Bài phát biểu của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp tại Mít tinh kỷ niệm 85 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam

Thứ sáu, 18/06/2010 09:33

Hà Nội, ngày 18 tháng 6 năm 2010 Kính thưa các đồng chí Nhân kỷ niệm 85 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, tôi xin chúc các nhà báo và những người làm công tác chỉ đạo, quản lý báo chí mạnh khoẻ, thành đạt, hạnh phúc và chúc Nền báo chí Cách mạng Việt Nam ngày càng phát triển và tính chuyên nghiệp ngày càng cao. Kính chúc quý vị và đại biểu dồi dào sức khỏe, hạnh phúc và tiến bộ.

img

Cách đây 85 năm, ngày 21/6/1925, Báo Thanh niên, cơ quan ngôn luận của Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội, một tổ chức tiền thân của Đảng ta, do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trực tiếp thành lập, đã xuất bản số báo đầu tiên. Sự ra đời của Báo Thanh niên đã khai sinh ra Nền báo chí Cách mạng Việt Nam mang tính chiến đấu, gắn bó chặt chẽ với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước theo con đường mà Đảng và Bác Hồ đã chọn.

Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Đúng 11 giờ 30 phút ngày 07/9/1945, Đài Tiếng nói Việt Nam phát chương trình đặc biệt, đầu tiên với nội dung quan trọng là toàn văn bản Tuyên ngôn Độc lập, do Bác Hồ đọc tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, đánh dấu sự ra đời của Ngành Phát thanh quốc gia.

Đúng 25 năm sau, ngày 07/9/1970 Đài Truyền hình Việt Nam được thành lập từ một Ban biên tập của Đài Tiếng nói Việt Nam, đánh dấu sự ra đời của ngành truyền hình Việt Nam.

Những năm cuối của thế kỷ XX, sự bùng nổ và phát triển rất nhanh của Internet đã tác động rộng lớn đến hệ thống báo chí, đồng thời đánh dấu sự ra đời của các báo điện tử và các trang thông tin điện tử tại Việt Nam.

 Tính đến tháng 12/2009, trên lĩnh vực báo In, cả nước có 706 cơ quan báo chí với hơn 900 ấn phẩm, trong đó có cơ quan báo chí với nhiều ấn phẩm có chất lượng tốt; các cơ quan báo chí có ấn phẩm xuất bản hàng ngày tăng khá nhanh.

Trên lĩnh vực phát thanh - truyền hình, hiện có 67 đài phát thanh - truyền hình gồm 3 đài trung ương và 64 đài phát thanh - truyền hình địa phương; Mạng lưới truyền thanh cơ sở có 606 đài cấp huyện trong đó trên 350 đài phát sóng FM. Hệ thống truyền hình trả tiền phát triển nhanh, đã phát nhiều kênh truyền hình trong nước và nước ngoài, đáp ứng tốt nhu cầu hưởng thụ thông tin, giải trí phong phú, đa dạng của Nhân dân trong nước, Việt kiều ngoài nước và bạn bè quốc tế.

Trên lĩnh vực thông tin điện tử, có 27 báo điện tử và 88 trang tin điện tử của các cơ quan báo chí, hàng ngàn trang tin điện tử của các cơ quan Đảng, Nhà nước, các đoàn thể, hội, hiệp hội và các doanh nghiệp.

Hãng Thông tấn quốc gia ngày càng phát triển và không ngừng đổi mới, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, kịp thời cung cấp thông tin phục vụ trong nước và quốc tế.

Với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, báo chí Việt Nam đã có nhiều thay đổi lớn, từ một cơ quan báo chí có một ấn phẩm đến nhiều ấn phẩm, từ một cơ quan báo chí có một loại hình báo chí đến nay đa số các cơ quan báo chí có 2 loại hình là báo in và báo điện tử; một số cơ quan báo chí có 3 loại hình, có cơ quan báo chí hội tụ đủ cả 4 loại hình: báo nói, báo hình, báo viết, báo điện tử, như Đài Tiếng nói Việt Nam.

