5 nhóm giải pháp quản lý online game

Thứ sáu, 06/08/2010 19:02

Thời gian vừa qua, dư luận xã hội có những bức xúc về ảnh hưởng xấu của một số online game. Sáng nay 06/8/2010 tại TP.Hồ Chí Minh, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã có cuộc gặp gỡ gần 40 doanh nghiệp kinh doanh Game và một số nhà cung cấp đường truyền, nhằm trao đổi một số giải pháp tình thế cấp bách về việc quản lý online game . Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn chủ trì buổi toạ đàm này, cùng dự còn có Vụ trưởng Vụ Viễn thông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục quản lý phát thành truyền hình và Thông tin điện tử Lưu Vũ Hải, Chánh Thanh tra Bộ Nguyễn Văn Hùng.

img

Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn đã nêu lên những mặt tích cực và tiêu cực của một số hình ảnh không tốt của một số game đã tác động xấu đến một bộ phận giới trẻ. Theo đó về công tác quản lý tuy đã có những văn bản pháp lý quy định, ràng buộc đối với đơn vị có liên quan đến việc cung cấp các trò chơi trực tuyến trong đó cả những đại lý cung cấp dịch vụ nhưng trước sự phát triển quá nhanh của loại hình này nên đã nẩy sinh một số tiêu cực. Mặc dù kể cả các cơ quan quản lý và các doanh nghiệp đều có những cố gắng đưa hoạt động này lành mạnh và đi đúng hướng, nhưng đa phần các đại lý lại chưa thấy hết được trách nhiệm của mình khi cung cấp dịch vụ này cho người tiêu dùng, vô hình chung đã làm sai lệch quy định đã ban hành.
Với tinh thần kiên quyết xoá bỏ dần những tiêu cực xấu trong lĩnh vực này, Bộ  TT&TT đã trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Quy chế về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ trò chơi trực tuyến, đồng thời phối hợp với Bộ Văn hóa – Thể thao – Du Lịch bổ sung thêm các quy định về quản lý trò chơi không trực tuyến nhằn nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực trò chơi điện tử nói chung. Trong khi chờ có Quy chế mới, Bộ TT&TT đã đưa ra 5 nhóm giải pháp, theo đó là 15 nội dung cụ thể.

Ở nhóm giải pháp thứ nhất mang tính chất tình thế đã được thể hiện cụ thể bằng công văn khẩn số 2455 ngày 02/8/2010 vừa qua, gửi các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi trực tuyến, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet, UBND các tỉnh-thành phố , và các Sở TT&TT cùng các đơn vị chức năng của Bộ. Trong văn bản nêu rõ: yêu cầu các doanh nghiệp rà soát các hoạt động của mình, bảo đảm thực hiện đúng các quy định tại Thông tư liên tịch số 60/2006/TTLB-BVHTT-BBCVT-BCA ngày 01/6/2006; đặc biệt chú trọng các quy định về quản lý giờ chơi, người chơi; tiết giảm tối các nội dung có yếu tố đối kháng, các hình ảnh, âm thanh mô tả kèm theo; tạm dừng thực hiện quảng cáo trò chơi trực tuyến dưới mọi hình thức. Triển khai ngay các biện pháp kỹ thuật, từ ngày 01/9/2010 ngừng cung cấp dịch vụ internet cho các đại lý internet ngoài thời gian mở, đóng cửa hàng ngày theo quy định của chính quyền địa phương. Sở TT&TT các địa phương tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật đối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi trực tuyến, các đại lý internet; xử lý nghiêm các sai phạm.

Văn bản này cũng nêu rõ, trong thời gian chờ Thủ tướng Chính phủ xem xét dự thảo quy chế mới, các cơ quan chức năng sẽ tạm dừng thẩm định, phê duyệt các nội dung kịch bản trò chơi mới.
Nhóm thứ 2, mang tính cơ bản và lâu dài hơn, đó là: nhanh chóng hoàn chỉnh nội dung trình Chính phủ ban hành về quy chế quản lý trò chơi trực tuyến (dự kiến tháng 9 sẽ ban hành); Đồng thời có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư sản xuất các trò chơi thuần Việt, lành mạnh, có yếu tố giáo dục về đạo đức, truyền thống, lịch sử; giới truyền thông tích cực tuyên truyền góp phần để dư luận xã hội nâng cao nhận thức, đúng và đầy đủ về các hoạt động game.

Trong nhóm giải pháp thứ 3, cần nghiên cứu xây dựng Luật về an toàn, an ninh trên mạng mang tính tổng thể ở nhiều lĩnh vực (không riêng trò chơi trực tuyến); Sớm thành lập Cục An toàn Thông tin và tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này.

Ở nhóm giải pháp thứ 4 được xác định là trọng điểm là: tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi trực tuyến, đồng thời tăng cường kiểm tra cơ sở và đại lý hoạt động lĩnh vực này.

Và nhóm giải pháp 5: thường xuyên có sự phối hợp, giữa các Bộ, Ngành Trung ương và nêu rõ trách nhiệm từng đơn vị trong việc quản lý ở lĩnh vực này. Phối hợp và nâng cao trách nhiệm vai trò của chính quyền địa phương từ cấp tỉnh - thành cho tới quận, huyện- phường, xã; đặc biệt là ý thức trách nhiệm từng gia đình, các tổ chức xã hội, đoàn thể.

Một số ý kiến doanh nghiệp trong buổi toạ đàm, tuy còn có những băn khoăn như: sẽ ảnh hưởng doanh thu; việc đầu tư cho một trò chơi tốn khoản kinh phí lớn tới triệu USD; nếu sản xuất một trò chơi thuần Việt phải mất 2, 3 năm rất lâu mới lấy lại được vốn; giới truyền thông đại chúng cũng cần có sự ủng hộ tích cực với game lành mạnh, thuần Việt; các nhà cung cấp dịch vụ thông tin di động cũng cần nghiêm túc chấp hành việc quảng cáo về game với các thuê bao của mình như Bộ TT&TT đã quy định. Tuy vậy, đa phần các đại biểu đều thấy được trách nhiệm của mình với cộng đồng, nhất là giới trẻ  và vì sự phát triển một xã hội lành mạnh nên rất đồng tình với những giải pháp tình thế cũng như lâu dài  mà Bộ TT&TT đã đưa ra.

banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top