hội thảo có ông Nguyễn Minh Hồng - Thứ trưởng Bộ TT&TT, ông Lê Mạnh Hà - Phó chủ tịch UBND TP.HCM, cùng lãnh đạo các Sở TT&TT phía Nam, cùng các hội, hiệp hội, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. Các vấn đề thắc mắc đã được Ban soạn thảo Luật An toàn thông tin giải đáp cho những đại biểu tham dự, đồng thời Ban soạn thảo cũng nhận định rằng các ý kiến đóng góp tại hội thảo là rất quan trọng, Ban soạn thảo sẽ ghi nhận và xem xét đưa vào luật cho đầy đủ hơn. Hiện tại, dự thảo Luật An toàn thông tin cũng được đăng tải tại website http://mic.gov.vn/Trang/default3.aspx để lấy ý kiến góp ý từ các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước.
+ Chỉ 41% cơ quan, đơn vị có quy chế về an toàn thông tin
Những thông tin tại Hội thảo Việt Nam - Hàn Quốc về CIO trong cơ quan nhà nước cho thấy, một trong những yêu cầu quan trọng của Chính phủ điện tử là phải nâng cao năng lực để đảm bảo an toàn thông tin. Nhưng hiện chỉ có 41% số cơ quan, đơn vị là có quy chế về an toàn thông tin. Sáng 4/6/2013, tại Hà Nội, Bộ TT&TT phối hợp với Bộ An ninh và hành chính công Hàn Quốc đã tổ chức Hội thảo Việt Nam - Hàn Quốc về CIO trong cơ quan nhà nước. Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng cho biết, hợp tác trong lĩnh vực TT&TT giữa Việt Nam và Hàn Quốc đã và đang đạt được nhiều kết quả thiết thực và là cầu nối quan trọng góp phần đưa quan hệ chung hai nước lên tầm cao mới. Trong những năm qua, việc ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước, từng bước xây dựng Chính phủ điện tử ở Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả khả quan, góp phần nâng cao tính minh bạch trong các hoạt động, tiết kiệm thời gian, kinh phí cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân. Trong sự phát triển mạnh mẽ đó, có sự đóng góp rất quan trọng của những giám đốc CNTT nhà nước (CIO).
Tin bài liên quan:
- CIO cơ quan nhà nước cần có tầm nhìn xa, rộng
+ Doanh nghiệp CNTT "lười" góp ý kiến
Đặc thù của doanh nghiệp Việt Nam là khi cơ quan nhà nước tổ chức xin ý kiến thì không ai quan tâm, không hỏi han gì nhưng đến khi luật áp vào lại kêu than. Đó là ý kiến của ông Vũ Trọng Đường, Vụ trưởng Vụ CNTT (Bộ TT&TT) tại buổi tọa đàm giới thiệu và xin ý kiến các hiệp hội, doanh nghiệp CNTT về việc tham gia Hiệp định CNTT mở rộng ITA 2 do Bộ TT&TT tổ chức ngày 5/6/2013 tại TP.HCM. Mặc dù đã chuyển thư mời tới hàng chục doanh nghiệp ở TP.HCM nhưng các đại diện doanh nghiệp tới tham dự góp ý lại chưa được 10 người. Số lượng đã ít như vậy nhưng đến khi xin ý kiến đóng góp thì một số doanh nghiệp lại từ chối vì đến để “lắng nghe” là chính!? Đồng quan điểm trên, ông Vũ Anh Tuấn - Tổng thư ký Hội Tin học TP.HCM (HCA) cho biết, hàng năm HCA đều lấy ý kiến đóng góp cho nhiều dự thảo của Bộ TT&TT, tuy nhiên số doanh nghiệp tham gia chưa nhiều. Kể cả khi UBND TP tổ chức họp cũng vậy, chỉ những doanh nghiệp bị "đụng chạm" thì tham gia họp tiếp, còn các đơn vị chưa bị ảnh hưởng đến quyền lợi của mình thì chẳng màng tới, điều này gây thiệt hại cho chính doanh nghiệp. Như sự kiện tọa đàm cũng vậy, Bộ TT&TT và các Hiệp hội đã đưa thông tin đến doanh nghiệp từ web, mail, thậm chí gọi điện thoại xác nhận đi dự, thế nhưng cũng chẳng thấy doanh nghiệp tham gia.
