Đối thoại trực tuyến: Xây dựng chính phủ điện tử tại VN

Chủ nhật, 22/11/2009 10:09

10h sáng ngày 22/11/2009, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Minh Hồng đối thoại trực tiếp với chủ đề “Xây dựng chính phủ điện tử tại Việt Nam”.

img

Chương trình được tường thuật trực tiếp trên kênh VTC2 và kênh truyền hình độ nét cao VTC-HD9  của Đài truyền hình Kỹ thuật số VTC. Cuộc đối thoại còn được thực hiện trực tuyến trên các báo điện tử VTC News, VietNamNet, ICT News, Trang thông tin điện tử của Bộ TT&TT (http://MIC.gov.vn).

Nội dung của buổi Giao lưu:

- Thưa Thứ trưởng, chúng ta đang nhắc tới khái niệm “Chính phủ điện tử”. Qua các phương tiện truyền thông thì khán giả có thể bắt gặp khá nhiều các định nghĩa ít nhiều không giống nhau về “Chính phủ điện tử”. Vậy xin ông cho biết chính xác “Chính phủ điện tử” là gì?

Trả lời:
Đúng là hiện nay có nhiều cách hiểu, cách diễn đạt khác nhau về chính phủ điện tử. Theo chúng tôi, chính phủ điện tử, hiểu theo cách đơn giản, là Chính phủ ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông để nâng nâng cao năng lực quản lý, điều hành của Chính phủ, cung cấp thông tin và các dịch vụ hành chính công trực tuyến nhằm phục vụ người dân và doanh nghiệp cũng như các tổ chức xã hội tốt hơn và đồng thời tạo điều kiện để người dân phát huy quyền làm chủ của mình.
Như vậy, Chính phủ điện tử ở đây bao gồm 3 yếu tố chính:
          Một là, thông tin và dịch vụ mà Chính phủ cung cấp hoặc giao tiếp với công dân/doanh nghiệp/tổ chức xã hội (G2B – Government to Business và G2C – Government to Citizen). Các giao dịch này bao gồm: cung cấp các thông tin về các luật lệ, qui chế, chính sách v.v… và các dịch vụ hành chính công trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp qua môi trường mạng.
          Hai là, các hoạt động điều hành tác nghiệp, trao đổi thông tin trong nội bộ của từng cơ quan và giữa các cơ quan với nhau: giữa các cơ quan nhà nước với nhau, giữa các cơ quan theo ngành dọc hay giữa chính quyền trung ương và địa phương (G2G – Government to Government) nhằm thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của cơ quan mình, cung cấp thông tin, dịch vụ cho người dân và doanh nghiệp như đã nói ở trên. Đồng thời, cũng có các giao dịch giữa các cơ quan của Chính phủ Việt Nam với Chính phủ và các tổ chức quốc tế trên thế giới như Liên hiệp quốc hay các nước ASEAN.
 Ba là, tạo thêm các kênh thông tin mới giúp cho người dân tham gia vào việc quản lý xã hội, thực hiện tốt hơn quyền làm chủ của mình (thông qua các diễn đàn trao đổi, đóng góp ý kiến, đề xuất cơ chế chính sách, chuyên mục hỏi đáp,…). Gần đây, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật cũng đã yêu cầu đăng dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật 60 ngày trên các trang thông tin điện tử để lấy ý kiến góp ý của nhân dân.
 Như vậy, theo cách hiểu đó thì chính phủ điện tử không phải là 1 thực thể mà chính phủ điện tử thực chất là một công cụ, một cách thức làm việc để phục vụ người dân tốt hơn, hiệu quả hơn, giúp Chính phủ hoạt động minh bạch hơn. Nhân đây, tôi cũng chia sẻ thêm, cụm từ “Chính phủ” trong chính phủ điện tử ở đây có thể rộng hơn cách hiểu thông thường, không chỉ bao gồm các cơ quan hành chính (các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND các cấp) mà còn bao gồm cả các cơ quan lập pháp (Quốc hội), các cơ quan tư pháp (Tòa án, Viện kiểm sát), các cơ quan của Đảng và các tổ chức chính trị-xã hội.

- Thưa Thứ trưởng, phóng sự chúng ta vừa theo dõi có đề cập tới “Chính phủ điện tử” ở mức độ đặt vấn đề, tức là có thể giúp cho công chúng hiểu được một cách sơ bộ về khái niệm ít nhiều còn xa lạ này, nhưng có lẽ để nắm bắt một cách thấu đáo hơn thì hẳn còn nhiều vấn đề khác phải được đặt ra. Cho tới lúc trong Chương trình quốc gia về ƯDCNTT, chúng ta cần phải đạt được những mục tiêu gì, thưa ông?

