Chương trình Viễn thông công ích giai đoạn mới sẽ khuyến khích việc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp đồng thời khuyến khích sử dụng chung cơ sở hạ tầng

Thứ sáu, 19/04/2013 21:21

Chiều ngày 18/4/2013, tại trụ sở của Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk, Thứ trưởng Lê Nam Thắng đã dẫn đầu Đoàn công tác của Bộ Thông tin và Truyền thông làm việc với Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk về chương trình viễn thông công ích. Tham dự cùng Thứ trưởng có đại diện Lãnh đạo và chuyên viên các đơn vị: Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Kế hoạch tài chính, Văn phòng Bộ, Cục Viễn thông và Quỹ dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam. Về phía Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk có đồng chí Trần Hiếu, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, đồng chí Lê Hữu Thịnh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, đại diện Lãnh đạo Ban tuyên giao tỉnh ủy, Sở Y Tế, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Tài chính, Bộ đội Biên phòng tỉnh, Lãnh đạo VNPT tỉnh Đắk Lắk, Bưu điện tỉnh và chi nhánh Viettel tỉnh.

img

Thứ trưởng Lê Nam Thắng cùng Đoàn công tác của Bộ Thông tin và Truyền thông làm việc với Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk.

Tại buổi làm việc, đồng chí Trần Hiếu, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đã phát biểu: Trong quá trình xây dựng chương trình viễn thông công ích, Bộ cần chú ý thêm đặc thù của tỉnh là vùng Tây Nguyên, biên giới, có nhiều dân tộc, thu không đủ chi, hằng năm Trung ương hỗ trợ trên 50% ngân sách. Nên vấn đề đặt ra với tỉnh là rất lớn, khó thực hiện. Tình hình an ninh chính trị trên địa bàn phức tạp, nên vấn đề thông tin liên lạc phục vụ chỉ đạo, điều hành là rất quan trọng. Ngoài ra, đồng chí Phó chủ tịnh đề nghị Bộ hướng dẫn, hỗ trợ thực hiện chính phủ điện tử.
 
 
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Lê Năm Thắng đã cho rằng: Việc thực hiện chương trình viễn thông công ích sắp tới theo cơ chế tổ chức và điều hành Quỹ giống việc quản lý ngân sách nhà nước. Quỹ đóng vai trò giống như Kho bạc nhà nước, chỉ quản lý việc thu, chi.

Từ năm 2006- 2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chương trình viễn thông công ích theo Quyết định 74/2006/QĐ-TTg ngày 07/4/2006, chương trình đã ghi nhận được nhiều kết quả, mạng lại lợi ích cho xã hội và người dân, giúp người dân tiếp cận với dịch vụ viễn thông, giúp thu hẹp khoảng cách số giữa các vùng miền.
 
Thứ trưởng thừa nhận rằng cơ sở hạ tầng thông tin của Đắk Lắk đang phát triển rất nhanh, các doanh nghiệp viễn thông cùng với Nhà nước đang cùng nhau xây dựng và phát triển hạ tầng thông tin này. Hạ tầng di động, cáp quang, cáp đồng phát triển đầy đủ, toàn diện, góp phần cung cấp các dịch vụ GTGT, dịch vụ bưu chính... Có thể nói rằng, trong thời gian qua, việc phát triển sơ sở hạ tầng viễn thông và phổ cập dịch vụ viễn thông đã chuyển biến vượt bậc ở Đắk Lắk, mặc dù tỉnh gặp không ít khó khăn.

Việc phủ sóng di động, cáp quang đến 100% số xã, đây là chỉ tiêu mà không  phải tỉnh nào cũng đạt được. Có thể nói đây là cố gắng rất lớn của cơ quan QLNN tại địa phương cũng như của các doanh nghiệp trên địa bàn.

Chương trình viễn thông công ích trong giai đoạn vừa qua mặc dù đã phát huy tác dụng, nhưng chưa bền vững, có nhiều người sử dụng rời bỏ mạng và dừng sử dụng dịch vụ điện thoại cố định, đồng chí Thứ trưởng đưa ra một số nguyên nhân:
Thứ nhất, do dịch vụ di động đã ở mức rẻ, dịch vụ trở nên phổ cập, bình dân, cùng tiện  ích mang lại, mọi người có xu thế chuyển sang sử dụng dịch vụ di động. Tốc độ giảm điện thoại cố định ở Đắk Lắk cũng ở mức chung trên toàn quốc. Khi Nhà nước dừng hỗ trợ cước phí theo định mức, người dân bỏ sử dụng dịch vụ.