Nhìn lại quá trình ra đời và phát triển, 8,5 thập kỷ qua, Báo chí Việt Nam đã có bước trưởng thành vượt bậc cả về loại hình, số lượng cơ quan báo chí, cả nội dung, hình thức và chất lượng thông tin, cả đội ngũ và tính chuyên nghiệp của những người làm báo. Báo chí đã làm tốt công tác truyền thông, là tiếng nói của Đảng và Nhà nước; là diễn đàn của nhân dân, tạo sự cởi mở và dân chủ về thông tin, đóng góp tích cực cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng đất nước và công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, trong những năm tháng hào hùng, khốc liệt của chiến tranh cứu nước, hơn 400 nhà báo cách mạng đã ngã xuống trên các chiến trường với tư thế của người chiến sỹ vừa cầm bút, vừa cầm súng, cống hiến cả cuộc đời cho độc lập, tự do của Tổ quốc, cho hạnh phúc của nhân dân, tô thắm thêm trang sử vẻ vang của Nền Báo chí Cách mạng Việt Nam. Trong thời kỳ xây dựng đất nước, các nhà báo luôn làm tốt trọng trách của những chiến sỹ trên mặt trận tư tưởng văn hoá. Họ đã có những tác phẩm báo chí xuất sắc trong việc chống lại các luận điệu sai trái, thù địch…, biểu dương các điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt, đấu tranh phòng, chống tiêu cực; xứng đáng là cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước và diễn đàn của nhân dân… .Tính đến nay, cả nước có trên 17.000 nhà báo được cấp thẻ hành nghề, trong đó nhiều phóng viên, biên tập viên và lãnh đạo các cơ quan báo chí được đào tạo cơ bản về chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, từng bước trẻ hoá, tri thức hoá và chuyên nghiệp hoá, góp phần đưa nền báo chí cách mạng nước ta ngang tầm, và hội nhập sâu rộng với nền báo chí chuyên nghiệp và hiện đại của thế giới.

Các cơ quan báo chí đã bám sát thực tiễn của đời sống xã hội, thực hiện đúng sự lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng thông tin của Đảng, Nhà nước. Truyền tải thông tin, đầy đủ, phong phú, kịp thời, toàn diện về mọi diễn biến của đời sống chính trị, kinh tế - xã hội trong nước và quốc tế, đáp ứng tốt quyền được thông tin của công dân, góp phần quan trọng thực hiện dân chủ hoá đời sống xã hội.

Báo chí đã chủ động tích cực tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, sự điều hành của Chính phủ về phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, tăng cường an ninh quốc phòng, củng cố và nâng cao niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, đổi mới và hội nhập quốc tế.

Báo chí đã thực hiện tốt chức năng tuyên truyền trong cả thời kỳ chiến tranh ái quốc và hoà bình xây dựng đất nước; cả chính trị, kinh tế - xã hội; cả thuận lợi, khó khăn, thành tựu, thách thức; các nhà báo luôn có mặt ở mọi miền của Tổ quốc và cả ở nước ngoài trên tất cả các lĩnh vực sôi động, nóng hổi tính thời sự của thời đại, của cuộc sống. Những năm gần đây báo chí đã tuyên truyền có hiệu quả nhiều chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước như Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, các phong trào thi đua yêu nước… tạo nên hào khí chính trị, dân chủ, đoàn kết, vượt khó, xây dựng và chấn hưng đất nước trong toàn xã hội.

Nhiều cơ quan báo chí đã năng động, tích cực trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và các tiêu cực xã hội, tiếp tục đấu tranh chống “diễn biến hoà bình”, phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch.

Thông tin trên báo chí đã góp phần mở rộng quan hệ đối ngoại; quảng bá ra thế giới hình ảnh đất nước và con người Việt Nam thanh bình, thân thiện, là địa chỉ tin cậy của khách du lịch và các nhà đầu tư trong và ngoài nước, nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.

Bên cạnh mặt thành tích là chủ đạo, cũng xuất hiện một số cơ quan báo chí, nhà báo có sai phạm như xa rời tôn chỉ mục đích, có biểu hiện thương mại hóa, đưa thông tin thiếu trung thực, sai sự thật, mê tín, dung tục, trái với văn hoá truyền thống của dân tộc, một số ít phóng viên có biểu hiện sách nhiễu công dân, vòi vĩnh doanh nghiệp, làm cho dư luận phân tâm, đồng nghiệp phiền lòng, làm ảnh hưởng đến truyền thống của Báo chí Cách mạng mà các thế hệ đàn anh, đi trước, đã dày công xây đắp. Những khuyết điểm nêu trên đang được các cơ quan quản lý báo chí và đội ngũ biên tập viên, phóng viên nhận thức và tập trung khắc phục, không ngừng phấn đấu, vươn lên, xứng đáng với truyền thống Báo chí Cách mạng, sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và niềm tin yêu của Nhân dân.   

