Quản lý dự án CNTT: Ngăn chặn đầu tư kiểu “quả mít”

(Mic.gov.vn) - Tiếp nhận yêu cầu của các đơn vị, sắp xếp thự tự ưu tiên; đánh giá rủi ro và nguồn lực sẵn có để ra quyết định lựa chọn đầu tư cho dự án công nghệ thông tin (CNTT) vốn là việc làm không dễ dàng. Với giải pháp của IBM, những công việc tưởng chừng như khi ngồi đã muốn “cãi nhau” này trở lên đơn giản và minh bạch hơn.

Qua giải pháp này, những cơ quan ra quyết định sẽ có sở cứ bằng con số để giữ hay loại dự án CNTT nào cho từng năm dự toán ngân sách, qua đó tránh được tình trạng đầu tư quá nhiều mũi nhọn theo kiểu "quả mít" hoặc cả nể theo cơ chế xin cho như hiện nay.

Đó là nhận định của ông Trần Nguyên Vũ, Phó Cục trưởng Cục Tin học & Thống kê tài chính (DFIS), Bộ Tài chính tại buổi hội thảo “Giải pháp quản lý danh mục đầu tư các dự án CNTT” do IBM và DFIS phối hợp tổ chức sáng 2/11, tại Hà Nội. Theo ông Vũ, thực tế các dự án CNTT ở Việt Nam triển khai phụ thuộc rất nhiều yếu tố như nhiệm vụ chính trị; nguồn lực sẵn có của địa phương; khả năng phân bổ ngân sách hay ý chí của lãnh đạo cũng như tính khả thi của từng dự án. Có những dự án biết phải làm ngay, nhu cầu đang rất cần, nguồn lực đã đầy đủ nhưng lãnh đạo chưa… gật đầu thì cũng chịu.

Theo ông Roger LeBlanc, Giám đốc chiến lược khu vực của IBM, nếu năm 2010 chỉ có 33% các CIO nói rằng CNTT có tầm chiến lược trong kinh doanh thì đến 2012 có tới 66% các CIO đồng tình về quan điểm này. Có thể thấy rằng, CNTT đã trở thành nguồn lực quan trọng trong sản xuất kinh doanh, hoạt động điều hành quản lý tại các đơn vị chứ không đơn thuần là công cụ như trước. Chính vì vậy, những giải pháp của IBM thường phải đáp ứng được 2 mục tiêu: lập kế hoạch kinh doanh, tối ưu hóa dự toán các chi phí; định lượng và phân tích được việc phân bổ nguồn lực cho các dự án IT qua đó giúp các CIO có những lựa chọn sáng suốt cho chiến lược phát triển của tổ chức.

Thực tế theo nghiên cứu của IBM, nhiều nơi phải mất tới 70% chi phí CNTT cho khâu bảo dưỡng, có nơi khâu bảo dưỡng và vận hành đã ngốn tới 80% chi phí thường xuyên, chỉ còn lại 20% cho công tác nghiên cứu phát triển (R&D). Đây có thể coi là điều bất hợp lý trong bối cảnh khâu R&D rất được chú trọng, và việc giảm bớt chi phí vận hành, bảo dưỡng hệ thống chính là một trong những tiêu chí đánh giá quan trọng hiệu quả của dự án khi bắt đầu triển khai và giải pháp của IBM chính là cầu nối thực hiện nhiệm vụ ấy. Giải pháp của IBM trả lời cho CIO 3 câu hỏi: dự án có đầu tư đúng chỗ không; hiệu quả và khả năng mở rộng của dự án; khi dự án đang có vấn đề thì nên đi hay dừng?

Hai giải pháp quản lý danh mục đầu tư các dự án CNTT được IBM đưa ra là: Quản lý từng dự án một và Quản lý dự án theo hướng đầu ta. Tức là xem xét dự án có hiệu quả ra sao; khả năng đem lại giá trị cộng thêm và những rủi ro gặp phải khi tiến hành dự án. Đây cũng chính là những vấn đề đau đầu của các tổ chức ứng dụng CNTT tại Việt Nam bởi việc sắp xếp hài hòa vốn cho các dự án CNTT trên cơ sở dự toán, phân bổ ngân sách; đầu tư và vận hành dự án là điều hết sức nan giải. Và giải pháp của IBM như “gãi” đúng chỗ ngứa này khi đưa ra giải pháp “lựa chọn” dự án ưu tiên nên triển khai rót tiền, thay vì dự án nào cũng làm do bị “thúc ép” từ nhiều phía, trong khi hiệu quả đem lại chưa như mong đợi.

Giải pháp Quản lý danh mục đầu tư dự án CNTT của IBM trên cơ sở phân tích nhu cầu, nguồn lực và giải pháp thực thi. Với nhu cầu, IBM đưa ra những template chuẩn thống nhất có sẵn để các đơn vị có nhu cầu điền, theo đó tổ chức sẽ có dữ liệu phân tích trên cơ sở dựa vào những thông điệp chính và thông tin cần thiết. Khâu đánh giá nguồn lực sẽ xem xét các khía cạnh như nguồn vốn (vốn có sẵn, vốn đi vay, vốn đối ứng hay ngân sách…); nhân lực điều hành/ vận hành cơ sở hạ tầng và những điều kiện ngoại quan; kế đến là giải pháp thực hiện. Thông qua giải pháp Quản lý danh mục dự án CNTT, những tổ chức phân bổ nguồn lực sẽ đánh giá chính xác rủi ro của từng dự án, qua đó có thông tin để loại những dự án trong tình trạng “nguy hiểm”; ít có tính khả thi hoặc đơn giản là chưa có đủ nguồn lực để thực hiện, tránh tình trạng khởi động rồi đắp chiếu để đấy gây lãng phí.

Nhớ lại câu chuyện “Phật phải ở chùa, dân phải ăn cơm”. Có một vị vua nọ rất yêu Phật Giáo muốn xây dựng một ngôi chùa thật to nhân lễ Phật Đản. Nhưng năm đó nước nhà bị thiên tai, mất mùa, dân đói khổ phải rời bỏ quê hương đi tha phương, trong khi ngân khố chỉ có thể đảm đương được một trong 2 việc: cứu đói hoặc xây chùa. Và câu nói nổi tiếng của một vị đại thần dũng cảm can gián vua rằng: Phật phải ở chùa, dân phải ăn cơm. Câu chuyện này nói lên sự lựa chọn giống hệt việc ưu tiên đầu tư các dự án CNTT hiện nay.

Vị vua chính là ý chí lãnh đạo; ngân khố là nguồn lực; xây chùa và cứu đói chính là nhu cầu cần có sự lựa chọn ưu tiên. Và vị vua đã dừng việc xây chùa để cứu đói, chọn dân trước vì có dân rồi sẽ có chùa. Thông qua câu chuyện này và giải pháp của IBM, thông điệp muốn gửi đến CIO nói riêng, lãnh đạo nói chung sự dũng cảm (cái tâm) và tầm nhìn sáng để việc triển khai các dự án CNTT hay bất cứ việc gì phải dựa trên Nhu cầu, nguồn lực và giải pháp thực hiện/ tính khả thi. Để không còn tình trạng nhìn đâu cũng thấy mũi nhọn, nhiều mũi nhọn thì thành "quả mít" như hiện nay…

Theo www.taichinhdientu.vn

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT( 0)