Nhận thức về việc phát triển Chính phủ điện tử phải gắn liền với đảm bảo an toàn, an ninh thông tin

Thứ năm, 25/11/2010 08:03

Một trong những trọng tâm của chính phủ điện tử là phục vụ người dân một cách thuận tiện nhất, tốn ít công sức và thời gian nhất có thể, thông qua tin học hóa các dịch vụ hành chính công bằng các hệ thống thông tin. Khi Internet dần chứng tỏ ưu điểm trong giảm thiểu chi phí truyền dẫn và xử lý thông tin, định hướng về chuyển đổi hoạt động hành chính công giấy tờ truyền thống sang môi trường trực tuyến đã bắt đầu được nhen nhóm. Không chỉ nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý điều hành, đặc biệt là nỗ lực kiểm soát chi phí thông qua các ứng dụng CNTT mang tính liên ngành, trực tuyến hóa hoạt động hành chính công còn giúp chia sẻ thông tin và cung cấp nhiều hình thức tiếp cận dịch vụ hành chính công khác nhau vượt qua giới hạn về thời gian và địa lý.

img

Kể từ những năm 1990, hầu hết các nước công nghiệp phát triển hàng đầu trên thế giới đều đã tiến hành triển khai chương trình xây dựng một nền tảng Chính phủ điện tử mạnh, đáp ứng một cách tốt nhất nhu cầu ngày một tăng của xã hội, nâng cao năng lực và khả năng thích ứng, đồng thời giảm bớt chí phí hoạt động của chính phủ. Trong bối cảnh hoạt động quản lý điều hành dựa trên giấy tờ truyền thống của chính phủ đã dần tỏ ra không bắt kịp với nhịp độ phát triển xã hội, bằng việc tận dụng một cách tối đa ưu thế của công nghệ máy tính và Internet, chính phủ điện tử đóng góp mạnh mẽ vào quá trình cải cách chính phủ theo hướng trong sạch, hiệu quả và toàn diện trên khắp toàn bộ hệ thống tổ chức các cơ quan nhà nước. chính phủ điện tử cũng cho phép các cơ quan nhà nước có cơ hội nắm bắt thông tin và công tác với nhau tốt hơn. Thông qua việc liên kết các quy trình nghiệp vụ một cách hợp lý, nỗ lực giảm thiểu chi phí, đẩy mạnh nghiên cứu và đánh giá hoạt động, hoạt động quản lý điểu hành nhà nước sẽ được nâng cao cả về chất lượng lẫn thời gian xử lý.

Một trong những trọng tâm của chính phủ điện tử là phục vụ người dân một cách thuận tiện nhất, tốn ít công sức và thời gian nhất có thể, thông qua tin học hóa các dịch vụ hành chính công bằng các hệ thống thông tin. Khi Internet dần chứng tỏ ưu điểm trong giảm thiểu chi phí truyền dẫn và xử lý thông tin, định hướng về chuyển đổi hoạt động hành chính công giấy tờ truyền thống sang môi trường trực tuyến đã bắt đầu được nhen nhóm. Không chỉ nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý điều hành, đặc biệt là nỗ lực kiểm soát chi phí thông qua các ứng dụng CNTT mang tính liên ngành, trực tuyến hóa hoạt động hành chính công còn giúp chia sẻ thông tin và cung cấp nhiều hình thức tiếp cận dịch vụ hành chính công khác nhau vượt qua giới hạn về thời gian và địa lý.

Trong quá trình tin học hóa hành chính công, khởi đẩu chính phủ cung cấp các biểu mẫu trên mạng để người dân có thể truy cập vào tải về. Dần dần các dịch vụ công được tích hợp thông qua trang thông tin điện tử hoặc hệ thống một cửa dựa trên hoạt động tiếp nhận phía trước (front-office), và hoạt động xử lý phía sau (back-office). Mặc dù liên kết chặt chẽ với nhau trong tiến trình xử lý dịch vụ công, hai loại hình hoạt động này hoàn toàn có thể ứng dụng công nghệ độc lập. Tuy nhiên, điều này cũng gây ra vấn đề về tính hiệu quả trong quản lý sử dụng, trao đổi và lưu trữ thông tin, đặc biệt là các thông tin cá nhân, trong các hệ thống thông tin phục vụ chính phủ điện tử.

