Tổng hợp báo chí viết về ngành Thông tin và Truyền thông tuần 7-8 (từ ngày 9-22/2/2013)

Thứ bảy, 23/02/2013 10:35

Ngành Thông tin và Truyền thông đã trải qua Tết Quý Tỵ với nhiều tin vui. Mạng viễn thông di động không xảy ra nghẽn trong đêm giao thừa, tin nhắn rác được hạn chế, có nhiều tín hiệu tốt cho tăng trưởng 3G tại Việt Nam, nhiều thông tin tốt về ứng dụng CNTT tại các ngành, địa phương, đặc biệt các nội dung trong bài phỏng vấn Bộ trưởng tiếp tục được báo chí khai thác, đăng tải.

img
Hoạt động của mạng viễn thông trong dịp Tết được thông suốt

BÁO CHÍ

Báo chí tiếp tục đăng những nội dung trong bài phỏng vấn Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nhân dịp đầu xuân

Ngành TT&TT tự hào đóng góp xứng đáng vào phát triển kinh tế - xã hội
Xuân Quý Tỵ đang gõ cửa từng gia đình Việt Nam, trước thềm Xuân mới, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Bắc Son thay mặt Bộ TT&TT qua các phương tiện thông tin đại chúng gửi đến tất cả các cấp, các ngành, các cơ quan chính quyền từ Trung ương đến địa phương và nhân dân cả nước lời cám ơn chân thành nhất và lời chúc Năm mới sức khoẻ, hạnh phúc và nhiều thành công mới trong cuộc sống.
“Trong năm 2012, ngành TT&TT có thể tự hào đã cùng cả nước vượt qua khó khăn, thách thức và đã có những đóng góp xứng đáng vào kết quả chung về phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo”, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son đã cho biết những thành tựu nổi bật của Ngành năm 2012.
DN VT kinh doanh hiệu quả và đóng góp lớn cho ngân sách: Trong bối cảnh hàng loạt DN thua lỗ, phá sản hoặc hoạt động cầm chừng, 2 tập đoàn VT chủ lực của Nhà nước là VNPT và Viettel vẫn đạt tăng trưởng tốt, đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước. VNPT đạt doanh thu trên 130 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận đạt trên 8,5 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách 7,5 nghìn tỷ đồng. Doanh thu của Viettel là 141 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận khoảng 27.514 tỷ đồng và nộp ngân sách trên 11.377  tỷ đồng. Các DN VT Việt Nam đã làm chủ sân nhà; Mật độ thuê bao điện thoại đạt trên 100%. Dịch vụ VT là dịch vụ duy nhất có giá dịch vụ ngày càng rẻ, góp phần thiết thực trong việc thực hiện cuộc vận động “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” với 100% người Việt trong nước dùng dịch vụ điện thoại của các DN VT nước nhà.
Thị trường viễn thông VN: "Không có chỗ đứng cho doanh nghiệp yếu"
Trả lời báo giới nhân dịp đầu Xuân Quý Tỵ, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son cho biết, năm 2012 thị trường viễn thông Việt Nam có nhiều biến động như sự kiện EVN Telecom chuyển về Viettel, Công ty VimpelCom của Nga rút vốn khỏi Công ty Cổ phần viễn thông di động toàn cầu GTel, một số giấy phép viễn thông bị thu hồi, xảy ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh thông qua khuyến mại trái phép... "Nguyên nhân chủ yếu là thị trường viễn thông đã rất cạnh tranh, kinh tế lại đang gặp khó khăn nên một số doanh nghiệp không thể duy trì được hoạt động kinh doanh. Mặt khác, quản lý nhà nước về viễn thông nói riêng và quản lý đầu tư công của nhà nước nói chung được tăng cường nên không có chỗ đứng cho các doanh nghiệp yếu kém cho dù là doanh nghiệp nhà nước", Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nói.
Trước những biến động này của thị trường và với định hướng phát triển bền vững thị trường viễn thông theo Quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia đến 2020 đã được Thủ tướng ban hành, trong năm 2013, Bộ TT&TT sẽ đẩy mạnh thực hiện quy hoạch, trong đó có tái cơ cấu các doanh nghiệp nhằm hình thành ít nhất 3 - 4 doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh cao trên mỗi thị trường quan trọng như di động, Internet băng rộng, cố định đường dài trong nước và quốc tế.
Năm 2013, Bộ TT&TT sẽ tập trung tái cơ cấu VNPT
Sáng ngày 18/2, tại buổi gặp mặt cán bộ của Bộ TT&TT đầu Xuân Quý Tỵ 2013, Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng cho biết, sau khi đề án tái cơ cấu VTC được phê duyệt, trong năm 2013, Bộ sẽ tập trung vào việc tái cơ cấu, tổ chức lại Tập đoàn VNPT.
Cũng theo Thứ trưởng Lê Nam Thắng, trên cơ sở tái cấu trúc VNPT, Bộ TT&TT sẽ tiến hành tái cơ cấu với các doanh nghiệp viễn thông khác không phân biệt cấp chủ quản hay sở hữu. Ngoài ra, Thứ trưởng cũng đề nghị cán bộ, công nhân viên chức của Bộ TT&TT khẩn trương bắt tay ngay vào công việc, triển khai các chương trình, đề án công tác trong năm 2013 như Đề án đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về CNTT trên cả 4 lĩnh vực bao gồm hạ tầng CNTT, ứng dụng CNTT, công nghiệp CNTT và nguồn nhân lực CNTT, chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở hay chương trình viễn thông công ích...
Sẽ có DN truyền hình trả tiền đủ sức "xuất ngoại"
Trả lời báo giới nhân dịp đầu Xuân Quý Tỵ, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son cho biết, việc cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền Việt Nam đã được áp dụng chủ trương xã hội hóa để thu hút, khai thác hiệu quả các nguồn lực xã hội.
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết, đối với thị trường dịch vụ truyền hình trả tiền, một trong những định hướng phát triển là sắp xếp lại hệ thống truyền hình trả tiền hiện có, đặc biệt là truyền hình cáp tương tự nhằm khắc phục tình trạng manh mún, dàn trải; hình thành thị trường dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền cạnh tranh lành mạnh theo cơ chế thị trường, phát triển bền vững với công nghệ hiện đại, có lộ trình chuyển hoàn toàn sang phát thanh, truyền hình số vào năm 2020, nội dung chương trình phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc; chất lượng dịch vụ ngày càng cao và giá dịch vụ phù hợp.
"Bộ TT&TT sẽ quản thị trường truyền hình trả tiền để từng bước hình thành những doanh nghiệp lớn, có năng lực, bảo đảm cung cấp dịch vụ chất lượng trên diện rộng và có khả năng vươn ra khu vực và thế giới... Một trong những giải pháp quan trọng mà Bộ TT&TT xác định để phát triển thị trường và nâng cao chất lượng dịch vụ truyền hình trả tiền là bên cạnh việc hoàn thiện môi trường pháp lý thì sẽ tăng cường công tác cấp phép, thanh tra, kiểm tra xử phạt sau cấp phép, kiểm soát chất lượng thiết bị", Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nhấn mạnh.


