Hoàn thiện quy trình phối hợp tần số cho vệ tinh

(Mic.gov.vn) - Bốn năm sau ngày vệ tinh đầu tiên của Việt Nam VINASAT-1 được phóng thành công lên quỹ đạo, Việt Nam  tiếp tục hành trình chinh phục không gian với việc phóng thành công vệ tinh thứ hai, vệ tinh VINASAT-2 vào ngày 16/5/2012. Để có được vị trí quỹ đạo sẵn sàng cho vệ tinh  VINASAT-2, Cục Tần số vô tuyến điện được Bộ Thông tin và Truyền thông giao là đơn vị chủ trì đã nỗ lực không ngừng trong nhiều năm thực hiện các thủ tục đăng ký vị trí quỹ đạo và phối hợp tần số.


Vệ tinh rời bệ phóng

Việc giành được vị trí quỹ đạo sẵn sàng cho vệ tinh thứ 2 của Việt Nam đã thể hiện tầm nhìn chiến lược của cơ quan quản lý nhà nước trong việc hoạch định và thực thi quản lý tần số vô tuyến điện. Ngay từ khi phối hợp cho dự án VINASAT-1, Bộ Thông tin và truyền thông đã nhận thấy tương lai Việt Nam sẽ không chỉ phóng một vệ tinh duy nhất, mà sẽ là một chuỗi vệ tinh để hình thành nên một hệ thống mạng vệ tinh đầy đủ, tin cậy, có dự phòng để cung cấp cho nhu cầu sử dụng thông tin vệ tinh trong nước và quốc tế.

Vị trí quỹ đạo ngày càng chật chội, việc hoàn thành phối hợp với các mạng vệ tinh xung quanh một vị trí quỹ đạo được đăng ký mới vô cùng khó khăn, điều này thể hiện rất rõ qua thực tế phối hợp cho dự án VINASAT-1.

Trước tình hình đó, Cục Tần số vô tuyến điện đã có đề xuất mang tính chiến lược, đó là tìm kiếm vị trí quỹ đạo trong băng tần quy hoạch. Băng tần này được thế giới qui hoạch với mục đích để phân bổ cho mỗi nước một vị trí quỹ đạo với vùng phủ chỉ phủ quốc gia đó để tạo điều kiện cho mỗi nước ít nhất cũng có một vị trí quỹ đạo để phóng vệ tinh trong tương lai. Việt Nam đã được phân bổ vị trí quỹ đạo 107 độ Đông. Tuy nhiên vì qui hoạch cho các nước nên các tham số kỹ thuật được phân bổ không thuận lợi cho việc khai thác vệ tinh thương mại như đường kính anten băng tần C sử dụng là 7 mét, băng tần Ku là 3 mét. Chính vì thế, Cục Tần số đã quyết tâm đăng ký vị trí quỹ đạo mới trong băng tần qui hoạch có khả năng khai thác vệ tinh thương mại với đường kính anten nhỏ hơn.

Năm 2003, Cục Tần số đã đăng ký vị trí quỹ đạo 103 độ Đông. Cục tần số đã cử các cán bộ, chuyên viên xuất sắc, có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực phối hợp tần số quỹ đạo vệ tinh liên tục tham gia các nhóm nghiên cứu của của Liên minh viễn thông quốc tế để nắm bắt từng qui định cụ thể, chi tiết và hết sức phức tạp của Thể lệ tần số vô tuyến điện quốc tế qua đó không chỉ hiểu luật quốc tế mà còn có thể tham gia trực tiếp sửa đổi các điều khoản qui định có lợi cho Việt Nam tại các hội nghị này.

Đây là một quyết định hết sức quan trọng để thực hiện tầm nhìn chiến lược dành vị trí quỹ đạo trong băng tần qui hoạch. Bởi với việc tham gia liên tục các nhóm nghiên cứu của của Liên minh viễn thông quốc tế, Cục Tần số đã có những đóng góp trực tiếp để giảm kích thước đường kính anten theo qui định sử dụng trong băng tần này. Và trên hết là với tình hình thảo luận qua 4 năm (từ năm 2003 đến năm 2007) tại các nhóm nghiên cứu, Cục Tần số đã dự đoán khả năng thay đổi qui định sau Hội nghị vô tuyến thế giới năm 2007 (WRC-07) đó là sẽ xóa bỏ việc cho phép dịch chuyển vị trí quỹ đạo đã đăng ký sang vị trí mới mà vẫn giữ nguyên được quyền ưu tiên. Chính vì thế trước Hội nghị WRC-07, Cục Tần số đã đăng ký dịch vị trí quỹ đạo từ 103 độ Đông sang vị trí 131,8 độ Đông. Việc dịch chuyển vị trí quỹ đạo này giúp Việt Nam giảm được các mạng vệ tinh phải phối hợp và tránh được can nhiễu lớn với mạng vệ tinh của Liên Bang Nga. Và đúng như dự đoán, sau Hội nghị WRC-07, việc di chuyển vị trí quỹ đạo đã không còn được phép thực hiện.

