Tổng hợp báo chí viết về ngành TT&TT tuần 29 (từ 17/7/2011 đến 22/7/2011)

Thứ sáu, 22/07/2011 15:50

Trong tuần, báo chí đăng tải nhiều sự kiện liên quan “sát sườn” đến lượng thuê bao lớn như nguy cơ 4 triệu thuê bao phải đăng ký lại, tổng kết 18 tháng cung cấp dịch vụ 3G, trưng cầu ý kiến về thời điểm triển khai 4G, việc tăng tốc của các mạng viễn thông nhỏ, sim “chết” biến thành sim phát tán tin nhắn rác, Tổng thư ký Liên minh viễn thông quốc tế đến thăm và làm việc tại Việt Nam,…

img
Triển lãm quốc tế về CNTT&TT

Nguy cơ 4 triệu thuê bao phải đăng ký lại
Vnmedia - Bài báo đặt vấn đề lo ngại vì cho tới thời điểm này, công tác phối hợp đối soát dữ liệu thông tin 4,1 triệu thuê bao trả trước trên địa bàn Hà Nội vẫn chưa được hoàn thành. Trong khi đó, quyết tâm từ phía lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông vẫn giữ quan điểm nếu thuê bao không đăng ký lại SIM số cho chính xác theo đúng thời điểm mà nhà mạng đưa ra sẽ bị ngưng dịch vụ hoặc cắt khỏi hệ thống. Nhưng thực thế lại khó thực hiện khi mà số thuê bao buộc phải đăng ký lại lên tới vài trăm hay cả ngàn thì sẽ là rất khó. Theo ghi nhận của phóng viên, cho tới thời điểm này, việc người dùng ghé vào một quầy có biển hiệu bán SIM số tại Hà Nội để mua một chiếc SIM không cần đăng ký vẫn rất dễ dàng. Do đó, để thực hiện đăng ký lại SIM cho chính xác rất cần sự quyết tâm thực hiện từ chính các nhà mạng để việc tiến hành được nghiêm túc nhất.

Ảnh minh họa

Tổng thư ký Liên minh viễn thông quốc tế (ITU) Hamadoun Toure’ đến thăm và làm việc tại Việt Nam 
Sáng ngày 19/7/2011, tại Hà Nội, Tổng thư ký Liên minh viễn thông quốc tế ông Hamadoun Toure’ đã đến thăm và làm việc với Bộ TT&TT. Bộ trưởng Bộ TT&TT Lê Doãn Hợp đã có buổi hội kiến với ông Hamadoun Toure’. Tại buổi hội đàm với Bộ trưởng Lê Doãn Hợp cũng như buổi họp báo sau đó, Tổng thư ký ITU đã có những đánh giá cao và tham vấn quan trọng cho sự phát triển của viễn thông Việt Nam.

Báo chí cũng đưa tin đậm về cuộc họp đánh giá chung về tình hình triển khai dịch vụ công nghệ 3G của các doanh nghiệp viễn thông sau 18 tháng cung cấp chính thức vào sáng 20/7 do Bộ TT&TT đã cung cấp thông tin, trong đó đáng chú ý về hai vấn đề quan trọng: thực trạng triển khai 3G và thời điểm triển khai  4G:
Doanh nghiệp đồng loạt xin rút tiền đặt cọc 3G
(VnMedia) - Thời gian vừa qua, các doanh nghiệp đã hết sức nỗ lực, cố gắng triển khai mạng 3G, thực hiện các nội dung cam kết. Chỉ trong thời gian ngắn đã triển khai phủ sóng diện rộng trên 63 tỉnh, thành phố, phù hợp với mục tiêu đề ra của cấp phép 3G. Thậm chí, có doanh nghiệp còn hoàn thành việc triển khai hạ tầng, mạng lưới theo cam kết trong 3 năm xuống chỉ còn 2 năm.
Tính tới thời điểm này, tổng số thuê bao 3G trên toàn Việt Nam đạt hơn 8 triệu thuê bao. Mạng di động VinaPhone cho hay họ đã có trong tay 3,7 triệu thuê bao là các khách hàng thường xuyên sử dụng các dịch vụ 3G của nhà mang.
Báo cáo của các doanh nghiệp cho thấy, về mạng lưới, một số doanh nghiệp như VinaPhone, MobiFone đã triển khai vượt mức cam kết xây dựng, triển khai mạng 3G tại thời điểm 3 năm sau cấp phép.
Cả bốn doanh nghiệp hiện đang cung cấp dịch vụ 3G là VinaPhone, MobiFone, Viettel và EVN Telecom đều đồng loạt xin được Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục cho rút nốt phần đặt cọc 3G còn lại để dành vốn tiếp tục đầu tư, phát triển mạng lưới.