VIỄN THÔNG

Hoạt động của mạng viễn thông trong dịp Tết được thông suốt
Mạng di động “thông suốt” trong đêm Giao thừa
Đại diện Viettel và MobiFone đều khẳng định, đỉnh điểm lưu lượng của đêm Giao thừa mới chỉ chiếm khoảng từ 50-80% tải của hệ thống và không xảy ra tình trạng nghẽn mạng nào, ngay cả tại các điểm tập trung đông người.
Để có thể hoạt động “suôn xẻ” trong đêm Giao thừa, trước đó, các nhà mạng đều đã hoàn thành các phương án nâng cấp trang thiết bị cũng như nhân sự, tối ưu hóa mạng lưới, có kế hoạch xử lý sự cố hay bố trí các xe phát sóng lưu động tại các khu vực tập trung đông người. Như với Viettel, nhà mạng này đã chống nghẽn trên mạng 2G chủ yếu dựa trên điều chỉnh tối ưu trạm phát sóng và phương án ứng cứu cơ động tại các địa điểm dự kiến tập trung đông người. Vì vậy, Viettel tập trung tăng cường tài nguyên mạng lưới cho mạng 3G phục vụ nhu cầu chia sẻ hình ảnh, video trong dịp Tết Nguyên Đán và để phân tải cho mạng 2G. Mạng 3G của Viettel đã được tăng cường thêm 8.000 cell, lắp bổ sung 100 trạm phát sóng 3G tại những nơi trọng yếu, khoảng 70 lượt xe phát sóng cơ động sẵn sàng tăng cường tại những điểm có báo động.
Tết Quý Tỵ không nghẽn mạng
Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng của các nhà mạng, giao thừa đón Tết Quý Tỵ năm nay đã không xảy ra tình trạng nghẽn mạng, nghẽn mạch dù ở thời điểm nhạy cảm nhất, tại các khu vực tập trung đông người.
Ông Nguyễn Đăng Nguyên, Phó Tổng giám đốc MobiFone đã cho biết, “sau nhiều năm thực hiện những kế hoạch chống nghẽn và sự cố dịp Tết Nguyên đán, các chuyên gia kỹ thuật MobiFone đã rút ra những bài học kinh nghiệm riêng. Đây là nhân tố quan trọng giúp chúng tôi đảm bảo hệ thống thông suốt cả trong đêm giao thừa trong những năm gần đây”.
Theo đại diện của các nhà mạng, đỉnh điểm lưu lượng của đêm Giao thừa năm nay mới chỉ chiếm khoảng từ 50-80% tải của hệ thống mà các nhà mạng đã chuẩn bị trước đó. Năm nay, hệ thống 3G tiếp tục “chia lửa” cùng 2G để mạng lưới hoạt động suôn sẻ nhất.
Với mạng VinaPhone, họ đang có trên 28.500 trạm thu phát, phủ sóng trên toàn quốc, thì riêng phục vụ Tết Tân Tỵ đã lắp đặt thêm hơn 4.600 trạm BTS (trong đó có 2.000 BTS 2G và 2.600 BTS 3G) và phủ sóng 3G trên khắp toàn quốc, bổ sung, tăng cường dung lượng mạng lưới cho mạng 2G.
Mạng di động thông suốt trong dịp Tết