+ Quy hoạch tần số phải dựa vào nhu cầu thực tế
Do nguồn tài nguyên tần số ngày càng hạn hẹp, Việt Nam cần xây dựng các quy hoạch và chiến lược phát triển hạ tầng thông tin dựa trên nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng nhu cầu sử dụng tần số thực tế, theo hướng hài hòa, phù hợp với xu hướng thế giới. Đây là quan điểm được Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Lê Nam Thắng chia sẻ tại Hội thảo quốc tế về "Quản lý tần số cho sự phát triển của hạ tầng thông tin hiện đại", diễn ra sáng 5/6 tại Hà Nội. Thời gian qua, thị trường thông tin vô tuyến điện đã phát triển rất mạnh, các dịch vụ và ứng dụng di động cũng ngày càng đa dạng, phổ biến. Nhưng bên cạnh việc đem lại nhiều lợi ích cho người dùng thì sự phát triển mạnh mẽ này cũng đặt ra vô số thách thức cho hạ tầng thông tin và cơ chế quản lý tần số của VN.
VIỄN THÔNG
+ Thanh tra toàn quốc thuê bao trả trước trong 3 tháng
Từ ngày 30/5 - 30/8, Cục Viễn thông và Thanh tra Bộ TT&TT sẽ phối hợp thanh tra diện rộng về tình hình thuê bao trả trước để có thể tổng kết một năm triển khai Thông tư 04. Tại cuộc họp giao ban Quản lý Nhà nước tháng 4,5 của Bộ TT&TT diễn ra sáng nay (6/6), ông Nguyễn Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông cho biết, công tác thanh tra sẽ được tiến hành nghiêm túc, sát sao, chặt chẽ, dưới sự phối hợp đồng bộ giữa Cục, Thanh tra và các Sở TT&TT địa phương. Trước đó, Báo cáo về tình hình CNTT- Viễn thông cả nước tháng 4,5 cho biết, dù Thông tư 04 đã có hiệu lực được gần một năm, song số lượng SIM được kích hoạt sẵn, đăng ký sai thông tin quy định (SIM rác) vẫn đang được bày bán tràn lan. Đây hầu hết là các SIM cũ được phát hành từ năm ngoái, bởi theo Thứ trưởng Lê Nam Thắng thì kể từ sau khi Thông tư 14 về quản lý giá cước được triển khai, số SIM mới phát hành ra thị trường đã giảm chỉ còn 1/10 so với trước đây.
+ Vẫn "nóng" chuyện lựa chọn băng tần cho mạng 4G
Theo Cục Tần số Vô tuyến điện (Bộ TT&TT), việc lựa chọn băng tần cho mạng di động băng rộng (mạng LTE 4G) trong thời gian tới phải dựa trên nguyên tắc như: được nhiều nước ủng hộ, công nghệ chín muồi… để giá thành thiết bị rẻ hơn và phù hợp với người dùng Việt Nam. Thông tin trên được đưa ra tại Hội thảo “Quản lý tần số phục vụ phát triển hạ tầng viễn thông hiện đại” tổ chức ngày 5/6/2013. Hội thảo là diễn đàn để các nhà quản lý, doanh nghiệp trao đổi về định hướng quy hoạch tần số, định hướng công nghệ, dịch vụ hạ tầng thông tin vô tuyến. Trên cơ sở đó, Hội thảo sẽ giúp các chuyên gia quản lý tần số, viễn thông Việt Nam có cái nhìn rõ hơn về thị trường di động, vô tuyến băng rộng, sử dụng hài hòa tần số trên thế giới và khu vực cũng như tiềm năng, định hướng phát triển trong những năm tới.
+ Dịch vụ OTT "đập vỡ nồi cơm” nhà mạng
Doanh thu các nhà mạng, như Viettel, MobiFone, VinaPhone đang bị ảnh hưởng bởi làn sóng chạy đua chiếm vị trí hàng đầu của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ OTT (over the top - các ứng dụng và dịch vụ hoạt động trên kết nối Internet nhưng không liên quan đến các nhà cung cấp kết nối Internet). Các nhà mạng hãi dịch vụ OTT. Một thông tin gây sốc được ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc Viettel tiết lộ, nếu 40 triệu thuê bao di động đều dùng 3G và Viber, thì doanh thu của Viettel có thể bị giảm 40-50%. Những dịch vụ viễn thông cơ bản, như điện thoại, nhắn tin… đang chiếm đến 80% doanh thu hàng năm của các doanh nghiệp (DN) viễn thông, với trên 100.000 tỷ đồng, thì cảnh báo trên của ông Hùng là “cú sốc” lớn. Điều đó có nghĩa là, các nhà mạng sẽ mất gần 50.000 tỷ đồng mỗi năm, nếu khách hàng đều dùng các dịch vụ OTT, gồm nhắn tin, gọi điện miễn phí qua Internet.
