Tổng hợp báo chí tuần viết về ngành TT&TT tuần 19 (từ ngày 5/5 đến ngày 11/5/2012)

Thứ sáu, 11/05/2012 14:31

Việt Nam sắp phóng vệ tinh VINASAT2 vào giữa tháng 5 năm nay là thông tin trong ngành được nhiều báo chí quan tâm đăng tải trong tuần qua. Ngoài ra còn nhiều thông tin khác được báo chí đưa tin như: Thư viện điện tử phát huy tác dụng; Phổ cập tin học trên sóng của đài truyền hình VTC; Nhiều giải pháp để thúc đẩy phát triển Chính phủ điện tử; Cắt dịch vụ của 3 doanh nghiệp phát tán tin nhắn lừa; Phát hành tem kỷ niệm 100 năm sinh Nguyễn Huy Tưởng; Học sinh Hà Nội đạt giải nhất thi viết thư UPU 41…

img
Hình ảnh Vệ tinh VINASAT - 1 (nguồn ảnh Internet)

BƯU CHÍNH
+ Học sinh Hà Nội đạt giải nhất thi viết thư UPU 41

Giải nhất quốc gia cuộc thi viết thư UPU 41 đã thuộc về nam học sinh đến từ Thủ đô Hà Nội: Nguyễn Đăng Quý Minh, học sinh lớp 10A9 trường THPT Nhân Chính, với bức thư gửi vận động viên Ngô Hữu Kỳ Phong-nhà vô địch Olympic Athens 2011. Thông tin trên vừa được Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ TT&TT)-thường trực Ban tổ chức cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 41 năm 2012 (UPU 41) tại Việt Nam cho biết.

Bức thư đạt giải nhất của Nguyễn Đăng Quý Minh đã được Ban tổ chức gửi nguyên văn kèm theo bản dịch tiếng Pháp để đại diện Việt Nam tham dự cuộc thi viết thư UPU quốc tế. Cuộc thi viết thư quốc tế UPU 41 là cuộc thi thứ 22 các thanh thiếu niên Việt Nam tham gia. Năm nay, cuộc thi do Bộ TT&TT, Bộ GD-ĐT, Trung ương Đoàn, Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam, Báo Thiếu niên tiền phong và Ủy ban Olympic Việt Nam phối hợp tổ chức, có chủ đề gắn với Thế vận hội London 2012: “Hãy viết thư cho một vận động viên hoặc một nhân vật thể thao mà em ngưỡng mộ để nói Thế vận hội (Olympic Games) có ý nghĩa gì đối với mình”. Dự kiến, lễ tổng kết và trao giải quốc gia cuộc thi UPU 41 sẽ diễn ra vào ngày 19/5/2012 tại Hà Nội.

+Phát hành tem kỷ niệm 100 năm sinh Nguyễn Huy Tưởng

imgNgày 6/5/2012, Bộ TT&TT đã phát hành bộ tem bưu chính “Kỷ niệm 100 năm sinh Nguyễn Huy Tưởng (6/5/1912 - 25/7/1960)” gồm 1 mẫu tem, với giá mặt 2.000 đồng. Nguyễn Huy Tưởng sinh ngày 6/5/1912 trong một gia đình nhà Nho tại làng Dục Tú, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh (nay thuộc xã Dục Tú, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội). Ông là nhà văn, nhà viết kịch nổi tiếng của Việt Nam, tác giả của những tiểu thuyết, truyện lịch sử, những vở kịch lớn như: Vũ Như Tô; Đêm hội Long Trì; Bắc Sơn; Lũy Hoa; Sống mãi với Thủ đô; Lá cờ thêu sáu chữ vàng… Nguyễn Huy Tưởng còn là một trong những người đặt nền móng cho văn học thiếu nhi Việt Nam, đồng thời là Giám đốc đầu tiên của Nhà xuất bản Kim Đồng. Ông mất ngày 25/7/1960 tại Hà Nội. Được thiết kế bởi họa sỹ của Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam Đỗ Lệnh Tuấn, mẫu tem “Kỷ niệm 100 năm sinh Nguyễn Huy Tưởng (6/5/1912 - 25/7/1960)” là mẫu tem hình chữ nhật kích thước 43 x 32 mm, tập trung phác họa chân dung nhà văn, nhà viết kịch Nguyễn Huy Tưởng cùng hình ảnh minh họa các tác phẩm tiêu biểu trong sự nghiệp sáng tác của ông.