Những tín hiệu tốt cho tăng trưởng 3G tại Việt Nam
3G Việt Nam vẫn tăng trưởng thuê bao 25% trong khủng hoảng
Trong khi nền kinh tế đang suy giảm, thị trường viễn thông cũng đã bước vào thời kỳ bão hòa thì thuê bao 3G vẫn tăng 25%. Có nhà mạng di động đạt tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ 3G tới 60%. Đây thực sự là pha lội ngược dòng suy thoái ngoạn mục của các nhà mạng.
Năm 2012, kinh tế toàn cầu nói chung và nền kinh tế Việt Nam nói riêng tiếp tục đối mặt với rất nhiều khó khăn. Việt Nam có tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp nhất trong 10 năm gần đây, giảm năm thứ hai liên tiếp, xuống mức 5,2%. Hàng loạt các doanh nghiệp lớn kinh doanh thua lỗ, hiệu quả đầu tư thấp. Tiêu dùng chung của nền kinh tế giảm sút.
Đi ngược lại sự suy giảm này, chỉ trong khoảng thời gian nửa năm, lượng thuê bao 3G tăng mới trên toàn Việt Nam đã lên tới 25% là một con số đáng ngạc nhiên trong bối cảnh kinh tế Việt Nam khủng hoảng, nhu cầu tiêu dùng nói chung giảm sút. Đặc biệt, VinaPhone, mạng di động đầu tiên tại Việt Nam cung cấp 3G, còn đạt tốc độ tăng trưởng doanh thu 3G tăng tới 60% trong năm 2012. Vậy điều gì đã khiến cho 3G của các mạng di động nói chung tăng với tốc độ cao như vậy bất chấp khó khăn từ nền kinh tế?
Lưu lượng 3G tăng đột biến dịp Tết Quý Tỵ
Các mạng di động cho biết lưu lượng thoại và SMS dịp Tết Quý Tỵ có tăng so với Tết năm ngoái nhưng không nhiều. Tuy nhiên, lưu lượng 3G lại tăng đột biến, khiến mạng 3G bị nghẽn cục bộ.
Ông Nguyễn Đăng Nguyên, Phó tổng Giám đốc MobiFone cũng cho biết Tết Nguyên Đán năm nay số lượng thuê bao và lưu lượng 3G tăng mạnh. Rất nhiều thuê bao đã sử dụng các dịch vụ trên nền 3G như SMS và thoại miễn phí cũng như sử dụng mạng xã hội. Tại các thành phố lớn lưu lượng 3G đã tăng đột biến gấp 5 lần so với những ngày bình thường. “Chúng tôi đã dự báo trước nhu cầu sử dụng dịch vụ 3G sẽ tăng mạnh vào dịp Tết Nguyên Đán năm nay, nên khi lưu lượng tăng mạnh vẫn đảm bảo nằm trong năng lực mạng lưới của chúng tôi. Tuy nhiên, lưu lượng 3G tăng mạnh cũng đã làm nghẽn đường truyền tại một vài điểm” ông Nguyễn Đăng Nguyên nói.
Viễn thông di động năm 2013: 3G tiếp tục chiếm ưu thế
Theo số liệu của Bộ TT-TT, tính đến tháng 6-2012, cả nước có 16 triệu thuê bao 3G, đến hết năm 2012, lượng thuê bao này đạt xấp xỉ 20 triệu. Cũng theo công bố của Bộ TT-TT thì lượng thuê bao chủ chốt là của Viettel, Mobifone và Vinaphone, còn Vietnamobile chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ. Ngoài Vinaphone công bố đạt 6 triệu thuê bao 3G, mặc dù chưa thấy Mobifone và Viettel công bố con số cụ thể, nhưng có thể ước tính gần 14 triệu thuê bao còn lại là của hai nhà mạng này.
Như vậy, đối lập với những khó khăn do suy thoái kinh tế, thuê bao 3G vẫn tăng trưởng. Sở dĩ có chuyện dịch vụ 3G đang ngày càng phát triển là do trong thời gian qua các nhà mạng liên tục đưa ra các dịch vụ giá trị gia tăng. Vinaphone được coi là nhà mạng đưa ra nhiều dịch vụ tiện ích nhất trên nền 3G với hơn 80 dịch vụ giá trị gia tăng hiện có. Được biết, doanh thu từ dịch vụ phi thoại của nhà mạng này chiếm 52% tổng doanh thu và từ dịch vụ 3G chiếm hơn 60% tổng doanh thu (năm 2012, tổng doanh thu của Vinaphone là 25.000 tỷ đồng).
Bên cạnh đó, các nhà mạng cũng không ngừng đầu tư phát triển hạ tầng mạng lưới bằng việc xây dựng trạm thu phát sóng (BTS) 3G trong cả nước với tổng đầu tư trong 3 năm đạt gần 28.000 tỷ đồng, phủ sóng 3G theo dân số và diện tích lãnh thổ đạt hơn 90%.
Cuối cùng không thể không nhắc đến vai trò của các hãng sản xuất điện thoại khi liên tục đưa ra thị trường dòng điện thoại smartphone giá rẻ chỉ 1,5 triệu đồng để nhiều đối tượng khách hàng đều có thể mua và sử dụng  truy cập internet.