+ Nhà mạng chưa bảo vệ khách hàng
Khách hàng than thở nhà mạng đang làm khó mình vì có tiền trong tài khoản mà không thể thực hiện liên lạc và để tin nhắn lừa đảo mặc sức hoành hành. Có tiền mà không gọi được. Nhiều khách hàng cho rằng, các mạng di động đang tích cực triển khai chống tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo nhưng lại bị “qua mặt”. Kẻ lừa đảo mạo danh tổng đài của mạng để gửi tin nhắn trong khi nhà mạng chưa có động thái nào ngăn chặn cũng như cảnh báo khách hàng. Chủ thuê bao 098252xxxx cho rằng: “Nhà mạng phải nhắn tin tới khách hàng để khách hàng không bị mắc bẫy. Mặc dù khách hàng chưa phản ánh lên tổng đài nhưng với việc khách bị trừ cước vô lý thì mạng cũng cần kiểm tra lại nội dung và có biện pháp bảo vệ khách hàng kịp thời”.
+ Khóc vì bị nhà mạng "khủng bố"
“Khủng bố” bằng tin nhắn tổng đài, tin nhắn rác, nghẽn mạng, tin rao bán sim, số đẹp… là hiện tượng thường xuyên khách mà khách hàng phải chịu trận. Mỗi năm thu lợi hàng nghìn tỷ từ người dùng nhưng các nhà mạng vẫn để khách hàng phải… than khóc.“Khủng bố” bằng… cà rốt. Điển hình cho “nạn” “khủng bố” khách hàng là tổng đài 555 của nhà mạng MobiFone. Dẫn dụ người dùng bằng các tin nhắn hấp dẫn, lấp lửng gây tò mò như: “MobiFone sẽ tiết lộ một điều với bạn một tin rất quan trọng…” hoặc: “Bạn đúng là khách hàng xuất sắc của chúng tôi! Số điện thoại may mắn 090xxxxxxx đã giành được cơ hội miễn phí trúng thưởng 5.000.000 đồng hôm nay từ MobiFone! Soạn DK gửi 555 miễn cước phí! Đặc biệt là ghi chú miễn phí tin nhắn gửi đi đã khiến số không ít khách hàng “sập bẫy”. Với “chiêu” yêu cầu trả lời câu hỏi để tích điểm nhận trúng thưởng 5 triệu đồng/ngày, sau khi trả lời đúng một loạt các câu hỏi dễ khách hàng sẽ tích được lần lượt từ 10 đến 100… điểm. Khi thấy các câu hỏi không khó trả lời, tích luỹ điểm nhanh vùn vụt, khách hàng lập tức bị cuốn vào vòng xoáy của tổng đài này. Sau một hồi tích điểm, nhà mạng này gửi đến một tin nhắn “chốt” với nội dung khách hàng sẽ có cơ hội trúng 25 triệu đồng và khi tham gia thì chủ thuê bao sẽ bị trừ 5.000 đồng/ngày.
+ Phát tán tin nhắn rác, nhiều sim VIP bị cắt số
Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội xử lý hàng loạt số điện thoại "siêu đẹp" do gửi tin nhắn rác và lừa đảo người dùng. Hôm 1/6 vừa qua, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đã ra công văn số 729/STTTT-BCVT, đề nghị các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông ngừng cung cấp dịch vụ đối với 118 số điện thoại di động và 9 đầu số để phát tán tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo. Theo đó có 9 đầu số, tổng đài hỗ trợ khách hàng bị cắt dịch vụ gồm: 555, 7775, 7010, 7060, 7160, 1800555516, 19006672, 19001992 và 19001993. Bên cạnh đó cũng có hàng loạt sim di động thuộc hàng VIP bị xử lý trong đợt này như: 0968686666, 0934292929; 0969696999; 0987200000; 0989522222; 0986333333 ...Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông phải báo cáo việc xử lý các đầu số cũng như số điện thoại nói trên về Sở trước ngày 20/6/2013.
+ VMS II phát triển giải pháp di động dựa trên điện toán đám mây
Trung tâm Thông tin Di động Khu vực II (VMS II) được VMS ưu tiên lựa chọn là đơn vị khai thác thỏa thuận hợp tác chiến lược về xây dựng các giải pháp di động đầu tiên tại Việt Nam dựa trên nền tảng điện toán đám mây của IBM. IBM và Công ty Thông tin Di động (VMS), một trong những công ty viễn thông hàng đầu của Việt Nam, đã công bố triển khai thỏa thuận hợp tác chiến lược về xây dựng các giải pháp di động đầu tiên tại Việt Nam dựa trên nền tảng điện toán đám mây của IBM. Thỏa thuận này bao gồm giải pháp di động IBM MobileFirst, giải pháp điện toán đám mây IBM SmartCloud, hệ thống tích hợp IBM PureSystems và dịch vụ Mobile Cloud, cho phép VMS II triển khai trong vòng vài phút các ứng dụng di động giá trị gia tăng mới cho khách hàng doanh nghiệp, mở rộng thị trường và nâng cao năng suất lao động của đội ngũ nhân viên di động. Với cơ sở hạ tầng cốt lõi là hệ thống IBM PureFlex thuộc hệ thống tích hợp chuyên gia PureSystems của IBM, nền tảng di động mới sẽ được tích hợp đầy đủ và tối ưu hóa, do đó đơn giản các hoạt động tính toán và cho phép quản lý dễ dàng hơn. Những hệ thống lưu trữ Storwize IBM được tích hợp để quản lý chi phí hiệu quả hơn các torrent dữ liệu, để có thể nhanh chóng xử lý các tải công việc lớn, như xử lý giao dịch. Hệ thống lưu trữ IBM TS3200 Tape Library Express là giải pháp tối ưu để sao lưu và lưu trữ dữ liệu với mức độ bảo mật cao hơn và yêu cầu ít năng lượng đáng kể.