VIỄN THÔNG
+ Việt Nam đã sẵn sàng phóng vệ tinh Vinasat-2

Phát biểu tại buổi họp báo sáng 9/5/2012, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT Phan Hoàng Đức khẳng định, cho tới thời điểm này, mọi công đoạn chuẩn bị cho việc phóng vệ tinh Vinasat-2 đã hoàn tất.Đúng 5h13’ ngày 16/5/2012 tới (theo giờ Việt Nam), vệ tinh Vinasat-2 sẽ được phóng lên quỹ đạo địa tĩnh ở vị trí 131,8 độ Đông bằng tên lửa Arian 5 của nhà cung cấp dịch vụ và giải pháp phóng vệ tinh Arianespace từ bãi phóng Kouru (Guyana - Nam Mỹ). Đây vốn là nơi Việt Nam đã phóng thành công vệ tinh Vinasat-1 vào ngày 19/4/2008. Với số vốn đầu tư khoảng 260 triệu USD đến 280 triệu USD, vệ tinh Vinasat-2 được sản xuất trên nền tảng khung A2100 với công nghệ hiện đại, có tuổi thọ thiết kế là 15 năm. Với 24 bộ phát đáp trên băng tần Ku, Vinasat-2 có khả năng phủ sóng Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan và một phần Myanmar. Dung lượng truyền dẫn của Vinasat-2 tương đương với 13.000 kênh thoại/Internet/truyền số liệu hoặc khoảng 150 kênh truyền hình.Việc thực hiện dự án Vinasat-2 nhằm hướng đến mục tiêu chiến lược của quốc gia về tăng cường năng lực hạ tầng viễn thông, đáp ứng nhu cầu sử dụng vệ tinh của thị trường trong nước và khu vực. Vinasat-2 giúp Việt Nam khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên tần số và quỹ đạo vệ tinh mà Việt Nam đã đăng ký tại vị trí 131,8 độ Đông. Khi được phóng thành công, Vinasat-2 sẽ cùng với Vinasat-1 tạo thành một hệ thống vệ tinh có khả năng dự phòng về dung lượng và giảm thiểu rủi ro giữa các vệ tinh, góp phần tăng cường độ an toàn, ổn định trong quá trình cung cấp dịch vụ; tăng cường độ an toàn cho mạng viễn thông quốc gia.

Liên quan đến thông tin này còn một số bài viết khác
- Vệ tinh VINASAT-2: Sau 10 năm sẽ thu hồi lại vốn

- Chính thức khai thác thương mại VINASAT-2 từ tháng 7/2012

- Sắp phóng vệ tinh VINASAT-2 lên quỹ đạo

-"Nóng"chuyện kinh doanh vệ tinh VINASAT

- Sắp phóng vệ tinh Vinasat-2

- Việt Nam sắp hoàn thành "đường cao tốc" trong không gian

-Vệ tinh 300 triệu USD của Việt Nam sắp lên bệ phóng

Cho tới thời điểm này, mọi công đoạn chuẩn bị cho việc phóng Vinasat-2 đã hoàn thành. Đây là kết quả của quá trình nỗ lực, chủ động và tích cực của VNPT với trách nhiệm là chủ đầu tư Dự án. Cách đây 3 năm, ngay từ tháng 6/2009, VNPT đã thực hiện các nghiên cứu tiền khả thi và khảo sát thị trường cũng như các thủ tục pháp lý để tiến hành Dự án.

