Ban công tác thúc đẩy IPv6 quốc gia làm việc với FPT Telecom và CMC Telecom

Thứ ba, 21/07/2015 17:13

Tiếp tục thực hiện hiệm vụ trọng tâm trong Kế hoạch hành động năm 2015 của Ban Công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia, ngày 21/7/2015, Ban Công tác thúc đẩy IPv6 quốc gia đã làm việc với Công ty Cổ phần viễn thông FPT (FPT Telecom) và Công ty Cổ phần Hạ tầng viễn thông CMC (CMC Telecom) về hiện trạng triển khai chung và kế hoạch, lộ trình chuyển đổi IPv6 cho mạng lưới, dịch vụ của doanh nghiệp.

img

Ban công tác thúc đẩy IPv6 quốc gia làm việc với FPT Telecom.

Theo đại diện FPT Telecom, hiện tại toàn bộ hệ thống nội bộ của FPT Telecom đã hoạt động trên nền tảng IPv6, trong đó có các máy trạm của FPT Telecom đều đã hoạt động và sẵn sàng hoạt động trên nền IPv6. Ngoài ra, số thuê bao là khách hàng cá nhân, hộ gia đình sử dụng IPv6, được cấp địa chỉ và thiết bị trong nhà và có hỗ trợ IPv6 của FPT Telecom đã lên tới 90.000 khách hàng, dự kiến đến cuối năm 2015, số lượng khách hàng dùng IPv6 sẽ đạt khoảng 200.000 thuê bao, năm 2016 phấn đấu đạt khoảng 500.000 thuê bao FPT Telecom sử dụng IPv6. Cùng với đó, có 2 khách hàng của FPT Telecom là VPBank và FPT Software sử dụng tốt các dịch vụ IPv6 của FPT Telecom.
 
Trong quá trình triển khai IPv6 tại Việt Nam, FPT Telecom cũng đã tham gia các hoạt động về IPv6 do Bộ TT&TT, trực tiếp là Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) chủ trì. Từ đó đến nay, hàng loạt các nội dung công việc đã được Ban chỉ đạo IPv6 của FPT Telecom triển khai theo các giai đoạn chính gồm: Nghiên cứu công nghệ IPv6 (10/2012 - 5/2013); Thử nghiệm IPv6 (6/2013 - 12/2013); Xây dựng kịch bản triển khai IPv6 (1/2014 - 6/2014); Kích hoạt IPv6 trên hệ thống (7/2014 - 10/2014); và triển khai cung cấp dịch vụ IPv6 cho khách hàng (từ tháng 12/2014 đến nay). Ngoài ra,  từ năm 2012 đến nay, FPT Telecom đã thực hiện kết nối IPv6 với hàng loạt đối tác nội dung và các nhà cung cấp dịch vụ IPv6 như: Google, Yahoo, Microsoft, HKIX; PCCW, TATA, SINGTEL, NTT, CW, TSYSTEM.
 
Ban công tác thúc đẩy IPv6 quốc gia cho biết, kết quả khảo sát mức độ sẵn sàng của FPT Telecom trong việc triển khai IPv6 theo các mục tiêu đặt ra trong giai đoạn II Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6 thì FPT Telecom đã cơ bản hoàn thành các yêu cầu đặt ra ở tất cả các nhóm mục tiêu: nhân lực, tài nguyên, hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ ISP, hệ thống quản lý/giám sát, ứng dụng nội bộ và các dịch vụ khác. Về hạ tầng kỹ thuật, bên cạnh việc đã thực hiện quảng bá và duy trì hoạt động quảng bá định tuyến vùng địa chỉ IPv6, hiện hạ tầng kỹ thuật của FPT Telecom đã sẵn sàng cho việc triển khai IPv6, với 100% máy chủ cung cấp dịch vụ DNS, thiết bị định tuyến mạng core và thiết bị định tuyến phân vùng kết nối Internet đều đã hỗ trợ IPv6. Đồng thời, FPT Telecom cũng đã thực hiện và duy trì kết nối trực tiếp đi quốc tế cũng như kết nối với các mạng khác trong nước qua IPv6. Đặc biệt, đối với dịch vụ ISP, FPT Telecom đã sẵn sàng cung cấp IPv6 cho các khách hàng sử dụng Leased-line, FTTX, ADSL.
 
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Lê Nam Thắng đánh giá cao kết quả và kế hoạch chuyển đổi IPv4 sang IPv6 của FPT Telecom. Thứ trưởng Lê Nam Thắng cho biết, so với các doanh nghiệp viễn thông khác, FPT Telecom là một trong những đơn vị đi đầu trong việc triển khai chuyển đổi IPv4 sang IPV6.
 
Với những kết quả đạt được như trên, Thứ trưởng Lê Nam Thắng yêu cầu FPT Telecom thời gian tới tiếp tục đi đầu trong việc triển khai kế hoạch, lộ trình chuyển đổi IPv6 và thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:  Tăng cường công tác tuyên truyền tới các cơ quan nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp viễn thông và CNTT, khách hàng qua hệ thống báo chí khoa học công nghệ, trang thông tin điện tử, truyền hình…;  Xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn trên nền các ISP để việc mua sắm thiết bị đầu cuối có thể đạt chuẩn; Xây dựng lộ trình sản xuất và nhập khẩu các trang thiết bị có hỗ trợ cả IPv4 và IPv6; Gắn với việc chuyển đổi, FPT Telecom cần tích hợp hệ thống và phát triển ứng dụng trong cả tập đoàn FPT và tập khách hàng để thúc đẩy tăng lưu lượng IPv6 tại Việt Nam; Học hỏi kinh nghiệm của Hàn Quốc và Nhật Bản và nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi IPv6.
 
Chiều cùng ngày, Ban công tác thúc đẩy IPv6 quốc gia cũng đã làm việc với Công ty Cổ phần Hạ tầng viễn thông CMC (CMC Telecom) về quá trình chuyển đổi IPv6. Trong quá trình chuyển đổi IPv6, CMC Telecom đã thành lập nhóm công tác chuyên trách tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng để lập kế hoạch chuyển đổi theo chủ trương của Bộ TT&TT. Đối với tài nguyên IPv6, CMC Telecom đã được cấp dải IPv6 2402:5300::/32 và đã tiến hành chia IP theo trung tâm vùng miền, các khối chức năng, khách hàng. Ngoài ra, CMC Telecom đã quảng bá dải IPv6 ra internet qua các đối tác như HGC, NTT và qua VNNIX.
 
Đối với hạ tầng mạng, toàn bộ thiết bị định tuyến trong mạng core CMC đều hỗ trợ IPv6, đặc biệt, hệ thống máy chủ DNS của CMC Telecom đều hỗ trợ IPv6, trong đó có cả các thiết bị trong phân vùng Core, phân vùng kết nối internet cũng như phân vùng kết nối với khách hàng. CMC Telecom cũng đã cấu hình định tuyến IPv6 trên một số phân mạng trong mạng Core, sẽ hoàn thành việc chuyển đổi toàn bộ vào quý IV/2015.

Trong giai đoạn tiếp, CMC Telecom sẽ tiếp tục nghiên cứu công nghệ và triển khai chuyển đổi các hạng mục chưa hoàn thành, phối hợp với các ISP trong nước triển khai Peering IPv6, có kế hoạch đào tạo cán bộ chuyên trách và truyền thông sâu rộng tới các khách hàng của CMC Telecom để thúc đẩy tăng lưu lượng IPv6 và để quá trình chuyển đổi IPv6 được diễn ra thuận lợi và nhanh chóng.
 
Thu Hương
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top