Các mạng di động lớn chưa “mặn mà” với 4G
(Dân trí) - 4 mạng di động đang thực hiện 3G gồm Viettel, VinaPhone, MobiFone và liên doanh EVN Telecom- Hanoi Telecom đều đưa ra nhận định: Hiện chưa phải là thời điểm phù hợp để doanh nghiệp triển khai 4G, bởi hiện 3G còn đang trong giai đoạn triển khai đầu tư và khai thác thu hồi vốn, công tác phát triển hạ tầng, lắp đặt trạm BTS còn đang gặp khó khăn do gặp phải sự phản đối, thiếu hợp tác của người dân, đặc biệt tại các quận nội thành đô thị lớn như: Hà Nội, TPHCM 
Đại diện VinaPhone cho rằng, chỉ nên triển khai thí điểm 4G và chờ đợi thời cơ chín muồi, thích hợp hơn.

Internet 3G sẽ đánh bại ADSL?
Cũng tại cuộc họp tổng kết 18 tháng triển khai 3G nói trên, các nhà cung cấp khẳng định sau 18 tháng chính thức có mặt trên thị trường di động Việt, các dịch vụ công nghệ 3G được đánh giá đã và đang thể hiện được những thế mạnh và lợi ích rất lớn. Với khả năng truy nhập Internet đạt đến 7,2Mb/s, nhiều người còn lựa chọn hình thức vào mạng này thay cho dịch vụ Internet băng rộng ADSL trước đây.
Không chỉ khẳng định ưu điểm về chất lượng, thời gian, cuộc cạnh tranh âm thầm giữa 3G và ADSL còn được thể hiện thông qua giá cước. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ 3G đã liên tục tung ra những gói cước, ưu đãi mới cho dịch vụ của mình.
Thị trường nông thôn nơi vẫn còn quá thiếu các dịch vụ, tiện ích cũng như ưu đãi dành cho người dân được nhận định mới chính là “vùng tiềm năng rộng lớn” cho dịch vụ Internet băng rộng ADSL.
Tuy nhiên, doanh nghiệp cung cấp ADSL cũng phải sớm nhìn nhận và “nhanh chân” triển khai, bởi rất có thể, chỉ ít lâu nữa thôi, dịch vụ 3G cũng sẽ tấn công về nông thôn.

Ảnh minh họa

Vừa nới, quy định siết nhập điện thoại di động đã bị lợi dụng
(VnMedia)- Cục Hải quan TP.Hồ Chí Minh đang loay hoay trước tình trạng doanh nghiệp nhập khẩu nhiều lô hàng điện thoại di động nhưng khai là về làm mẫu, phục vụ nghiên cứu, sản xuất mà theo quy định của Bộ Công Thương sẽ không cần phải giấy phép nhập khẩu chính hãng.
Theo Cục Hải quan TP.HCM, các doanh nghiệp có thể lợi dụng quy định để nhập khẩu tại nhiều cửa khẩu, nhiều đội thủ tục khác nhau và làm mất đi tác dụng của chính sách nhập khẩu. Bên cạnh đó, Cục Hải quan TP.HCM cho rằng cơ quan Hải quan không thể biết được sau khi thông quan, doanh nghiệp hoặc chủ hàng sử dụng hàng hoá vào mục đích gì.
Để ngăn chặn tình trạng gian lận này, Cục Hải quan TP.HCM đề nghị quy định cụ thể trị giá từng lô hàng và không đặt vấn đề nhập khẩu nhằm mục đích gì.