imgĐảm bảo an toàn, an ninh thông tin (đặc biệt là thông tin cá nhân và quyền riêng tư khi tham gia giao dịch trên môi trường điện tử nói chung, môi trường Internet nói riêng) là một trong những yếu tố tiên quyết cho thành công của chính phủ điện tử. Thông tin cá nhân (bao gồm những thông tin cho phép xác định chính xác danh tính một người dân cụ thể cũng như tình trạng pháp luật của họ) chính là những thành tố cơ bản nhất của hệ thống thông tin chính phủ điện tử. Việc bảo vệ thông tin trong chính phủ là việc làm mới. Tất cả các cơ quan chính phủ từ khi ra đời đều có xây dựng quy trình nghiệp vụ bảo vệ thông tin nhạy cảm thuộc phạm vi quản lý của mình khỏi những truy cập bất hợp pháp, bao gồm cả phá hủy, tiết lộ, sửa đổi, sử dụng không đúng cách thông tin. Trong những năm gần đây, chính phủ các nước đã triển khai phát triển chính phủ điện tử một cách rộng khắp, đa dạng từ các cổng thông tin điện tử, các trang thông tin điện tử công cộng, các dịch vụ, thủ tục công được truy xuất từ xa, và các ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ trong công tác, quản lý điều hành. Các trang thông tin điện tử cung cấp phương thức trao đổi giữa chính phủ và người dân không chỉ qua thư điện tử mà còn cả các dịch vụ công trực tuyến, tiếp nhận phản hồi từ phía người dân và kích thích việc tham gia góp ý cho các chính sách hoặc dự thảo văn bản pháp luật. Trong lĩnh vực tư, các doanh nghiệp cũng đầu tư tương đối mạnh vào các hệ thống thương mại điện tử, cho phép việc sản xuất, quảng cáo, bán hàng và phân phối sản phẩm được mua bán và thanh toán ngày càng thuận tiễn hơn thông qua mạng Internet. Bản thân những hệ thống thông tin đứng đằng sau giao dịch trực tuyến được nhìn nhận như là hạ tầng xã hội kỹ thuật, phụ thuộc chặt chẽ vào yếu tố con người. Điều này càng tỏ ra đặc biệt đúng trong lĩnh vực an toàn, an ninh thông tin, khi yếu tố con người chiếm phần lớn trách nhiệm trong những sự việc mất an toàn, an ninh thông tin.

Cùng với thực tế là cả cơ quan chính phủ lẫn doanh nghiệp tư nhân đều quan tâm đến những thông tin có liên quan đến cá nhân, nhận thức của người dân về những rủi ro khi tham gia vào chính phủ điện tử và thương mại điện tử đã tăng lên, đặc biệt là những vấn đề xung quanh việc thất thoát thông tin cá nhân khi khai thác thông tin trên trang thông tin điện tử. Số người sử dụng Internet đã mất lòng tin vào các dịch vụ thương mại điện tử ngày càng tăng. Sự e ngại sử dụng dịch vụ trực tuyến trong thương mại điện tử đã lan sang cả những dịch vụ chính phủ điện tử. Hiện tại, các nước trên thế giới cũng đang nỗ lực xây dựng các phương án kỹ thuật biến môi trường Internet trở nên an toàn hơn. Ngoài ra, còn cần phải xây dựng những giải pháp có tính pháp lý để bảo vệ thông tin cá nhân và quyền riêng tư khi giao dịch trực tuyến trên trang thông tin điện tử để không chỉ nâng cao mức độ bảo mật thông tin có tính chất hành chính mà còn phải hướng tới mục tiêu khôi phục lòng tin của người dân vào chính phủ điện tử.

Khi tham gia khai thác trang thông tin điện tử, người sử dụng cần được thông báo trước về mục đích sử dụng thông tin cá nhân của mình, cũng như được cơ quan, tổ chức đảm bảo rằng các thông tin sẽ được lưu giữ và sử dụng đúng cách, đúng pháp luật.  Trong phần tiếp theo của bài báo này, các trường hợp điển hình tại một số nước trên thế giới như Pháp, Bỉ, Canada, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Ai-len sẽ được xem xét trên khía cạnh hỗ trợ người dân bảo vệ hợp pháp thông tin cá nhân nói chung và thông tin cá nhân trên trang thông tin điện tử nói riêng. Tuy các giải pháp pháp lý tại những nước này có nhiều nét khác biệt, tựu chung chúng đều được xây dựng xoay quanh bốn yếu tố chính: những vai trò của giải pháp đối với nhà nước và đối với người dân, sự phổ biến của thương mại điện tử, quyết tâm chính trị về cung cấp dịch vụ công trực tuyến, và đặc điểm của những bộ luật chính hiện hành (ví dụ như luật dân sự, luật cộng đồng như trường hợp của Canada).