Thứ hai, nếu chương trình Viễn thông công ích lồng ghép với các chương trình khác, hiệu quả mang lại rất lớn, như chương trình trường học của Bộ Giáo dục và đào tạo, chương trình bệnh viện của Bộ Y tế đã đầu tư thì khi đưa đến dịch vụ viễn thông sẽ phát huy hiệu quả ngay, hay như kết hợp chương trình xây dựng Nông thôn mới của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang triển khai.

Thứ ba, việc thực hiện chương trình Viễn thông công ích hiện nay gặp nhiều vấn đề, vướng mắc như báo cáo của địa phương, khâu xác nhận thực tế của các Sở TTTT, cũng gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Chương trình Viễn thông công ích sắp tới cần gắn kết với địa phương, phát huy vai trò của địa phương trong việc thẩm định, phê duyệt và triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Thứ tư, để tránh chồng chéo, Chương trình Viễn thông công ích giai đoạn mới sẽ khuyến khích việc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong việc thực hiện dự án xây dựng cơ sở hạ tầng viễn thông, đặc biệt khuyến khích sử dụng chung cơ sở hạ tầng, nâng cao vai trò, hiệu suất sử dụng điểm Bưu điện văn hóa xã, điểm Bưu điện văn hóa xã là vị trí rất thuận lợi cho việc sử dụng chung cho các doanh nghiệp viễn thông để lắp đặt thiết bị, nhà trạm, cũng như việc đầu tư chung làm điểm đăng ký thông tin thuê bao di động trả trước theo đúng quy định tại Thông tư 04/2012/TT-BTTTT.

Đồng chí Thứ trưởng đưa ra một số định hướng và làm rõ thêm một số nội dung Chương trình Viễn thông công ích giai đoạn sắp tới:

- Chương trình Viễn thông công ích đã triển khai từ năm 2005, đã triển khai cung cấp dịch vụ đến nhiều vùng. Sau khi đánh giá lại, theo cơ chế trước đây đã không còn phù hợp. Mục tiêu Chương trình Viễn thông công ích từ nay đến năm 2020 là phát triển mạng đa dịch vụ băng rộng, đưa dịch vụ đến vùng sâu, vùng xa. Ý tưởng thiết kế có 04 chương trình thành phần, dự toán kinh phí khoảng 15.000 nghìn tỷ đồng. Bốn chương trình thành phần bao gồm:
• Chương trình băng rộng, chiếm khoảng 70% tổng kinh phí.
• Kết nối khẩn cấp, chiếm 05% tổng kinh phí.
• Kết nối cộng đồng, phát triển điểm truy nhập dịch vụ công cộng, hỗ trợ cho các hộ nghèo chiếm 10% tổng kinh phí.
• Kết nối công sở, đưa  Internet đến trường học, bệnh viện, UBND các cấp, không chỉ là hạ tầng mà hỗ trợ sử dụng, khai thác dịch vụ như với ngành Y tế giúp hội chẩn từ xa, ngành giáo dục xây dựng giáo án điện tử...

- Do yếu tố không bền vững ở Chương trình cũ, nên Chương trình mới tập trung nguồn lực phát triển bền vững, xây dựng cơ sở hạ tầng viễn thông, giúp đỡ, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng hạ tầng viễn thông (đầu tư xây dựng trạm thu phát sóng, trạm cung cấp dịch vụ Internet, điểm truy nhập dịch vụ...) tại vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, tại vùng mà việc đầu tư không mang lại lợi nhuận cho các doanh nghiệp. Việc hỗ trợ thực hiện này thông qua  dự án đầu tư, do Quỹ Viễn thông công ích cấp kinh phí, Ủy ban nhân dân các tỉnh có vai trò chủ đầu tư, xây dựng và thẩm định, phê duyệt dự án cụ thể, các doanh nghiệp sẽ là đơn vị trực tiếp thực hiện dự án.

- Trước đây, Chương trình Viễn thông công ích thực hiện hỗ trợ chung, ở mức cố định theo định mức cho mọi người dân trong vùng Viễn thông công ích duy trì sử dụng dịch vụ điện thoại cố định, nhưng Chương trình Viễn thông công ích giai đoạn mới chuyển sang chỉ hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo thông qua hỗ trợ giá cước, trên cơ sở tôn trọng quyền lựa chọn sửa dụng dịch vụ viễn thông của người dân.