Trả lời:
Như tôi đã nói ở trên, mục tiêu tổng quát của chính phủ điện tử là giảm thời gian xử lý, tăng năng suất lao động để phục vụ xã hội tốt hơn. Tùy theo từng giai đoạn phát triển mà chúng ta sẽ có các mục tiêu cụ thể. Ví dụ, theo dự thảo Chương trình quốc gia về ƯDCNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2011-2015, có 2 mục tiêu chính:
Thứ nhất, tạo lập được môi trường làm việc điện tử phục vụ hoạt động của các cơ quan chính phủ, nâng cao hiệu quả, rút ngắn thời gian xử lý công việc, giảm dần việc sử dụng các văn bản giấy, chuyển sang trao đổi bằng văn bản điện tử. Chúng tôi đặt mục tiêu đến năm 2015, 70% các văn bản, tài liệu chính thức trao đổi giữa các cơ quan nhà nước được trao đổi là văn bản điện tử.
Thứ hai, đến năm 2015, Cổng thông tin điện tử hoặc Trang thông tin điện tử của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải cung cấp với đầy đủ thông tin theo quy định tại Điều 28 của Luật Công nghệ thông tin và cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 2 cho người dân và doanh nghiệp.
Các dịch vụ công trực tuyến ở mức độ cao hơn, như mức độ 3 và mức độ 4 sẽ được chọn lựa cung cấp theo thứ tự ưu tiên dựa trên nhu cầu của người dân và doanh nghiệp, tính khả thi khi triển khai.
Dự thảo Chương trình quốc gia về ƯDCNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước có đưa ra một Danh mục các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 được ưu tiên triển khai trong giai đoạn 2011 – 2015.
Nhân đây, tôi cũng xin chia sẻ thêm, theo hướng dẫn của Bộ TT&TT, có 4 mức độ cung cấp dịch vụ hành chính công trực tuyến như sau:
- Mức độ 1 – Cung cấp thông tin: trên trang web của các Bộ hoặc các địa phương có cung cấp đầy đủ thông tin cho người dân và doanh nghiệp. 
- Mức độ 2 – Cung cấp biểu mẫu: Ngoài cung cấp đầy đủ thông tin còn cung cấp được các biểu mẫu. Người dân có thể tải từ trên mạng, in các biểu mẫu này ra, điền vào và gửi tới cơ quan hành chính mà không cần phải trực tiếp đến cơ quan hành chính để lấy như trước đây.
- Mức độ 3 – Cho phép điền thông tin vào mẫu và gửi biểu mẫu qua mạng: cho phép người sử dụng điền trực tuyến vào các mẫu đơn, hồ sơ và gửi lại trực tuyến các mẫu đơn, hồ sơ sau khi điền xong tới cơ quan và người thụ lý hồ sơ.
- Mức độ 4 – Cho phép thanh toán phí, lệ phí trực tuyến: cho phép thanh toán chi phí được thực hiện trực tuyến, nhận kết quả trực tuyến qua mạng hoặc qua đường bưu điện. Đây có thể là mức cao nhất và ở mức độ này, gần như mọi hoạt động đã được thực hiện qua môi trường điện tử.

- Những cơ quan, ban, ngành nào được coi là “buộc” phải ứng dụng công nghệ thông tin để phục vụ cho chương trình Chính phủ điện tử?

Trả lời:
Tất cả các cơ quan, ban, ngành cũng như các tổ chức chính trị xã hội từ trung ương đến địa phương như tôi đã nói ở trên đều cần phải ứng dụng công nghệ thông tin, mà đây thực sự cũng là xuất phát từ nhu cầu tự thân của các cơ quan này, vì CNTT đã trở thành một phần ko thể thiếu được trong hoạt động của mọi cơ quan, tổ chức.
Đặc biệt, trong các cơ quan hành chính nhà nước, các cơ quan nào có các giao dịch trực tiếp với người dân, càng “gần” dân thì càng phải ứng dụng CNTT sớm hơn so với những cơ quan khác.

- Cuối tháng 10 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức công bố ra mắt Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về Thủ tục hành chính. Điều này có ý nghĩa như thế nào đối với chương trình Chính phủ điện tử ở thời điểm này thưa ông?