Các giải pháp này đều được ban hành trong thời gian gần đây, và do vậy nắm bắt được không chỉ nhu cầu có tính chất xã hội mà còn thể hiện cả quyết tâm chính trị của chính phủ hiện nay. Các mối quan tâm về bảo vệ thông tin cá nhân thường có sự liên hệ rất chặt chẽ với quyết tâm cải cách thủ tục hành chính và thúc đẩy vị thế của chính phủ điện tử cũng như quản lý, điều hành điện tử (e-governance) của chính phủ (điển hình ở Bỉ, Canada và Ai-len). Tại Hoa Kỳ, chính vì thể hiện rất rõ ý định phát triển các dịch vụ công trực tuyến, chính phủ có thể đã tạo cho người dân khá nhiều quyền hạn để tự quyết định về bảo vệ thông tin cá nhân hoặc khiếu nại với cơ quan nhà nước, cũng như các doanh nghiệp có quyền tạo ra những quy định riêng. Tại Pháp, vấn đề bảo vệ thông tin cá nhân rất được coi trọng, tuy nhiên tốc độ cải cách chính phủ lại diễn ra khá chậm chạp trong khi quyền hạn thực tế của chính quyền địa phương hầu như không đáng kể. Những điểm nêu trên chứng tỏ rằng tình hình thực tế về đảm bảo an toàn, an ninh thông tin cá nhân tại từng quốc gia là khá khác nhau. Trong giai đoạn 2005-2010, các nước đã và đang tập trung nỗ lực và tổ chức phối hợp với nhau để tháo gỡ vướng mắc đối với dịch vụ công chính phủ điện tử, đồng thới hướng tới những giải pháp an toàn, an ninh thông tin chung.

Tại Canada, Luật về bảo vệ thông tin cá nhân và văn bản điện tử (the Personal Information Protection and Electronic Documents Act) nhận được chấp thuận ban hành từ Hoàng gia vào ngày 13/4/2000. Mục tiêu chủ yếu của Luật này là nhằm tìm kiếm sự hỗ trợ và thúc đẩy hoạt động thương mại điện tử thông qua (i) việc bảo vệ thông tin cá nhân đã được thu thập, sử dụng và phát tán trong một số trường hợp được phép, (ii) bằng việc cung cấp các thiết bị điện tử để liên lạc hoặc ghi lại thông tin giao dịch, và (iii) bằng cách sửa đổi các Luật chứng cớ (Canada Evidence Act), Luật thể thức văn bản pháp quy (Statutory Instruments Act), Luật sửa đổi văn bản pháp quy (Statute Revision Act). Ngoài ra các cơ quan nhà nước còn phải tuân thủ luật về quyền riêng tư (the Privacy Act).

Tại Ai-len, Luật thương mại điện tử (Electronic Commerce Act 2000) được ban hành vào ngày 10/7/2000 nhằm cung cấp một môi trường thân thiện cho doanh nghiệp đồng thời tạo nền tảng để cung cấp dịch vụ công điện tử của chính phủ một cách tốt hơn. Dự luật về Bảo vệ dữ liệu năm 2002 (Data Protection Bill 2002) được xây dựng vào năm 2001 đã sửa đổi Luật bảo vệ dữ liệu ban hành vào năm 1988 và thêm vào một số điều khoản mới. Dự luật này đã được chấp nhận và có hiệu lực thi hành vào ngày 1/4/2002, cung cấp khá nhiều quyền mới cho người dân và cũng quy định nhiều trách nhiệm cụ thể cho doanh nghiệp.