Những tin vui của Viettel về đầu tư ra nước ngoài, Mobifone cũng bắt đầu vào cuộc
Đầu tư ra nước ngoài: Viettel đón "mưa" tin vui, MobiFone khởi sự
Thị trường viễn thông Việt Nam năm 2012 đón nhận nhiều tin vui của Viettel về những thị trường mới mở và lợi nhuận có được từ thị trường nước ngoài. Bên cạnh đó cũng ghi nhận sự nỗ lực của MobiFone với việc đặt văn phòng đại diện tại Myanmar làm bàn đạp cho chiến lược đầu tư ra nước ngoài.
Hiện Viettel đầu tư và kinh doanh ở 3 châu lục là Châu Á (Lào, Campuchia), Châu Mỹ (Haiti, Peru) và Châu Phi (Mozambique, Cameroon). Trong đó, năm 2012, Viettel đã khai trương mạng di động ở Mozambique và có thêm giấy phép đầu tư ở Cameroon. Bên cạnh đó, Viettel cũng đang xúc tiến đầu tư ở nhiều thị trước khác như Kenya, Ethiopia…
Trong năm 2011, Viettel đã chuyển về nước 40 triệu USD lợi nhuận từ những thị trường nước ngoài. Năm 2012, số tiền chuyển về tăng gấp đôi, lên 76 triệu USD. Những mạng viễn thông do Viettel đầu tư hoạt động trên 2 năm đều trở thành mạng viễn thông có thị phần và cơ sở hạ tầng lớn nhất tại quốc gia đó.
Cho dù chiến lược đầu tư ra nước ngoài được VNPT đặt ra từ mấy năm nay, nhưng chỉ đến khi công ty chuyên về đầu tư ra nước ngoài của VNPT là VNPT Global được chuyển về cho MobiFone thì chiến lược này mới được thực hiện quyết liệt hơn. Mới đây, MobiFone đã đặt văn phòng đại diện tại Myanmar để thể hiện cam kết sẽ đầu tư lâu dài ở thị trường này. Tuy nhiên, MobiFone cho rằng đây mới chỉ là những bước khởi đầu cho chiến lược đầu tư ra nước ngoài của VNPT.
Báo Hai-ti ca ngợi liên doanh viễn thông của Việt Nam QĐND
Báo điện tử haitilibre.com của Hai-ti ngày 18-2 đã có bài viết giới thiệu về sự đột phá trong ngành viễn thông của nước này, trong đó nhấn mạnh sự ra đời của công ty NATCOM liên doanh giữa Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel của Việt Nam và Ngân hàng Cộng hòa Hai-ti. Được thành lập vào tháng 4-2010 và chính thức đi vào hoạt động từ tháng 9-2011, NATCOM trở thành dự án đầu tư nước ngoài đầu tiên và lớn nhất tại Hai-ti kể từ sau khi nước này phải hứng chịu trận động đất khủng khiếp hồi đầu năm 2010. NATCOM đã thiết lập một hệ thống bán lẻ và cung cấp dịch vụ trực tiếp tới người sử dụng tại nhiều địa điểm trên cả nước, tạo nhiều việc làm và nguồn thu nhập ổn định cho hơn 7000 người...