+Phá đường dây phát tán hàng chục nghìn tin nhắn lừa đảo

Thanh tra Bộ Thông tin - Truyền thông đã phát hiện và xử phạt 3 doanh nghiệp ở Hà Nội dùng USB 3G, phần mềm Scarter Connect,... phát tán hàng chục nghìn SMS có nội dung lừa đảo, mê tín dị đoan, cờ bạc mỗi ngày. Theo đó, đợt thanh tra do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) và Cục phòng chống tội phạm công nghệ cao (C50) thực hiện trong tháng 3 vừa qua theo phản ánh của người tiêu dùng đã phát hiện và cắt dịch vụ của 3 doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội gồm: Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển (VICC); Công ty TNHH truyền thông T.A.B.Y ở Cầu Giấy, Hà Nội; Công ty cổ phần Tư vấn và Đầu tư Viễn thông tin học (INCOM). Cả ba doanh nghiệp này đều vi phạm và phải chấm dứt cung cấp dịch vụ và bị xử lý theo quy định của Pháp luật. Người dùng có thể căn cứ vào những mã số, đầu số và dấu hiệu trên để tránh bị mắc lừa, đồng thời cảnh giác với các SMS mời truy cập vào website. Bởi khi người dùng đọc tin, các website này sẽ tự động trừ tiền trong tài khoản điện thoại. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng khuyến cáo người dùng không nên nhắn tin tới các đầu số x0xx đến x7xx vì sẽ bị trừ tiền tương ứng từ 500 đồng đến 15.000 đồng, kể cả nhắn tin sai cú pháp.

Liên quan đến thông tin này còn có một số bài viết khác
- Phạt nặng DN nhắn SMS lừa đảo, mê tín, cờ bạc

- Phát tán SMS rác, 3 doanh nghiệp bị thu hồi đầu số 

- Cắt dịch vụ 3 doanh nghiệp phát tán tin nhắn lừa

-3 doanh nghiệp phát tán tin nhắn lừa

+ Dân hiến kế cho việc kéo dài đầu số 09x

Cục Viễn thông thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông đã bắt đầu nghiên cứu thực tế việc kéo dài đầu số 09x của các mạng di động, để đáp ứng nhu cầu sử dụng SIM cho nhiều mục đích khác nhau hiện nay. Hiện nay, rất nhiều các sản phẩm, thiết bị sử dụng SIM di động như ô tô, USB 3G, máy tính bảng, điện thoại,… thậm chí cả  thiết bị điện điện, điện tử như nồi cơm điện, tủ lạnh,… Theo một nghiên cứu của hãng Cisco, vài năm tới mỗi người sẽ có 5 thiết bị kết nối. Như vậy, việc định nghĩa số SIM chỉ cho người dùng điện thoại đã trở nên lỗi thời. Trước sự bùng nổ nhu cầu sử dụng SIM điện thoại, năm ngoái, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết sẽ nghiên cứu thực tế, lấy ý kiến doanh nghiệp và người dân về phương án kéo dài đầu số di động 9 thành 11 số hoặc thêm đầu số mới. Theo đó, Bộ tiến hành nghiên cứu tình hình thực tế, lấy ý kiến của DN và người dân đối với phương án thay đổi quy hoạch kho số viễn thông này. Nếu phương án kéo dài số thuê bao là hợp lý và khả thi, Bộ TT- TT sẽ có kế hoạch triển khai và áp dụng đối với tất cả DN. Ngược lại, Bộ sẽ tiếp tục phương án cấp thêm mã mạng di động mới cho DN khi có yêu cầu, trên cơ sở DN đảm bảo sử dụng hiệu quả kho số đã cấp. Trên cơ sở quy hoạch kho số viễn thông, Bộ sẽ tiến hành các công tác liên quan việc đổi số thuê bao. Vấn đề đặt ra là đổi số thế nào để đỡ ảnh hưởng nhất đến người sử dụng dịch vụ viễn thông. Theo Nghị định hướng dẫn Luật Viễn thông, đó là quy tắc thêm số dễ nhớ, đơn giản; thông báo trước 60 ngày đến các thuê bao trên phương tiện thông tin đại chúng; cho phép gọi đồng thời cách cũ và cách mới, sau đó nếu thấy vẫn gọi theo cách cũ thì nhắc nhở tự động để thuê bao tự thêm chữ số đầu tiên vào,…Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định, không có việc DN viễn thông thích đổi số thì đổi mà phải tuân theo các quy định của pháp luật hiện hành và phải thông báo cho người dân về thời điểm đổi số trước ít nhất 60 ngày. Tuy nhiên, các nhà mạng cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước không nên quyết cứng một con số cụ thể như lần đổi số trước đây, lúc đó, cơ quan quản lý Nhà nước đã dùng số 3 để chèn vào dãy số, mà nên cho nhà mạng chọn số để chèn vào sau mã mạng.