Trả lời:
Tôi thấy CSDL về TTHC mà Thủ tướng Chính phủ đã công bố là một việc hết sức có ý nghĩa vì nó đã cung cấp cho chúng ta một hệ thống CSDL, mà theo tôi được biết, bao gồm thủ tục hành chính ở cả 4 cấp từ trung ương đến các tỉnh, huyện, và xã, với 5700 thủ tục hành chính và 85.000 biểu mẫu khác nhau được cung cấp lên mạng. Tôi nghĩ đây là một hệ thống dữ liệu hết sức đáng quý, có ý nghĩa, một sự nỗ lực đáng kể của Tổ công tác 30 của Chính phủ và của các Bộ, ngành. Hệ thống CSLD này sẽ tạo nền tảng quan trọng để có thể cung cấp được dịch vụ hành chính công mức độ 2 (thông tin và biểu mẫu).
Trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tiếp tục rà soát, giảm bớt các thủ tục hành chính không cần thiết. Việc này sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các cơ quan nhà nước xây dựng và cung cấp các dịch vụ hành chính công trực tuyến ở mức độ cao hơn, mức độ 3 và mức độ 4 như tôi đã nói ở trên. Và vì vậy, sẽ đẩy nhanh tiến trình ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân và doanh nghiệp.

img- Qua những thông tin sơ bộ về chính phủ điện tử, tôi hình dung tới một hệ thống quản lý chặt chẽ bằng máy móc và phương tiện công nghệ thông tin. Nhưng theo tôi thấy thì ở các cơ quan quản lý nhà nước, có thể ở cấp cao hơn thì đỡ hơn, nhưng từ cấp huyện trở xuống thì trình độ CNTT của người dân còn yếu kém lắm, việc một cán bộ hành chính không biết cách lập một địa chỉ email cho riêng mình hoặc được lập cho rồi thì vẫn lóng ngóng không biết khai thác hết các công cụ của hộp thư điện tử là quá phổ biến. Nên tôi không biết mục tiêu chính phủ điện tử của chúng ta sẽ được thực hiện như thế nào? Bao giờ mới thành? Hay là chỉ cần triển khai ở cấp trên, cấp rất cao thôi?

Trả lời:
 Về mục tiêu, tôi đã trả lời ở trên. Tuy nhiên, theo từng giai đoạn chúng ta sẽ căn cứ theo quá trình triển khai thực tế để đề xuất bước đi, giải pháp phù hợp để làm sao tối ưu hóa tiến trình tiến tới chính phủ điện tử như mong muốn.
Thứ 2 là việc bao giờ hoàn thành, tôi có thể là trả lời là không biết bao giờ có thể hoàn thành. Cũng như cải cách hành chính, đây là việc làm liên tục và lâu dài, chừng nào chúng ta còn, xã hội còn thì việc hoàn thiện các quy trình hành chính của nhà nước còn tiếp tục.
Lộ trình như tôi nói thì bên cạnh việc cung cấp các dịch vụ trực tuyến cho người dân ở mức độ thấp mà trong thời gian tới chúng ta vẫn song song triển khai, thì chúng ta tăng cường ứng dụng CNTT trong nội tại, nội bộ các cơ quan nhà nước. Còn các cấp cần triển khai thì như tôi đã nói ở trên, tất cả các cấp đều cần triển khai, đặc biệt cấp nào càng gần dân thì càng phải triển khai sớm.
Tôi cũng chia sẻ với bạn Nga về thực trạng, trình độ, khả năng ứng dụng CNTT của công chức cũng như của người dân. Trên thực tế, để đánh giá điều này, các tổ chức quốc tế đưa ra khái niệm độ sẵn sàng điện tử (e-readiness) để so sánh tương quan các nước với nhau về tính sẵn sàng để triển khai ứng dụng CNTT. Ở nước ta, đến nay chúng ta nhìn nhận cũng đã có nhiều người sử dụng internet, biết sử dụng CNTT nhưng ở mức độ còn khá đơn giản, vì vậy, với số đông thì đây là một thách thức, nhà nước phải có kế hoạch bồi dưỡng, nâng cao nhận thức cũng như khả năng sử dụng CNTT của công chức và phổ cập CNTT trong toàn xã hội.
Chúng ta thấy là để xây dựng chính phủ điện tử cũng cần có công chức điện tử, công dân điện tử. Tất nhiên chúng ta không thể xây dựng chính phủ điện tử sau khi có công chức và công dân điện tử, tất cả quá trình này diễn ra song song, đồng thời để cùng nhau thúc đẩy nền hành chính điện tử của chúng ta đi lên, đáp ứng được các yêu cầu, các mục tiêu mà chúng ta hướng tới.