Để có thể vận dụng Thể lệ quốc tế và kỹ thuật để dịch chuyển thành công, đăng ký vào bảng tần số chủ của ITU vị trí quỹ đạo 131.8 độ Đông  ngoài việc vận dụng các qui định phức tạp của Liên minh viễn thông quốc tế, thì sau khi đăng ký dịch chuyển vị trí quỹ đạo sang vị trí 131.8 độ Đông theo qui định, Việt Nam chỉ có 01 tháng để xử lý tất cả các tham số kỹ thuật  như đường kính anten, công suất phát, vùng phủ để loại bỏ hết can nhiễu đến mạng vệ tinh của các nước, thì mới được đăng ký vào Bảng tần số chủ được quốc tế công nhận. Điều này là vô cùng khó khăn đối với một nước đang phát triển, đang hội nhập và chưa có vệ tinh nào trên quỹ đạo.

Chính vì vậy, các cán bộ của Cục Tần số đã ngày đêm tìm mọi cách tối ưu các tham số kỹ thuật, tự viết phần mềm thiết kế vùng phủ vệ tinh, chạy đi chạy lại nhiều lần phần mềm của ITU để dần từng bước loại bỏ can hết can nhiễu. Cuối cùng trước một tuần ngày hết hạn qui định của ITU, Cục Tần số đã tìm ra các tham số tối ưu, vùng phủ vệ tinh tối ưu đáp ứng được đầy đủ các điều kiện, qui định của ITU để đăng ký thành công vị trí quỹ đạo 131.8 độ Đông, sẵn sàng cho việc phóng vệ tinh VINASAT-2. Việc lựa chọn vị trí quĩ đạo 131.8 độ Đông mang tính chiến lược cao vừa để đảm bảo dung lượng vệ tinh cho Việt Nam và dự phòng dung lượng cho vệ tinh cho quốc gia và thuận lợi hơn cho người sử dụng có thể sử dụng anten thu đồng thời hai vệ tinh.

Như vậy, Việt Nam là một trong những nước đi đầu và thành công trong việc giành vị trí quỹ đạo trong băng tần qui hoạch vị trí 131.8 độ Đông. Vị trí này hết sức quý giá trong bối cảnh vị trí quỹ đạo là một nguồn tài nguyên ngày càng khan hiếm. Điều này đã khẳng định vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế trong vấn đề đăng ký, phối hợp tần số quỹ đạo vệ tinh. Ông Phan Hoàng Đức, Phó Tổng giám đốc VNPT, đơn vị được Thủ tướng Chính phủ giao làm chủ đầu tư dự án phóng hai vệ tinh VINASAT-1 và VINASAT-2 trong buổi họp báo ngày 9/5/2012 công bố sự kiện phóng vệ tinh VINASAT-2 đã khẳng định trước báo giới tầm quan trọng của việc đăng ký vị trí quỹ đạo và phối hợp tần số, khẳng định vai trò quan trọng của Bộ TT&TT đặc biệt là Cục Tần số vô tuyến điện trong việc  đăng ký vị trí quỹ đạo và phối hợp tần số.

Ghi nhận những đóng góp của Cục Tần số trong dự án Vinasat 1, Đảng và Nhà nước đã tặng thưởng cho tập thể, cá nhân của Cục Tần số các danh hiệu cao quý: Huân chương lao động hạng 2 cho Cục Tần số VTĐ, Huân chương lao động hạng 3 cho ông Lưu Văn Lượng - Nguyên Cục trưởng, Bằng khen của Thủ tướng cho 06 cá nhân.

Cùng với thời điểm chuẩn bị phóng vệ tinh VINASAT-1, năm 2006, Thủ tướng Chính phủ cũng phê duyệt Chiến lược ứng dụng công nghệ vũ trụ đến năm 2020. Chiến lược bao gồm việc nghiên cứu phát triển các vệ tinh nhỏ của Việt Nam. Vệ tinh đầu tiên là vệ tinh quan sát mặt đất VNRedsat-1. Hiện nay Cục Tần số đã đăng ký hồ sơ với ITU cho VNRedsat-1, liên hệ và phối hợp với 12 nước. Đồng thời Cục Tần số cũng tham gia đo phổ tần ở nơi đặt trạm vệ tinh để tránh can nhiễu giữa các hệ thống vi ba và các thiết bị khác tới vệ tinh này.

Tiếp nối dự án phóng vệ tinh VINASAT-1, việc thực hiện dự án phóng vệ tinh VINASAT-2 và chuẩn bị cho vệ tinh quan sát mặt đất VNRedsat-1 sẽ tiếp tục thúc đẩy sự phát triển của ngành vệ tinh viễn thông cũng như lĩnh vực công nghệ vũ trụ của Việt Nam, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng trong và ngoài nước, nâng cao năng lực hạ tầng viễn thông của Việt Nam, góp phần nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực thông tin vệ tinh hiện đại, hoàn thiện quy trình đăng ký, phối hợp tần số cho vệ tinh, khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên tần số quỹ đạo vệ tinh và đem lại lợi ích chung cho cộng đồng.  


 

Thúy Hòa

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT( 0)