Liên quan đến thông tin này còn có bài viết khác
- Bắt đầu nghiên cứu kéo dài đầu số 09x


 CÔNG NGHỆ THÔNG TIN

+ Nhiều giải pháp để thúc đẩy phát triển CP điện tử

Gần 200 đại biểu là các lãnh đạo, chuyên gia, diễn giả trong lĩnh vực công nghệ thông tin-truyền thông trong và ngoài nước đã tham dự “Diễn đàn FutureGov Việt Nam 2012,” tổ chức ngày 9/5, tại Hà Nội. Đây là lần thứ 3, Diễn đàn FutureGov được tổ chức tại Việt Nam.Hội thảo lần này là cơ hội để các nhà quản lý, các chuyên gia, doanh nghiệp trong và ngoài nước trao đổi, thảo luận nhằm làm rõ các vấn đề liên quan, cung cấp nhiều thông tin bổ ích phục vụ phát triển Chính phủ điện tử có hiệu quả. Đa số đại biểu cho rằng có rất nhiều yếu tố hình thành nên một mô hình Chính phủ điện tử, trong đó không thể không nhắc tới hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin để cải cách thủ tục hành chính nhằm công khai minh bạch hóa công tác quản lý hành chính của các cơ quan Nhà nước, nâng cao hiệu quả phục vụ doanh nghiệp và người dân. Một số giải pháp, công nghệ mới đã được các diễn giả giới thiệu tại diễn đàn lần này như bảo mật dữ liệu trong môi trường điện toán đám mây với giải pháp quản lý và bảo mật hệ thống lưu trữ dữ liệu; đám mây Chính phủ điện tử; nhóm họp các thành phố chính; tương lai của dịch vụ công trực tuyến.../.

Liên quan đến thông tin này còn một số bài viết khác
- “Vẽ” Chính phủ điện tử tương lai cho Việt Nam

+Phổ cập tin học trên sóng của đài truyền hình VTC
Ngày 10/5, Công ty Intel Việt Nam và VTC đã ký kết hợp tác triển khai sản xuất chương trình phổ cập tin học phổ cập tin học trên sóng truyền hình, theo giáo trình Intel Easy Steps. Đây là một trong số nhiều hoạt động mà Intel Việt Nam tổ chức trong khuôn khổ Chương trình “Điều kỳ diệu mỗi ngày,” được tiến hành từ nay tới hết năm 2012. Theo đó, ngoài việc phổ cập tin học trên truyền hình, Intel Việt Nam còn có các hoạt động như hành trình xuyên Việt bằng xe máy tới 100 thị trấn tại vùng sâu, vùng xa để tổ chức các lớp phổ cập tin học đến người dân; Tuổi trẻ kỳ diệu...Chương trình sẽ được phát sóng rộng rãi trên toàn quốc qua hệ thống truyền hình trả tiền cũng như miễn phí của VTC. Ngoài ra, người dân sử dụng máy tính, smartphone cũng có thể truy cập nội dung này trên Internet.

+Phát động giải thưởng "Nhân tài Đất Việt 2012"

Đây là năm thứ 8 giải thưởng Nhân tài Đất Việt được Tập đoàn VNPT, báo điện tử Dân trí và Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp tổ chức. Theo Ban tổ chức (BTC), năm 2012, Nhân tài Đất Việt sẽ có một số điểm mới so với những năm trước nhằm đưa giải thưởng này ngày càng đến gần hơn với đời sống, phát hiện và tìm kiếm những tài năng đích thực, những sản phẩm tiêu biểu nhất. Ở lĩnh vực CNTT, BTC quyết định thay đổi, điều chỉnh tên gọi và thể lệ tiêu chí của các nhóm sản phẩm dự thi . Cụ thể, giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2012 ở lĩnh vực CNTT được chia thành 2 nhóm sản phẩm dự thi  là: "Sản phẩm CNTT thành công" và "Sản phẩm CNTT triển vọng". Mỗi nhóm sản phẩm sẽ có 1 giải Nhất, 1 giải Nhì và 1 giải Ba với trị giá giải thưởng tương ứng là 100 triệu, 50 triệu và 30 triệu đồng. BTC cũng đề ra những tiêu chí cụ thể và chi tiết hơn dành riêng cho từng nhóm sản phẩm để giúp các thí sinh, nhóm thí sinh và DN dự thi có được thông tin rõ ràng, đầy đủ nhất.  Đại diện BTC chia sẻ, việc thay đổi tên gọi cũng như thể lệ, tiêu chí của các nhóm sản phẩm dự thi giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2012 trong lĩnh vực CNTT nhằm tạo ra một sân chơi tìm kiếm và tôn vinh những sản phẩm CNTT triển vọng và những thương hiệu ICT Việt Nam xuất sắc, hướng tới mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước phát triển mạnh về CNTT trong tương lai. BTC còn dành 2 giải thưởng đặc biệt để trao cho các nhóm tác giả đăng ký dự thi Giải thưởng CNTT góp phần giải quyết những vấn đề đang được quan tâm (giáo dục, y tế, giao thông…) và Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo (dành cho các nhóm tác giả có độ tuổi dưới 20).

