Từ một cách làm mới đến những vấn đề đặt ra trong phát triển phong trào sưu tập tem tại Việt Nam

Thứ ba, 05/10/2010 14:30

Phong trào sưu tập tem đã hình thành tại Việt Nam từ rất lâu và được đánh dấu với sự ra đời của Hội Tem Việt Nam năm 1960. Đến nay, trên cả nước đã có 33 hội tem các tỉnh, thành phố, 250 câu lạc bộ sưu tập tem với 7.000 hội viên và hàng vạn những người sưu tập tem tự do.

img

Để việc sưu tập tem phát triển nhanh chóng và sâu rộng hơn đặc biệt là phát triển trong thế hệ trẻ, việc sưu tập tem đã được gắn kết với quá trình đổi mới phương pháp giảng dạy tại nhiều trường học trong cả nước. Tại trường THPT Nam Sách, Hải Dương việc tìm tòi thử nghiệm dùng tem bưu chính làm giáo cụ trực quan phục vụ giảng dạy đã thu được những kết quả khả quan. Huyện Nam Sách hiện có 14 câu lạc bộ sưu tập tem - là một trong những huyện có nhiều câu lạc bộ sưu tập tem nhất tại Việt Nam.

Tem trở thành giáo cụ trực quan như thế nào

Theo kinh nghiệm của cô giáo Nguyễn Thị Thanh Tâm, giáo viên dạy văn tại trường Trung học phổ thông Nam Sách, cách thức sử dụng tem bưu chính làm giáo cụ trực quan không quá phức tạp. Tùy vào yêu cầu nội dung kiến thức của từng bài học, giáo viên có thể sưu tập những con tem có cùng chủ đề, nội dung liên quan để phục vụ cho giảng dạy. Khi lên lớp, giáo viên sẽ khai thác nội dung, chủ đề của con tem để triển khai ý trong bài giảng hoặc minh họa cho một vấn đề nào đó của bài giảng. Việc Nam Sách có nhiều câu lạc bộ sưu tập tem là một thuận lợi lớn. Trong khâu chuẩn bị bài, giáo viên sẽ yêu cầu học sinh sưu tập những con tem liên quan đến nội dung bài học, tìm hiểu kiến thức về những con tem đó để trình bày hoặc phát biểu thảo luận trong phần học trên lớp. Kết thúc giờ học, giáo viên sẽ tập hợp những con tem sưu tập được của học sinh và phần kiến thức liên quan các em đã chuẩn bị để hình thành một bộ giáo cụ trực quan phục vụ cho bài học đó, hoặc giáo viên có thể yêu cầu học sinh về nhà tiếp tục hoàn thiện bộ sưu tập về đề tài đó để củng cố mở rộng kiến thức của bài học.
 
Theo đánh giá của các giáo viên tại trường Trung học phổ thông Nam Sách, loại giáo cụ trực quan là tem bưu chính đã giúp cho việc tiếp thu kiến thức của học sinh thuận lợi hơn và tạo cho các em một tâm thế say mê tìm tòi, học hỏi, tự trang bị kiến thức. Điều quan trọng là khi hướng các em học sinh đến việc sưu tập tem phục vụ cho học tập không chỉ giúp các em nhớ kiến thức dễ dàng hơn mà còn giúp các em tránh xa những trò chơi vô bổ, thậm chí có hại trên mạng Internet. Việc cùng sưu tập, trao đổi tem để hình thành bộ giáo cụ trực quan cũng đã tạo nên bầu không khí cởi mở, gần gũi giữa thầy và trò.

Việc dùng tem bưu chính làm giáo cụ trực quan có thể ứng dụng vào giảng dạy nhiều môn học ở trường phổ thông như văn học, lịch sử, địa lý, sinh học, công nghệ… Tuy nhiên, cách làm mới này cũng gặp phải một số khó khăn. Thứ nhất là ở những trường học chưa có phong trào chơi tem thì việc sưu tập, hình thành bộ giáo cụ trực quan bằng tem gặp nhiều khó khăn. Thứ hai là đối với học sinh lớp cuối cấp do áp lực học hành thi cử quá lớn cũng khiến các em không có thời gian đầu tư sưu tầm tem phục vụ cho bài học. Do đó nếu muốn áp dụng phương pháp giảng dạy mới này, nên tổ chức các câu lạc bộ sưu tập tem và thu hút các em học sinh tham gia từ bậc tiểu học.

Vẫn còn nhiều việc phải làm

Thị trường tem chơi của Việt Nam hiện vẫn còn khiêm tốn so với các nước trên thế giới. Trong số những người chơi tem thì số lượng nhà sưu tập tem chuyên nghiệp, nhiều khả năng tài chính chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ, còn đa số là những dân nghiền tem nghiệp dư, không có khả năng cạnh tranh. Do đó chưa tạo được một thị trường sôi nổi và được xã hội quan tâm sâu rộng. Trong 10 năm trở lại đây, số lượng tem phát hành có chiều hướng giảm, từ 30 bộ với 86 mẫu trong năm 2000 xuống 9 bộ với 28 mẫu năm 2009. Đặc biệt, con tem Việt hiện vẫn chưa có sức thu hút, hấp dẫn mạnh những người yêu thích sưu tập. Một phần do trình độ ứng dụng công nghệ, kỹ thuật in tem chưa theo kịp trình độ chung của thế giới, khiến cho hoạt động kinh doanh tem chơi ở Việt Nam gặp nhiều khó khăn.

Nhiều nhà sưu tập tem kỳ cựu cho rằng tem Việt Nam so với các thập niên trước thì in ấn đã đẹp hơn song so với tem của các quốc gia cùng khu vực như so với những con tem Hologram, tem ba chiều, tem in nổi, tem mạ vàng, mạ bạc của Malaysia, Singapore, tem vải, tem dị dạng của Trung Quốc, tem gắn đá, tem hương hoa hồng… của Thái Lan thì còn phải cố gắng nhiều.

Giá cả cũng là một trở ngại cho việc phát triển phong trào sưu tập tem. Giá mặt tem của Việt Nam còn cao so với thu nhập bình quân của người dân Việt Nam. Trung bình hiện nay giá tem nguyên năm của Việt nam là 500 ngàn đồng so với thu nhập bình quân đầu người năm 2009 là 1.100 USD trong khi đó giá tem phát hành của các nước Âu - Mỹ vào khoảng 50-70 USD song thu nhập bình quân cao gấp 10-20 lần của Việt Nam. Theo kiến nghị của ông Nguyễn Khánh Hồng, phó Chủ tịch Hội tem TP Hồ chí Minh thì giá mặt tem của Việt Nam nên từ 15-20.000 đồng/1 bộ. Ông cũng đề nghị tăng thêm các bộ chuyên đề trong năm để phục vụ người sưu tập.

Theo bà Nguyễn Thị Bội Lan, Vụ trưởng Vụ Bưu chính, Bộ TT&TT thì sắp tới Bộ sẽ chỉ đạo doanh nghiệp tập trung giải quyết những việc sau: quy hoạch chủ đề tem; đổi mới thiết kế tem; sử dụng có hiệu quả tem cước phí; xây dựng và ban hành chính sách minh bạch trong quản lý và kinh doanh đối với thị trường sơ cấp và thứ cấp đối với những loại tem đặc biệt chủ yếu dành cho sưu tập để đảm bảo tất cả các đối tượng tham gia thị trường đều được bình đẳng và được tạo điều kiện thuận lợi nhất trong kinh doanh ở thị trường thứ cấp.

Thúy Hòa
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top