Tại Bỉ, từ năm 1992, chính phủ đã có ban hành luật để bảo vệ công dân trong quá trình sử dụng dữ liệu cá nhân của họ. Đặt mục đích nâng cao tính chất minh bạch, luật này quy định công dân phải được thông báo mỗi khi thông tin về bản thân họ được sử dụng. Những đối tượng liên quan đến quá trình xử lý thông tin cá nhân cần phải nêu rõ mình là ai và phải giải thích được lý do dữ liệu này được sử dụng. Luật kể trên cũng đã thiết lập các chính sách đối với việc sử dụng thông tin cá nhân, quy định phạm vi được phép sử dụng đối với dữ liệu được thu thập. Hơn nữa, Luật này cũng mở rộng các quyền dành cho công dân (đồng thời là những người sử dụng hệ thống hoặc được lưu trữ định danh trong cơ sở dữ liệu) cũng như các quyền truy cập vào thông tin cá nhân được lưu trữ để kiểm tra, khiếu nại tính chính xác hoặc sửa đổi… Bộ luật này được chấp thuận vào ngày 8/12/1992 (sau đó được công bố rộng rãi vào ngày 18/3/1993) đã được sửa đổi khá nhiều bởi một luật khác vào ngày 11/12/1998. Mục đích của lần sửa đổi này để phù hợp với triển khai Chỉ thị của liên minh châu Âu (EU Directive) được đề ra vào năm 1995. Cuối cùng, ngày 13/2/2010 hoàng gia đã có quyết định cho phép luật ngày 8/12/1992 về bảo vệ quyền riêng tư (cũng như luật ngày 11/12/1998 triển khai Chỉ thị) có hiệu lực. Hiện tại, Chính phủ Bỉ đang xem xét phạm vi áp dụng của tất cả các luật có liên quan đến chính phủ điện tử mà các giải pháp cụ thể dưới luật chưa được làm rõ.

Năm 2000, Liên minh châu Âu bắt đầu đưa ra các sáng kiến về một châu Âu điện tử với một số mục tiêu chính: đưa thông tin về người dân, trường học và doanh nghiệp cùng với dịch vụ hành chính công lên mạng; tạo ra một môi trường điện tử ở châu Âu và bảo đảm quá trình này phù hợp với đặc điểm văn hóa, dựa trên nền tảng tin cậy và hợp tác giữa các nền văn hóa trong Liên minh. Cộng đồng thị trường nội bộ (Internal Market Council) đã đồng ý triển khai bước đầu 20 dịch vụ công trực tuyến cơ bản, gồm 8 dịch vụ công đối với doanh nghiệp và 12 dịch vụ công với người dân trong thời gian đến năm 2002. Đến năm 2005, tại Liên minh châu Âu, các dịch vụ công trực tuyến tiên tiến đã được triển khai, trong đó có các dịch vụ hành chính công, dịch vụ về y tế và dịch vụ về giáo dục. Một trong các nhiệm vụ của kế hoạch hành động CPĐT năm 2005 đó là từng bước đảm bảo các dịch vụ này phải được sử dụng rộng rãi, có độ tương tác cao, và an ninh an toàn. Theo số liệu năm 2008 tại Liên minh châu Âu: 56% dân số các nước thuộc Liên minh đã sử dụng Internet, trong đó 41% người sử dụng Internet đã truy cập tìm kiếm thông tin về chính phủ, 26% tải về các biểu mẫu và 19.2% đã gửi lại cơ quan nhà nước các biểu mẫu được điền. Nếu so sánh số liệu này với những năm trước, có thể thấy rằng mặc dù phần lớn truy cập vào trang thông tin điện tử chỉ để tìm kiếm thông tin về chính phủ cũng như các dịch vụ công, số lượng người sử dụng quan tâm và sử dụng dịch vụ công trực tuyến có độ tương tác ngày một gia tăng.

