Nguồn lao động chất lượng quốc tế
- Đào tạo nguồn nhân lực CNTT là nhiệm vụ hết sức quan trọng nếu muốn thực hiện thành công Đề án này. Đề án đưa ra yêu cầu: “Đến năm 2020, 80% sinh viên CNTT -TT tốt nghiệp các trường Đại học đủ khả năng chuyên môn và ngoại ngữ để có thể tham gia thị trường lao động quốc tế”. Theo Thứ trưởng, công tác đào tạo ở các trường đại học của VN về trước mắt và lâu dài cần phải triển khai cụ thể như thế nào?
- Nhân lực CNTTcũng là 1 những mục tiêu quan trọng. Trong thời gian tới, ngành CNTT Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ở tốc độ cao, thêm vào đó xu hướng hội nhập kinh kế quốc tế đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ. Trong bối cảnh đó, nhằm đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực phục vụ phát triển CNTT đồng thời đảm bảo tính khả thi của Đề án, mục tiêu phát triển nguồn nhân lực CNTT trong Đề án được phân thành 2 mức: đến năm 2015 có 30% và đến năm 2020 có 80% số lượng kỹ sư CNTT khi ra trường có đủ khả năng chuyên môn và ngoại ngữ để tham gia thị trường lao động quốc tế.
Để đạt được mục tiêu trên cần có sự nỗ lực và phối hợp của nhiều ngành liên quan nhằm triển khai đồng bộ các giải pháp trong kế hoạch triển khai Đề án. Trong đó các trường đại học đào tạo ngành CNTT giữ vai trò then chốt trong việc đảm bảo thực hiện thành công mục tiêu phát triển nhân lực. Theo đó, chúng ta phải thực hiện triệt để một số giải pháp trước mắt và lâu dài.
Trước hết là tăng cường khả năng thông tin, dự báo và định hướng phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin Việt Nam theo nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế.
Thứ hai, ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, tạo cơ chế đặc thù để tăng quyền tự chủ cho một số cơ sở đào tạo, nghiên cứu trọng điểm về công nghệ thông tin đạt trình độ quốc tế.
Bên cạnh đó, xây dựng chuẩn kỹ năng và hệ thống sát hạch nhân lực CNTT theo chuẩn quốc tế nhằm đưa ra tiếng nói chung giữa nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp sử dụng lao động, hình thành công cụ mạnh để định hướng hoạt động đào tạo, đồng thời là thước đo chất lượng đào tạo.
Đồng thời, chúng ta cần có cơ chế cho sinh viên vay vốn ưu đại để học tiếng Anh ở trình độ nâng cao và thi lấy chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, góp phần chuẩn bị sẵn sàng cho sinh viên tiếp cận các chương trình đào tạo tiên tiến bằng tiếng Anh và chủ động tham gia vào thị trường lao động quốc tế.
Các trường đại học cần tiếp tục chủ động đổi mới hoạt động đào tạo, trong đó chú trọng các giải pháp sử dụng có hiệu quả các nguồn đầu tư của nhà nước, huy động các nguồn vốn xã hội hóa phục vụ nâng cấp, hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị thí nghiệm nhằm tăng tỷ lệ thực hành trong chương trình học, đưa thêm vào chương trình đào tạo các môn học về phát triển kỹ năng mềm như: kỹ năng làm việc nhóm, thuyết trình, giao tiếp, tư duy sáng tạo...
Chúng ta đẩy mạnh mối liên hệ chặt chẽ với các doanh nghiệp CNTT, theo sát nhu cầu nhân lực CNTT, thường xuyên cập nhật chương trình đào tạo, nhằm cung cấp nguồn nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao theo yêu cầu của xã hội.
Ngoài việc đẩy mạnh đào tạo nâng cao trình độ đội ngũ giảng viên, cần có cơ chế đặc thù thu hút chuyên gia CNTT trong và ngoài nước tham gia giảng dạy tại các trường đại học. Đồng thời, nhập khẩu chương trình đào tạo, giáo trình giáo án từ các nước mạnh về đào tạo CNTT, liên kết với các trường đại học quốc tế danh tiếng trong lĩnh vực CNTT để mở các chương trình đào tạo CNTT chất lượng cao thông qua các hình thức du học tại chỗ, du học hai giai đoạn; hướng đến mục tiêu có các trường đại học đào tạo về CNTT có chất lượng ngang tầm khu vực và quốc tế tại Việt Nam.
Đầu tư 1.700 tỷ đồng để tăng cường ứng dụng CNTT – TT
- Đến năm 2020, Chính phủ điện tử Việt Nam thụộc loại khá trên thế giới. Hầu hết các dịch vụ công cơ bản được cung cấp trên mạng cho người dân và doanh nghiệp ở mức độ 4 (thanh toán phí dịch vụ, nhận kết quả dịch vụ qua mạng). Liệu nhiệm vụ này có khả thi không, thưa Thứ trưởng?
- Hiện nay Việt Nam chỉ được đánh giá có trình độ phát triển Chính phủ điện tử ở mức độ trung bình trên thế giới và khu vực (xếp thứ 90/192 nước trên thế giới được xếp hạng, 6/11 nước ở khu vực Đông Nam Á). Tuy nhiên, mục tiêu đặt ra như trong Đề án “Đến năm 2020, Chính phủ điện tử Việt Nam thụộc loại khá trên thế giới. Hầu hết các dịch vụ công cơ bản được cung cấp trên mạng cho người dân và doanh nghiệp ở mức độ 4 (thanh toán phí dịch vụ, nhận kết quả dịch vụ qua mạng)” là có thể khả thi, bởi các lý do chính sau đây:
Tôi cho rằng trong thời gian qua thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về thúc đẩy ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước nhằm cải cách hành chính, hiện đại hóa cơ quan Chính phủ, xây dựng một Chính phủ hiệu lực, hiệu quả, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn.
