
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son đã trân trọng trao Bằng Di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo cho tỉnh Cao Bằng.
Tham dự buổi Lễ có Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam Trương Tấn Sang; Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu; Thượng tướng Ngô Xuân Lịch, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; Hà Thị Khiết, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương; đại diện lãnh đạo các Bộ, ban ngành ở Trung ương, các tướng lĩnh, sĩ quan quân đội; đại diện gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp, gia đình 34 chiến sĩ Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân năm xưa, cùng đông đảo nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng.
Về phía Bộ TT&TT có đồng chí Nguyễn Bắc Son, Ủy viên Trung ương Đảng – Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ trưởng Bộ TT&TT. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các Vụ, Cục chức năng thuộc Bộ tham gia đoàn công tác.
Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn đọc diễn văn ôn lại truyền thống lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam. Mùa xuân 1944, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sau khi đi khắp 5 châu bốn biển trở về trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng. Thực hiện Chỉ thị của Người, ngày 22/12/1944, tại khu rừng Trần Hưng Đạo xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã được thành lập. Dưới sự giáo dục rèn luyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đội quân sinh ra từ nhân dân, vì nhân dân mà chiến đấu đã nhanh chóng lớn mạnh, trưởng thành, tuyệt đối trung thành với Đảng, với đất nước, chiến đấu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ huy tài tình của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các tướng lĩnh, Quân đội ta đã chiến đấu và chiến thắng những đế quốc sừng sỏ bậc nhất thế giới, bảo vệ vững chắc nền độc lập, chủ quyền quốc gia, đưa nhân dân đến hoà bình, đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đồng chí Huỳnh Ngọc Sơn khẳng định: Cao Bằng đã có những đóng góp to lớn trong cuộc cách mạng của dân tộc. Trong 34 chiến sỹ Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân năm xưa, có tới 25 chiến sỹ là con em các dân tộc Cao Bằng. Nhiều người sau đó đã trưởng thành vượt bậc, trở thành những tướng lĩnh cao cấp trong quân đội; những cán bộ cao cấp của Đảng. Trong thời bình, cán bộ và nhân dân các dân tộc Cao Bằng tiếp tục đạt được những thành tựu to lớn, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, bảo vệ vững chắc an ninh, quốc phòng tại địa phương, góp phần cùng cả nước xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Thay mặt Đảng bộ và nhân dân tỉnh Cao Bằng, đồng chí Hà Ngọc Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Cao Bằng trân trọng cảm ơn tình cảm và sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Quân đội đến quân và dân tỉnh Cao Bằng; khẳng định, để xứng đáng với tình cảm và sự quan tâm ấy, toàn Đảng bộ và nhân dân tỉnh Cao Bằng nguyện tiếp tục đoàn kết dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng, tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng quê hương, xây dựng đời sống nhân dân ngày càng ấm no hạnh phúc, bảo vệ vững chắc biên giới Quốc gia.
Theo chương trình, sau phần nghi lễ, khán giả được thưởng thức chương trình nghệ thuật gồm 3 chương: Huyền thoại về đội quân cách mạng từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu; Bản hùng ca "bách chiến bách thắng" của đội quân vũ trang cách mạng - Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng; rừng Trần Hưng Đạo di tích Quốc gia đặc biệt, thiên sử vàng truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam. Chương trình bao gồm các ca khúc cách mạng, múa phụ đạo, bắt đầu bằng ca khúc "Ngày hội quê hương", kết thúc bằng ca khúc "Cao Bằng ngày mới", "Người chiến sỹ ấy".
Ngay sau Lễ kỷ niệm đã diễn ra màn bắn pháo hoa dài 15 phút.
Dưới đây là một số hình ảnh tại buổi Lễ kỷ niệm:
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng các đại biểu hát vang bài ca "Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng"


Các tiết mục văn nghệ tại buổi Lễ