Tin nhắn rác đã được hạn chế nhưng vẫn còn những lo ngại về tin nhắn rác sau tết
Tin nhắn rác dịp Tết 2013 giảm khoảng 60%
Trao đổi với phóng viên ICTnews, ông Khánh cho biết, lượng tin nhắn rác trong dịp Tết Quý Tỵ giảm 60% so với ngày bình thường, nhưng trong đó cũng xuất hiện những tin nhắn lừa đảo dụ người dùng gọi đến những đầu số 1900xxxx mới. "VNCERT sẽ tập hợp và gửi Thanh tra Bộ TT&TT để tiến hành xử lý", ông Khánh cho biết thêm.
Cũng theo ông Khánh, trước dịp Tết Nguyên Đán, VNCERT đã gửi công văn đến một số nhà mạng mà ở đó hay phát sinh tin nhắn lừa đảo, lưu ý theo dõi và ngăn chặn các đầu số vi phạm. "Thời gian tới, VNCERT sẽ đẩy mạnh việc thực hiện Nghị định 77/2012/NĐ-CP về chống thư rác và kiên quyết xử lý mạnh tay nạn SMS rác", ông Khánh khẳng định. Cụ thể, Thông tư hướng dẫn Nghị định 77/2012/NĐ-CP về chống thư rác dự kiến sẽ được ban hành trong quý 1/2013, trong đó quy định chi tiết việc đăng ký nhận tin nhắn quảng cáo của các thuê bao cũng như số lượng tin nhắn quảng cáo gửi trong 1 ngày hoặc 1 giờ...
Tin rác "ngấp nghé" trở lại sau Tết
Các hình thức lừa và tin rác không quá mới, nhưng đang có dấu hiệu bùng phát trở lại sau khoảng một tháng trầm lắng do các biện pháp quản lý được siết chặt. Trong và sau Tết, nhiều thuê bao di động tiếp tục nhận được tin nhắn rác gửi từ các số lạ, với nội dung mời chào dịch vụ, tải game, bói toán, sex... Bên cạnh đó, hình thức nhắn tin dụ dỗ người dùng gọi điện vào đầu số giá trị gia tăng như 19004547 hay 19006915 để "câu" cước. Anh Linh (ở Giải Phóng, Hà Nội) cho hay ngày mùng 1 Tết nhận được tin nhắn với nội dung thông báo anh nhận được lời chúc mừng năm mới từ người thân, và yêu cầu gọi đến đầu số 19006915 để nghe. Tuy nhiên, "khi gọi vào đó chỉ nghe nhạc chờ, mãi không có thông tin hay ai bắt máy nên tôi ngắt cuộc gọi, đến khi kiểm tra tài khoản mới hay bị mất tiền", anh nói. Không chỉ lời chúc, thuê bao di động cũng dễ dàng nhận được tin nhắn từ các số lạ mời nghe nhạc hay "tâm sự giải sầu", tất cả đều dẫn đến các số giá trị gia tăng 1900xxxx nhất định. Bên cạnh hình thức câu cước này, tin nhắn rác thời gian gần đây cũng "tăng cường" các nội dung sex, bói toán và chào bán sim hay dịch vụ…

