Luật Viễn thông và Luật Tần số vô tuyến điện đã chính thức có hiệu lực thi hành 1 năm

Thứ sáu, 01/07/2011 10:50

Hôm nay ngày 1/7/2011, Luật Viễn thông và Luật Tần số vô tuyến điện đã chính thức có hiệu lực thi hành được 1 năm. Đây là 2 luật có vai trò rất lớn trong việc tạo hành lang pháp lý, bảo đảm an toàn an ninh thông tin, giữ vai trò kiểm soát điều tiết của nhà nước tăng cường bảo vệ chủ quyền, quyền lợi quốc gia.

img
Cục Tần số Vô tuyến điện - Bộ Thông tin và Truyền thông là đơn vị quản lý nhà nước và thực thi nhiệm vụ quản lý nhà nước chuyên ngành về tần số vô tuyến điện tại Việt Nam

Đối với luật Viễn thông có tác động lớn trong việc tạo  điều kiện và mở rộng sự tham gia của các thành phần kinh tế trong kinh doanh viễn thông, đặc biệt là thiết lập hạ tầng mạng viễn thông. Luật Viễn thông giao cho Thủ tướng Chính phủ quy định việc Nhà nước nắm cổ phần chi phối trong một số doanh nghiệp viễn thông chủ lực, có tầm quan trọng đặc biệt đối với toàn bộ mạng viễn thông quốc gia và ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng của đất nước.

Luật Viễn thông gồm 10 chương, 63 điều, quy định về hoạt động viễn thông, bao gồm đầu tư, kinh doanh viễn thông, viễn thông công ích; quản lý viễn thông; xây dựng công trình viễn thông; quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động viễn thông. Luật Viễn thông có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2010. Các quy định về viễn thông của Pháp lệnh bưu chính, viễn thông số 43/2002/PL-UBTVQH10 hết hiệu lực kể từ ngày Luật Viễn thông có hiệu lực.

Những điểm mới của Luật Viễn thông được quy định như: Tạo điều kiện và mở rộng sự tham gia của các thành phần kinh tế trong kinh doanh viễn thông, đặc biệt là đối với lĩnh vực thiết lập hạ tầng mạng; Bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa và tăng cường vai trò quản lý nhà nước trong hoạt động viễn thông; Đẩy mạnh cải cách hành chính trong hoạt động quản lý viễn thông và đảm bảo quyền, lợi ích của người sử dụng dịch vụ viễn thông; Áp dụng cơ chế thị trường trong quản lý kho số viễn thông, tài nguyên Internet; Bảo đảm môi trường kinh doanh viễn thông cạnh tranh công bằng, minh bạch, công khai; Bảo đảm phổ cập dịch vụ viễn thông ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và thực hiện các nhiệm vụ công ích do nhà nước giao; Bảo đảm việc quy hoạch, xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông bền vững, an toàn.

 Bảo đảm phổ cập dịch vụ viễn thông ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và thực hiện các nhiệm vụ công ích do nhà nước giao là một trong những điểm mới của Luật Viễn thông

Luật Viễn thông là cho phép các tổ chức, cá nhân đều có thể tham gia hoạt động viễn thông trong đó có hoạt động đầu tư xây dựng hạ tầng và bán lại dịch vụ. Luật cũng quy định rõ về quản lý cạnh tranh; quy định rất chặt chẽ về đảm bảo quyền, lợi ích của người sử dụng dịch vụ; quy định thành lập cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông; quy định chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông và cơ sở hạ tầng kỹ thuật.

Liên quan đến việc phát triển và quản lý hạ tầng viễn thông, việc sử dụng chung cơ sở hạ tầng viễn thông, tại điều 45 Luật Viễn thông đã bắt buộc chia sẻ cơ sở hạ tầng đối với các phương tiện viễn thông thiết yếu, nếu các doanh nghiệp không đạt được thỏa thuận về sử dụng chung, trong một số trường hợp khẩn cấp phục vụ lợi ích công cộng, quốc phòng, an ninh. Đồng thời Luật cũng quy định các doanh nghiệp viễn thông phối hợp chặt chẽ với nhau trong việc sử dụng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật, nhất là cột ăngten, nhà trạm, cống bể cáp... nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư, rút ngắn thời gian triển khai và bảo vệ cảnh quan, môi trường. Về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, tại điều 60 và điều 61 Luật yêu cầu các ngành sử dụng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật (điện, nước, giao thông, viễn thông) để tiết kiệm đầu tư, tránh lãng phí và bảo đảm mỹ quan, cảnh quan môi trường.

Mở cửa thị trường viễn thông với sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài là hình thức thực hiện cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO, bên cạnh  đó các quy định của Luật Viễn thông vẫn nhằm đảm bảo an toàn, an ninh thông tin và giữ vai trò kiểm soát, điều tiết của Nhà nước và định hướng Xã hội chủ nghĩa trong hoạt động viễn thông.

Luật Tần số vô tuyến điện ra đời đã góp phần tăng cường bảo vệ chủ quyền, quyền lợi quốc gia về tần số vô tuyến điện và quỹ đạo vệ tinh viễn thông của Việt Nam.

Luật Tần số vô tuyến điện gồm 8 chương, 49 điều được xây dựng nhằm hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật về quản lý tần số vô tuyến điện, phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh. Luật này quy định về quản lý, sử dụng tần số vô tuyến điện, thiết bị vô tuyến điện, quỹ đạo vệ tinh và quản lý an toàn bức xạ vô tuyến điện, tương thích điện từ; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia quản lý, sử dụng tần số vô tuyến điện. Luật có hiệu lực từ 01/7/2010. Các quy định về tần số vô tuyến điện của Pháp lệnh bưu chính, viễn thông số 43/2002/PL-UBTVQH10 hết hiệu lực kể từ ngày Luật Tần số vô tuyến điện có hiệu lực.

Đây là cơ sở pháp lý quan trọng trong việc quản lý, sử dụng thông tin vô tuyến điện và tần số vô tuyến điện một cách chặt chẽ, có hiệu quả và nhằm nâng cao nhận thức của xã hội, nâng cao hiệu lực trong quản lý và sử dụng nguồn tài nguyên tần số theo xu thế phát triển của thế giới; đồng thời đảm bảo phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội, an ninh-quốc phòng. Tần số vô tuyến điện là tài nguyên của quốc gia và ngày càng trở nên quý hiếm, đòi hỏi phải được quản lý và sử dụng tiết kiệm có hiệu quả.

Những điểm mới Luật tần số vô tuyến điện đã được quy định như:  Thúc đẩy sự phát triển của thông tin vô tuyến điện, thúc đẩy ứng dụng các công nghệ hiện đại sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên tần số; Áp dụng các phương thức quản lý tần số mới dựa trên cơ chế kinh tế thị trường thông qua việc thi tuyển, đấu giá quyền sử dụng tần số; Đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản thủ tục; Tăng cường bảo đảm an toàn bức xạ vô tuyến điện; Quy định về hành lang an toàn kỹ thuật của đài vô tuyến điện (Điều 40). Để đảm bảo cho các đài vô tuyến điện (đặc biệt là đài định hướng sóng vô tuyến điện, đài thông tin vệ tinh…); Tăng cường bảo vệ chủ quyền, quyền lợi quốc gia về tần số vô tuyến điện và quỹ đạo vệ tinh; Quy định rõ hơn về Cơ quan quản lý chuyên ngành tần số vô tuyến điện, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có cơ quan chuyên trách quản lý tần số vô tuyến điện phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh.

Đỗ Tiến Thắng
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top