Hội nghị triển khai các biện pháp ngăn chặn tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo và Nghị định số 77/2012/NĐ-CP của Chính phủ về chống thư rác

Thứ ba, 13/11/2012 22:53

Chiều 13/11/2012, tại 18 Nguyễn Du - Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Hội nghị triển khai các biện pháp ngăn chặn tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo. Nội dung chính của Hội nghị là đề xuất các biện pháp nhằm tăng cường, ngăn chặn tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo, đồng thời phổ biến các cơ chế chính sách trong thời gian tới nhằm nâng cao hiệu quả quản lý dịch vụ nội dung của thuê bao di động. Tham dự hội nghị có các Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông: Lê Nam Thắng, Đỗ Quý Doãn, Nguyễn Minh Hồng; đại diện các Bộ, Ban, Ngành trung ương; các đơn vị chức năng thuộc Bộ TT&TT; các doanh nghiệp viễn thông và các doanh nghiệp CSP (doanh nghiệp cung cấp dịch vụ) cùng đông đảo cơ quan báo chí, thông tấn trung ương và địa phương...

img

Toàn cảnh hội nghị.

Trong báo cáo triển khai các biện pháp ngăn chặn tin nhắn rác, lừa đảo và Nghị định số 77/2012/NĐ-CP, Chánh Thanh tra Bộ TT&TT Nguyễn Văn Hùng cho biết, hiện có 374 CSP (doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung và có đầu số theo cách gọi của các nước trên thế giới) cung cấp dịch vụ nội dung và có đầu số, mỗi công ty lại trực tiếp ký kết với vài chục hoặc hàng trăm công ty vệ tinh SubCP (công ty làm nội dung và không có đầu số) khác để cùng cung cấp dịch vụ. Qua thanh tra, kiểm tra trong thời gian qua cho thấy, các CSP, SubCP đã trực tiếp hoặc thuê người sử dụng Modem GSM/CDMA hoặc USB 3G, có lắp SIM điện thoại và được kết nối với máy tính để phát tán tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo từ các thuê bao di động trả trước với tốc độ lên đến 10.000 tin nhắn/giờ. Cụ thể, các tin nhắn lừa đảo này chia làm nhiều loại như: nhắn tin hướng dẫn người sử dụng tải game, truy cập vào website thông qua giao thức wap và bị trừ cước; nhắn tin lừa đảo tặng quà; dụ dỗ khách hàng sử dụng dịch vụ miễn phí; Mạo danh các doanh nghiệp viễn thông lừa đảo người sử dụng gọi vào tổng đài 1900xxx, phương thức tính cước theo phút. Đáng chú ý, đa số CSP cho phép SubCP thuê lại hệ thống, đầu số để cung cấp dịch vụ nội dung mà không đưa ra các quy định cũng như không có quy trình để kiểm tra nội dung thông tin. Chính vì vậy, trong thời gian qua, Thanh tra Bộ đã phối hợp với Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT), Cục phòng chống tội phạm công nghệ cao C50 – Bộ Công an tiến hành thanh tra hơn 50 CP và xử phạt 1,624 tỷ đồng, tịch thu 761 triệu đồng, đình chỉ cung cấp dịch vụ đối với 3 doanh nghiệp. Tuy nhiên, do đa số tin nhắn rác chủ yếu phát sinh từ sim thuê bao di động trả trước nên việc truy tìm, xác minh các tổ chức, cá nhân đã phát tán tin nhắn rác thông qua thông tin thuê bao còn gặp nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Văn Hùng cũng cho biết nguyên nhân chính của tình trạng này chính là lợi ích về kinh tế mà cụ thể là do tỷ lệ phân chia lợi nhuận giữa các doanh nghiệp di động, doanh nghiệp viễn thông với CP là không công bằng. Doanh nghiệp thông tin di động chỉ cung cấp hạ tầng, đường truyền trong khi các CP phải bỏ ra chi phí để sản xuất nội dung nhưng doanh nghiệp di động lại được hưởng phần lớn lợi nhuận với tỷ lệ ăn chia lên đến 55% hoặc 79%. Mặt khác, vấn nạn tin nhắn rác xuất phát chủ yếu từ các công ty cung cấp dịch vụ nội dung số và do sự quản lý lỏng lẻo của các nhà mạng di động. Bên cạnh đó, hệ thống các văn bản quản lý các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung qua tin nhắn còn thiếu, chồng chéo hoặc chưa cụ thể gây nên tình trạng bức xúc cho người dùng di động.