Vào ngày 20/10/1995, Hội đồng Bộ trưởng liên minh châu Âu ban hành Chỉ thị của liên minh châu Âu về bảo vệ người dân trước những vấn đề liên quan đến xử lý dữ liệu cá nhân và cách thức lưu chuyển dữ liệu (European Directive on the Protection of Individuals with Regard to Processing of Personal Data and on the Free Movement of Such Data – EU Directive). Mục tiêu của Chỉ thị này là cung cấp một phương hướng hợp pháp nhằm đảm bảo an toàn và tự do lưu chuyển dữ liệu cá nhân liên quốc gia đối với các nước thuộc Liên minh châu Âu, cũng như thiết lập một mức độ an toàn cơ bản đối với việc lưu trữ, chuyển phát hoặc xử lý thông tin cá nhân. Chỉ thị về bảo vệ dữ liệu EU được ban hành để dáp ứng nhu cầu về thống nhất các quy định liên quan đến bảo vệ quyền riêng tư. Điều 1 của Chỉ thị này có nêu “các nước thành viên cần phải bảo vệ những quyền và tự do cơ bản của người dân, nhất là quyền về tính riêng tư, đối với quá trình xử lý dữ liệu cá nhân”. Chỉ thị cũng có điều khoản nghiêm cấm hành vi chuyển thông tin cá nhân tới những quốc gia không đủ điều kiện bảo vệ thông tin. Chính điều này đã vấp phải phản ứng phản đối từ chính phủ Hoa Kỳ. Căn cứ trên Chỉ thị, mỗi nước thành viên của Liên minh châu Âu sẽ chỉnh sửa các bộ luật hiện có hoặc xây dựng mới bộ luật về bảo vệ tính riêng tư. Một số ví dụ về các bộ luật của Liên minh châu Âu thể hiện bảo vệ tính riêng tư bao gồm: điều 8 của đồng thuận Liên minh châu Âu về quyền con người (European Convention on Human Rights), Chỉ thị số 95/46/EC (Data Protection Directive), Chỉ thị số 2002/58/EC (E-Privacy Directive) và Chỉ thị số 2006/24/EC-điều 5 (Data Retention Directive).

imgTại Hoa Kỳ, hai bộ luật liên quan đến bảo vệ quyền riêng tư là Luật về quyền riêng tư năm 1974 và Luật về tự do thông tin năm 1996 (10). Hai bộ luật này có đối tượng áp dụng chính là các cơ quan, tổ chức thuộc chính phủ. Nếu đánh giá một cách sơ lược, hai bộ luật này có nhiều điểm khá mâu thuẫn với nhau: mục đích chính của luật về quyền riêng tư là bảo vệ tính bí mật của dữ liệu cá nhân đang được lưu trữ thông qua các dịch vụ của chính phủ, trong khi luật về tự do thông tin lại thường được sử dụng để yêu cầu chính phủ phải công bố các tệp dữ liệu của mình. Tuy nhiên, hai bộ luật thực ra đã tạo sự cân bằng giữa một bên là quyền của cộng đồng được biết về hoạt động của chính phủ và một bên là quyền của người dân được đảm bảo sự riêng tư của bản thân. Luật về tự do thông tin (FOIA) được thông qua bởi Quốc hội Mỹ và có hiệu lực vào năm 1966 và được sửa đổi vào năm 1974. Luật này được xây dựng dựa trên các quy tắc cơ bản do Madison và Hamilton đề xuất nhằm thúc đẩy sự minh bạch của hoạt động chính phủ, giúp người dân có những lựa chọn tốt hơn, cần thiết hơn đối với nền dân chủ. Luật FOIA cung cấp cho mỗi người dân quyền truy cập tới các bản ghi được tạo ra bởi các cơ quan chính phủ liên bang.

Tại Hoa Kỳ, Quốc hội và Tổng thống cùng thống nhất rằng chính phủ điện tử chính là sự lựa chọn cho của tương lai. Các luật gồm Luật đổi mới quản lý công nghệ thông tin năm 1996 (1996 Information Technology Management Reform Act – ITMRA-luật Clinger-Cohen), luật tối giảm giấy tờ trong công tác chính phủ (Government Paperwork Elimination Act – GPEA, 44 USC 3504) và Luật về sử dụng chữ ký điện tử trong thương mại quốc gia và toàn cầu (Electronic Signatutres in Global and National Commerce Act) đã được thông qua nhằm tháo gỡ khó khăn trong giao dịch điện tử. Vài tháng 12 năm 1999, Tổng thống Mỹ đã ký văn bản ghi nhớ yêu cầu các cơ quan chính phủ liên bang phải cung cấp các mẫu biểu trước tháng 1/2001 và cung cất tất cả các dịch vụ trước năm 2003. Quốc hội đã có ý kiến thành lập chức danh lãnh đạo thông tin liên bang (Federal Chief Information Officer) bên trong Văn phòng về quản lý và ngân sách (Office of Management and Budget) nhằm hỗ trợ việc quản lý và thúc đẩy các dịch vụ chính phủ điện tử và thiết lập các thủ tục trên nền Web để khuyến khích người dân truy cập vào dịch vụ và thông tin chính phủ. Trong lĩnh vực tư, Ủy ban thương mại Liên bang (Federal Trade Commission) được cho phép thực hiện các luật bảo vệ quyền riêng tư trên mạng của trẻ em (Children’s online privacy), thông tin về tài khoản tín dụng khách hàng và các trường hợp thương mại tự do.