Cách triển khai Chương trình Viễn thông công ích giai đoạn mới là:
- Chương trình Viễn thông công ích ở giai đoạn trước thực hiện hỗ trợ theo định mức, nhưng Chương trình mới sẽ hỗ trợ qua các dự án đầu tư và xây dựng cơ bản, thực hiện theo đúng các quy định pháp luật về đầu tư, đấu thầu.
- Chương trình Viễn thông công ích trước đây hỗ trợ dạng kinh phí cấp thông qua báo cáo doanh nghiệp và có sự xác nhận của Sở Thông tin và Truyền thông, nhưng chương trình mới sẽ tiến hành phân cấp mạnh cho địa phương, các địa phương tham gia Chương trình với vai trò chủ đầu tư, trực tiếp quản lý dự án, làm chủ dự án, lập dự án đầu tư, cũng như thẩm định, phê duyệt dự án. Bộ Thông tin và Truyền thông đóng vai trò hướng dẫn cách quản lý chương trình, dự án, khâu thanh quyết toán thu, chi được Quỹ Viễn thông công ích thực hiện, Quỹ Viễn thông công ích có vai trò như là Kho bạc nhà nước, chỉ thực hiện thu/ chi.

Về dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Viễn thông công ích giai đoạn 2012- 2015 và 2016- 2020
- Sau khi được dự thảo, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ lấy ý kiến rộng rãi các Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Để góp phần thực hiện mục tiêu của Chương trình Viễn thông công ích giai đoạn sắp tới đây, đồng chí Thứ trưởng mong muốn Uỷ ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk sẽ tăng cường năng lực quản lý thuộc lĩnh vực đầu tư, xây dựng cơ bản, đặc biệt vai trò của Sở Thông tin Truyền thông  Đắk Lăk với chức năng tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh, để sau này đủ năng lực triển khai Chương trình, các dự án đầu tư hiệu quả, phù hợp.

Tại buổi làm việc, đồng chí Thứ trưởng cũng đã trao đổi, làm rõ thêm một số vấn đề liên quan đến chức năng QLNN của Bộ Thông tin và Truyền thông:

- Với kiến nghị của Ban Tuyên giáo tỉnh ủy về quản lý, sử dụng Internet, đồng chí Thứ trưởng cho rằng đây là nội dung hết sức quan trọng. Hiện tại, Bộ đã trình Chính phủ Nghị định về quản lý thông tin trên mạng Internet (thay thế Nghị định 97/2008/NĐ-CP), theo dự thảo Nghị định này thì các địa phương có vai trò rất quan trọng trong quản lý game online, cấp phép web site... trên địa bàn.

- Về quản lý tin nhắn rác: Chính phủ đã ban hành Nghị định 77/2012/NĐ-CP ngày 05/10/2012 về chống tin nhắn rác. Triển khai Nghị định này, vừa qua Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Hội nghị toàn quốc, theo kết quả đánh giá sơ bộ, các nhiệm vụ triển khai đã góp phần giảm thiểu tiêu cực của tin nhắn rác với xã hội.

- Về điểm BĐVH xã: Cần xây dựng tổ chức lại, đồng chí Thứ trưởng ghi nhận ý kiến không thể tiếp tục phát triển điểm BĐVH xã bằng mọi giá. Với những điểm làm ăn không hiệu quả, tại nơi mà người dân không có nhu cầu sử dụng dịch vụ, cần xem xét đóng cửa. Những điểm hoạt động tốt, cần tiếp tục phát triển thành Trung tâm thông tin cộng đồng. Hơn nữa, tại điểm BĐVH xã, cần phối hợp với doanh nghiệp viễn thông, để cung cấp dịch vụ khác, không chỉ dừng ở viễn thông, mà còn có thể cung cấp dịch vụ phát thanh truyền hình, ngân hàng, bảo hiểm..., qua đó phát triển thành Trung tâm cung cấp đa dịch vụ.

- Về Chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở: Qua khảo sát thực tế, không chỉ ở Đắk Lăk mà tại các tỉnh khác thì cho thấy hệ thống truyền thanh không dây đang phát huy hiệu quả cao, đây là hệ thống hết sức cần thiết, Bộ sẽ tiếp tục kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội cho triển khai trong các năm tiếp theo, nhưng do kinh phí thực tế được phê duyệt rất hạn chế so với nhu cầu thực tế, nên việc triển khai gặp không ít khó khăn. Bên cạnh đó, đồng chí Thứ trưởng cho rằng việc thực hiện các chương trình kết hợp với một số Đề án quan trọng khác mà đang được triển khai theo lộ trình đã được phê duyệt là Đề án số hóa truyền hình mặt đất đến 2020.
 
* Tít bài do ban biên tập đặt
 
Ngô Việt Hùng
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top