- Tôi hiểu với một cơ quan quản lý hành chính nhà nước thì trang web của cơ quan đó chính là một phương tiện để thực hiện thông tin ra bên ngoài, là cách để người dân có thể theo dõi và nắm bắt tình hình hoạt động của cơ quan đó. Thế nhưng nhiều cơ quan hiện nay lập ra website rồi lại bỏ bẵng không chăm sóc, không cập nhật thường xuyên, điều đó nghiễm nhiên gây khó khăn cho người dân có nhu cầu thông tin. Đâu là lý do của thực trạng này? Liệu có thể nào là một sự né tránh thông tin? Và liệu sẽ phải khắc phục thế nào để hướng tới một chính phủ điện tử mà các nhà quản lý đang rất hào hứng nói tới?

Trả lời:
 Lý do mà các trang tin điện tử của các cơ quan nhà nước không cập nhật thường xuyên, theo tôi là do những nguyên nhân sau:
Thứ nhất, nhiều lãnh đạo cơ quan chưa quan tâm đúng mức, chưa thấy rằng việc cập nhật thông tin lên website của cơ quan mình là thật sự cần thiết và quan trọng.
Thứ hai là khó khăn về nhân lực và tài chính, nhưng tôi không nghĩ là có sự né tránh thông tin ở đây. Bởi vì, đa số lãnh đạo các cơ quan cũng đều muốn cung cấp đầy đủ các thông tin, các hoạt động, cũng như các thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của cơ quan mình tới người dân và xã hội.
Để góp phần giải quyết vấn đề này, tháng 7 vừa qua, Bộ TT&TT đã ban hành Thông tư yêu cầu cơ quan nhà nước phải cung cấp những văn bản pháp luật liên quan đến cơ quan mình, cung cấp thông tin và các thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của cơ quan mình để người dân có thể hiểu và nắm rõ. Bộ cũng đang dự thảo Nghị định của Chính phủ để có một văn bản pháp lý mạnh hơn quy định rõ trách nhiệm phải cung cấp thông tin tới người dân.
Ngoài ra, Bộ TT&TT cũng có một giải pháp cụ thể: 1 năm 2 lần tổ chức đánh giá xếp hạng các trang tin điện tử của các cơ quan Bộ, cơ quan ngang Bộ với nhau, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố với nhau để các cơ quan thấy mình còn thiếu thông tin gì từ đó có giải pháp khắc phục.
Tôi cũng hy vọng các Bộ, ngành địa phương cũng tự có đánh giá, xếp hạng giữa các cơ quan, đơn vị trong nội bộ Bộ, ngành địa phương mình. Bên cạnh đó, tôi cũng mong nhận được các góp ý, phản ánh về tình trạng đưa thiếu thông tin, đưa các tin cũ, ít cập nhật ... để Bộ TT&TT có thể có những đôn đốc, góp ý tới các Bộ, ban, ngành, hoặc UBND các tỉnh, thành phố một cách kịp thời.

- Tôi từng tham gia một khóa học về Chính phủ điện tử vào năm 2002 do Bộ KHCN tổ chức tại Hòa Lạc. Vào thời gian đó, có thể nói là chúng ta còn khá sơ khai, tổ chức cơ sở dữ liệu và cổng thông tin còn chưa có.. . Sau 8 năm, bây giờ nhìn lại, chúng ta có thể tự hào rằng Việt Nam đã có những bước đi hết sức nhanh chóng và kịp thời. Tôi muốn được Thứ trưởng chia sẻ thêm là cụ thể là người dân hay doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi ích gì và như thế nào với Chính phủ điện tử?

Trả lời:
Cám ơn bạn Quốc. Đúng là trong những năm vừa qua, chúng ta đã có những bước tiến nhất định trong việc thúc đẩy ứng dụng CNTT, nhưng còn xa mới đáp ứng được kỳ vọng của xã hội.
Lợi ích mà người dân và doanh nghiệp được hưởng thì theo tôi cũng chưa thực sự nhiều, nhưng có thể kể ra như:
- Có thể truy nhập vào Cổng thông tin điện tử của Chính phủ và website của các cơ quan nhà nước để tìm hiểu về cơ chế, chính sách, văn bản chỉ đạo điều hành nhanh chóng, kịp thời;
- Tham gia đóng góp ý kiến trong quá trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ; giao lưu trực tuyến với các cán bộ lãnh đạo cao cấp của Nhà nước; trao đổi ý kiến, kiến nghị trực tuyến với các CQNN ....
- Tìm hiểu về quy trình thủ tục hành chính trên mạng (dịch vụ hành chính công mức 1), tải về và in ra các biểu mẫu hồ sơ hành chính trên mạng (dịch vụ hành chính công mức độ 2), gửi hồ sơ xin phép qua mạng một số địa phương (dịch vụ hành chính công mức độ 3).