img

Để nâng cao hơn nữa việc phòng chống tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo trong giai đoạn sắp tới, Đại diện VNCERT cũng trình bày những biện pháp về chống tin nhắn rác theo Nghị định 77/2012/NĐ-CP như sau: Để đảm bảo việc cung cấp dịch vụ nội dung qua tin nhắn phải được công khai, minh bạch; cấp mã số quản lý cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung qua tin nhắn, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đều phải đăng ký mã số quản lý, phải cung cấp đầy đủ thông tin về các dịch vụ cho Bộ TT&TT trước khi cung cấp dịch vụ; Công khai đầy đủ thông tin về dịch vụ tới người sử dụng; Đảm bảo quyền lợi của người sử dụng; Nghiêm cấm việc trao đổi, mua bán danh sách số điện thoại, địa chỉ thư điện tử mà không có sự đồng ý của người sở hữu số điện thoại; Việc gửi thư điện tử quảng cáo, tin nhắn quảng cáo đến người nhận khi có sự đồng ý một cách rõ ràng trước đó của người nhận…Ngoài ra, để khuyến khích, tạo điều kiện cho hoạt động quảng cáo qua tin nhắn, Nghị định 77 cũng yêu cầu các doanh nghiệp di động phải có trách nhiệm cung cấp dịch vụ cho các nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo đã được Bộ TT&TT cấp mã số quản lý, trong vòng 01 tháng phải cho phép doanh nghiệp đã được cấp mã số quản lý kết nối kỹ thuật với hệ thống của mình để cung cấp dịch vụ; không được phân biệt đối xử giữa đơn vị thành viên của mình với các doanh nghiệp khác. Nghị định quy định các nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo qua tin nhắn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về toàn bộ nội dung quảng cáo.

Đại diện các doanh nghiệp viễn thông, Sở TT&TT Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã đưa ra những giải pháp trong việc phòng, chống tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo. Trong đó, những giải pháp được nhiều đại biểu đồng tình nhất đó là Bộ TT&TT cần phải có những chế tài mạnh xử phạt mạnh hơn nữa để giảm thiểu sai phạm của các công ty cung cấp dịch vụ, hạn chế các tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo tới người dùng; Sớm ban hành Nghị định quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, đồng thời có các văn bản hướng dẫn Nghị định 77 của Chính phủ về chống tin nhắn rác; Bộ TT&TT cần phối hợp với Bộ Công an để tăng cường giám sát và xử lý hình sự đối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ…

Giải đáp về những vấn đề liên quan đến việc quản lý của Bộ trong lĩnh vực này, Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng cho biết: hiện nay Bộ TT&TT đang xây dựng cơ chế quản, lý, cấp và thu hồi đầu số, không để các doanh nghiệp viễn thông cấp đầu số cho các doanh nghiệp nội dung số như hiện nay. Đồng thời nghiên cứu, quy định giá cước tin nhắn dùng cho các CSP khi cung cấp dịch vụ nội dung thông tin qua mạng viễn thông, tạo cơ chế đảm bảo sự công bằng giữa lợi ích kinh tế giữa doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung và doanh nghiệp di động. Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng nhấn mạnh: Để phòng chống tin nhắn rác đạt được hiệu quả cao phải có sự tham gia của cả ba bên: Cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Với cơ quan quản lý nhà nước sẽ cố gắng rà soát để hoàn thiện, bổ sung những văn bản mới không chồng chéo, khả thi, tăng cường thanh tra kiểm tra, để đưa văn bản vào cuộc sống. Cụ thể, Bộ TT&TT sẽ là đơn vị đứng ra cấp trực tiếp đầu số tin nhắn cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung; Xem xét lại phân chia cước, giá cước tin nhắn dùng trong dịch vụ; Chỉ đạo các nhà mạng phải giám sát chặt chẽ các CSP và thực hiện chấm dứt hợp đồng hợp tác với CSP phát tán tin rác, tin lừa đảo…

img

Phát biểu kết luận tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Đỗ Qúy Doãn đã đưa ra 05 nhóm giải pháp để thực hiện việc phòng, chống tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới như sau: Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và triển khai có kết quả các văn bản đã ban hành; Triển khai sâu rộng, có hiệu quả Nghị định 90/2008/NĐ-CP, Nghị định 77 về chống tin nhắn rác và một số Thông tư, chỉ thị liên qua do Bộ TT&TT ban hành; Xây dựng cơ chế quản lý, tạo điều kiện cho doanh nghiệp kinh doanh minh bạch, hiệu quả; Thực hiện các giải pháp về thanh, kiểm tra để ngăn chặn tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo; Tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức, hiểu rõ được tác hại của tin nhắn rác, tin nhắn có nội dung lừa đảo; Phối hợp với các Bộ, Ngành liên quan để có cơ chế quản lý hiệu quả… 

Thu Hương
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top