Tại Pháp, dự luật về xã hội thông tin được đưa ra vào 14/6/2001 nhằm triển khai Chỉ thị của Liên minh châu Âu ngày 8/6/2000 về thương mại điện tử. Mục đích chính của dự luật này là khích thích lòng tin vào giao dịch điện tử và giúp dân chủ hóa việc sử dụng Internet. Vào ngày 30/1/2002, Quốc hội Pháp đã thông qua dự luật về quyền riêng tư để bảo vệ người dân trong các hoạt động liên quan đến xử lý dữ liệu cá nhân của họ. Quốc hội cũng sửa đổi Luật số 78-17 ban hành ngày 6/1/1978 về máy tính hóa, hệ thống điền mẫu đơn, phù hợp với hướng dẫn của Liên minh châu âu 95/46/EC ngày 24/10/1995 về bảo vệ người dân khi các cơ quan sử dụng dữ liệu cá nhân hoặc trao đổi các dữ liệu đó. Pháp là nước cuối cùng trong Liên minh châu Âu triển khai hướng dẫn này. Trong khi nội dung các bộ luật không có điều khoản nào đi ngược lại với những nguyên tắc chung của Liên minh châu Âu, trong thực tế chưa có dự luật nào riêng cho chính phủ điện tử hoặc bảo vệ dữ liệu cá nhân, quyền riêng tư khi cho người sử dụng các dịch vụ chính phủ điện tử.

Vào năm 1982, Nhật Bản đã ban hành đánh giá mức độ bảo vệ tính riêng tư dựa trên tám nguyên tắc cơ bản của tổ chức OECD. Đến năm 1988, Luật về bảo vệ tính riêng tư trong lĩnh vực công đã được thông qua và có hiệu lực. Đối với lĩnh vực tư, Bộ ngoại thương và công nghiệp (Ministry of International Trade and Industry) đã ban hành hướng dẫn về bảo vệ tính riêng tư (Guideline for the Protection of Privacy). Để nâng cao tính thống nhất của hệ thống pháp luật quốc gia trong lĩnh vực bảo vệ tính riêng tư với luật pháp quốc tế, Văn phòng xúc tiến xã hội hiện đại về thông tin và truyền thông (the Advanced Information and telecommunication Society Promotion Headquarters) đã nỗ lực xây dựng và vận động triển khai cơ chế pháp lý đối với bảo vệ thông tin cá nhân. Theo đó, một cơ quan độc lập có tên gọi là Cục bảo vệ dữ liệu (Data Protection Authority) đã được thành lập nhằm theo dõi việc bảo vệ tính riêng tư và hỗ trợ người dân trong những vụ kiện liên quan đến vi phạm quyền riêng tư. Cơ quan này có trách nhiệm duy trì tính minh bạch của việc xử lý thông tin, bảo vệ quyền lợi của chủ thể thông tin và đảm bảo cả cơ quan xử lý thông tin lẫn người sử dụng hành động trong khuôn khổ. Cục bảo vệ dữ liệu được kỳ vọng đóng vai trò quan trọng trong bảo về lợi ích quốc gia trong những sự vụ chuyển vận dữ liệu liên quốc gia. Chính vì nhận được sự quan tâm, chú ý bảo vệ tính riêng tư (nhất là đối với các giao dịch trực tuyến) mà thông tin được cung cấp trên trang thông tin điện tử của chính phủ Nhật Bản ngày càng phong phú: từ đất đai, hạ tầng và giao thống, thời tiết. v...v... đến các dịch vụ hành chính công thuộc lĩnh vực ngoại giao, an ninh, đấu thầu, thuế. Để đáp ứng nhu cầu hành chính của người dân (thống kê của chính phủ Nhật Bản cho cho thấy hàng năm có khoảng 20 triệu bản đăng kí đóng thuế, nộp thuế, ngoài ra có khoảng 49 triệu bản thủ tục liên quan đến việc bảo hiểm xã hội, 5.8 triệu lượt người đăng kí xin làm hộ chiếu) tới năm 2006 đã có khoảng 96% dịch vụ hành chính công cấp quốc gia của Nhật Bản đã được triển khai trực tuyến. Người dân đồng thời cũng có thể sử dụng kết nối tới trang thông tin điện tử này để thông báo cho chính phủ thông tin, vướng mắc, quan tâm hoặc phản hồi trước những chính sách của chính phủ (12).

