Ban chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình Việt Nam họp phiên thứ nhất

Thứ sáu, 03/08/2012 15:43

Sáng ngày 3/8/2012, tại Hà Nội, Ban chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình Việt Nam đã họp phiên thứ nhất dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son – Trưởng Ban chỉ đạo.

img

Toàn cảnh phiên họp

Tại cuộc họp, các đại biểu đã nghe công bố quyết định thành lập Ban chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình Việt Nam (quyết định số 714/QĐ-TTg) và Quyết định về thành viên Ban chỉ đạo (1381/QĐ-BTTTT) gồm Thứ trưởng của các Bộ Công thương, Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ, Tài chính và Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam. Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng được giao nhiệm vụ Phó Trưởng ban chỉ đạo.

Đại diện Cục Tần số vô tuyến điện - đơn vị giúp việc Ban chỉ đạo đã trình bày báo cáo về thực trạng sử dụng kênh tần số truyền hình và Đề án số hóa truyền hình mặt đất. Báo cáo đã nêu rõ những lợi ích của việc số hóa truyền hình, thực trạng số hóa truyền hình trên thế giới và tại Việt Nam, giới thiệu nội dung Đề án số hóa truyền hình Việt Nam.

Theo báo cáo này, mạng phát sóng truyền hình tương tự của các đài phát thanh truyền hình tại Việt Nam đang chiếm giữ rất nhiều kênh tần số. Khu vực đồng bằng Bắc bộ sử dụng 59 kênh, Nam bộ 62 kênh nên hiện còn rất ít kênh tần số trống để triển khai truyền hình số sử dụng lâu dài. Đài truyền hình VTC đã chính thức phát sóng truyền hình số mặt đất trên diện rộng từ năm 2006, sử dụng tiêu chuẩn DVB-T/MPEG-2. Đến nay có thêm công ty AVG triển khai mạng phát sóng truyền hình số mặt đất tiêu chuẩn DVB-T2/MPEG-4. Kế hoạch số hóa dự kiến sẽ được tiến hành qua 4 giai đoạn. Giai đoạn 1 trước ngày 31/12/2015, chấm dứt phát sóng truyền hình tương tự mặt đất, chuyển hoàn toàn sang truyền hình số tại Hà Nội (cũ), TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ. Giai đoạn 2 trước ngày 31/12/2016, chấm dứt phát sóng truyền hình tương tự mặt đất, chuyển hoàn toàn sang truyền hình số tại Hà Nội (mở rộng), Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Bắc Giang, Phú Thọ, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Hậu Giang. 31/12/2018, chấm dứt phát sóng truyền hình tương tự mặt đất, chuyển hoàn toàn sang truyền hình số tại Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Lâm Đồng, Bình Phước, Tây Ninh, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang. 31/12/2020, chấm dứt phát sóng truyền hình tương tự mặt đất, chuyển hoàn toàn sang truyền hình số tại Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Lạng Sơn, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông.

Các đại biểu cũng đã nghe trình bày các dự thảo: Quy chế làm việc của Ban chỉ đạo; Kế hoạch triển khai Đề án số hóa truyền hình Việt Nam đến năm 2015 với 21 nội dung nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao; Kế hoạch công tác từ nay đến hết năm 2012 với 10 nội dung. Các bản dự thảo này đã đạt được sự nhất trí cao của các thành viên Ban chỉ đạo.

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son - Trưởng Ban chỉ đạo phát biểu tại phiên họp

Sau khi nghe các thành viên Ban chỉ đạo thảo luận, đóng góp nội dung cho các bản dự thảo và các đề xuất của Cục Tần số vô tuyến điện, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son - Trưởng Ban chỉ đạo đã phát biểu biểu dương Cục Tần số vô tuyến điện đã chuẩn bị nội dung cuộc họp kỹ lưỡng, công phu. Về cơ bản, Bộ trưởng nhất trí với các nội dung quy chế, kế hoạch được dự thảo. Bộ trưởng giao Cục Tần số vô tuyến điện đảm nhiệm chức năng văn phòng cho Ban chỉ đạo. Trước mắt, Ban chỉ đạo sẽ thành lập một tiểu ban giúp việc; họp định kỳ 6 tháng l lần bên cạnh các cuộc họp đột xuất; các thành viên Ban chỉ đạo sẽ trao đổi công việc qua email và điện thoại là chủ yếu. Bộ trưởng chỉ đạo cần tập trung công tác truyền thông cho Đề án, dự kiến sẽ tổ chức họp báo công bố lộ trình số hóa vào tháng 10/2012 sau khi đã chuẩn bị đủ điều kiện. Về công nghệ và tiêu chuẩn: chính thức lựa chọn phát triển truyền hình số mặt đất theo tiêu chuẩn DVB-T2, tiêu chuẩn mã hóa tín hiệu âm thanh, hình ảnh MPEG-4. Đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng thời điểm bắt buộc các máy thu hình sản xuất, nhập khẩu để sử dụng cho thị trường Việt Nam phải tích hợp chức năng thu truyền hình số theo tiêu chuẩn DVB-T2, chuẩn nén tín hiệu MPEG-4/H.264 vào máy thu hình là hết năm 2013. Như vậy là giãn thêm thời gian một năm so với dự kiến ban đầu (là 1/1/2013) để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Bộ trưởng cũng nhất trí với đề xuất xây dựng quy định về dán nhãn máy thu hình, đầu thu truyền hình số hỗ trợ chuẩn DVB-T2/ MPEG-4. Bộ trưởng cũng khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất đầu thu giá rẻ cho người dân và đề nghị sớm ban hành văn bản hướng dẫn về thuế ưu đãi cho doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu các linh kiện lắp ráp máy phát hình, đầu thu truyền hình số, máy thu hình tích hợp chức năng truyền hình số mặt đất. Bộ trưởng cũng nhất trí với đề xuất tổ chức khảo sát học hỏi kinh nghiệm số hóa truyền hình tại các nước trên thế giới.

Thúy Hòa
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top