
Phát biểu khai mạc hội thảo, Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện cho biết, mục đích của chương trình hội thảo này là nhằm tạo điều kiện tiếp tục thúc đẩy ngành phát thanh-truyền hình và đẩy nhanh số hóa truyền hình số mặt đất cả nước nói chung và khu vực Nam Bộ nói riêng. Đổi mới công nghệ phát thanh truyền hình, đặc biệt là truyền hình số mặt đất sẽ đem lại nhiều hiệu quả hơn nữa cho ngành phát thanh- truyền hình, thúc đẩy số hóa truyền hình mặt đất theo lộ trình số hóa truyền hình giai đoạn 2011-2020, đảm bảo sử dụng có hiệu quả tần số vô tuyến điện với khu vực và thế giới, tạo điều kiện phát triển dịch vụ truyền hình số trong tương lai phù hợp với Việt Nam và giải phóng một phần băng tần UHF để phát triển các nghiệp vụ thông tin băng rộng…
Hội thảo đã nghe Bao cáo giới thiệu Đề án số hóa truyền dẫn phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020 của Viện Chiến lược Bộ TT&TT; Báo cáo các vấn đề liên quan và Quy hoạch tần số cho truyền hình mặt đất của Cục Tần số Vô tuyến điện; Báo cáo đề án thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất của Đài truyền hình Tp. Hồ Chí Minh và Đài PTTH Vĩnh Long.
Các đại biểu đã thảo luận những vấn đề liên quan đến quy mô mạng truyền hình số mặt đất vùng Nam Bộ; thời điểm thành lập mạng vùng và vai trò của các đài địa phương. Về cơ bản, các đại biểu thống nhất với những nội dung trong Dự thảo Đề án số hóa truyền dẫn phát sóng truyền hình mặt đất và Quy hoạch tần số phát sóng truyền hình mặt đất. Tuy nhiên, để đề án được thực hiện thành công, các đại biểu đã đề xuất một số kiến nghị: Chính phủ cần sớm thống nhất bộ tiêu chuẩn với các mạng truyền dẫn và phát sóng số mặt đất, để đảm bảo khả năng một đầu thu (Set-top-box) có thể thu được chương trình của tất cả các mạng truyền dẫn phát sóng khác nhau; Chính phủ cần sớm thống nhất và ban hành qui định về trách nhiệm; quyền lợi và nghĩa vụ giữa các nhà khai thác toàn quốc và khu vực nhằm hạn chế đầu tư dàn trải, tạo các cơ chế hợp tác cùng phát triển giữa các nhà khai thác dịch vụ và các Đài PTTH có nhu cầu truyền dẫn; Lộ trình số hóa truyền dẫn phát sóng phải được thực hiện nhất quán, đồng bộ giữa các đài Đài truyền hình và giữa các khu vực, tránh trường hợp “xôi đỗ” dẫn đến phá vỡ quy hoạch; Quy hoạch tần số cho các nhà khai thác nên thực hiện theo phương án mở và cân đối theo nhu cầu truyền dẫn căn cứ trên năng lực và số lượng kênh chương trình trên mạng truyền dẫn…
Kết thúc buổi hội thảo, Thứ trưởng Lê Nam Thắng đã phân tích những mục tiêu cần đạt được của Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất đến năm 2010. Thứ trưởng cũng cho biết, Nhà nước sẽ có những chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp và người dân trong quá trình triển khai Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất, đó là: Hỗ trợ miễn phí đầu thu (Set-top-box) cho khoảng 5 triệu hộ dân có hoàn cảnh khó khăn; Hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư cơ sở hạ tầng; hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu đầu thu (Set-top-box)…