Vệ tinh Vinasat vận hành tốt, Việt Nam chuẩn bị phóng tiếp vệ tinh lên vũ trụ
Vinasat được kỹ sư Việt Nam vận hành thành thục
Dù gặp phải một số khó khăn kỹ thuật phát sinh, song có thể nói, cho tới thời điểm này, hai quả vệ tinh Vinasat của Việt Nam đều đã được các kỹ sư của Việt Nam vận hành thành thục.
Cho tới thời điểm này, hơn 90% dung lượng băng tần vệ tinh Vinasat-1 đã được đưa vào sử dụng. Với vùng phủ sóng là Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan và một phần Mianmar, quả vệ tinh viễn thông đầu tiên của Việt Nam đã được khai thác rất thành công.
Các khách hàng lớn của Vinasat-1 có thể kể đến như: VTV, VTC, VOV, HTV, ngành dầu khí, các đơn vị kinh doanh viễn thông, Thaicom, Lao Telecom, WebsatMedia (Singapore)… Hiện đang có tới 150 kênh truyền hình tiêu chuẩn HD, SD được cung cấp trên băng tần của Vinasat-1. Ngoài ra, các mạng của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, mạng viễn thông công ích cũng sử dụng vệ tinh Vinasat-1.
Phát huy thành công đó, dung lượng vệ tinh Vinasat-2 cũng đã được đưa vào khai thác và chính thức cung cấp dịch vụ cho khách hàng từ ngày 15/8/2012. Ngay khi được giao trực tiếp vận hành, khai thác vệ tinh Vinasat-2, VNPT-I đã chính thức bắt tay vào hoạt động thúc đẩy kinh doanh vệ tinh. Mạng lưới thông tin liên lạc qua vệ tinh của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng đã được lắp đặt hoàn thiện và đưa vào khai thác.
 Việt Nam phóng tiếp vệ tinh lên vũ trụ
Theo TS Bùi Trọng Tuyên, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Vũ trụ, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản phê duyệt phương án phóng vệ tinh thu nhỏ VNREDSat-1A theo đề nghị của Viện Hàn lâm Khoa học & Công nghệ Việt Nam. Như vậy, vệ tinh VNREDSat-1A sẽ được phóng lên vũ trụ vào quý II năm nay bằng tên lửa đẩy VEGA. Ông Tuyên cho hay, VNREDSat-1A là vệ tinh viễn thám đầu tiên của Việt Nam được phóng lên vũ trụ nhằm phục vụ công tác quan sát tài nguyên thiên nhiên, quản lý môi trường, thiên tai.“Nếu như trước đây một ảnh vệ tinh được các cơ quan Việt Nam mua về với giá 2.000 – 5.000 USD/ảnh và mất ít nhất một đến hai tháng mới nhận được thì với VNREDSat -1A chúng ta sẽ có được những bức ảnh ngay tại thời điểm chụp một cách nhanh chóng”, ông Tuyên nói. Như vậy, Việt Nam có thể chủ động cung cấp ảnh vệ tinh độ phân giải cao cho các bộ, ngành và các tỉnh thành nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, ứng phó với thảm họa thiên nhiên và biến đổi khí hậu. Đặc biệt là khi xảy ra các sự cố như bão lụt, cháy rừng, tràn dầu.