Trong quá trình tác nghiệp và hành nghề, lực lượng báo chí Nước nhà luôn luôn được đón nhận sự động viên, giám sát, góp ý của nhân dân. Sự chỉ đạo sâu sát, cụ thể nghiêm túc của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận tổ quốc, các Bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương và các địa phương, các tổ chức quốc tế. Nhân dịp này cho phép tôi thay mặt các Binh chủng báo chí quốc gia trân trọng cảm ơn sự quan tâm có hiệu quả và đầy tinh thần trách nhiệm của các cấp, các ngành, của đồng bào, đồng chí chiến sỹ cả nước và đồng nghiệp quốc tế.

Kính thưa toàn thể các đồng chí!             

Hai năm gần đây, tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, kinh tế suy giảm, khủng bố, xung đột vũ trang tôn giáo, sắc tộc đang diễn ra ở nhiều nơi. Đất nước ta cũng đang đứng trước nhiều thách thức khó khăn do tác động bất lợi của khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và điều hành của Chính phủ, chúng ta đã nỗ lực vượt khó, đạt được nhiều thành tựu quan trọng: chính trị ổn định, kinh tế tăng trưởng khá, an sinh xã hội được đảm bảo, quốc phòng, an ninh tiếp tục được tăng cường. Trong thành tựu chung đó có sự đóng góp quan trọng, to lớn của báo chí. Năm 2009 cũng là năm báo chí tiếp tục phát triển và có nhiều tiến bộ, trưởng thành, báo chí đã đồng hành cùng Chính phủ tạo nên sự đồng thuận xã hội cao, củng cố niềm tin của của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và điều hành của Nhà nước.

Năm 2010 là năm có nhiều sự kiện trọng đại của đất nước, năm kỷ niệm 65 năm ngày thành lập Nước, tiến tới Đại lễ 1.000 năm Thăng Long, Hà Nội. Đặc biệt là năm mở Đại hội Đảng các cấp, hướng tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI. Trong bối cảnh đó, báo chí cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ chính sau đây:

1. Tuyên truyền kết quả Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, tạo không khí phấn khởi tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước trong các tầng lớp nhân dân.

2. Tập trung cung cấp thông tin làm rõ sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ nhất là các giải pháp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, đảm bảo an sinh và trật tự an toàn xã hội, tạo sự đồng thuận cao trong đời sống chính trị, kinh tế của đất nước.

3. Tích cực tuyên truyền phổ biến pháp luật, nhằm tăng cường kỷ cương xã hội, đặc biệt là các đạo luật mới đã được Quốc hội thông qua.

4. Tăng cường thông tin phòng, chống các tiêu cực và tệ nạn xã hội; phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, vệ sinh thực phẩm, an toàn giao thông; phê phán, phản bác các luận điệu sai trái của các thế lực thù địch.

5. Thông tin sâu rộng về thành tích, thành tựu, ý nghĩa các hoạt động thi đua trong toàn quân, toàn dân hướng tới kỷ niệm những sự kiện lớn của đất nước, đặc biệt là 65 năm Cách mạng tháng Tám, Quốc khánh (2-9) và 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

6. Tăng cường thông tin đối ngoại, tập trung tuyên truyền các sự kiện quốc tế và khu vực diễn ra tại Việt Nam, nhân năm Việt Nam đảm nhận cương vị Chủ tịch ASEAN góp phần tăng cường vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

7. Các cơ quan báo chí căn cứ vào tôn chỉ mục đích của mình, tuyên truyền tốt các nội dung nêu trên, tăng thời lượng đưa tin người tốt, việc tốt trong từng ngành, từng địa phương và cơ sở, hạn chế các thông tin sai trái, tất cả vì một nền báo chí: Trung thực, Khách quan, Nhanh nhậy và Hướng thiện.

Kính thưa tất cả các đồng chí!

Nhìn lại chặng đường 85 năm đã qua, chúng ta thật sự tự hào về những thành tích và truyền thống vẻ vang của báo chí Cách mạng Việt Nam. Trong ngày Lễ trọng thể này, thay mặt Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, tôi xin gửi lời thăm hỏi và tri ân đến thân nhân và gia đình các nhà báo liệt sỹ, gửi lời chúc mừng nồng nhiệt đến các nhà báo lão thành và đội ngũ hùng hậu những người làm báo Nước nhà, chúc cho sự nghiệp báo chí Cách mạng Việt Nam tiếp tục phát triển và đạt nhiều thành tựu mới trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đổi mới đất nước thắng lợi và hội nhập quốc tế thành công.

Kính chúc các vị khách quý mạnh khỏe và hạnh phúc.

Xin trân trọng cảm ơn.
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top