- Thưa Thứ trưởng, tôi nhận thấy rằng, cái gọi là chính phủ điện tử hiện nay chỉ là những dịch vụ mà các cơ quan công quyền muốn cho thứ gì thì cho dân được hưởng thứ đó, còn không thì … thôi! Theo tôi được biết, đã gọi là mô hình chính phủ điện tử thì phải có cơ sở dữ liệu dùng chung nhưng được biết, khâu này vẫn chưa có ai làm. Cơ sở dữ liệu của đơn vị nào thì đơn vị đó dùng. Theo thứ trưởng, hiện nay mô hình Chính phủ điện tử của Việt Nam đang ở cấp độ nào?

Trả lời:
Tôi nghĩ trình độ chính phủ điện tử của chúng ta hiện nay còn chưa cao. Việc các cơ quan nhà nước hiện này cung cấp thông tin còn nghèo nàn, theo như bạn Nguyệt suy nghĩ, là vì “cơ quan nhà nước muốn cho dân cái gì thì dân được hưởng thứ đó”, thì tôi không thực sự chia sẻ. Tôi không nghĩ là các cơ quan nhà nước hiện nay lại tiếp cận và thực hành việc triển khai ứng dụng CNTT theo hướng đó, mà là vì những khó khăn như chúng ta đã nêu, trong đó có khó khăn trong việc tập hợp, thu thập thông tin để cung cấp cho người dân và doanh nghiệp. Chúng tôi hy vọng trong thời gian tới việc này sẽ được tiến triển tốt hơn sau khi có những văn bản do Bộ TT&TT ban hành như đã nêu ở trên.
Về CSDL, đúng là đây là vấn đề cấp thiết. Chúng ta đã có một số CSDL quốc gia được xây dựng trong thời gian qua, ví dụ, CSDL quốc gia về hành chính như chúng ta đã đề cấp đến ở phần trước. Về việc này, Bộ TT&TT đã xây dựng Danh mục các CSDL quốc gia cần phải triển khai xây dựng trong thời gian tới. Thủ tướng Chính phủ sẽ có phân công cho một hoặc vài Bộ chủ trì xây dựng những CSDL chuyên ngành thuộc phạm vi chức năng của Bộ mình, tuân theo các chuẩn do Bộ TT&TT quy định trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc để đảm bảo khả năng liên kết, chia sẻ khi đưa vào sử dụng rộng rãi. 

- Muốn phát triển CPĐT mạnh thì người đúng đầu các CQNN có cần hiểu và có kiến thức tốt về CNTT không?  Tôi thấy nhiều vị lãnh đạo các Bộ, ngành ở Việt Nam chưa có kiến thức về CNTT tốt lắm, nên chỉ đạo chưa được sát. Tôi nghĩ nhà nước cần phải có yêu cầu lãnh đạo phải có bằng cấp chuyên ngành về CNTT  từ Cao đẳng trở lên. Thứ trưởng nghĩ sao về điều này?

Trả lời:
Đúng là còn có nhiều bất cập trong việc hiểu và nhận thức đúng về CNTT. Nhưng tôi nghĩ đã là lãnh đạo thì không nhất thiết phải có hiểu biết sâu về CNTT, vì các đồng chí lãnh đạo hầu hết là phải chỉ đạo nhiều lĩnh vực, nếu lĩnh vực nào cũng cần có bằng cấp chuyên môn ở trình độ Đại học hoặc Cao đẳng thì không thực tế lắm. Vì vậy, người lãnh đạo chỉ cần có những hiểu biết cơ bản, cốt lõi nhất về CNTT, và quan trong là phải có tầm nhìn, cũng như thấy được vai trò quan trọng, tất yếu của CNTT trong cơ quan tổ chức mình, và biết dựa vào những ý kiến tham mưu của các đơn vị chức năng, các chuyên gia để thúc đẩy việc ứng dụng CNTT. 