CÔNG NGHỆ THÔNG TIN

Các ngành, địa phương  tăng cường ứng dụng CNTT
Năm 2013: CNTT sẽ phát triển đột phá
Trong năm 2013, TPHCM sẽ có nhiều cơ chế, chính sách tốt nhất để hỗ trợ các doanh nghiệp CNTT tại TP nhằm tạo ra sự phát triển đột phá. Đây là khẳng định của ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, trong chuyến thăm và chúc tết đầu xuân các doanh nghiệp CNTT trên địa bàn TPHCM ngày 19-2.
Về định hướng và hỗ trợ của TPHCM về CNTT trong năm 2013, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Mạnh Hà chia sẻ, TP cũng đang chuẩn bị hạ tầng để doanh nghiệp có khả năng mở rộng phát triển. TP đang tập trung phát triển Khu công viên Phần mềm Quang Trung 2, cũng như phối hợp với các tỉnh khác mở các công viên phần mềm… nhằm tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp có mặt bằng sản xuất với mức giá hợp lý.
Ngoài ra, TP cũng đang cùng các sở, ngành, đặc biệt là các doanh nghiệp CNTT nghiên cứu để có các cơ chế, chính sách  thúc đẩy sự phát triển lĩnh vực này.
Ứng dụng CNTT trong quản lý dữ liệu hạ tầng GTVT
Bộ trưởng Bộ GTVT vừa ban hành Quyết định số 408/QĐ-BGTVT về việc thành lập Tiểu ban Chỉ đạo Ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng phòng họp trực tuyến, điều hành trực tuyến bằng hình ảnh và quản lý cơ sở dữ liệu hạ tầng GTVT.
Quyết định chỉ rõ nhiệm vụ của Tiểu ban chỉ đạo là chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ phối hợp với Viettel triển khai một số nội dung trong việc ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng hệ thống phòng họp trực tuyến, hệ thống điều hành trực tuyến bằng hình ảnh (theo chỉ đạo của Bộ trưởng đối với từng giai đoạn) và quản lý cơ sở dữ liệu hạ tầng GTVT; Tổng hợp báo cáo Bộ trưởng thực hiện nhiệm vụ của Tiểu ban; Các thành viên Tiểu ban Chỉ đạo hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm. Nhiệm vụ cụ thể của các thành viên và tổ Kỹ thuật giúp việc do Trưởng Tiểu ban phân công. Nhiệm vụ cụ thể của các thành viên Tổ kỹ thuật giúp việc do Tổ trưởng phân công.
Hà Nội chi 60 tỷ đồng để vươn lên dẫn đầu CNTT
Dự kiến, với đầu tư gần 60 tỷ đồng, Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2020 phát triển công nghệ thông tin (CNTT) đi đầu trong cả nước. Tuy nhiên, hiện tại, xếp hạng ICT Index của thủ đô đang ở vị trí 10 và liên tiếp thụt lùi trong mấy năm liền.
Mới đây, UBND TP Hà Nội vừa phê duyệt Quy hoạch phát triển CNTT đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Theo đó, Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2020 phát triển CNTT đi đầu trong cả nước, hướng tới xây dựng xã hội thông tin.
Cụ thể, về hạ tầng CNTT: 100% cán bộ công chức trong cơ quan nhà nước - đến cấp xã - được trang bị máy tính; 100% sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và 80-90% các UBND xã, phường, thị trấn được kết nối bằng cáp quang với mạng diện rộng.
Về phát triển nguồn nhân lực: 100% lãnh đạo sở, ban, ngành, UBND cấp huyện và cấp xã được đào tạo kiến thức, kỹ năng khai thác sử dụng các ứng dụng CNTT...
Theo quy hoạch này, tổng nguồn vốn đầu tư cho phát triển CNTT là 59.558 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước dự kiến là 8.033 tỷ đồng, nguồn xã hội hóa là 51.505 tỷ đồng.
Quỹ "Bill and Melinda Gates” và Tổ chức UNICEF tài trợ Đà Nẵng đưa CNTT về nông thôn
Số tiền 500.000USD là mức cam kết của Quỹ “Bill and Melinda Gates” và Tổ chức UNICEF tài trợ cho TP Đà Nẵng. Toàn bộ số tiền này tập trung đầu tư cho dự án đưa công nghệ thông tin (CNTT) về nông thôn trong năm 2013. Hiện Sở Thông tin và Truyền thông TP Đà Nẵng đang phối hợp với các cơ quan liên quan làm các thủ tục để tiếp nhận khoản tiền nói trên, đồng thời tiến hành triển khai dự án một cách nhanh nhất để đưa CNTT về nông thôn một cách sớm nhất. Theo ông Phạm Kim Sơn, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Đà Nẵng, toàn bộ dự án trên tập trung chủ yếu tại huyện Hòa Vang. Nội dung của dự án là sẽ triển khai gắn kết hữu cơ và hài hòa các chương trình liên quan của ngành CNTT trong xây dựng nông thôn mới.
Được biết, trước đó Quỹ "Bill and Melinda Gates" đã tài trợ dự án thí điểm “Nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy cập internet cộng đồng tại Việt Nam”; có ba địa phương được thụ hưởng dự án này
Thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Quy hoạch Phát triển nhân lực TT&TT
Bộ TT&TT vừa chính thức thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Quy hoạch Phát triển nhân lực ngành TT&TT giai đoạn 2011 – 2020 do Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son làm Trưởng ban, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng làm Phó Trưởng ban.
Bên cạnh nhiệm vụ chỉ đạo triển khai thực hiện Quy hoạch Phát triển nhân lực ngành TT&TT giai đoạn 2011 – 2020, Ban Chỉ đạo còn chịu trách nhiệm chỉ đạo thực hiện đào tạo theo nhu cầu xã hội trong ngành TT&TT.
Được biết, Quy hoạch Phát triển nhân lực ngành TT&TT giai đoạn 2011 – 2020 đã được Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son phê duyệt ngày 28/5/2012.
Trong đó khẳng định phát triển nguồn nhân lực là yếu tố then chốt có ý nghĩa quyết định đối với việc thực hiện các mục tiêu phát triển ngành TT&TT, bao gồm phát triển nguồn nhân lực của các lĩnh vực và nhân lực quản lý Nhà nước của ngành nhằm đảm bảo đủ về số lượng, đạt về chất lượng, hướng tới đạt chất lượng tương đương các nước trong khu vực ở một số lĩnh vực.


 BƯU CHÍNH

VietnamPost ứng dụng hệ thống giải quyết khiếu nại trực tuyến của UPU
Để nâng cao chất lượng chăm sóc khách hàng, VietnamPost đã tham gia ứng dụng hệ thống giải quyết khiếu nại trực tuyến (IBIS) của UPU để xử lý các khiếu nại liên quan đến dịch vụ bưu kiện quốc tế.