Ảnh minh họa

Đầu tư 6.000 tỷ đồng đưa Internet về xã miền núi
Vietnamplus - Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, đến năm 2015, bộ sẽ đầu tư khoảng 6.000 tỷ đồng đưa Internet băng thông rộng và điện thoại về đến thôn, tập trung cho 2.000 xã, ưu tiên các xã miền núi.
Đây là một trong những nội dung tại tại buổi làm việc ngày 16/7, giữa lãnh đạo Hội Nông dân Việt Nam và Bộ Thông tin và Truyền thông về thực hiện các hoạt động truyền thông, ứng dụng công nghệ thông tin cho nông dân theo Quyết định 673/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Diễn đàn hacker Việt lại bị tấn công
(VnMedia) - Diễn đàn hacker lớn nhất Việt Nam HVA online lại vừa bị tin tặc tấn công từ chối dịch vụ DDoS với cường độ lớn từ 15.000 địa chỉ IP.
Như vậy, chỉ trong vòng chưa đầy hai tháng trở lại đây, từ tháng 6/2011, diễn đàn hvaonline.net đã bị tấn công từ chối dịch vụ (DDOS) tới 3 lần. Đặc biệt, khoảng 13 giờ 35 ngày 5/6, diễn đàn bị một lượng DDOS rất lớn khoảng 2,5 Gbitps traffic (bằng 1/4 cuộc tấn công ngày 30/11/2010 nhằm vào website WikiLeaks) ập vào và làm bão hòa hoàn toàn đường truyền đến máy chủ HVA.

Sự xuống cấp của triển lãm quốc tế về CNTT- TT
Ictnews - Là một triển lãm quốc tế về CNTT- TT lớn nhất và từng được xem là uy tín nhất tại VN, nhưng Vietnam Computer World Expo (VCW) đang ngày càng đi xuống và có nguy cơ sẽ “chết yểu”. Nguyên nhân của những yếu kém trên là do cách làm thiếu chuyên nghiệp từ nhà tổ chức. 

Đã có gần 280.000 tên miền tiếng Việt
Ictnews - Sau hơn 2 tháng cấp tự do, miễn phí tên miền tiếng Việt ra cộng đồng, trang đăng ký dịch vụ dichvu.tenmientiengviet.vn đã đạt gần 400.000 pageviews. Có thể thấy rằng, tên miền tiếng Việt đang đón nhận nhiều quan tâm của cộng đồng Internet, đặc biệt đối với những đối tượng người dùng Internet ở nông thôn, có thể không sử dụng đến nhiều ngoại ngữ mà chủ yếu là bằng tiếng Việt.
Đa số tên miền tiếng Việt hiện nay đều được những chủ thể cá nhân hay tổ chức hiện nay sử dụng cho những trang thông tin điện tử (Website) riêng, trang mạng xã hội trực tuyến, blog cá nhân sử dụng tên miền truyền thống hiện đang có của mình.

Đông Dương úp mở kế hoạch gia nhập thị trường di động
Vnexpress – Bài báo phân tích khó khăn của hãng viễn thông Indochina Telecom trong kế hoạch chia sẻ thị trường với 7 hãng viễn thông tại Việt Nam. Theo bài báo, Indochina Telecom hoạt động với tư cách là mạng di động ảo. Nghĩa là hãng được thiết lập mạng và bán dịch vụ di động cho người tiêu dùng mà không cần tới tần số vô tuyến điện. Như vậy Đông Dương chỉ có thể hợp tác với các doanh nghiệp khác để dùng chung hạ tầng và kinh doanh dịch vụ.
Mạng di động gần như được "chỉ định" chia sẻ hạ tầng cho Indochina Telecom chính là ông lớn đang chiếm thị phần lớn nhất Việt Nam là Viettel.
Một lãnh đạo cấp cao của Viettel cho hay việc chia sẻ hạ tầng mạng nhiều nước trên thế giới đã làm nhưng ở Việt Nam chưa có tiền lệ. Chính vì thế, công việc đấu nối, thử nghiệm mạng lưới và đàm phán về tỷ lệ ăn chia giữa các bên khá mất thời gian. "Có thể phải 2 tháng nữa, công việc đàm phán giữa Viettel và Indochina Telecom mới hoàn thành", vị lãnh đạo nói.
Ông này cho rằng triển khai mạng ảo thực chất là việc mua buôn để bán lẻ. Indochina Telecom gần như mua dịch vụ của Viettel sau đó bán lại cho người tiêu dùng. Vì vậy để mạng ảo này tồn tại và kinh doanh có lãi, Viettel phải bán dịch vụ cho Indochina Telecom với giá rẻ.
Tuy nhiên giới chuyên gia nhìn nhận, trong bối cảnh các hãng viễn thông đang cạnh tranh khốc liệt, cước tiệm cận giá thành, lợi nhuận theo đó cũng giảm khá mạnh, việc bán rẻ dịch vụ là câu chuyện Viettel phải cân nhắc.