- Có ý kiến cho rằng, cốt lõi của việc xây dựng chính phủ điện tử là cải cách hành chính, vậy có thể hiểu việc cải cách hành chính là tiền đề hay là mục tiêu hướng tới của chính phủ điện tử thưa ông?

Trả lời:
 Cải cách hành chính và chính phủ điện tử phải đi song hành với nhau.
Trước đây, vào năm 2005, Bộ BCVT, nay là Bộ TT&TT, trong quá trình xây dựng Luật CNTT, đã có 2 luồng ý kiến khác nhau. Luồng ý kiến thứ nhất cho rằng cải cách hành chính phải đi trước làm tiền đề cho việc ứng dụng CNTT. Nếu làm được như vậy thì rất tốt, giúp cho công tác ứng dụng CNTT dễ dàng, hiệu quả. Tuy nhiên, cải cách hành chính là một quá trình liên tục, không có điểm dừng. Vì vậy nếu tuân thủ theo luồng ý kiến thứ nhất chúng ta sẽ không xác định được thời điểm triển khai ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước, không tận dụng được tiện ích mà CNTT mang lại ở thời điểm hiện tại. 
Luồng ý kiến thứ hai cho rằng ứng dụng CNTT phải đi trước một bước, thúc đẩy cải cách hành chính.
Vì vậy, Luật CNTT cũng đã có quy định sao cho việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước phải thúc đẩy chương trình đổi mới hoạt động của cơ quan nhà nước và chương trình cải cách hành chính.

- Hiện nay, việc triển khai chính phủ điện tử có những thuận lợi và khó khăn gì thưa ông?

Trả lời:
Hiện nay, việc triển khai chính phủ điện tử có khá nhiều thuận lợi. Có thể kể ra như: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quyết tâm và chỉ đạo hết sức quyết liệt. Trong phần trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội gần đây, Thủ tướng đã khẳng định lại điều này; sự quan tâm ủng hộ của đông đảo người dân và xã hội, mà buổi Đối thoại hôm nay là một minh chứng; hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước liên quan đến việc triển khai chính phủ điện tử đã tương đối đầy đủ, từ Luật CNTT, Luật Giao dịch điện tử, và các văn bản hướng dẫn liên quan khác; kinh nghiệm thành công và thất bại từ quá khứ để chúng ta có thể đề ra những bước đi phù hợp hơn. Về cơ cấu tổ chức, hiện nay chúng ta có hệ thống các đơn vị chuyên trách về CNTT ở các Bộ, ngành, địa phương. Hạ tầng CNTT-TT của chúng ta trong những năm vừa qua cũng phát triển nhanh, cơ bản đáp ứng được nhu cầu sử dụng 
Bên cạnh đó còn rất nhiều khó khăn. Một số khó khăn chính là: trình độ sử dụng CNTT của người dân, của công chức còn chưa cao; hạ tầng truyền thông cũng vẫn còn tồn tại những bất cập nhỏ; nguồn lực, tài chính của chúng ta có hạn. Một số các quy định về quản lý tài chính vẫn còn chưa thực sự phù hợp.  Gần đây, Chính phủ ban hành Nghị định 102 về quản lý dự án đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước nhưng tôi cũng chỉ hy vọng là tháo gỡ được một phần, chứ không phải tất cả các khó khăn, vướng mắc.
Ngoài ra, tôi cho rằng khó khăn lớn nhất là việc thay đổi thói quen làm việc từ cách làm việc truyền thống sang cách làm việc trên môi trường điện tử, không giấy tờ.

- Chính phủ điện tử hướng tới một nền hành chính gọn nhẹ, đơn giản, điều đó sẽ đồng nghĩa với việc một số lượng đáng kể nhân lực hành chính nhà nước sẽ bị cắt giảm. Các nhà quản lý đã tính tới điều này chưa và phương án nào để giải quyết lượng nhân lực dư thừa này?

