Bão số 4 đổ bộ vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới

(Mic.gov.vn) - Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, hồi 16 giờ ngày 12/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,8 độ Vĩ Bắc; 107,8 độ Kinh Đông, cách bờ biển Quảng Ninh - Hải Phòng khoảng 70 km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km một giờ), giật cấp 10. Chiều và tối ngày 12/7 vùng tâm bão số 4 đi vào địa phận các tỉnh Quảng Ninh-Nam Định và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, hồi 16 giờ ngày 12/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,8 độ Vĩ Bắc; 107,8 độ Kinh Đông, cách bờ biển Quảng Ninh - Hải Phòng khoảng 70 km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km một giờ), giật cấp 10. Chiều và tối ngày 12/7 vùng tâm bão số 4 đi vào địa phận các tỉnh Quảng Ninh-Nam Định và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

Dự báo trong 12 giờ tới, bão số 4 di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25km, ảnh hưởng trực tiếp đến vùng biển vịnh Bắc Bộ và các tỉnh ven biển phía Đông Bắc Bộ.

Hiện nay, trên vùng biển ngoài khơi phía Đông Bắc đảo Lu-dông (Philippin), một áp thấp nhiệt đới đang hoạt động. Hồi 7 giờ ngày 12/7, vị trí áp thấp ở vào khoảng 19 độ vĩ Bắc, 127 độ kinh Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 và có xu hướng di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc với tốc độ khoảng 15 – 20 km một giờ.

Theo Công điện, chiều 11/7, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì cuộc họp khẩn với Ban Chỉ đạo PCLB Trung ương để chỉ đạo công tác ứng phó với bão số 4.

Phó Thủ tướng chỉ đạo: Đối với các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa, cấm tàu thuyền ra khơi, hướng dẫn tàu thuyền, lồng bè về nơi trú tránh an toàn, sắp xếp neo đậu tránh va đập gây đắm tàu, từ sáng 12/7 không để người ở trên các tàu thuyền và lồng bè (kể cả tàu thuyền du lịch); Chuẩn bị chằng chống nhà cửa, đảm bảo an toàn hàng hóa và các thiết bị trên các bến cảng; Sơ tán dân ra khỏi các nhà không đảm bảo an toàn trước khi bão đổ bộ.

Đối với các tỉnh miền núi phía Bắc: Kiểm tra, rà soát các khu dân cư đang sống ở các vùng trũng, thấp, vùng ven sông suối và vùng có nguy cơ xẩy ra lũ quét, sạt lở sẵn sàng phương án sơ tán đảm bảo an toàn cho người và tài sản; Kiểm tra và sẵn sàng các phương án đảm bảo an toàn hồ chứa nước; Chỉ đạo chuẩn bị và thông báo cho nhân dân các khu vực có khả năng bị chia cắt do mưa lũ chuẩn bị dự trữ lương thực và nhu yếu phẩm thiết yếu theo phương châm 4 tại chỗ.

Phó Thủ tướng cũng giao: Bộ Giao thông vận tải bố trí các trang thiết bị và nhân lực tại các tuyến đường xung yếu khu vực miền núi để chủ động xử lý, ứng cứu giao thông; đảm bảo an toàn hàng hóa và trang thiết bị trên các bến cảng; Bộ Công thương thường trực và đảm bảo an toàn cho các hồ chứa thủy điện, đảm bảo an toàn các khu khai thác khoáng sản và chuẩn bị các nhu yếu phẩm cần thiết để cung ứng kịp thời cho các vùng bị thiên tai; Bộ Quốc phòng chỉ đạo các lực lượng để thực hiện việc cấm biển và hướng dẫn, kêu gọi, sắp xếp tầu thuyền; chuẩn bị các lực lượng thường trực để sẵn sàng cứu hộ cứu nạn.

Bộ NN&PTNT chỉ đạo các lực lượng của Bộ phối hợp với các địa phương và lực lượng bộ đội biên phòng hướng dẫn sắp xếp tầu thuyền, lồng bè đảm bảo an toàn; chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn các hồ chứa thủy lợi; Bộ TN&MT chỉ đạo cập nhật thông tin dự báo kịp thời diễn biến của bão để thông báo cho các địa phương và các cơ quan liên quan để chủ động phòng tránh.

Ban chỉ huy PCLB và TKCN các Bộ ngành và địa phương thường trực nghiêm túc tổng hợp tình hình báo cáo về Ban Chỉ đạo PCLB Trung ương - Ủy ban quốc gia TKCN.

BBT

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT( 0)