Đến nay, 100% các sở, ban, ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố có mạng nội bộ (LAN) và kết nối băng thông rộng; 78,8% cán bộ trong cơ quan Đảng, Nhà nước được trang bị máy tính; 30/126 (23%) văn phòng Đảng ủy xã và 27/126 (21%) văn phòng UBND xã có mạng LAN; 59 % và 77% văn phòng cơ sở kết nối internet. Riêng giáo dục, 100% các trường 3 cấp học có liên lạc điện thoại và kết nối internet; trên 43 % số trường có mạng LAN. Hệ thống thư điện tử của tỉnh được nâng cấp mở rộng; 8 huyện, thị xã, thành phố triển khai bộ phận một cửa liên thông hiện đại, trong đó Gia Bình đã công khai tra cứu hồ sơ trên mạng internet; nhiều cơ quan, đơn vị triển khai ứng dụng hệ thống quản lý văn bản điện tử và hồ sơ công việc. Bắc Ninh cũng đã tổ chức nhiều hoạt động đáp ứng việc đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực và thu hút nhiều dự án (Sam sung, Nokia, Canon…) trong lĩnh vực CNTT.
Giai đoạn 2011 – 2015, Bắc Ninh phấn đấu đạt mục tiêu: bảo đảm 100% các sở ban ngành, cấp cơ sở có mạng LAN và được kết nối bằng cáp quang; 80% văn bản điện tử của cơ quan Nhà nước trao đổi qua internet; đưa chỉ số ICT – Index (mức độ sẵn sàng trong việc ứng dụng CNTT- TT phục vụ phát triển kinh tế - xã hội) của Bắc Ninh nằm trong tốp 10 tỉnh, thành của cả nước.
Căn cứ theo Quyết định 1755/QĐ-TTg ngày 22/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án “Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT và truyền thông”, UBND tỉnh đã xây dựng chương trình thực hiện với những nhiệm vụ chính: Phát triển nguồn nhân lực CNTT; Phát triển công nghiệp CNTT; Tiếp tục phát triển và hoàn thiện hạ tầng viễn thông và CNTT; Xây dựng và triển khai các giải pháp hỗ trợ phù hợp để phổ cập thông tin đến các hộ gia đình; ứng dụng hiệu quả CNTT trong cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp và xã hội; Tăng cường năng lực nghiên cứu trong lĩnh vực CNTT và truyền thông.
Tại cuộc họp, Bắc Ninh kiến nghị Ban chỉ đạo: tham mưu với Chính phủ, các Bộ, ngành T.Ư bố trí nguồn vốn cho Bắc Ninh triển khai các nhiệm vụ theo Quyết định số 50/2009/QĐ–TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát triển công nghiệp phần mềm và nội dung số; đặc biệt là xây dựng khu tổ hợp CNTT – TT của tỉnh và khu CNTT tập trung do Bộ Thông tin và truyền thông làm chủ đầu tư tại Bắc Ninh. Chọn Bắc Ninh làm điểm để triển khai đề án đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT.
Sau khi nghe các đại biểu thảo luận, các đồng chí Đỗ Trung Tá và Bùi Vĩnh Kiên đồng quan điểm khi khẳng định Bắc Ninh có hệ thống hạ tầng CNTT tương đối đồng bộ, thu hút được nhiều trường đại học, nhà đầu tư và rất phù hợp về mặt địa lý, trình độ dân trí trong việc triển khai thí điểm ứng dụng CNTT. Kết quả này xuất phát từ việc địa phương thực hiện tốt chỉ thị của Chính phủ và sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền đã tạo điều kiện cho CNTT phát triển. Năm 2020, Bắc Ninh phấn đấu đạt tiêu chí đô thị loại II thì đến năm 2015 hệ thống hạ tầng CNTT phải đủ mạnh để thúc đẩy mục tiêu trên. Vì vậy, Bắc Ninh cần tập trung phát triển, đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao trình độ dân trí trong sử dụng CNTT; phát triển khu vực hậu cần quanh các nhà đầu tư CNTT; ứng dụng CNTT trong cải cách hành chính và tích cực phối hợp với Bộ Thông tin và truyền thông thí điểm họp trực tuyến đến cấp xã; phổ cập CNTT, phát triển hạ tầng băng rộng đến cấp xã…