Trong giai đoạn 2001-2006, chính phủ Hàn Quốc đã có nhiều nỗ lực thúc đẩy người dân tham gia vào dịch vụ hành chính công và hợp tác giữa các cơ quan trong chính phủ dựa trên môi trường Web và Internet. Trong nửa đầu năm 2005, khoảng 25% dân số và 75% số hộ gia đình đã đăng ký thuê bao mạng băng rộng. Vào thời điểm hiện tại, Hàn Quốc là quốc gia có số lượng thuê bao băng rộng lớn nhất thế giới. Từ năm 2007 tới nay, Chính phủ Hàn Quốc đã tập trung thúc đẩy chính phủ ở "mọi nơi, mọi lúc (ubiquitous)", áp dụng nhiều công nghệ mới, cung cấp dịch vụ công chất lượng cao và tăng cường chính sách của chính phủ, tăng cường mối quan hệ dựa vào nhau giữa người dân với chính phủ. Đi đôi với những kết quả có tính tích cực nêu trên, tồn tại những khó khăn như tần suất của rò rỉ, thất thoát thông tin cá nhân đối với các giao dịch trên mạng đã tăng rất nhanh, đòi hỏi phải có những chính sách và công nghệ phù hợp. Tuy vậy, trong vấn đề này chính phủ Hàn Quốc lại tỏ ra chưa kịp thích ứng. Luật về bảo vệ quyền riêng tư vẫn chưa được thông qua trong khi không có bất kỳ một bộ luật độc lập nào khác bảo vệ thông tin cá nhân. Các quy định về bảo vệ thông tin cá nhân được quy định rải rác trong một số bộ luật khác như “Luật bảo vệ thông tin cá nhân trong công cộng” (Personal Information Protection Law in Public) và “Luật về mạng viễn thông và bảo vệ thông tin” (Law on Telecom Networks and Information Protection).

imgQua các báo cáo gần đây, có vẻ như là vấn đề bảo vệ dữ liệu cá nhân và quyền riêng tư (nhất là trong lĩnh vực tin học hóa hành chính công, phát triển chính phủ điện tử) đang nhận được nhiều chú ý, ít nhất là từ hầu hết các nước thuộc tổ chức OECD, về sức ép phải hành động một cách nhanh chóng để tìm kiếm một cách chủ động các giải pháp pháp lý tốt nhất. Tuy nhiên, với tính chất khá đặc thù của dữ liệu cá nhân đang được xử lý trong các dịch vụ chính phủ, khá nhiều câu hỏi đang được đặt ra như: cấu trúc chính phủ phải tái cơ cấu ra sao để thích ứng với những đòi hỏi về giải quyết công việc và tập dữ liệu theo chiều ngang trong khi vẫn đảm bảo việc bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Kết luận

An toàn thông tin cá nhân, môi trường pháp lý đảm bảo bảo vệ quyền riêng tư là các nền tảng cơ bản trong phát triển chính phủ điện tử không chỉ từ góc độ của cơ quan nhà nước với mong muốn quản lý và phục vụ người dân tốt hơn mà còn cả từ phía cộng đồng người dân và doanh nghiệp trước những lo ngại về thiếu tính minh bạch trong việc sử dụng và trao đổi thông tin cá nhân trên các trang thông tin điện tử, theo dõi và quản lý hoạt động của người sử dụng trên trang thông tin điện tử cũng như lo ngại về thất thoát dữ liệu, tính an toàn thông tin trên môi trường Internet. Nếu chính phủ được đánh giá về khả năng duy trì và bảo vệ thông tin tốt trong hoạt động chính phủ điện tử, người dân sẽ có nhiều động lực để sử dụng dịch vụ trực tuyến cũng như các dịch vụ khác của chính phủ. Vì vậy, các nước trên thế giới đều có ý thức coi trọng việc đảm bảo an toàn, an ninh thông tin (đặc biệt là thông tin cá nhân) trong các ứng dụng chính phủ điện tử. Tuy nhiên cũng cần lưu ý rằng xu hướng chung của người dân hieenjnay vẫn là chọn lựa khai thác thông tin và dịch vụ công trên trang thông tin điện tử dựa trên mức độ truy cập thuận tiện, dễ sử dụng hơn là trên mức độ đảm bảo an toàn thông tin trên trang này.
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top