Trả lời:
 Như đã nói ở trên, triển khai chính phủ điện tử là một tiến trình lâu dài, và các bước đi phải từ từ, phù hợp và phải đều có kế hoạch trước khi triển khai cụ thể. Thực tế cho thấy là Hàn Quốc hay Singapore đã bắt đầu các chương trình ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan Chính phủ từ thập kỷ 80, đến nay đã được gần 30 năm, và hiện vẫn đang tiếp tục thực hiện tiến trình xây dựng và phát triển chính phủ điện tử của mình. 
 Tôi cũng muốn nêu một ví dụ so sánh là việc triển khai chính phủ điện tử khác với việc đưa một dây chuyền máy móc thiết bị mới vào hoạt động. Triển khai chính phủ điện tử là một tiến trình từ từ nên các cán bộ, công chức nếu có thái độ tích cực thì sẽ có được sự thích ứng phù hợp. 
  Qua tìm hiểu kinh nghiệm quốc tế, chúng tôi cũng không thấy có tình trạng “một số lượng đáng kể kể nhân lực hành chính nhà nước sẽ bị cắt giảm” như bạn lo ngại.

– Thưa Thứ trưởng, tôi có vừa theo dõi phóng sự của Đài truyền hình, thì thấy có nêu lên một hiện tượng hết sức khó hiểu, khó hiểu nhưng dường như lại không phải là hi hữu, đó là sự trùng lặp số chứng minh thư nhân dân của công dân. Thứ trưởng có thể giải thích tại sao lại có thể xảy ra chuyện như vậy? Cứ cho là cách xử lý và quản lý hồ sơ và văn bản theo cách thức truyền thống có nhiều bất cập, thì cũng phải có tính hệ thống nhất định về việc lập sổ sách giấy tờ và đăng ký nhận dạng cá nhân. Vậy làm sao có thể xảy ra hiện tượng đó được? Và tại sao cơ quan hải quan (hoặc thuế) (cái này tuỳ theo phóng sự làm cụ thể về cơ quan nào) phát hiện ra sự trùng lặp số chứng minh nhân dân?

img

Trả lời:
 Đúng như bạn nói, cho đến nay, việc cấp giấy Chứng minh nhân dân, theo tôi biết, vẫn chưa được ứng dụng CNTT ở mức độ cao. Vì vậy, đa số các công đoạn vẫn làm theo cách thủ công, dẫn đến, việc trùng lặp, sai sót là khó có thể tránh khỏi.
 Việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT sẽ góp phần hạn chế bớt các sai sót này, và có thể cảnh báo, chỉnh sửa kịp thời các sai sót cho phù hợp.
 Tất nhiên, việc ứng dụng CNTT khó có thể nói là tuyệt đối không có sai sót, vì các hệ thống ứng dụng CNTT đều do con người tạo ra và việc triển khai thực tế vẫn cần sự tham gia cụ thể của con người. Tuy nhiên, nhờ CNTT, tôi nghĩ có thể hạn chế các sai sót nêu trên, và nếu có sai sót thì cũng dễ dàng tìm được biện pháp khắc phục.  

- Một trong những ứng dụng của công nghệ thông tin phục vụ mục tiêu chính phủ điện tử là giúp cho cơ quan chính quyền trong tương lai có thể tổ chức họp hành, hội nghị trực tuyến, qua mạng Internet. Vậy thì liệu các hình thức họp truyền thống có còn được duy trì nữa không? Bao giờ thì sẽ triệt tiêu toàn bộ hình thức họp cổ điển này?

Trả lời:
Đúng là trong thời gian vừa qua đã có nhiều cuộc họp trực tuyến qua môi trường mạngj. Tuy nhiên, theo tôi, nó chỉ cung cấp cho chúng ta thêm một cách thức làm việc, giúp tăng hiệu quả và giảm chi phí, ví dụ là các cuộc họp chỉ đạo, phổ biến, tuyên truyền, vận động …. Nhưng tôi nghĩ là hình thức họp trực tuyến khó có thể thay thế hoàn toàn hình thức họp truyền thống, vì nhu cầu gặp gỡ, trao đổi và giao tiếp một cách trực diện theo cách truyền thống luôn là một nhu cầu rất tự nhiên và cơ bản của con người.
Vì vậy, tôi nghĩ, cả 2 hình thức họp sẽ vẫn cùng tồn tại và bổ trợ cho nhau để mang lại hiệu quả tối ưu nhất về nội dung cũng như chi phí tổ chức.

- Thứ trưởng có thể cho biết bao giờ những người dân như chúng tôi mới có tấm chứng minh thư điện tử và có một id duy nhất để phục vụ cho mọi hoạt động của cá nhân trong cuộc sống? Tôi nghĩ chứng nào chúng ta chưa làm được điều này, chính phủ điện tử vẫn là một khái niệm xa vời với người dân ở Việt Nam.