+ Nhà mạng VN thiệt hại 2100 tỷ mỗi năm do roaming quốc tế
Nhiều doanh nghiệp nước ngoài đang lợi dụng tình trạng cạnh tranh giữa các nhà mạng trong nước để điều chỉnh mạnh giá cước roaming quốc tế. Theo Cục Viễn thông, tình trạng này khiến doanh nghiệp trong nước tổn thất từ 10-100 triệu USD mỗi năm.Tại cuộc họp Quản lý Nhà nước tháng 4, 5 của Bộ TT&TT sáng 6/6, ông Nguyễn Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) cho biết, trước đây, các nhà mạng trong nước tự quyết định giá cước roaming dẫn tới tình trạng chạy đua về giá để cạnh tranh với nhau. Nắm bắt được tâm lý của các nhà mạng VN, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã khoan sâu vào mâu thuẫn này để kiếm lời hàng nghìn tỷ đồng.
BƯU CHÍNH
+ Hà Nội: Phát triển BĐVHX thành điểm cung cấp thông tin văn hóa
Sở TT&TT TP.Hà Nội mới đây đã có công văn yêu cầu UBND các huyện và doanh nghiệp bưu chính viễn thông trên địa bàn triển khai một số nhiệm vụ nhằm hiện thực hóa các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm về xây dựng nông thôn mới năm 2013 và những năm tiếp theo. Theo đó, lãnh đạo Sở TT&TT đề nghị UBND 18 huyện ngoại thành Hà Nội giao phòng Văn hóa thông tin các huyện làm đầu mối tiếp nhận yêu cầu của các xã về tiêu chí Bưu chính - Viễn thông - Internet, đồng thời phối với UBND các xã đánh giá những tiêu chí ngành TT&TT về xây dựng nông thôn mới theo Quyết định số 463/QĐ-BTTTT (QĐ 463) ngày 22/3/2013 của Bộ TT&TT. Đối với các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông, Internet, lãnh đạo Sở TT&TT TP.Hà Nội đề nghị các đơn vị này tiếp tục rà soát, đầu tư phát triển hạ tầng, mạng lưới và tổ chức cung cấp các dịch vụ bưu chính, viễn thông, Internet tại các xã nhằm đáp ứng yêu cầu tối thiểu về kỹ thuật, chất lượng dịch vụ theo đúng hướng dẫn thực hiện tiêu chí ngành TT&TT về xây dựng nông thôn mới, đã được Bộ TT&TT ban hành kèm theo QĐ 463.
+ Mở rộng phạm vi trả lương hưu qua bưu điện
Từ 1/7, việc chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội hàng tháng qua hệ thống bưu điện sẽ được triển khai thêm tại 12 tỉnh, thành phố, tiến tới mở rộng ra phạm vi toàn quốc. Trước đó, công tác chi trả lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội được thực hiện thí điểm tại 4 tỉnh gồm: Lâm Đồng. Bắc Kạn, Đắc Nông và Phú Yên. Tháng 4/2012, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và Tổng công ty Bưu điện Việt Nam tiếp tục thẩm định trình Hội đồng quản lý Bảo hiểm Xã hội Việt Nam quyết định lựa chọn mở rộng thí điểm thêm tại 8 tỉnh, thành phố gồm: Bình Thuận, Cần Thơ, Đắk Lắk, Long An, Nghệ An, Quảng Trị, Quảng Nam và Tuyên Quang...
* Chuyên mục này có mục đích tổng hợp các bài báo viết về Ngành Thông tin và Truyền thông trong tuần để giúp cán bộ quản lý, cán bộ công chức, viên chức ngành Thông tin và Truyền thông cũng như bạn đọc có thông tin nhiều chiều, toàn diện. Nội dung các bài báo được tổng hợp không phản ánh quan điểm, chủ trương của Bộ Thông tin và Truyền thông cũng như Ban Biên tập.