Mạng ngoại tăng tốc để cạnh tranh
Lao động - Cùng với Vietnamobile, thị trường viễn thông được cho là có vẻ bão hòa bỗng sôi động với sự quay lại thị trường một cách khá bất ngờ, đầy tham vọng của nhà mạng ngoại thứ hai - Beeline. Mới đây, Beeline quyết định tăng tốc đầu tư 500 triệu USD để cùng Vietnamobile là 2 mạng di động ngoại tìm thế đối trọng với doanh nghiệp trong nước.
Cụ thể, DN này công bố kế hoạch kinh doanh với tham vọng là cuộc chạy đua với Vietnamobile để leo lên vị trí thứ tư sau 3 mạng lớn là VinaPhone, MobiFone và Viettel.

Mua SIM hết tiền để phát tán tin nhắn lô đề
VnExpress - Một SIM di động hết tiền trong tài khoản chính chỉ cần nạp thêm 1.000 đồng, người dùng có thể vô tư phát tán tới 200 tin nhắn mà không bị trừ tiền. Cách thức "moi" tiền từ nhà mạng khá dễ dàng này đang tạo kẽ hở để dịch vụ phát tán tin nhắn rác được đà tung hoành.
Giám đốc một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ nội dung (CP - Content Provider) tiết lộ cách thức rất đơn giản. Lợi dụng việc tính cước chậm (sau 5 phút nhắn tin SIM mới bị trừ tiền), chỉ với 1.000 đồng họ có thể phát tán tới hàng trăm bản tin cùng một lúc. Với hàng triệu SIM "chết" được nạp thêm 1.000 đồng, họ có thể phát tán hàng triệu tin nhắn rác. Như vậy, với chiêu thức này, không chỉ có người sử dụng bị thư rác hành mà cả nhà mạng cũng thiệt hại không ít. Tuy nhiên, điều đáng lo là, trong khi chờ các nhà mạng tìm giải pháp, SIM "chết" vẫn sống khỏe.

Điện thoại thương hiệu Việt: Ồn ào ra đời, lặng lẽ khai tử?

Dân trí - Thị trường ĐTDĐ từ cuối năm 2010 liên tục ghi nhận nhiều thương hiệu Việt mới. Thế nhưng, làm cách nào để những tên tuổi ấy có thể duy trì và tồn tại lại không phải là chuyện dễ dàng khi trước đó nhiều thương hiệu đã phải “khai tử” ngay sau khi mới ra đời ít lâu.
Nếu so với thời điểm này 1 năm về trước khi thị trường điện thoại di động thương hiệu Việt chỉ xuất hiện một vài tên tuổi như FPT, Q-mobile thì nay đã có khoảng vài chục nhãn hiệu với đủ loại điện thoại.
Mặc dù bước đầu có những kết quả khả quan nhưng những quan ngại về tiềm năng phát triển của thương hiệu điện thoại Việt vẫn còn nhiều. Hiện miếng bánh thị phần dành cho các thương hiệu mới rất nhỏ, chỉ khoảng 10%. Kinh tế suy thoái đã ảnh hưởng không nhỏ tới doanh số bán ra của các loại điện thoại Việt. Một vấn đề nữa cũng đáng quan tâm ở đây là vấn đề dịch vụ hậu mãi chưa thực sự được quan tâm.
Với những thách thức đã nói ở trên, các thương hiệu Việt vẫn đang phải đối mặt với nguy cơ có thể bị các thương hiệu nước ngoài đánh bại bất cứ lúc nào nếu không có những chiến lược bài bản và sự chuẩn bị chu đáo.

BBT
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top