Trả lời:
 Tôi nghĩ chúng ta nên tìm cách tiếp cận chính phủ điện tử theo một cách đơn giản, và thực sự là chúng ta đang có những hoạt động hướng tới xây dựng chính phủ điện tử như đã nói ở đầu chương trình.
Tất nhiên, tôi cũng chia sẻ với ý kiến của bạn. Về vấn đề bạn nêu, Chính phủ đã có nhận thức rõ về điều này, và hiện đang có kế hoạch xây dựng các dự án xây dựng hệ thống cấp CMND điện tử cũng như hộ chiếu điện tử. Chúng tôi hy vọng đến năm 2015, chúng ta sẽ hình thành được CSDL về công dân và cấp được CMTND điện tử như bạn mong muốn.
 
- Khung pháp lý cho việc triển khai CPĐT ở Việt Nam hiện khá đầy đủ so với những năm trước với Luật CNTT, các Nghị định về đầu tư ứng dụng CNTT, … thể hiện được quyết tâm của Chính phủ. Tuy nhiên, chúng ta vẫn thấy sự manh mún, quyết tâm chính trị chưa đủ mạnh, mục tiêu chưa rõ ràng. Vậy có phải chúng ta đang thiếu một nhạc trưởng hay vai trò của nhạc trưởng còn yếu trong vấn đề này?

Trả lời:
Về việc này, tôi hy vọng, chờ một thời gian nữa sẽ có một số kết quả ứng dụng CNTT theo những định hướng mới đây của Bộ TT&TT – cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ về việc thúc đẩy ứng dụng CNTT, hướng tới phát triển Chính phủ điện tử tại Việt Nam.
Còn nhạc trưởng có xứng đáng hay không thì quyền đánh giá của mỗi người. Chúng tôi hy vọng tất cả mọi người dân cũng như các cơ quan nhà nước đều tham gia vào tiến trình này, và mỗi tổ chức, cá nhân cùng tham gia phát huy một phần vai trò của vị nhạc trưởng này để cùng nhau xây dựng chính phủ điện tử. Chúng ta chỉ có thể phát triển chính phủ điện tử thành công nếu chúng ta coi đây không chỉ là trách nhiệm của Bộ TT&TT mà là trách nhiệm chung của toàn xã hội.

img- Thưa thứ trưởng, theo tôi hiểu thì dự án chính phủ điện tử là một dự án lớn, và sẽ đòi hỏi một nguồn nhân lực công nghệ thông tin tương xứng để phục vụ mục tiêu này. Vậy thì nhà nước đã có kế hoạch gì để lựa chọn và tuyển mộ những nhân sự công nghệ thôgn tin xứng đáng làm việc cho cơ quan nhà nước? Làm sao để các sinh viên hay kỹ sư công nghệ thông tin chúng tôi có thể được lựa chọn để làm việc cho cơ quan nhà nước?

Trả lời:
 Nhân lực luôn là vấn đề quyết định sự thành công của tất cả công việc. Vì vậy, nhân lực phục vụ trong lĩnh vực công nghệ thông tin là hết sức cần thiết. Các cơ quan nhà nước đang nghiên cứu để có những đãi ngộ nhất định để tạo điều kiện để thu hút các kỹ sư, các cán bộ CNTT vào làm việc.
Các cơ quan nhà nước cũng thường công khai chỉ tiêu tuyển dụng trên các phương tiện thông tin đại chúng, mà trong đó có một phương tiện phổ biến các bạn trẻ có theo dõi như website.
Nếu bạn trẻ có nguyện vọng làm việc trong cơ quan nhà nước thì có thể xem thông tin trên website của các cơ quan nhà nước đó để tham gia dự tuyển. Riêng Bộ TT&TT một đơn vị chuyên trách về CNTT trong cơ quan Bộ và một Cục ƯDCNTT sẵn sàng tiếp nhận những người có nguyện vọng vào làm việc tại Bộ. Nếu các bạn trẻ có nguyện vọng làm việc trong Bộ có thể tìm hiểu thông tin tại mục Thông tin tuyển dụng trên websie của Bộ. 

BBT: Xin cảm ơn sự có mặt của Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng, sự quan tâm  của khán giả Đài truyền hình Kỹ thuật số VTC, độc giả VTC News, VietNamNet, ICT News, http://mic.gov.vn tới nội dung buổi đối thoại trực tuyến ngày hôm nay. Xin cảm ơn VTC và sự giúp đỡ nhiệt tình của đồng nghiệp để chúng tôi thực hiện thành công buổi đối thoại trực tuyến ngày hôm nay.

banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Top