Phát hành bộ tem kỷ niệm 100 năm ngày sinh Huỳnh Tấn Phát
Ngày 15/2/2013, Bộ TT&TT đã chính thức phát hành bộ tem bưu chính "Kỷ niệm 100 năm sinh Huỳnh Tấn Phát (1913 – 1989)". Bộ tem gồm 1 mẫu, giá mặt 2.000 đồng, với sản lượng 6.000.000 con tem cước phí được cung ứng trên mạng lưới.

Năm 2013, USPS có thể “xóa đói giảm nghèo” nhờ Amazon

Chính Internet khiến hãng bưu chính Mỹ U.S. Postal Service (USPS) lâm vào tình trạng khó khăn và quyết định không phát thư vào các ngày thứ Bảy hàng tuần nữa.

Quyết định này đã gây ra rất nhiều tranh cãi và khiến nhiều người dân bức xúc phản đối. Nhưng xét cho cùng, điều này cũng chỉ vì sản lượng thư tay giảm sút và USPS phải làm như thế để cắt giảm chi phí.


 Những tin khác đáng chú ý

Bảo vệ chủ quyền số quốc gia: Từ “du kích” đến chuyên trách
Ở Việt Nam, mặc dù chưa có những quy định cụ thể về chủ quyền số, nhưng Đảng và Nhà nước ta đã có những định hướng căn bản nhằm khẳng định chủ quyền của mình trong không gian mạng.
Phần mềm nhắn tin, gọi điện miễn phí: Mối lo với các nhà mạng
Tại hội nghị triển khai kế hoạch toàn ngành viễn thông năm 2013, lãnh đạo một tập đoàn viễn thông đã đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) cần có chính sách quản lý phù hợp với loại dịch vụ nhắn tin, gọi điện miễn phí qua mạng 3G, wifi đang là nguy cơ với các nhà mạng…
Kết nối doanh nhân xã hội lĩnh vực công nghệ VN và thế giới
Sự kiện kết nối doanh nhân xã hội lĩnh vực công nghệ Việt Nam và thế giới “A NEW HOPE” vừa diễn ra thành công tại TP Hồ Chí Minh. Chương trình có khách mời là 11 doanh nhân xã hội lĩnh vực công nghệ có tiềm năng về tài chính, tác động xã hội hàng đầu với doanh thu hàng chục triệu đô la mỗi năm và 20 nhà tư vấn kinh doanh hàng đầu thế giới (như Megan Smith - Phó chủ tịch Google, George Kembel – người sáng lập Stanford d.School…).
Viettel kiểm soát việc kinh doanh nội dung trên mạng
Công ty Viễn thông Viettel đã áp dụng hệ thống kiểm soát dịch vụ dựa trên quản lý cú pháp cung cấp dịch vụ (command code) với tất cả đầu số ngắn do nhà mạng này cung cấp từ tháng 1-2013. Theo đó, DN cung cấp dịch vụ nội dung (CP) đăng ký cú pháp và nội dung dịch vụ khi kinh doanh trên mạng Viettel, nếu vi phạm nội dung cung cấp, bị phạt tới 30 triệu đồng/lỗi; vi phạm lỗi nội dung quá 3 lỗi/6 tháng sẽ bị cắt đầu số và thanh lý hợp đồng.
Internet - dịch vụ không thể thiếu
Sau 15 năm có mặt tại Việt Nam, internet trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội. Đây cũng là dịch vụ có sự phát triển vượt bậc về số lượng người dùng, hạ tầng mạng lưới. Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) đánh giá, Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ tăng trưởng internet nhanh nhất khu vực và nằm trong số các quốc gia có tỷ lệ tăng cao nhất trên thế giới, đồng thời dự đoán, số người sử dụng internet sẽ còn tăng mạnh trong thời gian tới.
Việt Nam trở thành “ngôi nhà ma” trên mạng Internet
Những số liệu mà Commtouch Software Online Labs (CS) tổng hợp về các máy tính “thây ma” (zombie) cho thấy số lượng các máy tính “thây ma” đến từ Việt Nam nhiều thứ 4 trên toàn cầu. Theo báo cáo này, các “thây ma” đến từ Việt Nam chiếm 5,6% trong tổng số “thây ma” được phát hiện, chỉ đứng sau Ấn Độ (15,6%), Trung Quốc (9%) và Nga (6,4%). Tuy nhiên, nếu tính theo tỉ lệ dân số và số người tham gia, sử dụng và khai thác mạng Internet thì Việt Nam đoạt ngôi "vô địch".

BBT tổng hợp
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top