Liên quan đến thông tin này còn có bài viết
-Nhân tài Đất Việt 2012: Có thêm giải thưởng CNTT đặc biệt

+Thiếu hàng nghìn tỷ đồng cho ứng dụng CNTT

Theo Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2011 – 2015, sẽ có 56 dự án CNTT được triển khai trong 5 năm với kinh phí dự kiến là 1.700 tỷ đồng, nhưng tổng kinh phí đầu tư từ ngân sách nhà nước dành cho các dự án này qua hai năm 2011-2012 chỉ vẻn vẹn 220 tỷ đồng. Theo Quyết định số 1605 QĐ-TTg ban hành ngày 27/8/2010 phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2011 – 2015, sẽ có 56 dự án CNTT được triển khai trong 5 năm với kinh phí dự kiến là 1.700 tỷ đồng. Tuy nhiên, ngay từ năm đầu tiên triển khai, các dự án CNTT đã gặp phải rất nhiều khó khăn, đặc biệt là Nghị quyết 11 của Chính phủ về cắt giảm chi tiêu công đã khiến nhiều dự án CNTT rơi vào diện không được rót vốn. Bởi vậy, Bộ TT&TT kiến nghị Bộ Kế hoạch – Đầu tư và Bộ Tài chính tham mưu với Thủ tướng bố trí đủ kinh phí thực hiện Chương trình, bao gồm cả các dự án, nhiệm vụ quy mô quốc gia nêu tại Phụ lục III Quyết định 1605.

+Thư viện điện tử phát huy tác dụng

Trang thông tin điện tử Thư viện Hậu Giang (ảnh) chính thức ra mắt bạn đọc ngày 1.10.2008. Cùng với các hoạt động nghiệp vụ thông thường của một thư viện (TV), với trang thông tin điện tử, tới nay TV Hậu Giang đã thực hiện 7 chuyên đề phục vụ bạn đọc; trong đó 2 chuyên đề mới nhất là “Đặc trưng văn hóa ĐBSCL” và “Nước và an ninh lương thực”. Các chuyên đề này được thực hiện khá công phu, chẳng hạn như: “Đặc trưng văn hóa ĐBSCL” (3 chương chính) tập hợp 61 bài viết được chọn lọc từ nhiều nguồn đáng tin cậy của nhiều tác giả có nhiều năm nghiên cứu các lĩnh vực về văn hóa ĐBSCL như: TS Trần Thị Mai, PGS Huỳnh Lứa, soạn giả Nhâm Hùng... Tuy chưa thật đầy đủ, song với nguồn thông tin khá phong phú, được sắp xếp khoa học, hợp lý, chuyên đề này cung cấp nhiều thông tin, tư liệu cần thiết đối với những ai muốn tìm hiểu về ĐBSCL - đặc trưng văn hóa ĐBSCL: Từ lịch sử hình thành; đặc điểm dân tộc - tôn giáo; các nét văn hóa đặc trưng (lễ hội, phong tục tập quán, văn hóa chợ nổi, ẩm thực...). Còn chuyên đề mới nhất “Nước và an ninh lương thực” ra mắt nhân Ngày nước thế giới năm 2012 tập hợp 60 bài viết chủ đề này từ nhiều nguồn cũng cung cấp cho người đọc lượng thông tin khá đầy đặn theo chủ đề.

BBT
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top