Đa số các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có những nỗ lực thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ được giao. Một số kết quả quan trọng đạt được tạo nền tảng ứng dụng CNTT, phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn tới. Cụ thể, hạ tầng kỹ thuật CNTT đã được cải thiện; một số ứng dụng CNTT đã bắt đầu phát huy hiệu quả như bảo đảm một số cuộc họp trên môi trường mạng; ứng dụng hệ thống thư điện tử và hệ thống quản lý văn bản và điều hành; triển khai xây dựng các trang thông tin điện tử/cổng thông tin điện tử phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Để thúc đẩy ứng dụng CNTT, phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn mới, ngày 27/8/2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2011-2015, bao gồm mục tiêu, nội dung, giải pháp, trách nhiệm triển khai ứng dụng CNTT của các cơ quan nhà nước trong giai đoạn mới.
Kinh phí dự kiến từ ngân sách nhà nước dành cho các dự án trọng điểm thuộc Chương trình khoảng 1.700 tỷ đồng. Để có thể triển khai thành công Chương trình cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó yếu tố quan trọng nhất đó là cần có sự quyết tâm, chỉ đạo quyết liệt phát triển ứng dụng CNTT của lãnh đạo cao nhất cơ quan nhà nước các cấp, đồng thời bảo đảm kinh phí đủ, đúng tiến độ cho các dự án, nhiệm vụ ứng dụng CNTT. Việc triển khai thành công Chương trình này quyết định đến khả năng hoàn thành các mục tiêu phát triển Chính phủ điện tử Việt Nam giai đoạn tới.
- Đề án đặt ra là đến năm 2020 Việt Nam sẽ trở thành một trong 10 nước dẫn đầu về cung cấp dịch vụ gia công phần mềm và nội dung số. Trong ngành công nghiệp nội dung số hiện nay thì game online vẫn chiếm tới gần 40% doanh thu, và chỉ số này sẽ còn tăng lên nữa trong tương lai. Tuy nhiên gần đây gameonline không được dư luận xã hội hoan nghênh. Theo Thứ trưởng, vấn đề này liệu có mâu thuẫn và có ảnh hướng tới mục tiêu nêu trên không?
- Hiện nay ngành công nghiệp nội dung số phát triển khá nhanh và đa dạng các loại hình dịch vụ được cung cấp. Tổng doanh số thu được từ lĩnh vực này không chỉ tập trung chính vào trò chơi điện tử trực tuyến (game online) mà cũng đã phát triển ở một số các loại dịch vụ khác như: dịch vụ truy vấn thông tin, dịch vụ cung cấp nội dung qua mạng, dịch vụ đào tạo trực tuyến và các dịch vụ khác. Việc hạn chế các trò chơi trực tuyến có nội dung không lành mạnh, có những ảnh hưởng tiêu cực tới xã hội không mâu thuẫn và ảnh hưởng gì đến các mục tiêu phát triển ngành công nghiệp nội dung số đặt ra trong đề án.
VTC sẽ sớm trở thành Tập đoàn Truyền thông Đa phương tiện
- Đề án đặt mục tiêu hỗ trợ, khuyến khích việc ra đời các doanh nghiệp CNTT và Truyền thông vừa và nhỏ đồng thời đẩy mạnh việc hình thành các Tập đoàn Truyền thông lớn đủ sức vươn ra châu lục và thế giới. Trong danh sách các tập đoàn này có VTC. Thứ trưởng đánh giá như thế nào về cơ hội và triển vọng của VTC?
- Trong hơn 20 năm hình thành và phát triển, VTC đã tạo ra, tập hợp và phát huy được đội ngũ nhân lực có tuổi đời trung bình khá trẻ, có trình độ khoa học kỹ thuật, vượt qua nhiều khó khăn, xây dựng thành công mô hình sản xuất và kinh doanh gắn với nghiên cứu và ứng dụng KHCN. Đến nay, VTC đã trở thành đơn vị đi tiên phong trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ số, tạo ra được các dịch vụ vừa phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị - xã hội, vừa có hiệu quả kinh tế.
Nhiều năm liền, VTC luôn đạt mức tăng trưởng cao. Bên cạnh đó, VTC cũng luôn là một trong những đơn vị tiên phong cung cấp các dịch vụ truyền thông đa phương tiện như truyền hình kỹ thuật số, truyền hình Internet, truyền hình có độ nét cao HDTV. Đặc biệt, sau một giai đoạn phát triển mạnh mẽ, VTC hiện đã là một trong những doanh nghiệp nội dung số hàng đầu không chỉ tại thị trường Việt Nam, mà còn từng bước vươn ra thị trường quốc tế với mục tiêu phấn đấu đến năm 2015 đạt doanh thu trên 10 tỷ USD.
Mới đây, trong Đề án "Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT", Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chấp thuận để Tổng Công ty Truyền thông Đa phương tiện VTC trở thành Tập đoàn Truyền thông Đa phương tiện VTC. Tôi nghĩ, những điều này tạo tiền đề tốt để VTC tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới và sẽ góp phần quan trọng vào việc thực hiện thành công các mục tiêu của Đề án quan trọng này.
Xin cảm ơn Thứ trưởng!